Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vỡ túi ngực là gì? Những vấn đề cần biết về vỡ túi ngực

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nâng ngực là một thủ tục phẫu thuật để tăng kích thước ngực bằng cách sử dụng túi độn (nước muối hoặc silicone) hoặc cấy mỡ. Một biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật nâng ngực bằng túi nước muối hoặc silicone là vỡ túi độn ngực. Túi độn ngực silicone đã được sử dụng trong gần 6 thập kỷ qua. Trong thời gian này, túi độn đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể trong thiết kế và sử dụng với chất lượng ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ vỡ túi độn ngực trong những năm đầu rất thấp và bắt đầu tăng sau 6-8 năm cấy ghép.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vỡ túi ngực là gì?

Túi ngực là vật liệu tổng hợp được đặt bên trong ngực để làm tăng kích thước, thay đổi độ cong, hình dáng của ngực. Có nhiều loại túi độn như nước muối và silicone và bất kỳ loại nào cũng có thể bị thoái hóa dẫn đến vỡ. Vỡ túi ngực là một biến chứng của việc đặt túi ngực.

Khi cấy túi ngực, cơ thể sẽ tạo ra một vết sẹo xung quanh mô cấy gọi là bao xơ. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể đối với vật liệu bên ngoài được cấy ghép vào cơ thể. Vết vỡ của của túi ngực nằm bên trong bao xơ được gọi là vỡ trong bao và khi có sự thoát silicone ra bên ngoài bao xơ được gọi là vỡ ngoài bao.

Vỡ túi độn nước muối dẫn đến sự thoát dung dịch muối đẳng trương vào mô vú, nước muối sẽ được cơ thể tái hấp thu theo thời gian thường không gây ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, khi vỡ túi độn silicon có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn. Khi vỡ ngoài bao xơ, gel silicon thoát vào các mô vú xung quanh, thường ở dạng thâm nhiễm có thể hình thành mô sẹo. Một điểm quan trọng là gel silicon đã thoát ra ngoài qua bao xơ (vỡ ngoài bao) thì chúng cũng hiện diện bên trong bao (vỡ ngoài bao).

Túi nâng ngực đã được sử dụng trong nhiều năm và độ an toàn cũng như hiệu quả của chúng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng vì thế vỡ túi độn ngực tương đối hiếm gặp. Các túi ngực hiện đại có thể tồn tại đến 35 năm mà không bị vỡ vì các túi ngực thế hệ mới nhất có nhiều lớp vỏ hơn giúp giảm đáng kể nguy cơ vỡ. 

Triệu chứng

Những triệu chứng của vỡ túi ngực

Khi túi độn nước muối bị vỡ nước muối sẽ rỉ ra và vú có vẻ hơi xẹp xuống trong vài ngày. Ít khi có triệu chứng đau vì nước muối có thể được hấp thu.

Các dấu hiệu cho thấy túi độn silicon bị vỡ gồm những thay đổi về hình dạng và kích thước vú, đồng thời làm tăng cảm giác đau do phản ứng viêm diễn ra, cứng và sưng tấy trong khoảng thời gian. Trong một số trường hợp vỡ túi ngực không có bất kỳ dấu hiệu nào gọi là vỡ túi ngực thầm lặng.

Khám thực thể có thể phát hiện các triệu chứng sau:

  • Sự bất đối xứng 2 bên ngực.
  • Khối bên trong vú.
  • Hạch nách to.
  • Tiết dịch núm vú.
  • Ban đỏ xung quanh vú.
  • Sưng, nóng, đỏ da vùng vú.
  • Loét da vùng vú.
  • Sốt.
Vỡ túi ngực 1.jpg
Bất đối xứng kích thước vú 2 bên gợi ý có hiện tượng vỡ túi độn ngực

Tác động của vỡ túi ngực đối với sức khỏe

Vỡ túi ngực có thể gây khó chịu cho người mắc phải, mất thẩm mỹ,... một số ít nghiên cứu chỉ ra chúng có khả năng liên quan đến ung thư vú.

Biến chứng có thể gặp khi bị vỡ túi ngực

Những bệnh lý có thể gặp phải nếu vỡ túi ngực âm thầm hay không được điều trị như:

  • Viêm vú với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ da vùng vú.
  • Áp xe vú với các triệu chứng chảy dịch vú bất thường, loét da,...
  • Canxi hóa tuyến vú với các hạt canxi lắng xung quanh túi độn.
  • Co thắt bao xơ là tình trạng mô vú xung quanh túi độn cứng lại.

FDA chưa phát hiện bất kỳ mối liên quan nào giữa vỡ túi độn ngực chứa gel silicone và bệnh mô liên kết, ung thư vú hoặc các vấn đề sinh sản.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ thắc mắc nào về khả năng vỡ túi ngực cũng như các dấu hiệu bất thường sau khi đặt túi ngực một thời gian, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra sớm nhất.

Vỡ túi ngực 2.jpg
Hãy đến bác sĩ kiểm tra túi độn ngực thường xuyên để phát hiện tình trạng vỡ túi độn ngực âm thầm

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây vỡ túi ngực

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần khiến túi độn ngực bị vỡ bất kể là loại túi độn nào:

Hết tuổi thọ: 

Các nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến vỡ túi ngực là do quá trình lão hóa bình thường của túi ngực. Bởi vì tất cả các bộ phận giả đều có tuổi thọ được khuyến nghị và có xu hướng bị vỡ khi vượt quá giới hạn dự kiến này. 

Tài liệu và kinh nghiệm cá nhân các bác sĩ ước tính khoảng tuổi thọ khuyến nghị này có thể dao động từ 12 đến 35 năm. Tất cả các trường hợp vỡ xảy ra trong vòng 20 năm đầu đều là vỡ sớm so với tuổi thọ và nguyên nhân gây vỡ có thể là một nguyên nhân khác.

Lỗi sản xuất: 

Những vết vỡ sớm hơn tuổi thọ dự tính có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau như lỗi sản xuất gây ra điểm yếu sớm trên thành túi trước khi thời hạn sử dụng đến.

Chấn thương: 

Chấn thương cũng có thể dẫn đến vỡ túi ngực. Hầu hết các chấn thương không gây vỡ túi ngực ngoại trừ chấn thương trực tiếp với tốc độ cao (ví dụ như va chạm vào vô lăng trong một vụ tai nạn xe).

Thủ thuật y khoa: 

Thủ thuật chọc hút tuyến vú nhằm xác định tình trạng viêm tuyến vúung thư vú,... gây vỡ túi ngực do đầu kim chọc vào túi ngực.

Cần lưu ý là nguyên nhân vỡ túi độn ngực thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố kể trên. Ví dụ như vỏ túi độn có thể yếu đi theo thời gian nhưng không bị vỡ cho đến khi nó gặp thêm chấn thương va đập vào ngực.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải vỡ túi ngực?

Những cá nhân đặt túi ngực trong thời gian dài trước đây mà không kiểm tra túi ngực thường xuyên là đối tượng dễ mắc biến chứng vỡ túi ngực.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải vỡ túi ngực

Khi đánh giá nguy cơ vỡ túi độn các yếu tố quan tâm bao gồm:

  • Thời gian đặt túi độn quá lâu.
  • Túi ngực không chất lượng.
  • Túi ngực không phù hợp với cấu trúc vú tự nhiên của cơ thể.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vỡ túi ngực

Vỡ ngoài bao thường có thể được nhìn thấy bằng chụp nhũ ảnh và siêu âm với hình ảnh silicone thoát ra các mô xung quanh hoặc các hạch bạch huyết ở nách. MRI vẫn là phương pháp được lựa chọn để xác định mức độ thoát gel silicon ra ngoài mô vú. 

Chụp cắt lớp vi tính không được sử dụng để đánh giá tình trạng vỡ ngoài bao vì silicone và các mô mềm xung quanh có mật độ bức xạ tương tự nhau.

Vỡ túi ngực 3.jpg
MRI cho phép nhìn thấy rõ hình dạng bất thường của túi độn ngực

Siêu âm: 

Siêu âm vú là cận lâm sàng có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đối kém trong việc chẩn đoán vỡ túi ngực. Dấu hiệu bảo tuyết và dấu hiệu bậc thang là 2 dấu hiệu gợi ý vỡ túi ngực.

Dấu hiệu bão tuyết là dấu hiệu của các giọt gel silicon trộn lẫn với mô vú cho thấy hình ảnh phản âm không đồng nhất do sự phân tán của chùm tia siêu âm trong trường hợp vỡ ngoài bao.

Nhũ ảnh: 

Trên nhũ ảnh túi độn silicon bình thường có cấu trúc tròn đều và bắt phản quang tốt. Khi nhìn thấy các nếp nhăn trên túi là dấu hiệu của sự nứt vỡ túi độn. Chụp nhũ ảnh rất hữu ích trong việc phát hiện tổn thương mô vú xung quanh túi ngực.

MRI: 

Silicon sẽ có tín hiệu thấp trên T1 và tín hiệu cao trên T2. Khi vỡ ít với lượng gel thoát ra ngoài ít sẽ biểu hiện một đường song song với đường viền của bao ngoài túi ngực được gọi là dấu hiệu “đường dưới bao”. Khi dịch thoát ra ngoài nhiều có thể xuất hiện dưới dạng một nhóm các đường lượn sóng.

Phương pháp điều trị vỡ túi ngực

Cần loại bỏ phần vỏ của túi nước muối bị vỡ. Tương tự như thế, một túi silicon bị vỡ dù là trong bao hay ngoài bao đều phải được loại bỏ vì gel silicon có thể tương tác với các mô xung quanh và có thể lan đến các hạch bạch huyết lân cận.

Các bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ toàn bộ nang xơ đã bị silicone xâm nhập. Nếu vết rách nằm ngoài bao gel silicon xâm nhập vô vú nhiều, bệnh nhân có thể sẽ phải phẫu thuật nhiều lần để lấy lại toàn bộ gel silicone. Phẫu thuật cắt bỏ bao xơ sẽ cần thiết trong trường hợp có vôi hóa. 

Vỡ túi ngực 4.jpg
Lấy túi ngực vỡ và thay thế túi ngực khác là phương pháp điều trị cho vỡ túi độn ngực

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến vỡ túi ngực

Chế độ sinh hoạt:

Một số thói quen có thể giúp hạn chế diễn tiến vỡ túi ngực như sau:

  • Nên sử dụng túi cấy hiện đại hơn dù là túi silicon hay túi nước muối.
  • Đến gặp bác sĩ thẩm mỹ ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
  • Kiểm tra túi độn ngực định kỳ.
  • Không mặc áo ngực có gọng trong thời gian dài.
  • Xoa kem dưỡng ẩm giữ da vùng vú.
  • Tránh chấn thương vùng vú.

Chế độ dinh dưỡng:

Tuân thủ hướng dẫn dinh dưỡng từ chuyên gia y tế một cách đúng đắn để duy trì sức khỏe tổng thể và tránh được những nguy cơ ảnh hưởng đến túi ngực.

Phương pháp phòng ngừa vỡ túi ngực hiệu quả

Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị những người đặt túi ngực bằng silicon nên được sàng lọc bằng MRI vú để phát hiện tình trạng vỡ thầm lặng ba năm sau khi phẫu thuật đặt túi độn ngực lần đầu và hai năm một lần sau đó. 

Nguồn tham khảo
  1. Breast Implant Rupture: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459308/
  2. Breast Implant Rupture – Causes, Symptoms and Treatments: https://centreforsurgery.com/breast-implant-rupture-causes-symptoms-and-treatments/
  3. Risks and Complications of Breast Implants: https://www.fda.gov/medical-devices/breast-implants/risks-and-complications-breast-implants
  4. Breast Implant Ruptures and Treatment Solutions: https://www.northraleighplasticsurgery.com/breast-implant-ruptures-and-treatment-solutions/
  5. Breast implant rupture: https://radiopaedia.org/articles/breast-implant-rupture

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn nhịp chậm

  2. Cường Aldosteron tiên phát

  3. Viêm màng não mủ

  4. Metapneumovirus

  5. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

  6. Nang đơn thận

  7. Động kinh toàn thể

  8. Liệt dây thần kinh số 7

  9. Viêm Lưỡi

  10. Hội chứng Churg-Strauss