Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng thần kinh cận ung thư là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hội chứng thần kinh cận ung thư

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng thần kinh cận ung thư (Paraneoplastic neurological syndromes) là một nhóm các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thần kinh (não, tủy sống, dây thần kinh và/hoặc cơ) ở bệnh nhân ung thư. Thuật ngữ “paraneoplastic” có nghĩa là hội chứng thần kinh không phải do chính khối u gây ra mà do các phản ứng miễn dịch mà khối u tạo ra. Khi điều này xảy ra, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch, sử dụng kháng thể và tế bào lympho để chống lại khối u. Kết quả cuối cùng là hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân có thể gây ra tổn thương phụ cho hệ thần kinh, đôi khi có thể nghiêm trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng thần kinh cận ung thư là gì?

Hội chứng thần kinh cận ung thư là các rối loạn hiếm gặp phát triển ở người mắc bệnh ung thư. Hội chứng cận ung thư có thể ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác bao gồm hệ nội tiết, da - mô mềm, huyết học và cơ xương khớp (thấp khớp). Hội chứng thần kinh cận ung thư xảy ra khi các chất chống ung thư của hệ miễn dịch cũng tấn công các bộ phận của não, tủy sống, dây thần kinh ngoại biên hoặc cơ.

Ở nhiều bệnh nhân, phản ứng miễn dịch có thể gây tổn thương hệ thần kinh trầm trọng hơn so với khối u. Hội chứng thần kinh cận ung thư có thể thuyên giảm hoàn toàn nếu điều trị kịp thời, trong một vài trường hợp, các triệu chứng này sẽ ảnh hưởng vĩnh viễn trên người bệnh.

Tùy thuộc vào vị trí hệ thần kinh bị ảnh hưởng, hội chứng thần kinh cận ung thư có thể gây ra các vấn đề về vận động hoặc phối hợp cơ, nhận thức giác quan, trí nhớ, kỹ năng tư duy hoặc giấc ngủ của người bệnh. Bệnh này tiến triển nhanh chóng gây ra tổn thương nghiêm trọng cho hệ thần kinh và không thể phục hồi được. Trong một số trường hợp, tổn thương hệ thần kinh có thể hồi phục bằng thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích và cải thiện hệ thống miễn dịch. 

Các loại hội chứng thần kinh cận ung thư

  • Thoái hóa tiểu não (thất điều tiểu não): Đây là tình trạng mất các tế bào thần kinh ở vùng não kiểm soát các chức năng và sự cân bằng của cơ (tiểu não). Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm đi lại không vững hoặc suy giảm, thiếu sự phối hợp cơ ở các chi, không thể duy trì tư thế, chóng mặt, buồn nôn, cử động mắt không chủ ý, nhìn đôi, khó nói hoặc khó nuốt.
  • Viêm não limbic: Đây là tình trạng viêm ảnh hưởng đến một vùng não được gọi là hệ thống limbic, nơi kiểm soát cảm xúc, hành vi và một số chức năng trí nhớ nhất định, người bệnh sẽ thay đổi tính cách, tâm trạng, hay quên, co giật, lú lẫn.
  • Viêm não tủy: Hội chứng này là tình trạng viêm não và tủy sống. Có thể có nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng.
  • Opsoclonus-myoclonus: Hội chứng này là do rối loạn chức năng của tiểu não hoặc các kết nối của nó. Nó có thể gây ra chuyển động mắt nhanh, không đều (opsoclonus) và các cơn giật cơ không tự nguyện, hỗn loạn (myoclonus) ở các chi và thân.
  • Hội chứng người cứng: Hội chứng này được đặc trưng bởi tình trạng cứng cơ tiến triển, nghiêm trọng, chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống và chân gây co thắt cơ, khiến người bệnh bị đau cơ.
  • Bệnh lý tủy: Hội chứng chấn thương giới hạn ở tủy sống, có những thay đổi về chức năng ruột và bàng quang, đồng thời cơ thể bị yếu và tê nghiêm trọng đến một mức độ nhất định.
  • Hội chứng nhược cơ Lambert-Eaton: Đây là hội chứng xảy ra do gián đoạn khả năng truyền tín hiệu giữa dây thần kinh và cơ, triệu chứng gồm yếu cơ vùng chi dưới, mệt mỏi, khó nuốt, khó nói, cử động mắt không đều, nhìn đôi, khô miệng và rối loạn cương dương (ở nam giới). 
  • Bệnh nhược cơ: Xảy ra do gián đoạn khả năng truyền tín hiệu giữa các dây thần kinh và cơ bắp, có đặc điểm là yếu, mỏi cơ như cơ ở mặt, mắt, cánh tay và chân. Các cơ liên quan đến việc nhai, nuốt, nói và thở cũng có thể bị ảnh hưởng. Bệnh nhược cơ thường liên quan đến ung thư tuyến ức (thymoma).
  • Thần kinh cơ: Còn được gọi là hội chứng Isaacs - được đặc trưng bởi các xung bất thường trong các tế bào thần kinh bên ngoài não và tủy sống (dây thần kinh ngoại biên bị kích thích quá mức) điều khiển chuyển động của cơ. Những xung động này có thể gây co giật, cứng khớp dần dần, chuột rút, cử động chậm lại và các suy yếu cơ khác.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Tình trạng này đề cập đến các dạng tổn thương ở dây thần kinh truyền tín hiệu từ não hoặc cột sống đến phần còn lại của cơ thể, gây đau và rối loạn cảm giác ở bất cứ đâu trên cơ thể.
  • Chứng mất tự chủ: Rối loạn tự chủ là một loạt các dấu hiệu và triệu chứng do tổn thương các dây thần kinh điều chỉnh các chức năng cơ thể (hệ thần kinh tự chủ), chẳng hạn như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi và chức năng ruột và bàng quang. Khi phần hệ thần kinh này bị ảnh hưởng, các triệu chứng thường gặp là huyết áp thấp, nhịp tim không đều và khó thở.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thần kinh cận ung thư

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thần kinh cận ung thư tiến triển tương đối nhanh, thường trong vài ngày đến vài tuần. Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thần kinh cận ung thư thường biểu hiện ngay cả trước khi chẩn đoán ung thư và tùy thuộc vào bộ phận cơ thể bị thương, bao gồm:

  • Khó đi lại và khó duy trì sự cân bằng cơ thể;
  • Mất trương lực cơ hoặc yếu cơ;
  • Mất kỹ năng vận động, chẳng hạn như không thể cầm nắm đồ vật;
  • Khó nuốt;
  • Nói ngọng hoặc nói lắp;
  • Mất trí nhớ và suy giảm khả năng tư duy (nhận thức);
  • Vấn đề về thị lực;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Co giật;
  • Ảo giác;
  • Chuyển động vô thức, không có chủ ý.
Hội chứng thần kinh cận ung 6.jpg
Đi lại khó khăn là một trong những triệu chứng của hội chứng thần kinh cận ung thư, tuy nhiên cũng dễ nhầm với bệnh lý khác

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thần kinh cận ung thư tương tự như nhiều bệnh lý, bao gồm ung thư, biến chứng ung thư và thậm chí một số phương pháp điều trị ung thư.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng thần kinh cận ung thư

Nguyên nhân cụ thể của hội chứng thần kinh cận ung thư vẫn chưa được biết. Các kháng thể được phát hiện trong huyết thanh hoặc dịch não tủy cho thấy nguyên nhân của hội chứng thần kinh cận ung thư là do phản ứng miễn dịch chống lại khối u bị định hướng sai đối với hệ thần kinh.

Hội chứng thần kinh cận ung 2.jpg
Hội chứng cận ung thư không liên quan đến kích thước của khối u hoặc sự hiện diện của di căn

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng thần kinh cận ung thư?

Bất kỳ bệnh ung thư nào cũng có thể liên quan đến hội chứng thần kinh cận ung thư. Tuy nhiên, các rối loạn xảy ra thường xuyên hơn ở những người mắc bệnh ung thư phổi, buồng trứng, vú, tinh hoàn hoặc hệ bạch huyết.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng thần kinh cận ung thư

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thần kinh cận ung thư, bao gồm:

  • Ung thư vú;
  • Ung thư dạ dày;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Ung thư hạch;
  • Ung thư phổi (đặc biệt là ung thư phổi tế bào nhỏ);
  • Ung thư buồng trứng;
  • Ung thư tuyến tụy;
  • Ung thư tuyến tiền liệt;
  • Ung thư thận;
  • Ung thư tinh hoàn.
Hội chứng thần kinh cận ung 4.jpg
Bất kỳ bệnh ung thư nào cũng có thể liên quan đến hội chứng thần kinh cận ung thư

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng thần kinh cận ung thư

Để chẩn đoán hội chứng thần kinh cận ung thư, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh hoặc nếu cần thì sẽ chọc dò tủy sống để chính xác hơn. Vì hội chứng thần kinh cận ung thư có liên quan đến ung thư nên bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc ung thư nhất định dựa trên độ tuổi của bạn.

Khám lâm sàng

Đánh giá dựa trên triệu chứng lâm sàng:

  • Phản xạ của cơ thể;
  • Sức mạnh cơ bắp, trương lực cơ
  • Cảm giác, nhạy cảm của da;
  • Thị giác và thính giác;
  • Khả năng phối hợp và vận động tự chủ;
  • Khả năng giữ cân bằng của cơ thể;
  • Tâm lý, trí nhớ, khả năng tư duy.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Bao gồm các xét nghiệm để xác định kháng thể liên quan đến hội chứng thần kinh cận ung thư. Các xét nghiệm khác thường là các xét nghiệm loại trừ, giúp xác định xem có phải bệnh lý khác không, ví dụ bệnh nhiễm trùng, rối loạn nội tiết tố hoặc rối loạn dinh dưỡng (rối loạn chuyển hóa) cũng gây ra các triệu chứng tương tự.
  • Chọc dò tủy sống để lấy mẫu dịch não tủy (CSF): Để tìm kháng thể cận ung thư (có thể không tìm được trong máu). Nếu những kháng thể này được tìm thấy trong cả dịch não tủy và máu, chứng tỏ các triệu chứng trên hệ thần kinh của là do hệ thống miễn dịch gây ra.
Hội chứng thần kinh cận ung 3.jpg
Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán có thể bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) để quan sát hình ảnh cắt ngang của các mô.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để quan sát hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh 3D chi tiết của mô cơ thể.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) để quan sát hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh 3D của cơ thể. Quét PET có thể được sử dụng để xác định khối u, đo sự trao đổi chất trong mô, hiển thị lưu lượng máu và xác định các bất thường ở não liên quan đến co giật. PET kết hợp với CT có thể làm tăng tỷ lệ phát hiện các bệnh ung thư nhỏ, thường gặp ở những người bị rối loạn thần kinh cận ung thư.

Nếu không xác định được khối u ác tính hoặc không xác định được nguyên nhân nào khác thì có thể do khối u có kích thước quá nhỏ để phát hiện được. Do đó, nên tái khám và sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh để theo dõi sau mỗi 3 đến 6 tháng cho đến khi xác định được nguyên nhân gây rối loạn thần kinh.

Phương pháp điều trị hội chứng thần kinh cận ung thư hiệu quả

Điều trị hội chứng thần kinh cận ung thư bao gồm điều trị ung thư và ngăn chặn phản ứng miễn dịch gây ra các dấu hiệu và triệu chứng hiện có. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại hội chứng cận ung thư cụ thể.

Thuốc

Ngoài các loại thuốc như hóa trị để điều trị bệnh ung thư, bác sĩ có thể kê thêm để ức chế hệ thống miễn dịch tấn công hệ thần kinh:

  • Corticosteroid (ví dụ như prednisone): Có tác dụng ức chế tình trạng viêm. Các tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài bao gồm làm xương yếu đi (loãng xương), tăng đường huyết, huyết áp cao, cholesterol cao và các bệnh khác.
  • Thuốc ức chế miễn dịch làm chậm quá trình sản xuất các tế bào bạch cầu. Tác dụng phụ bao gồm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thuốc có thể bao gồm azathioprine, mycophenolate, rituximab và cyclophosphamide.

Tùy thuộc vào loại hội chứng thần kinh và triệu chứng, các loại thuốc khác có thể bao gồm:

  • Thuốc chống động kinh, có thể giúp kiểm soát các cơn động kinh liên quan đến hội chứng gây mất ổn định điện trong não.
  • Thuốc tăng cường truyền dẫn thần kinh đến cơ, có thể cải thiện các triệu chứng của hội chứng ảnh hưởng đến chức năng cơ. Một số loại thuốc tăng cường giải phóng chất truyền tin hóa học truyền tín hiệu từ tế bào thần kinh đến cơ. Các loại thuốc khác, chẳng hạn như pyridostigmine ức chế sự phân hủy các chất dẫn truyền thần kinh.

Các phương pháp điều trị khác

Các phương pháp điều trị khác có thể cải thiện triệu chứng bao gồm:

  • Lọc huyết tương để loại bỏ huyết tương chứa các kháng thể không mong muốn.
  • Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg): Globulin miễn dịch chứa các kháng thể khỏe mạnh từ người hiến máu. Globulin miễn dịch liều cao làm tăng tốc độ phá hủy các kháng thể gây hại trong máu.
  • Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng cơ đã bị tổn thương.
  • Trị liệu ngôn ngữ trong trường hợp khó khăn khi nói hoặc nuốt.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng thần kinh cận ung thư

Chế độ sinh hoạt:

  • Tái khám và tuân thủ điều trị để phát hiện kịp thời hội chứng thần kinh cận ung thư.
  • Người bệnh nên có tinh thần lạc quan, bình tĩnh và tích cực phối hợp điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng thần kinh cận ung thư hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tái khám đúng hẹn, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời hội chứng thần kinh cận ung thư.
Nguồn tham khảo
  1. Paraneoplastic syndromes of the nervous system: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/paraneoplastic-syndromes/symptoms-causes/syc-20355687
  2. Paraneoplastic Neurologic Syndromes: https://rarediseases.org/rare-diseases/paraneoplastic-neurologic-syndromes/
  3. Paraneoplastic Syndromes: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17938-paraneoplastic-syndromes
  4. Paraneoplastic Syndromes: https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/paraneoplastic-syndromes
  5. Paraneoplastic Syndromes: https://emedicine.medscape.com/article/280744-overview?form=fpf 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm gan tự miễn

  2. Viêm bàng quang cấp

  3. Bệnh nến xương

  4. Bệnh gan sung huyết

  5. Cường Aldosteron tiên phát

  6. Viêm gân gấp ngón cái

  7. U thần kinh nội tiết

  8. Moyamoya

  9. Bệnh Horton

  10. Phì đại tuyến vú