Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Metapneumovirus ở người là gì? Phòng ngừa bệnh ra sao?

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Metapneumovirus ở người là một virus gây bệnh đường hô hấp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm. Virus này gây ra các triệu chứng tương tự cảm thông thường, tuy nhiên vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị cụ thể, bù nước và giảm sốt là phương pháp được khuyên dùng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Metapneumovirus là gì?

Metapneumovirus ở người là một loại virus cùng họ với virus hợp bào và gây bệnh ở đường hô hấp. Hiện nay Metapneumovirus được coi là nguyên nhân đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới và viêm phổi do virus ở trẻ em.

Metapneumovirus ở người lây truyền chủ yếu thông qua các giọt bắn từ người đang nhiễm virus. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi và có thể tái nhiễm trong cả cuộc đời của bạn. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 10% đến 12% bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do Metapneumovirus ở người gây ra.

Metapneumovirus ở người thường gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh, nhưng một số trường hợp có thể diễn tiến nặng. Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng vì đây là lần đầu tiên mắc virus này và lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa đủ mạnh. Sau khi mắc bệnh lần đầu, những lần tái nhiễm sau thường triệu chứng sẽ nhẹ. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Metapneumovirus

Thời gian ủ bệnh khoảng 3 đến 6 ngày và thời gian mắc bệnh tùy thuộc vào độ nặng của bệnh do Metapneumovirus gây ra. Bệnh gây ra do Metapneumovirus ở người gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên:

  • Ho;
  • Sốt;
  • Nghẹt mũi;
  • Đau họng.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới:

  • Khò khè;
  • Sốt;
  • Ho;
  • Khó thở;
  • Thiếu oxy;
  • Hụt hơi;
  • Mệt mỏi.

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em thường gây ra các bệnh lý như viêm thanh khí phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản nặng. Những bệnh này có thể khiến trẻ phải nhập viện nếu tiến triển nặng lên. Người lớn nhiễm Metapneumovirus ở người có thể gây ra viêm phổi do virus, hen phế quản nặng, hoặc đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Viêm tiểu phế quản và đợt cấp hen phế quản thường biểu hiện với triệu chứng khò khè ngay cả ở những trẻ chưa có tiền sử khò khè trước đó. Viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở trẻ đang học mẫu giáo hoặc nhỏ hơn.

Metapneumovirus ở người gây bệnh khác với cảm thông thường, do đó cần loại trừ bệnh do mắc Metapneumovirus ở người trước khi chẩn đoán cảm. Hãy nghĩ nhiều đến việc bạn mắc Metapneumovirus ở người nếu bạn có triệu chứng bệnh trong những tháng virus thường xuất hiện.

Triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và nôn hoặc viêm tai giữa cấp cũng có thể gặp. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể nặng ở những người lớn tuổi có bệnh mạn tính kèm theo hoặc người bệnh suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV, ung thư, ghép tạng hoặc đang điều trị liệu pháp miễn dịch).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Metapneumovirus 

Trong một vài trường hợp, Metapneumovirus ở người có thể gây bệnh nặng cần nhập viện như người bệnh suy giảm miễn dịch, có bệnh tim hoặc bệnh đường hô hấp trước đó. Những người này dễ bị suy hô hấp cấp và cần được cung cấp oxy lưu lượng cao, nặng hơn có thể phải thở máy và cần được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt.

  • Viêm tiểu phế quản;
  • Viêm phế quản;
  • Viêm phổi;
  • Cơn hen phế quản cấp hoặc đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);
  • Viêm tai giữa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết những người mắc Metapneumovirus ở người có triệu chứng nhẹ không cần phải đi khám, chỉ cần điều trị triệu chứng tại nhà là đủ. Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng nặng như khó thở, ho dữ dội, khò khè hoặc các triệu chứng của bạn không cải thiện sau vài ngày hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày thì hãy đi khám bác sĩ để tránh tiến triển bệnh nặng và khó điều trị.

Hãy nhanh chóng đi cấp cứu hoặc gọi 115 nếu:

  • Sốt cao (trên 40 độ C);
  • Khó thở;
  • Tím tái ở da, môi hoặc móng;
  • Tình trạng sức khỏe xấu dần.
METAPNEUMOVIRUS 5.jpg
Theo dõi các triệu chứng để gọi cấp cứu kịp thời

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nhiễm Metapneumovirus

Metapneumovirus ở người là một virus RNA lây truyền từ người này sang người khác thông qua các giọt bắn chứa virus. Khi người nhiễm virus này ho, hắt hơi, nói chuyện… sẽ giải phóng virus thông qua các giọt bắn. Ngoài ra, Metapneumovirus có thể tồn tại trên bề mặt các vật dụng trong nhà và tồn tại khá lâu trong không khí. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc Metapneumovirus

Metapneumovirus ở người thường gây bệnh chủ yếu ở trẻ em và người lớn tuổi, những người có nhiều khả năng tiến triển thành viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi.

  • Trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ nhập viện do bệnh gây ra bởi Metapneumovirus ở người cao nhất.
  • Trẻ em có tiền sử sinh non, loạn sản phế quản phổi, bệnh tim bẩm sinh, hen phế quản và suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh do Metapneumovirus ở người gây ra nặng hơn.
  • Người lớn tuổi (trên 65 tuổi) mắc bệnh tim hoặc phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hoặc suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV, ung thư, ghép tạng) có nguy cơ mắc bệnh do Metapneumovirus ở người gây ra nặng hơn.
METAPNEUMOVIRUS 4.jpg
Người lớn tuổi và trẻ nhỏ là những người dễ nhiễm Metapneumovirus

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Metapneumovirus

Bệnh sử và tiền sử các bệnh lý khác của bạn sẽ được bác sĩ khai thác khi bạn đến khám. Ngoài ra, tiền sử có các triệu chứng tương tự ở người xung quanh của bạn là cần thiết. Bạn không thể phân biệt cảm với viêm đường hô hấp do Metapneumovirus nếu không xét nghiệm. Xét nghiệm Metapneumovirus được thực hiện bằng cách lấy dịch tiết ở mũi họng để xét nghiệm PCR.

Hình ảnh trên X-quang thường không đặc hiệu trừ khi Metapneumovirus gây ra viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Nội soi phế quản có thể chỉ định nếu bạn có triệu chứng nghiêm trọng. Quan trọng nhất khi chẩn đoán bệnh là kiểm tra dấu hiệu sinh tồn và khám sức khỏe toàn diện xem có tình trạng suy hô hấp hay không để có thể cung cấp phương pháp điều trị ngay lập tức.

Phương pháp điều trị Metapneumovirus

Hiện nay chưa có vaccine ngừa Metapneumovirus ở người cũng như chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu cho Metapneumovirus. Bệnh do Metapneumovirus gây ra thường nhẹ và tự khỏi. Nền tảng chính của điều trị là các phương pháp điều trị hỗ trợ.

  • Thuốc hạ sốt như acetaminophen và ibuprofen nếu người bệnh sốt.
  • Thuốc chống sung huyết giúp giảm tình trạng nghẹt mũi và sổ mũi.
  • Bù dịch bằng đường uống hoặc bằng đường tĩnh mạch (nếu người bệnh không uống được) nếu có dấu hiệu mất nước.
  • Liệu pháp oxy bằng cannula mũi hoặc mask túi hoặc máy thở tùy thuộc mức độ suy hô hấp, đặc biệt trên những người bệnh có tiền sử mắc bệnh tim hoặc hô hấp hoặc người bệnh suy giảm miễn dịch.
  • Nếu bạn có tình trạng khò khè hoặc ho dữ dội, bác sĩ có thể chỉ định thuốc dạng hít bao gồm cả corticosteroid hít.
  • Corticosteroid giúp giảm tình trạng viêm và một số triệu chứng của bạn.

Khi bạn có triệu chứng nêu ở trên cần chú ý những điều sau để tránh lây nhiễm bệnh cho người xung quanh:

  • Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi;
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng;
  • Tránh dùng chung ly (cốc) hoặc dụng cụ ăn uống với người khác;
  • Ở trong phòng, hạn chế tiếp xúc với người khác;
  • Lau sạch bề mặt các vật dụng có thể lây nhiễm như tay nắm của, đồ chơi bằng cồn hoặc chất khử trùng.
METAPNEUMOVIRUS 7.jpg
Che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi để phòng ngừa lây nhiễm bệnh

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Metapneumovirus

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước;
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Tiêm vaccine ngừa cúm để tăng sức đề kháng cho cơ thể;
  • Môi trường sống thông thoáng;
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người;
  • Hạn chế đến những nơi đông đúc hoặc chật hẹp;
  • Thường xuyên rửa tay và lau dọn các vật dụng trong nhà;
  • Tập thể dục mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đủ chất dinh dưỡng;
  • Cung cấp thêm các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể như trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, sữa chua hoặc thức uống lên men, trà xanh, đu đủ, kiwi, gia cầm,...

Phương pháp phòng ngừa Metapneumovirus hiệu quả

Metapneumovirus ở người thường lây nhiễm từ người sang người, do đó việc phòng ngừa mắc bệnh là quan trọng nhất:

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi chạm vào mũi, miệng hoặc mắt; sau khi chạm vào những nơi công cộng như thanh vịn hay tay nắm cửa; sau khi che mũi miệng để ho hay hắt hơi.
  • Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho.
  • Tránh dùng chung vật dụng sinh hoạt với người khác.
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào trong nhà bằng cồn hoặc chất khử trùng.
  • Đeo khẩu trang y tế, tránh đến nơi đông người khi mắc bệnh.
  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
  • Thông khí trong nhà tốt, tránh đến những nơi chật hẹp không thông thoáng.
  • Bổ sung các thực phẩm tăng cường sức đề kháng để không nhiễm bệnh như vitamin E (đậu phộng, đậu nành…), vitamin A (cà rốt, rau cải xanh, bí đỏ…), vitamin C (cam, bưởi, chanh, ổi…), vitamin D (sữa, ngũ cốc, cá béo…), vitamin nhóm B, sắt (thịt gà, cá mòi, cá ngừ…), kẽm (sữa chua, thịt gia cầm, thịt nạc…), protein (thịt gia cầm, cá, trứng, thịt heo…).
METAPNEUMOVIRUS 6.jpg
Đeo khẩu trang ở nơi đông người
Nguồn tham khảo
  1. What Are the Signs and Symptoms of hMPV and Should You Worry?: https://www.healthline.com/health-news/what-are-the-signs-and-symptoms-of-hmpv-and-should-you-worry
  2. Human Metapneumovirus (HMPV): https://www.cdc.gov/ncird/human-metapneumovirus.html
  3. Human Metapneumovirus: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560910/
  4. Metapneumovirus (hMPV): https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/human-metapneumovirus-hmpv
  5. Human Metapneumovirus (HMPV): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22443-human-metapneumovirus-hmpv 

Các bệnh liên quan

  1. Phù gai thị

  2. Suy tủy xương

  3. Bệnh xương Köhler

  4. Bệnh xương hóa đá

  5. Bệnh Von Willebrand

  6. Tắc mạch máu não

  7. huyết áp tâm thu cao

  8. Rối loạn ngôn ngữ

  9. U nang dây thanh

  10. Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh