Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nang gan là bệnh lý gì? Bệnh nang gan có nguy hiểm không?

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể người với các chức năng quan trọng như chuyển hóa, tổng hợp các chất, chức năng khử độc… Do đó việc quan tâm đến chức năng của gan cũng được mọi người ngày càng chú ý và xem trọng. Trong các bệnh lý về gan, nang gan là bệnh lý lành tính không quá phổ biến, tuy nhiên việc nhận biết các triệu chứng hay biến chứng có thể xảy ra đối với người bệnh là cần thiết.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh nang gan là gì?

Nang gan là những túi nhỏ trong gan chứa đầy chất lỏng, các chất nhầy hay chất rắn. Các nang gan này thường phát triển bất thường từ bên trong tế bào gan, biểu mô tế bào đường mật hoặc di căn từ các cơ quan khác. Một người có thể có một nang hay nhiều nang và kích thước dao động từ vài mm đến hơn 10 cm.

Nang gan có nguy hiểm không?

Hầu như tất cả các nang gan đều lành tính (có nghĩa là chúng không phải là ung thư gan) và được phát hiện tình cờ bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học (như siêu âm bụng, CT scan) khi người bệnh đi khám sức khỏe. Các nang khi xuất hiện phần lớn không gây ra các triệu chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nang gan phát triển nhanh bất thường hoặc nang gan do rối loạn di truyền có thể cần phải điều trị.

Nang gan thường được chia làm 4 loại, bao gồm:

  • Nang đơn giản;
  • Bệnh gan đa nang;
  • Nang gây bởi ký sinh trùng (nang sán);
  • U nang.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nang gan

Hầu hết các nang gan là lành tính và không phát triển đủ lớn để biểu hiện ra các triệu chứng. Một số nghiên cứu còn cho thấy các nang gan lành tính có thể tự khỏi mà không cần điều trị hay can thiệp gì. Các nang gan lành tính hay nang gan ung thư thông thường có kích thước nhỏ và không có biểu hiện triệu chứng nên có thể không được chẩn đoán trong nhiều năm.

Chỉ có khoảng 5-10% người mang nang gan có biểu hiện triệu chứng. Triệu chứng của người mang nang gan có thể bao gồm:

  • Đau bụng âm ỉ ở vùng thượng vị hoặc vùng hạ sườn phải;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Ngứa da;
  • Chán ăn hoặc cảm thấy no nhanh khi ăn rất ít thức ăn;
  • Nang gan to có thể chèn ép gây khó thở;
  • Bụng chướng hoặc cảm thấy căng phồng;
  • Có thể sờ thấy khối u trong bụng;
  • Vàng da khi bệnh diễn tiến nặng hơn gây chèn ép ống dẫn mật;
  • Sốt, đau bụng đột ngột và dữ dội khi nang lớn vỡ.
Nang gan là bệnh lý gì? Bệnh nang gan có nguy hiểm không? 1
Bệnh nang gan sẽ có triệu chứng ngứa da

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nang gan

Như đã đề cập ở trên, bệnh nang gan là một bệnh lý lành tính, hiếm khi trở thành tiền ung thư hoặc chuyển thành nang ung thư. Khoảng 1% - 5% các nang gan là tiền ung thư và có khoảng 30% các nang này tiến triển tiếp thành ung thư. Tuy nhiên, khi các nang phát triển lớn hơn và thay đổi tính chất tế bào của nang có thể gây ra các triệu chứng đáng kể và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Một số biến chứng có thể xảy ra ở các nang lớn, nang ung thư hoặc nang do rối loạn di truyền:

  • Nang lớn vỡ tự nhiên hoặc gây xuất huyết sau chấn thương vùng gan.
  • Nếu là nang di động có thể làm cho nang bị xoắn, sau đó người bệnh sẽ có triệu chứng đau bụng đột ngột và dữ dội.
  • Nang lớn gây chèn ép vào đường mật làm cho người bệnh xuất hiện triệu chứng vàng da…
  • Nang chèn ép vào tĩnh mạch cửa gây ra hiện tượng tăng áp tĩnh mạch cửa.
  • Nang gan bị bội nhiễm và tạo thành áp xe gan.
  • Bệnh gan đa nang có thể gây suy gan.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ khi:

  • Nếu người bệnh đã được phát hiện có nang gan, đang theo dõi định kỳ nhưng cơ thể bắt đầu thấy có triệu chứng mới xuất hiện.
  • Các triệu chứng trở nên xấu hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng khác như sốt…
  • Các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh nang gan

Như đã đề cập ở phần trên, bệnh nang gan được chia làm nhiều loại. Do đó, tùy vào nhóm bệnh nang gan mà có các nguyên nhân khác nhau.

Nang gan đơn giản

Nang gan đơn giản là loại nang phổ biến nhất, lành tính và chiếm tỉ lệ khoảng 5% dân số. Nguyên nhân chủ yếu là bẩm sinh, thường chỉ có một nang, đường kính < 3cm. Hầu hết các nang này không gây ra triệu chứng hoặc có thể tự lành mà không cần điều trị hay can thiệp phẫu thuật.

Bệnh gan đa nang

Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp, nguyên nhân được cho là do bẩm sinh hoặc hoặc rối loạn di truyền liên quan đến đột biến gen. Biểu hiện bằng sự hiện diện của khoảng hơn 10 nang gan và nối thành chùm với nhau như chùm nho. Bệnh thường xuất hiện đồng thời với bệnh thận đa nang. Chỉ có khoảng 20% người mắc bệnh gan đa nang xuất hiện những triệu chứng đáng chú ý và còn lại hầu hết người bệnh không có triệu chứng cho đến khi họ trưởng thành. Trong đó, ở phụ nữ có nhiều khả năng xuất hiện triệu chứng và cần điều trị hơn nam giới.

Nang gan gây ra bởi ký sinh trùng hay còn gọi là nang sán

Nang sán hay có thể được gọi là bệnh Echinococcosis, Hydatidosis hoặc bệnh Hydatid. Nang này hình thành do nhiễm một loại ký sinh trùng sán dây nhỏ tên là Echinococcus granulosus. Bệnh do ký sinh trùng truyền sang người từ chó và cừu. Đường lây truyền thường là do qua hệ thống nước hoặc ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Ký sinh trùng còn có thể gây ra nang ở các vị trí khác trong cơ thể như: Phổi, thận, não…

Nếu không được điều trị bệnh nang sán có thể gây sốt, vàng da, kích thước lớn dần và vỡ ra làm đường mật bị viêm hoặc lan sang phổi cũng như một vài một phận khác.

U nang gan

U nang gan là loại nang rất hiếm gặp, thường là một nang gan kích thước lớn với đường kính trung bình khoảng 12cm, xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. U nang gan này có thể phát triển thành ung thư gan. Có triệu chứng tương tự với nhiều bệnh lý khác như: Trướng bụng, buồn nôn, đau bụng trên vùng hạ sườn phải, vàng da…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh nang gan?

Mọi đối tượng đều có khả năng mắc bệnh nang gan. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân mà các đối tượng có thể có sự khác biệt.

Nang gan là bệnh lý gì? Bệnh nang gan có nguy hiểm không? 2
Mọi đối tượng đều có khả năng mắc bệnh nang gan

Nang gan đơn giản là loại nang gan có tỷ lệ phổ biến nhất. Tỷ lệ nang gan đơn giản cao tới 15-18% ở Hoa Kỳ và 5-10% trên toàn thế giới. Trong dân số nói chung, các nang gan được tìm thấy trên siêu âm có tỷ lệ từ 3-5%, trong khi đó tìm thấy qua CT scan có tỷ lệ cao hơn 15-18%.

  • Nang gan đơn giản: Là bệnh lý lành tính, phổ biến nhất và có tỷ lệ cao ở phụ nữ so với nam giới, thường được chẩn đoán sau 40 tuổi.
  • Bệnh gan đa nang: Bệnh gan đa nang có tỷ lệ mắc rất thấp từ 1-10 trường hợp trên 1 triệu người trong dân số chung. Bệnh thường do đột biến gen di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường biệt lập nên giới nam và nữ có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Tuy nhiên, các phát hiện cho thấy tỷ lệ nữ/nam (6/1), được cho là nồng độ estrogen ở phụ nữ cao hơn nam giới. Đối với những người mắc bệnh thận đa nang thì bệnh gan đa nang được phát hiện ở những đối tượng này chiếm tỷ lệ khoảng 60%.
  • Nang sán: Tất cả mọi người đều có khả năng bị nang sán nếu nhiễm phải ký sinh trùng.
  • U nang gan: Rất hiếm gặp và chiếm tỷ lệ chỉ 1 - 5% ở những người mắc nang gan. Chúng xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới ở độ tuổi từ 40 - 50 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nang gan

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh nang gan:

  • Tuổi: Thường được chẩn đoán sau 40 tuổi.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nang gan cao nam giới.
  • Di truyền.
  • Estrogen ngoại sinh, phụ nữ đa thai hay mức độ tổn thương thận ở người mắc bệnh thận đa nang có thể làm tăng nguy cơ bệnh gan đa nang tiến triển.
  • Dinh dưỡng lối sống: Hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia, các yếu tố môi trường hay hay chế độ ăn không lành mạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nang gan

Vì có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh nang gan, nên bác sĩ có thể hỏi bệnh sử, tiền căn bệnh cũng như yêu cầu thực hiện các xét nghiệm để giúp chẩn đoán chính xác hơn.

Siêu âm tổng quát

Là một xét nghiệm hình ảnh học phổ biến, không xâm lấn, độ nhạy cao và không tiếp xúc với bức xạ có hại. Siêu âm để xác định u nang trong gan và thận được khuyến cáo là xét nghiệm ban đầu. Siêu âm có thể phân biệt một nang gan đơn giản với một nang gan phức tạp.

CT scan hay chụp cộng hưởng từ (MRI)

Là hai xét nghiệm hình ảnh học công nghệ cao hơn, đắt tiền hơn, có thể giúp đánh giá rõ ràng hơn tính chất của các nang gan có đặc điểm của ung thư hoặc nguyên nhân nhiễm trùng. MRI được ưu tiên để đánh giá trước phẫu thuật nhằm đánh giá đường mật và thành phần cấu tạo của nang gan.

Nang gan là bệnh lý gì? Bệnh nang gan có nguy hiểm không? 3
CT scan hay chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện ra nang gan

Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây bệnh nang gan do ký sinh trùng.

Phương pháp điều trị bệnh nang gan

Việc điều trị bệnh nang gan sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Các nang gan đơn giản không có triệu chứng được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe không cần điều trị. Tuy nhiên, cần theo dõi định kỳ kích thước và sự ổn định của các nang gan này.

Đối với các nang gan gây ra triệu chứng, trình tự thực hiện để làm giảm kích thước của nang hoặc loại bỏ hoàn toàn nang có thể bao gồm:

  • Chọc hút qua da: Có thể kết hợp hoặc không với tiêm chất làm xơ hóa (tetracycline, ethanol hoặc ethanolamine). Được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, an toàn và ít xâm lấn.
  • Nội soi khử trùng: Được chỉ định nếu việc chọc hút qua da không khả thi và không mang lại kết quả mong muốn. Phương pháp này có thể điều trị nhiều nang gan cùng lúc.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn u nang hoặc cắt bỏ gan là lựa chọn điều trị cuối cùng.
  • Cấy ghép gan: Đối với người bị bệnh gan đa nang hoặc người bệnh xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, nang lớn vỡ hay tái phát.

Ngoài ra, nếu nang gan có dấu hiệu của nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc kháng sinh, thuốc điều trị giun sán phù hợp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh nang gan

Chế độ sinh hoạt:

Duy trì thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh, các biện pháp bao gồm:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Liên hệ với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị và tái khám định kỳ.
  • Giải thích người bệnh đầy đủ và dễ hiểu về việc tránh sử dụng estrogen ngoại sinh và sử dụng các biện pháp tránh thai thay thế khác.
  • Tập luyện thể dục thể, thao đều đặn và phù hợp để duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Ngưng hút thuốc lá, rượu, bia hay các loại chất kích thích khác.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:

  • Hạn chế dùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa bởi kích thích tố tự nhiên trong sữa có thể thúc đẩy sự phát triển của các nang gan.
  • Ăn nhiều rau quả tươi xanh và được chế biến sạch sẽ để tránh nhiễm phải ký sinh trùng.
  • Hạn chế ăn mặn, ăn nhiều đồ ngọt và duy trì cân nặng phù hợp.
Nang gan là bệnh lý gì? Bệnh nang gan có nguy hiểm không? 4
Người bệnh cần bổ sung chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Phương pháp phòng ngừa bệnh nang gan

Để phòng ngừa bệnh nang gan một cách hiệu quả, hãy tham khảo các biện pháp sau đây:

  • Tiêm vắc xin đầy đủ;
  • Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại;
  • Bảo vệ cơ thể để tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng khi tiếp xúc với chó, cừu…
  • Kiểm soát cân nặng;
  • Hoạt động thể chất đều đặn;
  • Chế độ ăn phù hợp và chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn tham khảo
  1. Liver Cystic Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK567739/
  2. Hepatic Cyst: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK526052/
  3. Liver Cysts: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17178-liver-cyst
  4. What is a liver cyst?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/324420#complications
  5. Liver Cyst: https://www.healthline.com/health/liver-cyst#outlook
  6. Liver cysts: https://britishlivertrust.org.uk/information-and-support/liver-conditions/liver-cysts

Các bệnh liên quan

  1. Phù gai thị

  2. Bệnh Horton

  3. Ối vỡ non

  4. Tiểu đường tuýp 1

  5. Mất ngủ sau sinh

  6. Nang đơn thận

  7. Viêm gan tự miễn

  8. Đa u tủy xương

  9. Hoại tử vỏ thận

  10. Bệnh xương Köhler