Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh động mạch ngoại biên là gì? Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị hiệu quả

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó các động mạch nuôi các chi của cơ thể bị hẹp/ tắc nghẽn làm giảm lưu lượng máu đến các chi. Nguyên nhân thường là do tình trạng xơ vữa động mạch. Trong xơ vữa động mạch, chất béo tích tụ trên thành động mạch làm hẹp, tắc và giảm lưu lượng máu đến nuôi chi. Bệnh động mạch ngoại biên không đe dọa tính mạng ngay lập tức nhưng quá trình xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tắc mạch máu chi cấp. Bệnh động mạch ngoại biên phần lớn được điều trị bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh động mạch ngoại biên là gì?

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó các động mạch nuôi các chi của cơ thể bị hẹp/tắc nghẽn làm giảm lưu lượng máu đến các chi. Điều đó có nghĩa là vùng chân hoặc tay (thường nhất là chân) không nhận đủ lưu lượng máu theo nhu cầu.

Bệnh động mạch ngoại biên cũng có thể là dấu hiệu gợi ý của sự lắng đọng mỡ trong động mạch của bạn (tình trạng xơ vữa động mạch) gây ra sự thu hẹp các mạch máu nuôi và làm giảm lưu lượng máu đến chân và đôi khi là tay.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của động mạch ngoại biên

Đa số bệnh nhân có bệnh động mạch ngoại biên thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, một số bệnh nhân có triệu chứng điển hình hơn gọi là đau cách hồi.

Các triệu chứng của đau cách hồi bao gồm đau cơ hoặc chuột rút ở chân hoặc tay khi vận động (chẳng hạn như đi bộ) nhưng biến mất sau vài phút nghỉ ngơi. Thuật ngữ y khoa gọi là đau cách hồi ngắt quãng vì bệnh nhân thường cho biết khi đi một đoạn đường ngắn phải dừng lại để nghỉ ngơi giảm đau và sau đó mới tiếp tục đi tiếp.

Vị trí của cơn đau phụ thuộc vào vị trí của động mạch bị tắc hoặc hẹp. Bắp chân là vị trí đau thường gặp nhất. Cả hai chân thường bị ảnh hưởng cùng một lúc, mặc dù cơn đau có thể nặng hơn ở 1 chân.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Cảm giác yếu chi;

  • Mất lông ở vùng cẳng chân/chân;

  • Móng chân giòn, mọc chậm;

  • Loét da vùng cẳng chân/chân khó lành;

  • Thay đổi màu sắc da vùng chân;

  • Da vùng chân bóng loáng;

  • Ở nam giới có thể có rối loạn cương dương;

  • Teo cơ vùng chân.

Tác động của bệnh động mạch ngoại biên đối với sức khỏe

Tình trạng đau cách hồi nghiêm trọng có thể gây hạn chế các hoạt động thường ngày như đi bộ, lên xuống cầu thang hoặc hạn chế các hoạt động thể chất khác.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh động mạch ngoại biên không đe dọa tính mạng ngay lập tức nhưng quá trình xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân có bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ rất cao mắc các bệnh lý hoặc xảy ra các biến cố khác như:

Thiếu máu cục bộ ở chi cấp: nếu lưu lượng máu đến chân bị suy giảm nghiêm trọng, sẽ dẫn đến tình trạng gọi thiếu máu cục bộ ở chi cấp, gây hoại tử do thiếu máu nuôi ở chi cấp tính và bệnh nhân có thể cần phải đoạn chi hoặc có nguy cơ tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh động mạch ngoại biên thường do nguyên nhân là xơ vữa động mạch. Trong xơ vữa động mạch, chất béo tích tụ trên thành động mạch và làm hẹp, tắc và giảm lưu lượng máu đến nuôi chi.

Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, nguyên nhân của bệnh động mạch ngoại biên có thể là do tình trạng viêm mạch máu, chấn thương ở vùng tay chân, giải phẫu bất thường của dây chằng hoặc cơ của bạn, hoặc tiếp xúc với xạ trị.

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh động mạch ngoại biên

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, bao gồm:

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên

Bác sĩ khám để tìm các dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên hoặc có thể kiểm tra lưu lượng máu ở chân, bàn chân của bạn và dùng ống nghe có thể nghe âm thổi do tắc nghẽn trong bệnh động mạch ở chân.

Một số xét nghiệm khác bao gồm:

  • Đo chỉ số ABI: Chỉ số mắt cá chân-cánh tay bằng cách so sánh huyết áp ở cẳng chân và cánh tay của bạn.

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các yếu tố nguy cơ như bệnh đái tháo đường hoặc tăng cholesterol máu.

  • Chụp mạch máu xóa nền (DSA).

  • Siêu âm mạch máu.

Phương pháp điều trị bệnh động mạch ngoại biên hiệu quả

Bệnh động mạch ngoại biên phần lớn được điều trị bằng cách thay đổi lối sống (xem phần chế độ sinh hoạt và phòng ngừa) và dùng thuốc.

Các bệnh lý làm tăng nguy cơ diễn tiến xấu của bệnh động mạch ngoại biên cần được điều trị tích cực bao gồm tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và điều trị đái tháo đường.

Thuốc cilostazol có thể giúp giảm bớt các triệu chứng ở nhiều người. Pentoxifylline là một loại thuốc khác có thể giúp cải thiện tình trạng lưu thông máu đến các chi. Bác sĩ cũng có thể kê đơn aspirin hoặc các loại thuốc chống đông máu khác.

Trong trường hợp tắc mạch máu cấp hoặc tình trạng bệnh không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc, các can thiệp bằng phẫu thuật như tái tạo mạch máu (đặt stent mạch máu qua chỗ tắc) có thể được thực hiện.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch ngoại biên

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc là những thay đổi lối sống chính có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên và giảm nguy cơ tiến triển của bệnh.

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.

  • Hạn chế sử dụng rượu bia.

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa ổn định

Nguồn tham khảo

1. https://www.webmd.com/heart-disease/peripheral-artery-disease-of-the-legs

2. https://www.nhs.uk/conditions/peripheral-arterial-disease-pad/

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peripheral-artery-disease/symptoms-causes/syc-20350557.

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng QT kéo dài

  2. Cơ tim xốp

  3. Hội chứng Raynaud

  4. Đau tim

  5. Bệnh cơ tim

  6. Viêm màng ngoài tim

  7. Block nhĩ thất

  8. Thiếu máu cơ tim

  9. Huyết áp thấp

  10. Nhịp nhanh thất