Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U xương là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị u xương

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khối u xương hình thành khi các tế bào xương phát triển không kiểm soát, tạo thành một khối mô bất thường. Hầu hết u xương đều lành tính (không phải ung thư). Các khối u xương lành tính thường không gây nguy hiểm đến tính mạng và thường sẽ không lây lan sang các vi trí khác của cơ thể. Tùy thuộc vào loại khối u mà có các phương pháp điều trị từ theo dõi đơn giản đến phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Trong một số trường hợp u xương là ác tính (ung thư). Các khối u xương ác tính có thể di căn hoặc gieo rắc những tế bào ung thư lan rộng khắp cơ thể. Đa số các trường hợp điều trị u xương ác tính bằng cách kết hợp giữa hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U xương là gì?

Khi các tế bào phân chia bất thường và không kiểm soát được, chúng có thể tạo thành một khối u. Khi khối u xương phát triển, mô bất thường có thể xâm lấn các mô khỏe mạnh. Các khối u xương có thể ác tính hoặc lành tính.

Mặc dù các khối u xương lành tính (không phải là ung thư) thường tồn tại tại chỗ và khó có thể gây tử vong nhưng chúng vẫn là những tế bào bất thường và có thể cần phải điều trị. Các khối u lành tính có thể phát triển và có thể chèn ép các mô xương khỏe mạnh gây ra các vấn đề sức khỏe trong tương lai.

U xương ác tính là ung thư. Các khối u xương ác tính có thể khiến ung thư di căn rộng khắp cơ thể.

Các loại u xương lành tính, như:

  • U xương sụn (Osteochondroma);
  • U xơ không cốt hóa (Nonossifying fibroma unicameral);
  • U xương tế bào khổng lồ (Giant cell tumors);
  • U sụn trung tâm (Enchondroma);
  • Loạn sản xơ xương (Fibrous dysplasia);
  • Nang xương phình mạch.

Các loại u xương ác tính, như:

  • Sarcoma xương (Osteosarcoma);
  • Khối u sarcoma Ewing (ESFTs);
  • Sarcoma sụn (Chondrosarcoma);
  • Ung thư xương thứ phát;
  • Bệnh đa u tủy.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u xương

Các triệu chứng của u xương có thể bao gồm:

  • Gãy xương, đặc biệt là chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy xương;
  • Đau xương, có thể nặng hơn vào ban đêm;
  • Thỉnh thoảng có thể cảm thấy một khối sưng.

Một số u xương lành tính không có triệu chứng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh u xương

Các biến chứng có thể xảy ra do khối u hoặc do điều trị, bao gồm:

  • Đau;
  • Giảm chức năng, tùy thuộc vào loại và vị trí u xương;
  • Tác dụng phụ của hóa trị;
  • U xương ác tính di căn đến các mô khác.
U xương là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị u xương 4
U xương có thể gây đau và giảm chức năng của người bệnh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của u xương xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn. Điều trị u xương sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u xương

Nguyên nhân của u xương không rõ. Chúng thường xảy ra ở những khu vực xương tăng trưởng nhanh chóng. Nguyên nhân có thể bao gồm:

Trong hầu hết các trường hợp, không có nguyên nhân cụ thể được tìm thấy. U xương sụn là loại u xương lành tính thường gặp nhất. Chúng thường xảy ra nhất ở những người trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 20.

Ung thư khởi phát từ xương được gọi là ung thư xương nguyên phát. Ung thư xương do khối u bắt đầu ở một bộ phận khác của cơ thể (như vú, phổi, thận, tuyến tiền liệt, tuyến giáp hoặc đại tràng) được gọi là ung thư xương thứ phát (di căn). Chúng có tính chất rất khác so với các ung thư xương nguyên phát.

U xương là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị u xương 5
Tiếp xúc với bức xạ liều cao có thể gây u xương

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải u xương?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh u xương.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u xương

Hiện nay, chưa có tài liệu đề cập đến yếu tố nguy cơ của u xương lành tính. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xương ác tính, như:

  • Tiền căn gia đình mắc một số bệnh di truyền hoặc ung thư hiếm gặp: Một số ít bệnh ung thư xương dường như có liên quan đến các bệnh di truyền. Ví dụ, những người mắc hội chứng Li-Fraumeni có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương. Trẻ em mắc dạng ung thư mắt di truyền được gọi là u nguyên bào võng mạc cũng có nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm.
  • Đã từng xạ trị hoặc hóa trị trước đây để điều trị một bệnh ung thư khác: Tiếp xúc với bức xạ làm tăng nguy cơ ung thư xương nguyên phát. Điều này hiếm gặp nhưng việc điều trị bằng một số loại hóa trị khi còn trẻ có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh ung thư xương sau này.
  • Bệnh Paget xương: Bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến những người từ 50 tuổi trở lên. Nó khiến mô xương bất thường được hình thành dẫn đến xương giòn, dày, yếu và dễ gãy. Đây không phải là ung thư nhưng có thể dẫn đến ung thư xương trong một số rất ít trường hợp.
  • Một số loại u xương hoặc sụn: Một số loại u xương hoặc sụn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương.
  • Ghép tủy xương: Trong một số trường hợp việc ghép tủy xương có liên quan đến việc phát triển bệnh ung thư xương.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u xương

Gãy xương, viêm nhiễm và các tình trạng bệnh khác có thể giống với u xương. Để chắc chắn bạn mắc bệnh u xương, bác sĩ có thể yêu cầu nhiều xét nghiệm khác nhau.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám sức khỏe, kiểm tra mật độ xương và biên độ vận động của bạn. Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn những câu hỏi về tiền căn bệnh của bạn và gia đình.

Xét nghiệm máu và nước tiểu:

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm mẫu máu hoặc nước tiểu để tìm kiếm sự hiện diện của tế bào ung thư hoặc các vấn đề về bệnh khác.

Xét nghiệm phosphatase kiềm:

Là một xét nghiệm phổ biến mà các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán u xương. Khi mô xương của bạn tăng sinh tích cực, một lượng lớn enzyme này sẽ xuất hiện trong máu. Xét nghiệm này đáng tin cậy hơn ở những người trưởng thành (khi xương ngừng phát triển tự nhiên).

Hình ảnh học:

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu chụp X-quang để xác định kích thước và vị trí chính xác của u xương. Tùy thuộc vào kết quả chụp X-quang mà các xét nghiệm hình ảnh khác có thể được đề nghị thêm, như chụp CT scan, chụp MRI, PET (chụp cắt lớp phát xạ positron), chụp cắt lớp mạch máu,…

Sinh thiết:

Trong xét nghiệm này, một mẫu mô ở vị trí khối u sẽ được lấy đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi. Các loại sinh thiết chính là sinh thiết bằng kim và sinh thiết qua phẫu thuật cắt bỏ. Sinh thiết xương là rất quan trọng để đưa ra chẩn đoán xác định tình trạng bệnh.

U xương là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị u xương 6
Sinh thiết xương giúp chẩn đoán u xương

Phương pháp điều trị u xương hiệu quả

Một số u xương lành tính sẽ tự biến mất và không cần điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng của bạn. Có thể sẽ cần làm các xét nghiệm hình ảnh học định kỳ, chẳng hạn như chụp X-quang, để xem khối u co lại hay tiếp tục phát triển.

Phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ khối u trong một số trường hợp.

Điều trị ung thư xương thứ phát (di căn từ các bộ phận khác của cơ thể) phụ thuộc vào nơi mà ung thư khởi phát. Liệu pháp xạ trị có thể được đưa ra để ngăn ngừa gãy xương hoặc giảm đau. Hóa trị có thể được sử dụng hoặc cần phải phẫu thuật hoặc kết hợp các liệu pháp.

Ung thư xương nguyên phát là rất hiếm. Sau khi có kết quả sinh thiết, thường sẽ điều trị bằng cách kết hợp giữa hóa trị và phẫu thuật. Liệu pháp xạ trị có thể sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u xương

Chế độ sinh hoạt:

Đối với người bệnh u xương, chế độ sinh hoạt và lối sống lành mạnh có thể giúp hỗ trợ quản lý tình trạng và tăng cường sức khỏe xương. Dưới đây là một số khuyến cáo về chế độ sinh hoạt cho người bệnh u xương:

  • Tăng cường vận động: Tập thể dục rất quan trọng để duy trì sức khỏe xương. Bạn có thể lựa chọn các hoạt động như đi bộ, chạy nhẹ, bơi lội hoặc tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức mạnh và mật độ xương.
  • Tránh hút thuốc lá và hạn chế thức uống chứa cồn: Hút thuốc lá và tiêu thụ quá nhiều cồn có thể gây tổn thương cho xương và làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xương.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng lành mạnh có thể giảm tải trong lên xương và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Hạn chế tiếp xúc với thuốc corticosteroid: Thuốc corticosteroid có thể làm giảm mật độ xương, vì vậy hạn chế sử dụng lâu dài và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý rằng điều quan trọng nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ sinh hoạt cá nhân. Họ sẽ có thể cung cấp hướng dẫn và lời khuyên tốt nhất dựa trên tình trạng sức khỏe và yêu cầu riêng của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh u xương có thể hưởng lợi từ một chế độ dinh dưỡng cân đối và giàu canxi. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh u xương:

  • Canxi: Canxi là thành phần quan trọng của xương, vì vậy việc cung cấp đủ canxi trong chế độ ăn là rất quan trọng. Các nguồn canxi tốt bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa không béo như cá hồi, hạt chia, hạt óc chó, các loại rau xanh như rau cải xoăn và cải bắp.
  • Vitamin D: Vitamin D hỗ trợ hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe xương. Bạn có thể tăng cung cấp vitamin D bằng cách bổ sung từ thực phẩm như cá hồi, trứng, nấm hoặc từ các sản phẩm bổ sung.
  • Protein: Protein là thành phần cần thiết để xây dựng và duy trì sức khỏe xương. Hãy chọn các nguồn protein chất lượng như thịt gà, thịt bò, cá, trứng, đậu và các sản phẩm từ đậu như đậu nành và đậu phụ.
  • Chất xơ: Muốn duy trì sức khỏe xương tốt, hãy tăng cường tiêu thụ chất xơ từ các nguồn như rau xanh, quả, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.
  • Khoáng chất khác: Ngoài canxi, các khoáng chất khác như magiê, kẽm và kali cũng quan trọng cho sức khỏe xương. Các nguồn khoáng chất này có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như hạt, quả hạch và rau xanh.
  • Hạn chế muối và caffeine: Tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm mất canxi từ xương. Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều muối như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh và một số loại gia vị. Caffeine cũng có thể ảnh hưởng đến hấp thụ canxi, vì vậy hạn chế tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine như cà phê và nước ngọt có ga.
  • Đủ nước: Uống đủ nước trong suốt ngày để đảm bảo cơ thể được cân bằng và hỗ trợ chức năng xương.

Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn tốt nhất dựa trên tình trạng sức khỏe và yêu cầu cụ thể của bạn.

U xương là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị u xương 7
Bổ sung canxi để duy trì sức khỏe xương

Phương pháp phòng ngừa u xương hiệu quả

Phòng ngừa u xương là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương. Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa u xương mà bạn có thể áp dụng:

  • Cung cấp đủ canxi và vitamin D;
  • Tăng cường vận động;
  • Áp dụng chế độ uống ăn lành mạnh;
  • Hạn chế tiếp xúc với thuốc corticosteroid;
  • Tránh hút thuốc lá và hạn chế thức uống chứa cồn;
  • Kiểm soát cân nặng;
  • Khám sức khỏe định kỳ;
  • Tránh nguy cơ ngã.

Lưu ý rằng việc phòng ngừa u xương có thể khác nhau tùy thuộc vào yếu tố cá nhân và yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Nguồn tham khảo
  1. Bone tumor: https://medlineplus.gov/ency/article/001230.htm
  2. Bone Tumors: https://www.healthline.com/health/bone-tumors
  3. Bone Tumor: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/bone-tumor/
  4. Primary Bone Cancer: Risk Factors: https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=34&contentid=24885-1
  5. Bone cancer: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bone-cancer/symptoms-causes/syc-20350217

Các bệnh liên quan

  1. Cứng khớp

  2. Thoái hóa khớp

  3. Viêm cột sống dính khớp

  4. Đau bắp chân

  5. Viêm khớp tay

  6. Co rút Dupuytren

  7. Viêm khớp cổ chân

  8. Viêm khớp đốt sống

  9. Thoái hóa đa khớp

  10. Đau cổ tay sau sinh