Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phình mạch máu não: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 25/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phình mạch máu não (còn được gọi là phình động mạch não) là là một khối phồng giống như quả bóng ở thành động mạch. Phình mạch máu não bị vỡ có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xuất huyết não, tổn thương não, hôn mê và thậm chí tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phình mạch máu não là gì?

Phình mạch máu não (còn được gọi là phình động mạch não) là một khối phồng giống như quả bóng ở thành động mạch não. Nó thường phát triển ở các điểm phân nhánh của động mạch và gây ra bởi áp lực liên tục từ lưu lượng máu. Chúng thường to ra từ từ và trở nên yếu đi khi lớn lên, giống như một quả bóng bay yếu đi khi nó căng ra. Khi phình mạch máu não phát triển, nó sẽ gây áp lực lên các cấu trúc gần đó và cuối cùng có thể bị vỡ. Phình mạch máu não bị vỡ sẽ giải phóng máu vào khoang dưới nhện xung quanh não. Chảy máu dưới nhện là một loại đột quỵ đe dọa tính mạng.

Hầu hết phình mạch máu não phát triển sau tuổi 40. Đây là tình trạng tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 3% dân số. Khoảng 1/1000 người bị phình mạch máu não bị xuất huyết não. Nếu đột quỵ xuất huyết xảy ra, nguy cơ tử vong là khoảng 40%.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phình mạch máu não

Có thể không có triệu chứng nào cho đến khi phình mạch máu não vỡ ra. Các triệu chứng có thể xảy ra khi phình mạch máu não đè lên một cấu trúc trong não. Đối với phình mạch máu não bị vỡ, các triệu chứng của xuất huyết dưới nhện có thể xuất hiện:

  • Đau đầu dữ dội;
  • Đau phía trên hoặc phía sau hốc mắt;
  • Buồn nôn và nôn vọt;
  • Mờ mắt hoặc nhìn đôi;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Co giật;
  • Mất ý thức;
  • Lú lẫn;
  • Tê tay chân;
  • Yếu liệt tay chân.
phình mạch máu não 4.jpg
Đau đầu dữ dội là triệu chứng có thể gặp

Biến chứng có thể gặp khi mắc phình mạch máu não

Sau khi phình mạch máu não bị vỡ, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sau:

  • Tái xuất huyết: Một khi phình mạch máu não đã vỡ, nó có thể vỡ lại lần nữa, dẫn đến chảy máu nhiều hơn vào não và gây ra nhiều tổn thương hơn hoặc tử vong.
  • Thay đổi nồng độ natri máu: Xuất huyết não có thể phá vỡ sự cân bằng nồng độ natri trong máu và gây phù các tế bào não. Điều này có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
  • Não úng thủy: Xuất huyết dưới nhện có thể gây não úng thủy. Não úng thủy là tình trạng tích tụ quá nhiều dịch não tủy trong não, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn. Não úng thủy xảy ra thường xuyên sau xuất huyết dưới nhện vì máu chặn dòng chảy bình thường của dịch não tủy. Nếu không được điều trị, áp lực bên trong hộp sọ tăng lên có thể gây hôn mê hoặc tử vong.
  • Co thắt mạch máu: Sau khi phình mạch máu não bị vỡ, các mạch máu trong não có thể co lại. Co thắt mạch có thể gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ. Điều này có thể gây tổn thương và mất thêm tế bào não.
  • Động kinh: Những cơn co giật không được điều trị hoặc những cơn không đáp ứng với điều trị có thể gây tổn thương não.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì khi phình mạch máu não bị vỡ sẽ gây đe dọa đến tính mạng của bạn. Cho nên, gặp ngay bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của phình mạch máu não, đặc biệt là có các triệu chứng như đột ngột đau đầu dữ dội, suy giảm nhận thức hoặc lên cơn co giật. 

Nếu có người thân trong gia đình bị bệnh phình mạch máu não, bạn cũng hãy liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và đánh giá xem bạn có mắc bệnh hay không.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phình mạch máu não

Nguyên nhân phình mạch máu não thường liên quan đến bất kỳ bệnh hoặc tình trạng nào làm suy yếu hoặc làm tổn thương thành mạch máu trong não. Nếu mắc các bệnh lý sau đây có thể dẫn đến mắc phình mạch máu não:

  • Dị dạng động tĩnh mạch;
  • Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như hội chứng Ehlers-Danlos, có thể làm suy yếu thành động mạch;
  • Bệnh thận đa nang khiến u nang hình thành ở thận và các cơ quan khác.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phình mạch máu não?

Những đối tượng có nguy cơ mắc phình mạch máu não bao gồm:

  • Tuổi trên 40;
  • Tiền sử gia đình mắc phình mạch máu não;
  • Giới nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải phình mạch máu não

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phình mạch máu não bao gồm:

phình mạch máu não 5.jpg
Nữ giới có nguy cơ mắc phình mạch máu não cao hơn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phình mạch máu não

Hầu hết mọi người không biết mình bị phình mạch máu não cho đến khi nó vỡ ra.

Nếu bạn có triệu chứng, tiền sử gia đình hoặc có các yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể đề nghị sàng lọc phình mạch máu não. Các xét nghiệm bác sĩ sử dụng để chẩn đoán phình mạch máu não bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Đây thường là xét nghiệm đầu tiên mà bác sĩ sẽ yêu cầu để xác định xem máu đã tràn vào khoang dưới nhện hay không.
  • Chụp CT mạch máu (CTA): Là phương pháp tạo ra hình ảnh sắc nét hơn, chi tiết hơn về lưu lượng máu trong động mạch não. CTA có thể hiển thị kích thước, vị trí và hình dạng của phình mạch máu não chưa vỡ hoặc đã vỡ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh chi tiết hai chiều và ba chiều của não và có thể xác định xem có xuất huyết não hay không. MRI còn tạo ra hình ảnh chi tiết của động mạch não và có thể hiển thị kích thước, vị trí và hình dạng của phình mạch máu não.
  • Chọc dịch não tủy (CSF): Xét nghiệm này đo nồng độ các chất trong dịch não tủy. Kết quả sẽ giúp phát hiện bất thường của não tủy. Nếu phát hiện bất thường, cần phải xét nghiệm máu bổ sung để xác định nguyên nhân chính xác.
phình mạch máu não 9.jpg
Chụp CT có thể giúp bác sĩ chẩn đoán phình mạch máu não bị vỡ

Phương pháp điều trị phình mạch máu não

Điều trị phình mạch máu não phụ thuộc vào kích thước, vị trí của phình mạch máu não và liệu nó có bị vỡ hay không. Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và bệnh kèm theo của người bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến việc điều trị.

Đối với phình mạch máu não nhỏ, chưa vỡ, bác sĩ có thể đề xuất bạn theo dõi định kỳ. Bạn sẽ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng để theo dõi sự phát triển của phình mạch máu não, theo dõi huyết áp, cholesterol máu và các tình trạng bệnh lý khác.

Phình mạch máu não đã vỡ cần phải điều trị khẩn cấp. Việc điều trị của bạn có thể bao gồm các phương pháp:

  • Phẫu thuật thần kinh: Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của một người, phẫu thuật có thể được chỉ định. Bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện ghép hoặc cắt bỏ động mạch bị phình.
  • Can thiệp mạch máu: Đây là một thủ tục ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật và có thể an toàn hơn.

Các phương pháp khác để điều trị phình mạch máu não bị vỡ nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng và kiểm soát các biến chứng:

  • Thuốc giảm đau: Acetaminophen có thể được sử dụng để điều trị đau đầu.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc này có thể làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng do co thắt mạch máu não.
  • Nong mạch: Đây là một thủ thuật nhằm mở rộng mạch máu bị hẹp trong não do co thắt mạch máu.
  • Thuốc chống động kinh: Có thể được sử dụng để điều trị các cơn động kinh liên quan đến phình mạch máu bị vỡ. Các loại thuốc thường không cần dùng nếu cơn động kinh không xảy ra.
  • Liệu pháp phục hồi chức năng: Nếu bạn bị đột quỵ do xuất huyết não, bạn có thể cần điều trị để phục hồi chức năng đã mất. Mục tiêu của phục hồi chức năng thần kinh là cải thiện lời nói, khả năng vận động và sức cơ. Ngoài ra, còn giúp tăng các kỹ năng bạn cần có để tham gia vào các hoạt động hàng ngày.
phình mạch máu não 10.jpg
Điều trị phình mạch máu não bị vỡ bằng phẫu thuật

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phình mạch máu não

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày;
  • Bỏ rượu bia, thuốc lá;
  • Duy trì cân nặng bình thường;
  • Giảm căng thẳng;
  • Tập thể dục mỗi ngày;
  • Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý;
  • Không sử dụng các loại ma túy như Cocaine, Methamphetamine.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế tổn thương tế bào não bao gồm:

  • Ngũ cốc nguyên hạt như hạt óc chó, yến mạch, hạt chia;
  • Sử dụng dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành;
  • Thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi;
  • Trái cây và rau quả có màu sẫm, chẳng hạn như rau bina, cải xoăn, quả việt quất và dâu tây.

Một số thực phẩm bạn nên tránh bao gồm:

  • Hạn chế muối, dùng không quá 5g muối trong ngày;
  • Tránh đồ ăn và đồ uống có đường;
  • Tránh đồ uống chứa cà phê;
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và nhiều chất béo như khoai tây chiên, gà rán, xúc xích, thịt xông khói.

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp với tình trạng của bạn.

Phương pháp phòng ngừa phình mạch máu não hiệu quả

Bạn không thể ngăn ngừa được phình mạch máu não. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ phát triển phình mạch máu não bằng cách duy trì lối sống lành mạnh:

  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Luyện tập thể dục đều đặn;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Tránh hoặc bỏ hút thuốc. 
phình mạch máu não 11.jpg
Ngưng hút thuốc lá có thể giúp phòng ngừa mắc phình mạch máu não
Nguồn tham khảo
  1. Ruptured brain aneurysm: https://mayfieldclinic.com/pe-aneurrupt.htm
  2. What You Should Know About Cerebral Aneurysms: https://www.stroke.org/en/about-stroke/types-of-stroke/hemorrhagic-strokes-bleeds/what-you-should-know-about-cerebral-aneurysms
  3. Brain Aneurysm: https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/brain-aneurysm
  4. Cerebral Aneurysms: https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/cerebral-aneurysms
  5. Brain aneurysm: https://www.nhs.uk/conditions/brain-aneurysm/

Các bệnh liên quan

  1. Bướu sợi tuyến Birads 2

  2. Bệnh Hypophosphatasia (HPP) bẩm sinh

  3. bệnh tim thiếu máu cục bộ

  4. Hội chứng Lynch

  5. Bệnh xương Köhler

  6. Phù thũng

  7. Viêm cầu thận Lupus

  8. Bệnh nang gan

  9. Viêm lưỡi bản đồ

  10. Tắc mạch máu não