Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xơ cứng động mạch không do xơ vữa là gì? Những vấn đề cần biết về Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xơ cứng động mạch là một thuật ngữ chung diễn tả tình trạng rối loạn gây dày lên và mất độ đàn hồi của thành động mạch. Có thể hiểu rằng xơ cứng động mạch không do xơ vữa là sự xơ hóa mạch máu liên quan đến động mạch chủ và các nhánh chính của động mạch chủ. Thuật ngữ này hoàn toàn khác với hiện tượng xơ vữa mạch máu. Bệnh lý xơ vữa được đặc trưng bởi mảng xơ vữa được hình thành do tổn thương tế bào nội mô mạch máu gây lắng đọng lipid và hình thành các mảng xơ vữa, sự nứt vỡ mảng xơ vữa có thể hình thành huyết khối và gây các bệnh lý như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xơ cứng động mạch không do xơ vữa là gì?

Mạch máu cấu tạo từ 3 lớp tế bào là lớp áo ngoài, lớp áo giữa và lớp áo trong. Xơ cứng động mạch không do xơ vữa là sự dày lớp nội mạc, làm yếu và rách các lá chun. Lớp cơ trơn (lớp áo giữa) thiểu sản và lòng động mạch giãn rộng dẫn đến phình mạch hoặc tách thành động mạch. Tuổi tác và tăng huyết áp là những yếu tố chính trong xơ cứng mạch máu và phình động mạch chủ. 

Động mạch co giãn kém kèm loét lớp áo trong của thành mạch máu có thể dẫn đến huyết khối gây thuyên tắc mạch một phần hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch biểu hiện trên lâm sàng là các bệnh nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,... Tình trạng xơ cứng động mạch không do xơ vữa có thể được phát hiện tình cờ trong quá trình chẩn đoán hình ảnh được thực hiện vì những lý do khác.

Các dạng xơ cứng động mạch không do xơ vữa bao gồm: Xơ cứng tiểu động mạch và xơ cứng động mạch Mönckeberg. Mỗi dạng có những đặc điểm riêng và được phân thành những nhóm nhỏ hơn cụ thể như sau:

Xơ cứng tiểu động mạch

Xơ cứng tiểu động mạch xảy ra đoạn xa động mạch (tiểu động mạch) và thường xuất hiện ở các bệnh nhân đái tháo đường hoặc tăng huyết áp. Gồm 2 loại:

Xơ cứng tiểu động mạch hyaline: Dạng xơ cứng này ảnh hưởng đến các động mạch nhỏ và tiểu động mạch ở bệnh nhân đái tháo đường. Dạng này đặc trưng bởi dày thành mạch do sự lắng đọng các tinh thể hyaline (có nguồn gốc protein) và thoái hóa thành tiểu động mạch gây hẹp lòng mạch dẫn đến thiếu máu lan tỏa đặc biệt ở thận.

Xơ cứng tiểu động mạch tăng sinh: Dạng xơ cứng này ảnh hưởng đến các động mạch nhỏ và thường xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp. Dạng này đặc trưng bởi thành mạch dày lên đồng tâm theo lớp và gây hẹp lòng mạch, đôi khi có kèm lắng đọng tơ huyết và hoại tử thành động mạch (viêm tiểu động mạch hoại tử). Tăng huyết áp gây xơ cứng tiểu động mạch làm người bệnh khó kiểm soát chỉ số huyết áp do tăng độ cứng tiểu động mạch (giảm khả năng giãn mạch) và tăng sức cản ngoại vi.

Xơ cứng động mạch Mönckeberg

Xơ cứng động mạch Mönckeberg được đặt theo tên của Johann Georg Mönckeberg - người đầu tiên mô tả tình trạng này vào năm 1903. Xơ cứng động mạch Mönckeberg là một dạng xơ cứng động mạch do canxi lắng đọng trong lớp cơ giữa của thành động mạch. 

Tình trạng này xảy ra như một quá trình thoái hóa tự nhiên ở mạch máu liên quan đến tuổi tác. Trong đó động mạch có thể trở thành một đoạn ống cứng do sự vôi hóa, không có tính đàn hồi nhưng không gây hẹp lòng mạch. Tình trạng động mạch xơ cứng làm giảm khả năng co giãn của động mạch dẫn đến huyết áp cao bất thường.

Triệu chứng

Những triệu chứng của Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Thông thường chứng xơ cứng động mạch nói chung không có triệu chứng gì trừ khi có biến chứng do vôi hóa hoặc biến cố xơ vữa động mạch kèm theo như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, phình động mạch với các triệu chứng sau:

  • Đau ngực lan lên cổ, vai, hàm, mặt trong cánh tay (trái).
  • Đột ngột yếu liệt nửa người.
  • Đau ngực dữ dội như dao đâm.

Tác động của Xơ cứng động mạch không do xơ vữa đối với sức khỏe

Xơ cứng động mạch thường không có triệu chứng khó chịu nào trừ khi có biến chứng xuất hiện. Ý nghĩa lâm sàng và nguyên nhân của nó chưa được hiểu rõ và mối quan hệ của nó với chứng xơ vữa động mạch và các dạng vôi hóa mạch máu khác vẫn là một chủ đề còn nhiều tranh cãi. 

Sự hiện diện của bệnh xơ cứng động mạch Mönckeberg có liên quan đến tiên lượng kết cục xấu hơn với nguy cơ mắc các biến cố mạch máu cao hơn. Điều này có lẽ là do vôi hóa mạch máu làm tăng độ cứng động mạch, tăng huyết áp và dẫn đến tổn thương quá mức ở tim và thận.

XCĐMKXV1.jpg
Xơ cứng động mạch không do xơ vữa thường được phát hiện tình cờ qua hình ảnh học

Biến chứng có thể gặp Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Nếu không được điều trị các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như hoại tử thiếu máu cục bộ ở não, tim, thận,... như đã kể ở trên.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn, tầm soát cũng như chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Xơ cứng động mạch hyalin là một tình trạng liên quan đến lão hóa theo sự tăng dần tuổi tác. Tuy nhiên cũng có nhiều tình trạng bệnh lý khác thúc đẩy quá trình tích tụ protein hyaline bất kể tuổi tác. 

Trong một số ít trường hợp một số loại thuốc có thể đẩy nhanh quá trình tích tụ hyaline trong tiểu động mạch như thuốc ức chế calcineurin là thuốc ức chế hệ thống miễn dịch sử dụng sau khi ghép tạng đặc (gan, thận, lách). Thuốc ức chế calcineurin có thể làm trầm trọng thêm sự tiến triển của chứng xơ cứng động mạch hyalin.

XCĐMKXV2.png
Mất độ đàn hồi của lớp áo giữa là cơ chế chính của bệnh xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Xơ cứng động mạch Mönckeberg là một bệnh xơ cứng động mạch vôi hóa lớp giữa hiếm gặp chủ yếu ảnh hưởng đến các động mạch chi dưới với hình ảnh cho thấy vôi hóa mạch máu lan tỏa ở thành động mạch. Vôi hóa mạch máu là kết quả của sự lắng đọng các tinh thể canxi photphat (hydroxyapatite) do rối loạn điều hòa canxi photphat trong mạch máu. Hydroxyapatite được tiết ra trong các túi tiết ra từ tế bào cơ trơn mạch máu hoặc tế bào ngoại vi trong thành động mạch. 

Cơ chế vôi hóa mạch máu chưa được hiểu đầy đủ nhưng có lẽ liên quan đến sự thay đổi kiểu hình ở các tế bào cơ trơn mạch máu với sự kích hoạt các chương trình tạo xương. Một số giả thuyết cũng cho rằng bệnh xơ cứng động mạch Mönckeberg được cho là do tăng phosphat máu và thường liên quan đến bệnh đái tháo đường (tiểu đường) và bệnh thận mãn tính. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Xơ cứng động mạch không do xơ vữa?

Người cao tuổi là đối tượng nguy cơ của bệnh xơ cứng động mạch không do xơ vữa. Xơ cứng động mạch hyalin là một tình trạng liên quan đến lão hóa theo sự tăng dần tuổi tác. 

Bệnh cạnh đó Xơ cứng động mạch Mönckeberg được ghi nhận là liên quan đến sự thoái hóa lớp áo giữa với sự vôi hóa liên quan đến tuổi và thường xuất hiện ở bệnh nhân > 50 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Một số bệnh lý mạn tính được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ cứng động mạch không do xơ vữa. Cụ thể các bệnh lý góp phần đẩy nhanh sự phát triển của chứng xơ cứng động mạch hyalin gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ cứng cầu thận hay bệnh thận do đái tháo đường.

XCĐMKXV3.jpg
Bạn nên khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý thầm lặng

Tỷ lệ mắc bệnh xơ cứng động mạch Mönckeberg tăng theo tuổi và thường gặp hơn ở bệnh đái tháo đường, bệnh thận mãn tính, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, tình trạng viêm mãn tính, chứng tăng vitamin D và các rối loạn di truyền hiếm gặp chẳng hạn như hội chứng Keutel.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Các cận lâm sàng chẩn đoán bệnh xơ cứng mạch máu không do xơ vữa có thể kể đến bao gồm:

Xơ cứng động mạch hyalin: 

Những protein tích tụ trong thành mạch máu xuất hiện như những hạt thủy tinh và có màu hồng khi nhuộm màu và quan sát dưới kính hiển vi giúp chẩn đoán bệnh xơ cứng động mạch hyalin.

Xơ cứng động mạch Mönckeberg: 

Tình trạng vôi hóa mạch máu trong Bệnh Mönckeberg thường thấy rõ ràng trên phim X-quang thường quy. Siêu âm Doppler động mạch cũng có thể nhìn thấy các vùng động mạch vôi hóa đồng tâm rải rác. 

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cũng nhìn thấy hình ảnh vôi hóa chu vi mạch máu lan tỏa. Các nghiên cứu dịch tễ học thường sử dụng tỷ lệ huyết áp mắt cá chân và huyết áp cánh tay (chỉ số áp lực mắt cá chân -ABPI hoặc ABI) làm chỉ số vôi hóa động mạch với ABPI >1,3 đến >1,5 được sử dụng làm tiêu chí chẩn đoán tùy theo từng nghiên cứu.

XCĐMKXV4.jpg
Những hạt thủy tinh màu học dưới kính hiển vi trong bệnh lý xơ cứng động mạch hyalin

Phương pháp điều trị Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Không có điều trị đặc hiệu cho xơ vữa động mạch không do xơ vữa. Bạn có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch điển hình như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh thận mạn… để hạn chế bệnh lý mạch máu nói chung. 

Trong xơ cứng động mạch Mönckeberg do rối loạn cân bằng nội môi photphat nên việc phòng ngừa và điều trị bao gồm vitamin D liều thấp, thuốc canxi, magie, bisphosphonates, natri thuốc đối kháng thiosulfate và aldosterone.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tái khám định kỳ, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính,... giúp ngăn ngừa diễn tiến xấu của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất theo hướng dẫn từ chuyên gia dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa Xơ cứng động mạch không do xơ vữa hiệu quả

Xây dựng một lối sống lành mạnh với chế độ ăn nhiều nhóm chất, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, tránh các chất độc hại như khói thuốc lá,... giúp giữ gìn một cơ thể khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh tật nói chung.

Nguồn tham khảo
  1. Nonatheromatous Arteriosclerosis - Cardiovascular...: https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/arteriosclerosis/nonatheromatous-arteriosclerosis
  2. Non-atherosclerotic causes of acute coronary syndromes: https://www.nature.com/articles/s41569-019-0273-3
  3. Non-atherosclerotic coronary artery disease: https://radiopaedia.org/articles/non-atherosclerotic-coronary-artery-disease
  4. Non-atherosclerotic coronary artery disease associated...: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20511306/
  5. Non-coronary atherosclerosis | European Heart Journal: https://academic.oup.com/eurheartj/article/35/17/1112/2466139