Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sán não là gì? Bệnh nguy hiểm ra sao?

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sán não là bệnh ký sinh trùng phổ biến nhất ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh mà bệnh có thể gây ra một loạt các vấn đề về thần kinh như đau đầu dai dẳng, tăng áp lực trong não và thay đổi suy nghĩ cũng như hành vi. Phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu diệt ký sinh trùng và kiểm soát các triệu chứng, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt cho người mắc bệnh. Phòng ngừa bệnh là điều quan trọng nhất để bạn và những người xung quanh không mắc bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sán não là gì?

Sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương gây ra bởi ấu trùng sán dây lợn Taenia solium. Ấu trùng sán dây lợn khi vào cơ thể có thể ký sinh ở nhiều nơi khác nhau như cơ, não, gan và mắt. Khi ký sinh ở não, chúng sẽ gây bệnh sán não. Sán não được cho là nguyên nhân chính gây ra các cơn động kinh khởi phát ở người trưởng thành ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp.

Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất được tìm thấy ở châu Mỹ Latinh, châu Á, châu Phi. Theo một báo cáo năm 2017, bệnh sán não là nguyên nhân chính gây ra tình trạng động kinh và co giật trên toàn cầu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sán não

Biểu hiện của bệnh sán não phụ thuộc vào vị trí, mức độ tổn thương và phản ứng miễn dịch của bạn. Bạn có thể mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng hoặc có thể sau khi nhiễm ấu trùng vài tháng đến vài năm mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Các triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của bệnh sán não:

Sán não là gì? Bệnh nguy hiểm ra sao? 1.jpg
Động kinh là biểu hiện thường gặp của bệnh sán não

Động kinh là triệu chứng phổ biến và có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh, xuất hiện ở 50 đến 70 phần trăm người mắc bệnh sán não.

Một số triệu chứng khác có thể gặp:

  • Các vấn đề về thần kinh như liệt nửa người, khó nói, suy giảm nhận thức, rối loạn dáng đi, mất cảm giác nửa người.
  • Giảm khả năng suy nghĩ và ghi nhớ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sán não

Bệnh sán não có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ và tử vong. Nghiên cứu cho thấy khoảng 4 đến 12 phần trăm số người mắc bệnh sẽ diễn tiến đến đột quỵ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa nhiễm nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sán não để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sán não

Bệnh sán não xảy ra do nhiễm ấu trùng sán dây lợn Taenia solium. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bạn có thể mắc bệnh sán não do ký sinh trùng Taenia solium xâm nhập vào cơ thể do bạn:

  • Ăn thịt lợn chưa nấu chín từ con lợn có ấu trùng sán.
  • Uống nước vệ sinh kém có chứa ký sinh trùng.
  • Vệ sinh cá nhân kém, đặc biệt là những người làm công việc xử lý thực phẩm.

Có năm giai đoạn bệnh của sán não:

  • Giai đoạn không nang: Lúc này, phôi của ký sinh trùng không thể thấy được trên CT-scan hay MRI. Tuy nhiên có thể thấy những vùng phù nhẹ. Trong vòng vài tháng, chúng sẽ tiến triển thành tổn thương khi phôi phát triển thành các nang đặc trưng cho bệnh.
  • Giai đoạn nang dịch: Các nang có thành mờ, chứa dịch trong suốt và ký sinh trùng bên trong. Nếu các nang này còn nguyên vẹn thì sẽ không biểu hiện triệu chứng ở người bệnh.
  • Giai đoạn nang keo: Thành của nang dày lên, chất dịch bên trong đục hơn và người bệnh sẽ có phản ứng viêm dữ dội. Điều này cho thấy tình trạng bệnh bắt đầu xấu đi. Ở giai đoạn này có thể thấy hình ảnh các tổn thương phù nề trên X-quang. Người bệnh thường bị co giật.
  • Giai đoạn nang hạt: Ở giai đoạn này, tình trạng phù nề đã giảm bớt, nhưng co giật và động kinh vẫn có thể xảy ra. Động kinh thường xảy ra trong giai đoạn nang keo và nang hạt do các vùng viêm bao quanh ký sinh trùng sắp chết.
  • Giai đoạn canxi hóa: Xảy ra sau khi ký sinh trùng chết. Động kinh vẫn có thể xảy ra do tình trạng viêm xảy ra bởi phản ứng của hệ thống miễn dịch với xác của ký sinh trùng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sán não?

Một số đối tượng sau có nguy cơ cao mắc bệnh sán não:

  • Những người đi du lịch đến nước có bệnh truyền nhiễm do sán dây lợn gây ra.
  • Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do trẻ thường tò mò với mọi thứ xung quanh và hay đưa tay vào miệng.
  • Bệnh thường ở những khu vực có mức thu nhập thấp, khả năng vệ sinh kém.
  • Những người làm nghề chăn nuôi, giết mổ thịt heo cũng là một trong những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh sán não.
Sán não là gì? Bệnh nguy hiểm ra sao? 2.jpg
Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sán não nhiều hơn người lớn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sán não

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sán não:

  • Nhiễm sán dây lợn chủ yếu xảy ra ở nông thôn, những nơi sinh sống bằng nông nghiệp - nơi lợn dễ tiếp xúc với phân người (như hay thả rông lợn, ăn thịt lợn chưa được nấu chín, hoặc hay ăn tiết canh, gỏi sống…)
  • Người sống chung bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm sán não

Chẩn đoán sán não phần lớn phụ thuộc vào triệu chứng. Bác sĩ có thể khai thác thêm tiền căn ăn thịt lợn sống chưa được nấu chín hay uống nước không đảm bảo vệ sinh hoặc tiếp xúc với người được chẩn đoán mắc bệnh sán dây lợn.

Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để hỗ trợ cho chẩn đoán:

  • Hình ảnh học như CT-scan não hoặc MRI não có thể phát hiện u nang trong não. Các xét nghiệm này ngày càng chính xác trong việc chẩn đoán bệnh sán não.
  • Xét nghiệm kháng thể trong máu cũng giúp hỗ trợ cho kết quả của hình ảnh học.
Sán não là gì? Bệnh nguy hiểm ra sao? 3.jpg
CT-scan là xét nghiệm hình ảnh ngày càng có chính xác trong việc chẩn đoán

Điều trị sán não

Các phương pháp điều trị tập trung vào việc loại bỏ ấu trùng sán dây lợn và kiểm soát các triệu chứng như cơn động kinh, phù não, tăng áp lực nội sọ. Quá trình điều trị sẽ phù thuộc vào vị trí, kích thước, số lượng và độ trưởng thành của ấu trùng. Sau khi đánh giá các triệu chứng và mức độ bệnh của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Nội khoa

Nếu bạn biểu hiện triệu chứng và có nhiều nang chưa bị vôi hóa, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc đặc trị bệnh sán dây lợn (thuốc diệt ký sinh trùng) như albendazole, praziquantel. Tuy nhiên thuốc sẽ không có tác dụng nếu các nang của bạn đã bị vôi hóa.

Thuốc kháng viêm steroid như prednisolone, dexamethasone có thể sử dụng để ngăn ngừa phản ứng viêm.

Thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepine nếu bạn có biểu hiện cơn động kinh cũng như giúp phòng ngừa tái phát cơn động kinh.

Ngoại khoa

Trong những trường hợp bạn bị mắc bệnh sán não và tính mạng bị đe dọa, bạn có thể cần đến phẫu thuật để loại bỏ nang.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của sán não

Chế độ sinh hoạt:

  • Rửa tay với nước và xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ, trước khi ăn và trước khi chuẩn bị thức ăn.
  • Rửa kỹ trái cây và rau quả hoặc gọt vỏ trước khi ăn.
  • Rửa thớt, chén đĩa và đồ dùng bằng xà phòng sau khi sử dụng.
  • Không uống nước chưa được đun sôi hay xử lý.
  • Giữ thực phẩm ở nơi sạch sẽ, để riêng thức ăn đã được chế biến với thức ăn sống.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn chín, uống sôi.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Không ăn thức ăn sống chưa được nấu chín.
  • Tránh ăn rau sống hoặc phải rửa rau thật kỹ nếu bạn không nấu chín chúng.

Phòng ngừa sán não

Một số điều bạn cần chú ý để phòng ngừa nhiễm sán não:

  • Rửa tay với nước và xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ, trước khi ăn và trước khi chuẩn bị thức ăn.
  • Rửa kỹ trái cây và rau quả hoặc gọt vỏ trước khi ăn.
  • Rửa thớt, chén đĩa và đồ dùng bằng xà phòng sau khi sử dụng.
  • Không uống nước chưa được đun sôi hay xử lý.
  • Nếu bạn đi du lịch mà không chắc chắn liệu nước uống có đảm bảo vệ sinh hay không thì hãy mua nước đóng chai hoặc đun sôi lại nước rồi mới uống.
  • Quét dọn nhà cửa và sân ngoài sạch sẽ.
  • Thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nhà cửa.
  • Không ăn thức ăn chưa được nấu chín.
  • Che đậy kỹ các thùng chứa nước sinh hoạt, nước uống.
Sán não là gì? Bệnh nguy hiểm ra sao? 4.jpg
Rửa tay thường xuyên là một cách để phòng ngừa bệnh hiệu quả

Các câu hỏi thường gặp về sán não

Bệnh sán não có lây hay không?

Không, bệnh sán não không lây từ người sang người. Chỉ khi bạn nuốt phải trứng sán dây lợn thì mới bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên những người mắc bệnh có thể lây trứng sán dây lợn cho người khác nếu môi trường sống không hợp vệ sinh.

Bệnh sán não có gây tử vong không?

Bệnh sán não thường không gây tử vong. Hầu hết các triệu chứng là do tình trạng viêm của hệ miễn dịch khi các ký sinh trùng này chết đi chứ không phải do bản thân căn bệnh gây ra.

Động kinh có phải là triệu chứng của bệnh sán não?

Động kinh có thể là một triệu chứng của bệnh sán não, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây tình trạng động kinh. Nếu bạn có triệu chứng này, hãy đến khám bác sĩ thần kinh để được tiến hành thăm khám và xét nghiệm nhằm chẩn đoán sớm nguyên nhân.

Nếu tôi bị bệnh sán não thì có cần xét nghiệm cho người sống chung nhà hay không?

Có, những người sống chung thân cận với bạn cũng nên được xét nghiệm xem có nhiễm ký sinh trùng hay không.

Tại sao tôi lại mắc bệnh sán não?

Có nhiều yếu tố khiến bạn có thể bị mắc bệnh mà bạn không chú ý như ăn thức ăn sống chưa được nấu chín, hoặc uống nước ô nhiễm có ký sinh trùng, hoặc không rửa tay sau tiếp xúc với người mang bệnh…

Nguồn tham khảo
  1. What is neurocysticercosis?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/neurocysticercosis
  2. Cysticercosis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23534-cysticercosis
  3. Parasites - Cysticercosis: https://www.cdc.gov/parasites/cysticercosis/index.html
  4. Neurocysticercosis: https://emedicine.medscape.com/article/1168656-overview#a1
  5. Neurocysticercosis: https://www.uclahealth.org/medical-services/neurosurgery/conditions-treated/neurocysticercosis

Các bệnh liên quan

  1. Viêm màng não mủ

  2. Xốp xơ tai

  3. U não

  4. Suy giảm nhận thức

  5. Rễ thần kinh

  6. U não thứ phát

  7. Mất trí nhớ tạm thời

  8. xuất huyết não

  9. Chứng dính liền khớp sọ sớm

  10. Nghiện rượu