Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh á sừng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Á sừng là một bệnh về da thường gặp, là dạng viêm da cơ địa gây tổn thương da ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể, đặc biệt là đầu ngón tay, chân và gót chân. Nó có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng bệnh á sừng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và có khả năng tái phát nếu không được điều trị đúng cách. Vậy, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả là gì? Bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Á sừng là gì? 

Bệnh á sừng là bệnh ngoài da khá phổ biến. Bệnh thuộc nhóm viêm da cơ địa và dễ bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh da liễu khác. Bệnh á sừng xảy ra khi lớp sừng trên bề mặt da chưa chuyển hóa hoàn thiện, còn sót lại phần nhân và nguyên sinh chưa chuyển hóa sẽ khiến da bị khô, nứt nẻ, nhất là những phần rìa và bong ra từng mảng, xù xì hoặc sưng đỏ.

Các triệu chứng này có thể xuất hiện tại một vị trí bất kỳ nhưng cũng có nhiều trường hợp xảy ra cùng lúc tại nhiều vùng da khác nhau làm tăng sự khó chịu cho người bệnh. Các mảng da bong tróc chủ yếu xuất hiện tại các vị trí như đầu ngón tay, ngón chân, kẽ chân, gót chân…

Á sừng được coi là bệnh mãn tính, tái phát lại nhiều lần khi gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, cần phải điều trị sớm và đúng cách giúp kiểm soát bệnh tốt nhất.

Á sừng thường xuất hiện ở những vị trí nào?

Bệnh á sừng ở tay: Tay là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với một số tác nhân ngoài môi trường trong đó có các loại hóa chất độc hại… làm tăng nguy cơ bị á sừng.

Bệnh á sừng ở chân: Đi giày, dép thường xuyên rất dễ gây tổn thương da, đặc biệt những người mang size chật khiến vùng da chân bị cọ xát liên tục do vậy da ở đây cũng rất dễ mắc tổn thương. Vị trí thường gặp nhất là vùng gót chân.

Bệnh á sừng ở đầu: Các đốm vảy sừng xuất hiện dày đặc trên vùng da đầu hiện tượng này còn được gọi là bệnh á sừng da đầu. Đôi khi, người ta nhầm lẫn á sừng trên đầu với gàu. Tuy nhiên, đây là tình trạng da đầu bị kích ứng do sử dụng dầu gội không phù hợp hoặc do nhiều yếu tố khác gây ra viêm nhiễm như thời tiết, da đầu ẩm ướt… 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của á sừng

Các triệu chứng của bệnh á sừng có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài da phổ biến khác, tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng đặc trưng sau:

Ngứa ngáy: Ngứa là dấu hiệu đầu tiên khi mới bị bệnh á sừng. Tại vị trí da bị bong tróc sẽ xuất hiện cảm giác ngứa ngáy. Người bệnh càng gãi mạnh càng gây ra những tổn thương nghiêm trọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. 

Da khô nứt nẻ, bong tróc: Do các tế bào da quá khô ráp, lớp sừng dày khiến da bị bong tróc ra ngoài. Da bị khô ở vùng đầu ngón tay, ngón chân, gót chân, có thể lan rộng sang cả bàn tay, bàn chân, gót chân.

Đau rát và chảy máu: Triệu chứng này xuất hiện khi bệnh đã nặng, khi da bị nứt nẻ, bong tróc và tạo thành các đường rãnh sẽ gây ra hiện tượng chảy máu và đau rát.

Xuất hiện mụn li ti: Khi thời tiết nóng bức, người bệnh sẽ xuất hiện những mụn nước li ti ở móng tay, móng chân gây ngứa ngáy.

Thay đổi màu sắc móng: Màu sắc móng tay cũng bị chuyển sang màu vàng, phần da dưới móng bị rộp tách rời khỏi phần móng.

Nhiễm nấm, vi khuẩn tại vùng tổn thương: Xuất hiện ở những trường hợp viêm da tiếp xúc. Bệnh thường gặp ở công nhân nhà máy xà phòng, kỹ thuật viên y tế, thợ làm tóc.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh á sừng

Một số biến chứng có thể gặp khi á sừng tiến triển nặng:

  • Nhiễm trùng, bội nhiễm da.
  • Suy giảm khả năng bảo vệ da.
  • Tổn thương tới xương khớp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến á sừng

Hiện nay, chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh á sừng. Tuy nhiên, một vài yếu tố có tác động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh á sừng và làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn:

Di truyền: Tỷ lệ người bệnh bị á sừng do di truyền chiếm đến 45%. Do đó hầu hết những người bị á sừng đều do trong gen có yếu tố gây bệnh bẩm sinh.

Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Theo khảo sát, các bệnh nhân á sừng đa số đề thiếu hụt một số vitamin như A, C, D, E,...

Rối loạn nội tiết tố: Đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh xảy ra chủ yếu ở nữ giới đang mang thai hoặc sau sinh.

Khí hậu: Thời tiết khô lạnh thường làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh á sừng.

Hóa chất độc hại: Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm công nghiệp cũng khiến bạn dễ mắc phải căn bệnh á sừng.

Hệ miễn dịch suy yếu: Người có hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ dễ bị tác động bởi những tác nhân từ môi trường bên ngoài như lông thú nuôi, phấn hoa, nguồn nước bị ô nhiễm… Từ đó dẫn theo nhiều căn bệnh da liễu như vảy nến á sừng, viêm da, lang ben, hắc lào,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) á sừng?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị á sừng. Tuy nhiên đối với trẻ em thì dễ nặng và nghiêm trọng hơn nếu không kịp phát hiện và điều trị kịp thời.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) á sừng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ á sừng:

  • Yếu tố di truyền.
  • Mất cân bằng dinh dưỡng: Nguy cơ mắc bệnh á sừng cao hơn nếu người bệnh bị thiếu hụt một số vitamin như A, C, D, E,….
  • Thời tiết lạnh, hanh khô.
  • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, bụi bẩn,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán á sừng

Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị bệnh á sừng. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng. Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị á sừng hiệu quả

Thực tế chưa có một biện pháp nào có thể trị căn bệnh á sừng khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu dựa vào việc xử lý triệu chứng và phòng ngừa tái phát thông qua những chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp ăn uống, sinh hoạt khoa học, không tiếp xúc với các hóa chất, chất tẩy rửa,…

Phương pháp Tây y:

  • Thuốc salicylic acid 5%: Đây là loại thuốc bôi ngoài da được sử dụng phổ biến, có tác dụng ức chế quá trình sừng hóa ngoài da và kích thích làn da nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, thuốc còn có khả năng kháng khuẩn mạnh, giảm viêm nhiễm tại những vùng da bị á sừng.
  • Thuốc kháng histamine: Giúp làm giảm thiểu sự tác động của các tác nhân gây dị ứng xâm nhập vào bên trong cơ thể, từ đó làm giảm thiểu tình trạng da bị sừng hóa, ngứa ngáy hay nứt nẻ… Một số loại thuốc phổ biến trong nhóm này như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzin…
  • Nhóm thuốc corticoid: Fexofenadine, Prednisolon… được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh á sừng cấp độ nặng. Thuốc có khả năng giảm ngứa, làm dịu da nhanh chóng, đặc biệt là ức chế bong da và dưỡng ẩm để ngăn chặn quá trình da bị sừng hóa.
  • Kháng sinh và thuốc điều hòa hệ miễn dịch: Tác dụng của thuốc chủ yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời hỗ trợ phòng ngừa viêm nhiễm, từ đó cải thiện các triệu chứng bệnh á sừng hiệu quả. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến là pimecrolimus, tacrolimus… 

Tuy nhiên, khi sử dụng cần hết sức thận trọng. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng mà phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm như kích ứng dạ dày, viêm tuyến thượng thận,…

Phương pháp Đông y:

Theo Y học cổ truyền, chứng bệnh á sừng là do cơ địa nóng trong. Vì vậy, để điều trị hiệu quả thì nên tập trung thanh nhiệt, giải độc, trừ phong để loại bỏ căn nguyên gây ra bệnh từ bên trong.

Theo quan niệm Đông y, bệnh á sừng được coi là một bệnh da mãn tính phát sinh do chức năng tiêu độc của gan suy giảm. Trong y học cổ truyền, việc điều trị bệnh á sừng dựa trên nguyên tắc loại bỏ nguyên nhân gốc gác gây bệnh. Thuốc Đông y sử dụng các thành phần từ thiên nhiên để thanh lọc cơ thể, tăng cường chức năng tiêu độc của gan và thận, đồng thời đào thải độc tố và tăng cường hệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thảo dược ngoài da giúp cung cấp độ ẩm cho da, chấm dứt tình trạng bong tróc và vảy á sừng trên da, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái tạo da, mang lại làn da mềm mịn và khỏe mạnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của á sừng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước, bổ sung đủ 2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C, D, E,…

Phương pháp phòng ngừa á sừng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh chà xát quá mạnh vùng da bị bệnh để không gây tổn thương.
  • Hạn chế sử dụng xà phòng và hóa chất. Nếu không thể tránh được tiếp xúc, hãy đảm bảo đeo găng tay bảo vệ cẩn thận khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa.
  • Khi nấu ăn, tránh tiếp xúc trực tiếp da tay với các gia vị như muối, ớt, dầu mỡ,...
  • Tránh rửa vùng da bị bệnh quá nhiều, vì nếu vùng da bị ẩm ướt quá lâu, có thể dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn và nấm.
  • Trong mùa đông, hãy đeo găng tay để bảo vệ vùng da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân khỏi khô và tổn thương.
  • Những biện pháp trên sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả và bảo vệ da khỏi các tác động tiêu cực.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.thuocdantoc.org/benh-a-sung.html
  2. https://soyte.namdinh.gov.vn/print/4701/nguyen-nhan-va-trieu-chung-benh-a-sung
  3. https://vienyduocdantoc.org.vn/ban-nghien-cuu/benh-a-sung

 

Các bệnh liên quan

  1. Tàn nhang

  2. Dị cảm

  3. Khô môi

  4. Lão hóa da

  5. Sẹo lồi

  6. Rám má

  7. Lichen xơ hóa

  8. U mềm treo

  9. Nám da

  10. Khe nứt và lỗ rò hậu môn, trực tràng