Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng mông chết: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng mông chết là tên của một hội chứng nghe vừa mới mẻ, vừa hài hước. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể của một người “quên” cách kích hoạt co cơ mông do ngồi trong một thời gian dài. Bài viết này cung cấp một số thông tin về hội chứng mông chết - một hội chứng thường xuyên xuất hiện ở giới văn phòng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vai trò của cơ mông

Nhóm cơ mông gồm ba cơ là cơ mông lớn, cơ mông nhỏ và cơ mông nhỏ:

  • Cơ mông lớn (gluteus maximus): Có nguyên ủy từ mào chậu, mặt sau xương cùng và dây chằng cùng ụ ngồi, bám tận tại ngành ngoài đường ráp xương đùi. Cơ mông lớn có chức năng dạng và duỗi đùi.
  • Cơ mông nhỡ (gluteus medius): Có nguyên ủy từ ¾ trước mào chậu, bám tận tại mấu chuyển lớn xương đùi. Cơ mông nhỡ có chức năng dạng đùi, xoay trong và xoay ngoài đùi, nghiêng chậu hông.
  • Cơ mông nhỏ (gluteus minimus): Có nguyên ủy từ mặt ngoài xương cánh chậu, bám tận tại bờ trước mấu chuyển lớn xương đùi. Cơ mông nhỏ có chức năng tương tự cơ mông nhỡ.
  • Ngoài ra ở lớp sâu của vùng mông còn có các cơ chậu hông - mấu chuyển như cơ hình lê, cơ bịt trong, cơ sinh đôi trên và dưới, cơ bịt ngoài và cơ vuông đùi.

Hội chứng mông chết là gì?

Hội chứng mông chết (dead butt syndrome) hay còn gọi là hội chứng võng lưng (lower cross syndrome), mất trí nhớ cơ mông (gluteal amnesia) hoặc viêm gân cơ mông (gluteus medius tendinosis) xảy ra khi cơ mông bị mất hoặc giảm chức năng vận động do không sử dụng trong một khoảng thời gian dài. Hội chứng bệnh này khiến mông quên mục đích chính của nó là hỗ trợ xương chậu để giúp bạn đứng và đi. Khi bệnh tiến triển có thể ảnh hưởng đến cả vùng hông và lưng của bạn. 

Triệu chứng

Triệu chứng của hội chứng mông chết

Một số triệu chứng của hội chứng mông chết bao gồm:

  • , dị cảm như kiến bò trên da;
  • Căng cứng cơ ở vùng hông lưng và đùi;
  • Đau vùng thắt lưng hông, cơn đau có thể lan xuống đùi và gối, dễ nhầm lẫn với đau thần kinh tọa;
  • Đau khi nằm nghiêng về phía vùng cơ mông bị tổn thương;
  • Sưng đỏ vùng mông bị ảnh hưởng nếu có kèm viêm bao hoạt dịch khớp hông;
  • Yếu cơ khi đi lại, nâng cao đùi, gập đùi vào thân mình;

Bạn có thể tự kiểm tra xem mình có mắc hội chứng mông chết không bằng cách thực hiện động tác sau:

  • Bạn đứng thẳng, một chân giơ về phía trước và gập gối nhẹ. Nhờ một người khác quan sát phía sau lưng bạn, nếu thấy nếp lằn mông của chân đang co thấp hơn chân còn lại thì có thể bạn đang có tình trạng giãn dài cơ mông nhỡ hoặc sai khớp hông do co cơ thắt lưng chậu. Động tác này còn được gọi là dấu hiệu Trendelenburg.
  • Bạn đứng nghiêng, hai tay buông xuôi theo thân người. Nhờ một người khác quan sát đường cong cột sống của bạn. Cột sống sinh lý sẽ cong chữ S tự nhiên, nhưng nếu vùng cột sống thắt lưng bị cong quá mức, có thể bạn đang gặp tình trạng ưỡn cột sống thắt lưng do cơ thắt lưng chậu co cứng.
Hội chứng mông chết: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa 2
Dấu hiệu Trendelenburg

Biến chứng của hội chứng mông chết

Nếu hội chứng mông chết kéo dài, không được phát hiện và điều chỉnh, tình trạng bệnh sẽ kích hoạt một số rối loạn cơ xương khớp khác ở vùng lưng - hông - chân phát triển như:

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng;
  • Hội chứng Patellofemoral (hội chứng đau xương bánh chè - đùi);
  • Hội chứng dải chậu chày;
  • Hội chứng Piriformis (hội chứng cơ hình lê).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất kì triệu chứng nào được nêu trên, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra. Chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh hạn chế diễn tiến và giúp bạn mua phục hồi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng mông chết

Với lối sống hiện nay, một người trưởng thành trung bình chỉ vận động trong 36% thời gian mà họ thức. Điều này phần lớn xuất phát từ công việc bàn giấy, hầu như không cần vận động thể chất.

Hội chứng mông chết xảy ra do cơ mông không được kích hoạt, đặc biệt là cơ mông nhỡ. Ngồi quá nhiều sẽ khiến cơ mông bị giãn dài và co cứng cơ gấp hông (cơ thắt lưng chậu), dẫn đến sự tổn thương tổn thể của các cơ.

Nếu cơ thắt lưng chậu của bạn không giãn dài trong lúc bạn đi bộ với tốc độ nhanh cũng có thể gây hội chứng mông chết.

Hội chứng mông chết: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa 4
Ngồi trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây bệnh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng mông chết?

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng mông chết như:

  • Người lao động làm những công việc có thời gian ngồi lâu, ít đi lại như nhân viên văn phòng, công nhân may, công nhân chế biến thực phẩm, điện thoại viên, tài xế,...
  • Người lớn trên 40 tuổi cũng dễ mắc hội chứng mông chết do xu hướng hoạt động dựa vào sự bù trừ của cơ bắp hơn xương khớp.
  • Vận động viên chạy marathon, vũ công ba lê hoặc những người tập luyện thể hình thường xuyên vận động nhóm cơ đùi ở cường độ cao và quên tập luyện cho vùng cơ mông.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng mông chết

Nếu bạn đang có các triệu chứng của hội chứng mông chết, đặc biệt là khi đi bộ, leo cầu thang hoặc tập luyện thể thao, bạn hãy đến khám tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa cơ xương khớp.

Các bác sĩ chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, các yếu tố nguy cơ và thăm khám triệu chứng thực thể để chẩn đoán bệnh và lên chiến lược điều trị thích hợp cho bạn.

Một số cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh sẽ được bác sĩ chỉ định như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để loại trừ các rối loạn cơ xương khớp tiềm ẩn khác có triệu chứng tương tự hội chứng mông chết.

Phương pháp điều trị hội chứng mông chết hiệu quả

Điều trị hiệu quả hội chứng mông chết đòi hỏi sự phối hợp giữa bác sĩ và người bệnh để loại trừ nguyên nhân gây bệnh, cải thiện triệu chứng khả năng hoạt động của cơ thể. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn tuân thủ điều trị theo phương pháp RICE, gồm các bước như sau:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Thư giãn các cơ vùng mông, thắt lưng và đùi để giảm sự co cứng và giãn dài quá mức của các nhóm cơ đối vận.
  • Chườm lạnh (Ice): Giảm đau và sưng bằng phương pháp chườm lạnh lên vùng ảnh hưởng. Lưu ý sử dụng khăn, vải hoặc túi chườm để tránh đá trực tiếp làm bỏng lạnh da.
  • Cố định (Compression): Sử dụng đai lưng, các dụng cụ hỗ trợ lưng, mông, chân khi hoạt động theo ý kiến của bác sĩ.
  • Nâng cao chân (Elevation): Bạn nằm ngửa, thẳng chân và nâng cao từng chân để các cơ vùng lưng, mông và chân được vận động và thư giãn.

Với những trường hợp kém hoặc không đáp ứng với các phương pháp trên, bác sĩ có thể đưa ra các liệu pháp điều trị kết hợp như sau:

  • Sử dụng các thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen,... để cải thiện triệu chứng của hội chứng mông chết.
  • Nếu tổn thương kéo dài, tình trạng viêm gân cơ mông trầm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để chữa lành các mô mềm bị tổn thương. Liệu pháp này sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu được trích ly từ máu của bạn.
  • Một số liệu pháp không dùng thuốc có thể được sử dụng bao gồm châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, siêu âm sóng ngắn,... Các phương pháp này có tác dụng giảm đau, giãn cơ với hiệu quả cao.
Hội chứng mông chết: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa 5
Châm cứu giúp giảm đau và giãn cơ

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Các bài tập cải thiện hội chứng mông chết

Một số bài tập đơn giản giúp bạn phòng ngừa hội chứng mông chết hoặc cái thiện bệnh là:

Cầu cơ mông

  • Tư thế chuẩn bị: Nằm ngửa, hai tay sát thân mình, bàn tay úp. Đầu gối co, hai bàn chân chạm đất.
  • Thực hiện: Siết chặt cơ mông và cơ đùi sau để nâng lưng và mông khỏi sàn. Chú ý giữ thẳng trục từ vai đến đầu gối, giữ trong vài giây tùy vào sức. Sau đó hạ từ từ lưng và mông xuống.
  • Chú ý: Siết chặt cơ mông để không ảnh hưởng đến vùng thắt lưng.
Hội chứng mông chết: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa 6
Động tác cầu cơ mông

Nâng chân nằm nghiêng

  • Tư thế chuẩn bị: Nằm nghiêng về bên phải. Đầu tựa lên cánh tay
  • Thực hiện: Nâng chân trái sau cho độ rộng giữa 2 chân bằng vai, ngón chân hướng về phía trước, giữ trong vài giây tùy vào sức. Thực hiện tương tự với chân còn lại, mỗi hiệp 15 đến 20 lần. Khi đã tập quen, bạn có thể sử dụng dây băng để tạo thêm kháng lực cho bài tập.
  • Chú ý: Giữ thẳng chân của bạn khi nâng chân để bài tập đạt hiệu quả tốt.

Nâng mông Donkey Kicks

  • Tư thế chuẩn bị: Hai gối quỳ xuống và chống 2 tay xuống sàn, khoảng cách giữa 2 tay rộng bằng vai, ngón tay hướng về phía trước. Giữ hông và lưng ở vị trí tự nhiên, song song với mặt sàn, mắt nhìn thẳng về phía trước.
  • Thực hiện: Đá chân trái lên chậm, giữ gối gập 90 độ sao cho cảm nhận được động tác vào cơ mông, gồng và hóp mông khi chân đưa đến đỉnh, khi đá chân gót chân hướng lên trần nhà. Thực hiện tương tự với chân còn lại, mỗi hiệp 20 lần.
  • Chú ý: Khi tập, để lưng ở vị trí cong tự nhiên, thực hiện động tác chân đưa lên và xuống chậm, cảm nhận vào mông, không đưa chân lên quá cao vì sẽ tác động vào vùng thắt lưng gây đau lưng.

Phòng ngừa hội chứng mông chết

Để phòng ngừa hội chứng mông chết, bạn hãy thực hiện một số phương pháp sau:

  • Có các khoảng nghỉ giữa giờ trong giờ làm việc: Ngồi 60 phút, sau đó đứng và vận động tại chỗ 5 - 10 phút.
  • Thực hiện các động tác giãn cơ đơn giản tại chỗ như vươn vai, đi bước nhỏ tại chỗ, nghiêng lườn,... giúp tăng lưu thông tuần hoàn.
  • Lựa chọn leo thang bộ thay cho việc chờ thang máy giúp tăng cường vận động và rèn luyện sức khỏe.
  • Giảm cân nếu bạn đang có tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Sử dụng các loại ghế công thái học có lợi cho tư thế ngồi nếu bạn phải làm việc lâu trong tư thế này.
Nguồn tham khảo
  1. Gluteal Tendinopathy: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22960-gluteal-tendinopathy
  2. All About Gluteal Amnesia (‘Dead Butt Syndrome’): https://www.healthline.com/health/dead-butt-syndrome
  3. Best Exercises for Gluteal Tendinopathy: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/best-exercises-gluteal-tendinopathy
  4. Ladurner A, Fitzpatrick J, O'Donnell JM. Treatment of Gluteal Tendinopathy: A Systematic Review and Stage-Adjusted Treatment Recommendation. Orthop J Sports Med. 2021;9(7):23259671211016850. doi: 10.1177/23259671211016850.
  5. Plinsinga ML, Mellor R, Setchell J, et al. Perspectives and experiences of people who were randomly assigned to wait-and-see approach in a gluteal tendinopathy trial: a qualitative follow-up study. BMJ Open. 2021;11(4):e044934. doi: 10.1136/bmjopen-2020-044934. 

Các bệnh liên quan