Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Một số biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục của người bệnh

Ngày 17/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đột quỵ không chỉ có tỷ lệ tử vong cao mà còn có thể để lại nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm cho người bệnh ngay cả khi được cứu sống. Vậy biến chứng sau đột quỵ là gì và khả năng hồi phục của người bệnh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.

Biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục vẫn luôn là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm. Để làm sáng tỏ chủ đề này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua vài nét cơ bản về đột quỵ trước nhé.

Tổng quan về đột quỵ

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não đột ngột bị ngưng trệ hay một mạch máu bị vỡ dẫn đến tình trạng máu tràn vào những khoảng trống xung quanh tế bào não. Đây được đánh giá là một căn bệnh nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Theo thống kê, cứ khoảng 40 giây lại có 1 ca đột quỵ xảy ra và cứ mỗi 4 phút lại có một người chết vì căn bệnh quái ác này. Trên thực tế, đột quỵ thường xảy ra ở nhóm đối tượng trong độ tuổi trung niên, trong đó có ⅔ các trường hợp đột quỵ xảy ra ở người cao tuổi trên 65 tuổi. Nguy cơ đột quỵ ở nam giới cao hơn rất nhiều so với nữ giới.

Đột quỵ là căn bệnh quái ác với tỷ lệ tử vong cao đứng đầu trong các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh và đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và các bệnh lý về tim mạch.

Một số biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục của người bệnh 1
Đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao

Biến chứng sau đột quỵ

Bệnh nhân đột quỵ mặc dù được may mắn cứu sống nhưng trong quá trình hồi phục sau đột quỵ, người bệnh vẫn phải đối mặt với rất nhiều các biến chứng sức khỏe nặng nề bởi người bị đột quỵ thường mắc kèm theo các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch hay tăng huyết áp

Biến chứng sau đột quỵ xảy ra thường xuất phát từ tình trạng tổn thương não dẫn đến mất khả năng vận động hoặc các phương pháp hồi phục sau đột quỵ không đạt hiệu quả. Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng: Dù là đột quỵ do chảy máu não hay do thiếu máu não thì đều gây ra hậu quả nặng nề, cụ thể là gây tổn thương một vùng nhu mô não. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào thời gian não bị tổn thương và lưu lượng máu não.

Nếu ổ tổn thương tại não lớn, khi người bệnh vượt qua cơn nguy hiểm thường để lại một ổ tế bào hoại tử, mất chức năng vĩnh viễn. Tuy nhiên, vùng xung quanh ổ hoại tử là vùng bán ảnh hưởng, do đó vùng bán tổn thương này có thể sẽ thu nhỏ phạm vi nhu mô, giảm các di chứng của đột quỵ nếu được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Các biến chứng sau đột quỵ phổ biến là biến chứng có liên quan đến tim, nghẽn tĩnh mạch, viêm phổi, co cứng chi, khó nuốt… Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh mà thậm chí có thể dẫn đến khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Tùy thuộc vào vị trí não bị tổn thương và khoảng thời gian não không được cung cấp oxy mà người bệnh đột quỵ phải đối mặt với một hoặc nhiều biến chứng sức khỏe, cụ thể:

  • Phù nề não;
  • Viêm phổi: Người bệnh đột quỵ thường gặp khó khăn trong việc nuốt. Điều này khiến cho đồ ăn, thức uống dễ đi vào phổi gây viêm phổi.
  • Đau tim: Theo thống kê, 50% trường hợp đột quỵ có liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch, gia tăng nguy cơ đau tim sau đột quỵ.
  • Trầm cảm: Với những trường hợp đã mắc trầm cảm trước đột quỵ, bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn.
  • Loét do tỳ đè: Đột quỵ khiến người bệnh mất khả năng vận động, phải nằm liệt giường quá lâu. Điều này rất dễ khiến người bệnh bị viêm loét.
  • Động kinh: Sau đột quỵ, não của người bệnh có thể có những hoạt động bất thường, gây co giật.
  • Rối loạn thị giác: Người bệnh sau đột quỵ có thể bị giảm hoặc mất thị lực ở một, thậm chí là cả 2 mắt.
  • Co cứng chi: Sau khi bị đột quỵ, người bệnh có thể bị yếu hoặc liệt một tay, mất khả năng vận động.
  • Nghẽn mạch máu: Tình trạng hạn chế khả năng vận động dẫn đến hình thành cục máu đông bên trong tĩnh mạch chân.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra trong trường hợp người bệnh đột quỵ có đặt ống thông foley.
  • Giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ;
  • Khó khăn trong giao tiếp.

Trên thực tế, quá trình hồi phục sau đột quỵ thường chậm, chính vì thế người bệnh phải thực sự kiên trì. Đột quỵ thường hồi phục tốt trong 3 tháng đầu sau đó chậm hơn ở 3 tháng tiếp theo. Đột quỵ ngoài 6 tháng, khả năng hồi phục vô cùng chậm.

Một số biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục của người bệnh 2
Trầm cảm là một trong những biến chứng sau đột quỵ

Phòng ngừa đột quỵ

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ và tình trạng bệnh thường xảy ra một cách đột ngột. Đột quỵ để lại rất nhiều di chứng ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí gây tử vong. Chính vì thế mỗi người cần chủ động phòng tránh căn bệnh này.

Dưới đây là một số giải pháp phòng ngừa đột quỵ, bạn đọc có thể tham khảo:

Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh là giải pháp hữu hiệu giúp bạn phòng chống đột quỵ. Trong chế độ dinh dưỡng, bạn cần chú ý những vấn đề sau:

  • Đảm bảo cân bằng hàm lượng các nhóm chất protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày và hệ thống tiêu hóa.
  • Tăng cường bổ sung các loại rau củ và trái cây tươi để bổ sung dưỡng chất có lợi cho hệ thống mạch máu, giúp tăng cường lưu thông máu.
  • Đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường… cần xây dựng một chế độ ăn uống riêng dưới sự tư vấn của các chuyên viên y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa.

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao là cách phòng chống đột quỵ đơn giản, hiệu quả mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện được.

Giải pháp này mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như giảm căng thẳng, lo lắng, tăng cường lưu thông máu đồng thời nâng cao sức đề kháng của cơ thể… Đây chính là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.

Tùy theo sở thích cá nhân cũng như thể trạng cơ thể mà bạn có thể lựa chọn nhiều bài tập khác nhau. Tuy nhiên không nên tập quá sức bởi điều này có thể làm tăng gánh nặng cho tim.

Đối với người cao tuổi, có thể tập luyện với một số bài tập nhẹ nhàng như thiền, yoga, dưỡng sinh hoặc đi bộ.

Một số biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục của người bệnh 3
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa đột quỵ

Điều trị các bệnh lý mạn tính

Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ phải kể đến như máu nhiễm mỡ, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch… Chính vì thế, để ngăn ngừa đột quỵ, bạn nên chủ động điều trị để cải thiện tình trạng bệnh lý mà bạn đang mắc phải.

Nói không với thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu bia

Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, người thường xuyên hút thuốc lá và uống quá nhiều bia rượu có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, hãy hạn chế tối đa, tốt nhất là nói không với thuốc lá và bia rượu bạn nhé.

Thăm khám sức khỏe định kỳ

Các cơn đột quỵ thường xảy ra một cách đột ngột, thậm chí bạn không thể nhận biết được các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Chính vì thế, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết.

Theo đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, bạn nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 3 - 6 tháng 1 lần.

Một số biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục của người bệnh 4
Thăm khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để phòng ngừa đột quỵ

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về đột quỵ, biến chứng sau đột quỵ và cách phòng ngừa đột quỵ. Hy vọng, những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ trong bài hôm nay có thể giúp ích được bạn đọc trong cuộc sống. Chúc bạn một ngày tốt lành và cảm ơn bạn vì đã luôn tin tưởng Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm: Phù não sau đột quỵ có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm