Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tắc tĩnh mạch võng mạc là tình trạng tắc nghẽn mạch máu nhỏ dẫn máu đi ra từ võng mạc. Các triệu chứng bao gồm mờ mắt hoặc mất thị lực ở một mắt, tình trạng này có thể xuất hiện đột ngột. Tắc tĩnh mạch võng mạc có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sưng hoặc xuất huyết ở mắt. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc tĩnh mạch võng mạc là gì?

Tắc tĩnh mạch võng mạc là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ tĩnh mạch dẫn máu từ võng mạc. Võng mạc là một lớp mô ở phía sau mắt giúp chuyển ánh sáng thành hình ảnh bạn có thể nhìn thấy. Tắc tĩnh mạch võng mạc sẽ khiến máu rời khỏi võng mạc của bạn bị ngăn lại. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm tăng áp lực trong mắt và sưng. Những vấn đề này cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng mất thị lực.

Hiện tại không có phương pháp an toàn nào để thông tắc tĩnh mạch. Tuy nhiên, điều trị có thể kiểm soát các biến chứng và bảo vệ thị lực của bạn.

Các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ điều chỉnh điều trị theo nhu cầu cá nhân của bạn. Bạn có thể cần nhiều phương pháp điều trị từ tiêm thuốc đến phẫu thuật để kiểm soát tình trạng của mình.

Có hai loại tắc tĩnh mạch võng mạc:

  • Tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm (hoặc tắc tĩnh mạch võng mạc chính).
  • Tắc tĩnh mạch võng mạc nhánh là tắc nghẽn một trong các tĩnh mạch nhánh nhỏ hơn. Loại này thường gặp hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc tĩnh mạch võng mạc

Các triệu chứng tắc tĩnh mạch võng mạc thường chỉ ảnh hưởng ở một bên mắt, bao gồm:

  • Nhìn mờ hoặc mất thị lực (mù): Tình trạng này có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn tiến dần dần trong vài giờ hoặc vài ngày.
  • Ruồi bay trước mắt: Những đốm đen hoặc đường kẻ xuất hiện trong tầm nhìn của bạn.
  • Đau hoặc nặng mắt: Thường xảy ra trong những trường hợp nghiêm trọng hơn.

Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi có biến chứng. Một số người không nhận thấy cho đến khi bác sĩ phát hiện ra khi đến khám mắt định kỳ.

Tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 4
Tắc tĩnh mạch võng mạc có thể gây mờ mắt hoặc mất thị lực

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc

Tắc tĩnh mạch võng mạc có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Phù hoàng điểm dạng nang: Đây là tình trạng phù ở trung tâm võng mạc của bạn (hoàng điểm). Nó có thể gây mờ mắt hoặc mất thị lực.
  • Tân mạch: Các mạch máu mới bất thường có thể được hình thành ở các vị trí khác nhau của mắt, điển hình là mống mắt. Biến chứng này xảy ra ở khoảng 1 trong 4 người bị tắc tĩnh mạch võng mạc. Các tân mạch ít hình thành hơn ở võng mạc.
  • Chảy máu trong mắt (xuất huyết thủy tinh thể): Xảy ra khi máu rò rỉ vào thủy tinh thể của bạn và lấp đầy nhãn cầu của bạn. Nó là kết quả của sự hình thành các tân mạch bất thường, dễ bị rò rỉ.
  • Glaucoma tân mạch: Các tân mạch bất thường trong mắt của bạn có thể gây đau và tăng áp lực bên trong mắt một cách nguy hiểm.
  • Bong võng mạc: Các tân mạch bất thường trong võng mạc có thể khiến võng mạc bị tách ra khỏi các mô hỗ trợ nó.

Những người bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn, bao gồm cả đột quỵ, so với những người không bị tắc tĩnh mạch võng mạc. Điều này có thể là do các yếu tố nguy cơ cơ bản như tăng huyết ápxơ vữa động mạch.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị mờ mắt đột ngột hoặc mất thị lực.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tắc tĩnh mạch võng mạc

Sự gián đoạn lưu thông máu bình thường qua tĩnh mạch võng mạc gây ra tình trạng này. Sự gián đoạn có thể xảy ra do:

  • Một cục máu đông;
  • Sự trì trệ của lưu lượng máu;
  • Tĩnh mạch võng mạc bị chèn ép tại điểm nó bắt chéo với động mạch võng mạc. Động mạch võng mạc cung cấp máu giàu oxy cho võng mạc. Động mạch võng mạc có thể bị xơ cứng do lão hóa hoặc tích tụ mảng bám và nó có thể đè lên tĩnh mạch võng mạc của bạn. Điều này có thể làm hỏng lớp lót bên trong lòng của tĩnh mạch võng mạc, khiến cục máu đông dễ hình thành hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tắc tĩnh mạch võng mạc?

Những người trên 40 tuổi là một yếu tố nguy cơ chính của tắc tĩnh mạch võng mạc. Tắc tĩnh mạch võng mạc thường ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 50 hoặc 60. Tuy nhiên, bệnh lý này vẫn có thể ảnh hưởng đến những người dưới 40 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tắc tĩnh mạch võng mạc

Có một số tình trạng bệnh lý nhất định có thể làm tăng nguy cơ bị tắc tĩnh mạch võng mạc của bạn, bao gồm:

Tiền căn tắc tĩnh mạch võng mạc ở một mắt làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở mắt còn lại.

Tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 5
Bệnh đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của tắc tĩnh mạch võng mạc

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc tĩnh mạch võng mạc

Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và hỏi về bệnh sử của bạn. Họ sẽ nhỏ thuốc vào mắt bạn để giãn đồng tử và sử dụng kính soi đáy mắt để kiểm tra võng mạc của bạn xem có dấu hiệu tắc nghẽn hoặc xuất huyết hay không.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị chụp mạch huỳnh quang võng mạc. Bạn sẽ được tiêm thuốc cản quang vào cánh tay. Khi nó di chuyển theo dòng máu và đến võng mạc, kỹ thuật viên sẽ chụp ảnh mắt bạn. Với hình ảnh đó, bác sĩ có thể nhìn thấy bất kỳ rò rỉ dịch nào trong mạch máu của bạn.

Đôi khi, bạn cũng có thể cần được chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT). Bạn sẽ được nhỏ thuốc để làm giãn đồng tử, sau đó máy sẽ quét mắt bạn bằng các tia sáng để tạo ra hình ảnh chi tiết về võng mạc của bạn.

Tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 6
Hình ảnh tắc tĩnh mạch võng mạc qua soi đáy mắt

Phương pháp điều trị tắc tĩnh mạch võng mạc hiệu quả

Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu tắc tĩnh mạch võng mạc. Bác sĩ có thể điều trị các biến chứng và bảo vệ thị lực của bạn. Bác sĩ có thể chỉ định:

  • Thuốc tiêm: Thuốc chống tăng sinh mạch máu (VEGF), hoặc tiêm steroid vào mắt. Trước tiên, bác sĩ sẽ bôi thuốc giảm đau và dùng một cây kim rất mỏng nên bạn sẽ không cảm thấy khó chịu nhiều.
  • Liệu pháp laser tiêu điểm: Sử dụng tia laser để đốt và làm kín các mạch máu gần hoàng điểm giúp chúng không bị rò rỉ. Võng mạc không có dây thần kinh cảm giác nên bạn sẽ không cảm thấy khó chịu nhiều.
  • Phẫu thuật laser: Bạn có thể được thực hiện phương pháp này nếu mắt của bạn xuất hiện các tân mạch. Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để tạo ra những vết bỏng nhỏ trên võng mạc. Nó ngăn chặn các tân mạch bị rò rỉ và phát triển.

Những phương pháp điều trị này có thể giúp bạn lấy lại thị lực. Thị lực của hầu hết người bệnh sẽ tốt hơn sau một vài tháng. Tuy nhiên một số người vẫn không có cải thiện.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc tĩnh mạch võng mạc

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi sức khoẻ mắt định kỳ: Điều quan trọng là người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe và theo dõi tình trạng của mắt. Hãy tuân thủ lịch hẹn khám của bác sĩ mắt và thực hiện các xét nghiệm y tế định kỳ.
  • Vận động thể chất: Thực hiện các bài tập vận động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc bơi lội. Điều này có thể giúp cải thiện lưu thông máu và duy trì sức khỏe tổng thể.
  • Hạn chế hút thuốc lá và uống rượu: Hút thuốc lá và tiêu thụ rượu có thể làm tăng nguy cơ tắc tĩnh mạch võng mạc và tổn thương mạch máu.
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác: Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mỡ máu cao, hãy tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt hơn.
  • Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh: Khi ra ngoài, đảm bảo sử dụng kính mắt bảo vệ hoặc kính có chức năng chống tia UV để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh.
  • Tuân thủ quy trình điều trị: Nếu được chỉ định, hãy tuân thủ chính xác lịch trình và phác đồ điều trị được đề xuất bởi bác sĩ. Điều này có thể bao gồm sử dụng thuốc nhỏ mắt, tiêm thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.

Quan trọng nhất, hãy luôn thảo luận và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt để đảm bảo chế độ sinh hoạt phù hợp và điều trị hiệu quả cho tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chất chống oxy hóa: Bạn nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để bảo vệ mắt khỏi tổn thương. Bao gồm các loại rau xanh như rau chân vịt, cải xoăn, cải bó xôi, cà chua, cà rốt, và các loại quả như dứa, cam, việt quất và quả lựu.
  • Omega-3: Các axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe mắt. Hãy bao gồm các nguồn omega-3 như cá hồi, cá thu, cá mòi, hạt chia và hạt lanh trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Vitamin C và E: Vitamin C và E cũng có tác dụng chống oxy hóa và giúp bảo vệ mắt. Hãy ăn nhiều trái cây và rau có chứa vitamin C như cam, chanh, dứa, dâu tây và các loại rau xanh. Đồng thời, bổ sung vitamin E bằng cách ăn hạt hạnh nhân, hạt hướng dương và dầu ô liu.
  • Khoáng chất: Các khoáng chất như kẽm, đồng và selen cũng quan trọng cho sức khỏe mắt. Hãy bao gồm trong chế độ ăn các nguồn giàu kẽm như hàu, hạt bí và thịt gia cầm. Đồng và selen có thể được tìm thấy trong hạt điều, các loại hải sản và các loại hạt khác.
  • Hạn chế chất béo bão hòa, cholesterol và muối: Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, như thịt đỏ, mỡ động vật, bơ và kem. Hạn chế cũng cần áp dụng cho muối, vì tiêu thụ muối quá mức có thể gây tăng huyết áp và ảnh hưởng đến sức khỏe mạch máu.
  • Đủ nước: Hãy đảm bảo uống đủ nước để duy trì độ ẩm cần thiết cho mắt và cơ thể.
Tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 7
Chế độ ăn lành mạnh giúp hỗ trợ hạn chế bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc

Ngoài ra, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với trạng thái sức khỏe của bạn.

Phương pháp phòng ngừa tắc tĩnh mạch võng mạc hiệu quả

Biết bạn có nguy cơ bị tắc tĩnh mạch võng mạc hay không là bước đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng này. Hãy thảo luận với bác sĩ chuyên khoa mắt về mức độ nguy cơ của bạn và cách giảm thiểu nó.

Điều quan trọng nữa là thảo luận với bác sĩ của bạn về các tình trạng tiềm ẩn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu. Họ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị cần thiết để kiểm soát những tình trạng đó giúp giữ cho đôi mắt của bạn và toàn bộ cơ thể khỏe mạnh.

Những gợi ý bạn có thể làm để giảm nguy cơ bao gồm:

  • Thực hiện chế độ ăn kiêng hỗ trợ sức khỏe tim và mạch máu;
  • Hãy biến việc tập thể dục thành một phần thói quen hàng ngày của bạn;
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh cho bạn;
  • Tránh hút thuốc lá và tất cả các sản phẩm tương tự.
Nguồn tham khảo
  • Central Retinal Vein Occlusion and Branch Retinal Vein Occlusion: https://www.msdmanuals.com/professional/eye-disorders/retinal-disorders/central-retinal-vein-occlusion-and-branch-retinal-vein-occlusion
  • Central Retinal Vein Occlusion: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK525985/
  • Central Retinal Artery Occlusion: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/central-retinal-artery-occlusion
  • Retinal vein occlusion: https://medlineplus.gov/ency/article/007330.htm
  • What Is Retinal Vein Occlusion?: https://www.webmd.com/eye-health/retinal-vein-occlusion

Các bệnh liên quan

  1. Ngứa mắt

  2. liệt dây thần kinh số 4

  3. Cườm nước

  4. Loét giác mạc

  5. Thiên đầu thống

  6. Tắc động mạch võng mạc trung tâm

  7. Đục thủy tinh thể ở người già

  8. Viêm võng mạc sắc tố

  9. Viêm màng bồ đào

  10. Mắt đỏ