Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dây rốn bám màng là gì? Những vấn đề cần biết về dây rốn bám màng

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dây rốn bám màng là tình trạng dây rốn bám bất thường, trong đó các mạch máu rốn tách nhau khi chúng đi qua giữa màng ối và màng đệm trước khi đến được nhau thai. Với tỷ lệ hiện diện rất thấp là 1% trong trường hợp đơn thai nhưng nó có liên quan đến một số biến chứng sản khoa tương đối nặng có thể gây tử vong cho bé và mẹ. Tình trạng này đã được chẩn đoán bằng siêu âm trong tam cá nguyệt thứ hai. Bài viết sau cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh lý này giúp các bà mẹ yên tâm và có biện pháp khắc phục hợp lý.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Dây rốn bám màng là gì?

Dây rốn là thành phần kết nối nhau thai với thai nhi nhằm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi. Dây rốn chạy từ bánh nhau bên trong tử cung đến rốn của thai nhi giúp vận chuyển các chất quan trọng đến thai và loại đi các chất không cần thiết giúp em bé đang phát triển khỏe mạnh. Thông thường, dây rốn bám vào giữa nhau thai và khi vị trí bám này lệch gây ra các bệnh lý khác nhau như nhau tiền đạo, dây rốn bám mép hay rau bám mép

Dây rốn bám màng (Velamentous Cord Insertion – VCI) là tình trạng dây rốn bám ở màng nhau, trong đó các mạch máu dây rốn sẽ chạy ngang màng ối và màng rụng trước khi tới bánh nhau. Dây rốn bám màng có đặc điểm là các mạch máu rốn được bao bọc bởi lớp màng mỏng ở vị trí cắm vào bánh nhau và phần còn lại của dây rốn thì hoàn toàn bình thường. 

Do không được bảo vệ bởi chất thạch Wharton, các mạch máu này dễ bị chèn ép và có thể vỡ đặc biệt là khi chúng nằm gần cổ tử cung (hay còn được gọi là nhau tiền đạo). Xuất độ thường thấy của bệnh này là 1% trong tổng thai kỳ đơn thai và tăng lên đến khoảng 15% khi mang đa thai đặc biệt là trong trường hợp 1 nhau 2 ối. Tỷ lệ này có thể đặc biệt cao hơn ở các trường hợp thai chết lưu. 

Nhau tiền đạo là tình trạng thường đi kèm với dây rốn bám màng hoặc cũng có thể đi riêng rẽ trong trường hợp dây rốn bám vào bánh nhau phụ. Nhau tiền đạo có nguy cơ rách vỡ rất cao, đặc biệt trong quá trình chuyển dạ, làm ngưng trao đổi tuần hoàn mẹ - con khiến thai nhi thiếu oxy và đột tử.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của dây rốn bám màng

Chảy máu âm đạo (đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba) có thể là một trong những dấu hiệu của dây rốn bám màng. Trong một số trường hợp thậm chí không có triệu chứng nào. Các bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng dây rốn bám màng qua hình ảnh siêu âm thai và theo dõi cử động thai nhi. Dây rốn bám màng thường đi kèm với nhau tiền đạo trong hầu hết các trường hợp vì thế các triệu chứng gợi ý bệnh có thể bao gồm:

  • Tam chứng kinh điển của nhau tiền đạo: Các triệu chứng như ối vỡ, ra huyết âm đạo kèm tình trạng đau, tim thai chậm.
  • Hình ảnh học: EFM trong chuyển dạ thường có dấu hiệu của sự nhịp giảm bất định biểu hiện thiếu oxy mô của thai, sau đó có thể tới giảm/mất dao động nội tại và bradycardia.
Dây rốn bám màng là gì? Những vấn đề cần biết về dây rốn bám màng 1

Tác động của dây rốn bám màng đối với sức khỏe

Dây rốn bám màng là tình trạng bệnh lý có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Thai nhi có trọng lượng thấp và xuất huyết không thể kiểm soát của mẹ là các biến chứng thường gặp nhất ở trẻ và mẹ mang thai mắc bệnh lý này. Ngoài ra còn có một số biến chứng khác do dây rốn bám màng làm giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ sang con gây nên tình trạng như: Em bé có nguy cơ chậm tăng trưởng, thai nhỏ, tử vong chu sinh, nhau bong non,... 

Mẹ có thể tăng nguy cơ mổ lấy thai hoặc bóc nhau nhân tạo khi sinh ngã âm đạo. Một số trường hợp dây rốn bám màng có chèn ép dây rốn dẫn đến hình thành huyết khối và gây nhồi máu bánh nhau, hoại tử các chi của thai hoặc ban xuất huyết ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp đa thai một bánh nhau, dây rốn bám màng thường kèm với tình trạng thai chậm tăng trưởng, có chọn lọc trong tử cung và hội chứng truyền máu trong song thai.

Biến chứng có thể gặp dây rốn bám màng

Thai kỳ với dây rốn bám màng làm tăng kết cục xấu trong sản khoa như: Thai FGH, nhau bong non, nhau tiền đạo, tiền sản giật, sanh non, tăng tỷ lệ mổ lấy thai, điểm Apgar khi sinh thấp, phải chuyển NICU, tăng tử suất và bệnh suất chu sinh ở trẻ,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ dấu hiệu khó chịu hay bất thường nào hãy đến gặp bác sĩ sản khoa ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến dây rốn bám màng

Chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý này. Cơ chế bệnh sinh của dây rốn bám màng cũng chưa được biết rõ. Giả thuyết phổ biến nhất là dây rốn ban đầu bám ở tâm bánh nhau nhưng vị trí của nó dần dần dời ra rìa bánh nhau do một nửa của bánh nhau tăng sinh tích cực về phía đáy tử cung nơi có nhiều mạch máu trong khi cực còn lại không tăng sinh tương ứng, đồng thời dây rốn không thể đi theo sự di chuyển của bánh nhau.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải dây rốn bám màng?

Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lý này khi mang thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải dây rốn bám màng

Các yếu tố nguy cơ mắc phải dây rốn bám màng như:

  • Song sinh đặc biệt là cặp song sinh có chung nhau thai.
  • Thai kỳ liên quan đến sự hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
  • Thai kỳ liên quan đến cha mẹ lần đầu sinh con.
  • Nhau tiền đạo.
Dây rốn bám màng là gì? Những vấn đề cần biết về dây rốn bám màng 2
Đa thai cùng nhau là yếu tố nguy cơ của hiện tượng dây rốn bám màng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dây rốn bám màng

Người mẹ có thể bị chảy máu âm đạo hoặc em bé có nhịp tim chậm là những dấu hiệu gợi ý bệnh lý dây rốn bám màng trong thai kỳ. Các biện pháp giúp chẩn đoán bệnh có thể kể đến như sau:

Trước sinh

Trước sinh thường chẩn đoán bằng siêu âm và thường kết hợp cả siêu âm ngã bụng và ngã âm đạo. Trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 cần siêu âm để xác định vị trí bánh nhau, khoảng cách từ bánh nhau đến lỗ trong cổ tử cung, vị trí cắm của dây rốn, nếu dây rốn bám rìa cực dưới bánh nhau, đánh giá có kèm mạch máu tiền đạo hay không, ghi nhận số lượng mạch máu trong dây rốn,... Thời điểm đánh giá mạch máu tiền đạo là 18 - 26 tuần, và đánh giá lại tuần thứ 32. Siêu âm thai phát hiện dây rốn bám màng có độ nhạy khoảng 70% và độ đặc hiệu khoảng 100% trong tam cá nguyệt 2. Siêu âm kèm với Doppler máu dòng chảy có thể cho chẩn đoán về dây rốn bám màng và mạch máu tiền đạo với độ nhạy là 70 - 100% và độ đặc hiệu là 95 - 100%.

Sau sinh

Sau sinh thường được chẩn đoán qua kiểm tra toàn diện bánh nhau, màng nhau và dây rốn sau sinh.

Lưu ý cần tầm soát mạch máu tiền đạo trong quá trình khám thai đặc biệt đối với người có nguy cơ cao.

Dây rốn bám màng là gì? Những vấn đề cần biết về dây rốn bám màng 3
Siêu âm thai kèm Doppler mạch máu giúp phát hiện dây rốn bám màng

Phương pháp điều trị dây rốn bám màng

Dây rốn bám màng thường không được xác định trước khi sinh và nhiều di chứng của nó chỉ có thể được xác định dễ dàng trong giai đoạn chuyển dạ nên khả năng can thiệp sản khoa trước khi sinh dường như bị hạn chế. Để quản lý tốt bệnh lý này cần quan tâm đến vấn đề đánh giá vị trí bám của dây rốn một cách có hệ thống trong các lần khám thai định kỳ và nhận ra sớm các thay kỳ có nguy cơ cao. Việc quản lý dây rốn bám màng được Bộ y tế khuyến cáo gồm các bước sau:

  • Khảo sát giải phẫu thai nhi và xem xét có nhau tiền đạo kèm theo không.
  • Đánh giá tốc độ tăng trưởng và thể tích nước ối ít nhất mỗi 4 tuần. Nếu thai chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc thiểu ối, quản lý thai kỳ theo phác đồ thai chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc phác đồ điều trị thiểu ối.
  • Hướng dẫn người bệnh cách đếm cử động thai.
  • Theo dõi nhịp tim của thai nhi hàng tuần bắt đầu từ tuần thứ 36 của thai kỳ để tìm sự nhịp giảm dao động thai nhi do mạch màng gấp khúc hoặc bị chèn ép.
  • Tư vấn người bệnh cần nhập viện ngay khi có các dấu hiệu chuyển dạ.
  • Có thể theo dõi sanh ngả âm đạo vào tuần 30 - 40 nếu không kèm biến chứng, không kèm nhau tiền đạo. Cân nhắc mổ lấy thai nếu phát hiện các biến chứng như ra máu âm đạo bất thường, dây rốn bám cực dưới bánh nhau,...
  • Theo dõi tim thai liên tục trong quá trình chuyển dạ giai đoạn hoạt động để phát hiện các biến chứng như vỡ mạch máu, chèn ép dây rốn, nhau bong non,...
  • Kéo nhẹ nhàng dây rốn sau sinh để tránh đứt dây rốn làm sót nhau.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến dây rốn bám màng

Tất cả các thai phụ cần khám thai đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sát sự phát triển của thai, theo dõi cử động thai. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường thì cần khám sớm hơn. Phát hiện dây rốn bám màng trước khi sinh làm giảm tình trạng mổ lấy thai khẩn cấp ở phụ nữ có nguy cơ thấp và do đó cũng có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Phương pháp phòng ngừa dây rốn bám màng hiệu quả

Tuy không có biện pháp phòng ngừa bệnh lý này nhưng may mắn là tỷ lệ mắc bệnh lý này rất thấp. Khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sản khoa là biện pháp giúp chẩn đoán sớm và phòng ngừa biến chứng nặng ở thai phụ có bệnh lý này.

Dây rốn bám màng là gì? Những vấn đề cần biết về dây rốn bám màng 4
Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý ở thai nhi
Nguồn tham khảo
  1. Velamentous cord insertion: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23243528/
  2. Velamentous cord insertion: https://www.birthinjuryhelpcenter.org/abnormal-cord-insertion.html
  3. Velamentous cord insertion: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24111-velamentous-cord-insertion
  4. What is velamentous cord insertion: https://www.webmd.com/baby/what-is-velamentous-cord-insertion 
  5. Velamentous Cord Insertion in a Singleton Pregnancy: An Obscure Cause of Emergency Cesarean - A Case Report: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3517836/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh Peyronie

  2. Phì đại tuyến tiền liệt

  3. Vỡ tử cung

  4. Viêm tinh hoàn

  5. Vô sinh

  6. Sa tạng chậu

  7. Nhiễm độc thai nghén

  8. Bế sản dịch

  9. Tắc mạch ối

  10. Vô sinh nguyên phát