Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nang âm hộ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nang âm hộ (Vulval cyst) là tình trạng phát triển u nang (tổn thương có vỏ bọc, chứa chất dịch) xuất hiện ở âm hộ của phụ nữ. Nang âm hộ có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào tại khu vực cơ quan sinh dục ngoài này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nang âm hộ là gì?

Âm hộ (Vulva) dùng để chỉ cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ, bao gồm:

  • Xương mu;
  • Môi lớn;
  • Môi bé;
  • Âm vật;
  • Tiền đình âm hộ;
  • Lỗ niệu đạo;
  • Cửa âm đạo;
  • Tuyến Bartholin và tuyến Skene.

Nang âm hộ (Vulval cyst) là cấu trúc có vỏ bao, chứa chất lỏng hoặc bán lỏng phát triển ở bất kì vị trí nào tại khu vực cơ quan sinh dục ngoài của nữ. Có nhiều loại nang âm hộ khác nhau, có thể kể đến bao gồm:

  • U nang tuyến Bartholin (Bartholin gland cyst);
  • Nang ống Nuck (Canal of Nuck cyst);
  • Nang biểu bì (Epidermal inclusion cyst);
  • Nang Gartner (Gartner cyst hay Mesonephric cyst);
  • Mụn hạt kê (Milia);
  • Nang ống tuyến Skene (Skene’s duct cyst);
  • Đa u nang tuyến bã (Steatocystoma multiplex);
  • U nang tuyến tiền đình âm hộ (Vestibular gland cyst).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nang âm hộ

Nang âm hộ có thể không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi khám vùng chậu. Bạn có thể vô tình phát hiện một nang ở bộ phận sinh dục ngoài hoặc gặp dấu hiệu như đau khi quan hệ tình dục. Đối với mỗi loại nang âm hộ khác nhau, các dấu hiệu sẽ khác nhau, bao gồm:

  • U nang tuyến Bartholin: Các nang sưng, nhỏ, có thể sờ thấy khối ở tiền đình âm hộ vị trí 4 giờ và 8 giờ.
  • Nang ống Nuck: Nang thường không đau, sưng ở vùng bẹn và mô âm hộ.
  • Nang biểu bì: Các nốt sần chắc, tròn, màu trắng vàng, thường bị viêm và gây đau.
  • Nang Gartner: Các nang sưng nhỏ hoặc khối sờ thấy ở mặt bên của âm hộ.
  • Mụn hạt kê: Các sẩn nhỏ kích thước khoảng 1 - 3mm, chắc, màu trắng hoặc trùng màu da.
  • Nang ống tuyến Skene: Các nang sưng nhỏ có thể sờ thấy ở gần lỗ niệu đạo.
  • Đa u nang tuyến bã: Các sẩn có màu trùng màu da hoặc hơi vàng.
  • U nang tuyến tiền đình âm hộ: U nang mềm, tròn và trong suốt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nang âm hộ

Các biến chứng có thể gặp khi mắc nang âm hộ bao gồm:

Nang âm hộ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Biến chứng nhiễm trùng huyết có thể xảy ra nếu nang âm hộ bị nhiễm trùng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn vô tình phát hiện một nang ở khu vực bộ phận sinh dục ngoài (âm hộ) của mình, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị (nếu cần). Mặc dù hầu hết u nang âm hộ là lành tính, tuy nhiên bạn cần được chẩn đoán bởi bác sĩ để phân biệt với các tình trạng khác.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nang âm hộ

Nang âm hộ phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do di truyền, sau chấn thương hoặc tự phát. Đối với mỗi loại nang âm hộ khác nhau, các nguyên nhân cụ thể sẽ khác nhau:

  • U nang tuyến Bartholin: Xảy ra do sự tắc nghẽn lành tính của tuyến Bartholin. Sự tắc nghẽn tuyến Bartholin có thể gặp sau khi chấn thương như cắt tầng sinh môn hoặc sinh con, tắc nghẽn cũng có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân.
  • Nang ống Nuck: Đây là một tình trạng vô cùng hiếm gặp, xảy ra do bất thường trong quá trình tạo phôi.
  • Nang biểu bì: Phần lớn u nang biểu bì xuất hiện lẻ tẻ (không rõ nguyên nhân).
  • Nang Gartner: Nang Gartner hay còn gọi là nang ống trung thận, là một tình trạng bẩm sinh do tàn dư của ống trung thận không thoái lui trong quá trình phát triển hệ thống sinh sản và tiết niệu.
  • Mụn hạt kê: Mụn hạt kê nguyên phát có thể liên quan đến các rối loạn da di truyền. Mụn hạt kê thứ phát có thể xuất hiện sau chấn thương, sử dụng steroid tại chỗ mạn tính.
  • Nang ống tuyến Skene: Nang ống tuyến Skene có thể là do bẩm sinh, hoặc do nhiễm trùng khiến ống tuyến bị tắc ở các trường hợp trưởng thành.
  • Đa u nang tuyến bã: Đa u nang tuyến bã gia đình có liên quan đến đột biến gen K17.
  • U nang tuyến tiền đình âm hộ: U nang tuyến tiền đình là u nang lành tính của âm hộ, sự hình thành u nang tiền đình có liên quan đến nội tiết tố, các u nang cũng được báo cáo dương tính mạnh với thụ thể estrogen.
Nang âm hộ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Thoa steroid tại chỗ (vùng âm hộ) lâu ngày có thể dẫn đến mụn hạt kê thứ phát

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nang âm hộ?

Tất cả phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể xuất hiện nang âm hộ, tuy nhiên, đối với mỗi loại u nang khác nhau có thể phổ biến ở một nhóm đối tượng cụ thể.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nang âm hộ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc nang âm hộ sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại u nang:

  • U nang tiền đình âm hộ thường khởi phát ở tuổi dậy thì, phụ nữ sinh con và tiếp xúc với các biện pháp tránh thai.
  • Bạn có thể tăng nguy cơ mắc nang ống tuyến Skene khi mắc các tình trạng nhiễm trùng qua đường tình dục.
  • U nang tuyến Bartholin thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thể liên quan đến nhiễm trùng do chấn thương vùng tầng sinh môn.
  • Nang biểu bì thường xảy ra ở vùng nang lông bị viêm và kèm theo mụn trứng cá. Người bệnh lớn tuổi có vùng da bị tổn thương mạn tính do ánh nắng mặt trời cũng có nguy cơ phát triển u nang biểu bì cao hơn.
  • Không rõ các yếu tố nguy cơ ở các tình trạng bẩm sinh như nang ống tuyến Skene, nang ống Nuck, nang Gartner.
Nang âm hộ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Người lớn tuổi có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ phát triển u nang biểu bì cao hơn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm nang âm hộ

Chẩn đoán nang âm hộ thường dựa trên kết quả lâm sàng gồm:

  • Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử bệnh, bao gồm: Độ tuổi xuất hiện, các chấn thương vùng chậu, tiền căn gia đình, tiền sử quan hệ tình dục hoặc các vấn đề liên quan để định hướng nguyên nhân.
  • Vị trí và hình dạng bên ngoài của nang âm hộ cũng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh.

Mặc dù hiếm khi cần thiết, tuy nhiên các xét nghiệm đôi khi cần thực hiện để kiểm tra bao gồm siêu âm và sinh thiết hoặc cắt trọn để kiểm tra bản chất mô học của u nang.

Điều trị nang âm hộ

Nội khoa

Phần lớn các trường hợp nang âm hộ không cần điều trị sau khi đã chẩn đoán. Nang âm hộ có xu hướng tự khỏi, việc điều trị bảo tồn (nội khoa) sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng loại nang âm hộ:

  • U nang tuyến Bartholin: Thường không cần điều trị nếu không có triệu chứng. Trong trường hợp áp xe có thể tự vỡ, có thể kết hợp điều trị với ngâm tại chỗ và dùng thuốc giảm đau. Điều trị kháng sinh có thể được cân nhắc ở các đối tượng có áp xe tái phát, hoặc thất bại trong việc điều trị bằng rạch và dẫn lưu.
  • Nang ống Nuck: Do đây là một tình trạng rất hiếm gặp, hiện chưa có quy trình điều trị tiêu chuẩn nào cho nang ống Nuck, lựa chọn điều trị bảo tồn có thể gồm chích xơ.
  • Nang biểu bì: Nếu nang biểu bì bị viêm, chúng hiếm khi có thể tự khỏi, điều trị thay thế có thể gồm tiêm triamcinolone vào nang để giúp giảm viêm.
  • Nang Gartner: Chỉ định điều trị thường bao gồm rạch dẫn lưu và tiêm tetracycline được thực hiện khi có triệu chứng đáng kể.
  • Mụn hạt kê: Thường có xu hướng tự khỏi mà không để lại sẹo.
  • Nang ống tuyến Skene: Nếu không có triệu chứng, nang ống tuyến Skene thường được theo dõi và để yên chứ không điều trị gì.
  • Đa u nang tuyến bã: Kháng sinh có thể được sử dụng để giảm viêm, liệu pháp đốt điện, áp lạnh hoặc laser có thể được thực hiện để loại bỏ u nang.
  • U nang tuyến tiền đình âm hộ: Trong trường hợp không có triệu chứng, u nang tuyến tiền đình âm hộ thường không cần điều trị.

Ngoại khoa

Trong một số trường hợp, chỉ định ngoại khoa có thể được thực hiện, bao gồm:

  • U nang tuyến Bartholin: Rạch và dẫn lưu nếu hình thành áp xe, phẫu thuật marsupialization (phẫu thuật tạo túi) hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến Bartholin có thể được thực hiện.
  • Nang ống Nuck: Phẫu thuật cắt bỏ nang là phương pháp điều trị được khuyến khích.
  • Nang biểu bì: Phẫu thuật là điều trị dứt điểm nang biểu bì, phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn u nang với thành u nang còn nguyên vẹn giúp hạn chế tái phát.
  • Nang Gartner: Ở một vài trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được thực hiện gồm phẫu thuật marsupialization hay cắt bỏ toàn bộ nang (cắt toàn bộ nang được ưu tiên hơn vì giảm khả năng tái phát).
  • Mụn hạt kê: Nếu không tự khỏi, phẫu thuật cắt bỏ có thể được thực hiện.
  • Nang ống tuyến Skene: Nếu có triệu chứng như gây đau, điều trị ưu tiên là phẫu thuật cắt bỏ nang, phẫu thuật marsupialization cũng có thể được thực hiện.
  • Đa u nang tuyến bã: Các trường hợp u nang riêng lẻ có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.
  • U nang tuyến tiền đình âm hộ: Phẫu thuật cắt bỏ được thực hiện trong trường hợp u nang gây đau, khó chịu hoặc gây mất thẩm mỹ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của nang âm hộ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tái khám đầy đủ và tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu xuất hiện sưng nóng đỏ hoặc hình thành áp xe, cần gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
  • Nang âm hộ có thể tái phát ngay cả khi điều trị bằng phẫu thuật, bạn cần theo dõi và đến khám với bác sĩ đúng hẹn.
  • Sau khi phẫu thuật điều trị nang âm hộ (cụ thể là nang tuyến Bartholin), bạn nên tắm Sitz trong vài ngày (ngâm vùng âm hộ trong thau nước ấm), đi lại sớm và uống đủ nước cũng cần thiết sau khi phẫu thuật.
Nang âm hộ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Tắm sitz nên được thực hiện sau khi phẫu thuật điều trị nang tuyến Bartholin

Chế độ dinh dưỡng: Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào cho tình trạng nang âm hộ, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe chung của bạn.

Phòng ngừa nang âm hộ

Không có phương pháp phòng ngừa hiệu quả nang âm hộ, đặc biệt là đối với các tình trạng tự phát hoặc bẩm sinh. Bạn có thể hạn chế một số loại nang âm hộ (ví dụ như nang ống tuyến Skene) bằng cách tránh các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, ví dụ như đeo bao cao su dành cho nữ hoặc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Các câu hỏi thường gặp về nang âm hộ

Nang âm hộ là lành tính hay ác tính?

Nang âm hộ nói chung là lành tính, có thể tự khỏi hoặc vỡ ra một cách tự nhiên. Một số ít trường hợp được báo cáo về ung thư phát triển từ tình trạng nang âm hộ như nang biểu bì.

Mắc nang âm hộ có cần phải điều trị không?

Phần lớn nang âm hộ không cần điều trị sau khi được chẩn đoán. Nếu có, u nang có thể được dẫn lưu, tách hoặc cắt bỏ.

Nang âm hộ sau khi phẫu thuật có tái phát không?

Có thể, sau khi phẫu thuật vẫn có thể tái phát nang âm hộ, đặc biệt khi phẫu thuật không loại bỏ được hoàn toàn thành nang.

Khi nào thì tôi cần điều trị tình trạng nang âm hộ?

Nếu không có triệu chứng, thông thường nang âm hộ không cần phải điều trị. Bạn cần đến gặp bác sĩ để điều trị nếu nang gây ra các triệu chứng như đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục, nang bị viêm nhiễm hoặc áp xe hóa.

Nang âm hộ và các tình trạng như mụn cóc âm hộ có giống nhau không?

Không giống, mụn cóc sinh dục là một bệnh nhiễm trùng do virus u nhú ở người gây ra (phổ biến nhất là HPV 16 và HPV 11). Mụn cóc sinh dục là một bệnh lây truyền thường qua đường tình dục, trong khi nang âm hộ sẽ không lây truyền.

Nguồn tham khảo
  1. Benign “lumps and bumps” of the vulva: A review: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8484947/
  2. Gartner Duct Cyst: https://www.osmosis.org/answers/gartner-duct-cyst
  3. Milia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560481/
  4. Skene’s Gland Cyst: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21892-skenes-gland-cyst
  5. Bartholin Gland Cyst: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532271/
  6. The Cyst of the Canal of Nuck: Anatomy, Diagnostic and Treatment of a Very Rare Diagnosis—A Case Report of an Adult Woman and Narrative Review of the Literature: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9609622/
  7. Epidermal Inclusion Cyst: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532310/

Các bệnh liên quan

  1. Nhau bám thấp

  2. Viêm động mạch takayasu

  3. Đa ối

  4. Mất kinh

  5. Xuất huyết tử cung bất thường

  6. Băng huyết sau sinh

  7. Bế sản dịch

  8. Hội chứng Demons Meigs

  9. Rau bám mép

  10. Chửa trứng