Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau cách hồi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau cách hồi là tình trạng đau cơ xảy ra khi bạn hoạt động và giảm khi bạn nghỉ ngơi. Hầu hết các trường hợp nguyên nhân là do bệnh động mạch ngoại biên. Nên chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau cách hồi là gì?

Đau cách hồi là tình trạng suy giảm khả năng đi lại hoặc đau, khó chịu, tê mỏi ở chân xảy ra khi đi hoặc đứng và giảm khi nghỉ ngơi. Mức độ đau do đau cách hồi có thể từ nhẹ đến cực kỳ nghiêm trọng. Đau cách hồi thường gặp nhất ở bắp chân nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến bàn chân, đùi, hông, mông hoặc cánh tay.

Đau cách hồi là một triệu chứng của bệnh, thường gặp nhất là bệnh động mạch ngoại biên, do tình trạng hẹp động mạch làm hạn chế lưu lượng máu đến cơ bắp.

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra chứng đau cách hồi. Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ khác như tuổi già, bệnh tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và đái tháo đường.

Các phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm nguy cơ mắc bệnh mạch máu, giảm đau, tăng khả năng vận động và ngăn ngừa tổn thương mô.

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng đau cách hồi

Đau cách hồi là tình trạng đau cơ do thiếu oxy gây ra khi hoạt động và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau, nhức, khó chịu hoặc mỏi cơ mỗi khi sử dụng các cơ đó;
  • Đau ở bàn chân, bắp chân, đùi, mông hoặc hông;
  • Đau ở vai, bắp tay và cẳng tay thường ít gặp;
  • Cơn đau sẽ thuyên giảm ngay sau khi nghỉ ngơi;
  • Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bạn thậm chí có thể bắt đầu bị đau khi nghỉ ngơi.

Các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên thường ở giai đoạn nặng hơn, bao gồm:

  • Da mát;
  • Đau dữ dội, liên tục và tiến triển đến tê liệt;
  • Thay đổi màu da;
  • Vết thương khó lành.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đau cách hồi

Đau cách hồi thường được coi là cảnh báo về chứng xơ vữa động mạch, cho thấy nguy cơ bệnh tim mạch hoặc đột quỵ tăng lên. Các biến chứng khác của bệnh động mạch ngoại biên do xơ vữa động mạch bao gồm:

  • Vết thương trên da không lành;
  • Hoại tử mô;
  • Cắt cụt chi.
Đau cách hồi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Đau cách hồi thường được coi là cảnh báo về chứng xơ vữa động mạch

Khi nào gặp bác sĩ?

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn bị đau ở chân hoặc cánh tay khi tập thể dục, đi lại, vận động. Bác sĩ sẽ khám đầy đủ và làm các xét nghiệm thích hợp để chẩn đoán nguyên nhân gây đau.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau cách hồi

Tất cả các tế bào trong cơ thể bạn đều cần oxy để hoạt động. Khi bạn hoạt động nhiều hơn, thậm chí chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng, các tế bào trong cơ bắp của bạn sẽ cần nhiều oxy hơn để thực hiện công việc của chúng. Những người có vấn đề về tuần hoàn có thể bị đau khi họ hoạt động nhiều hơn vì cơ bắp của họ cần nhiều oxy hơn lưu lượng máu cung cấp. Cơn đau sẽ biến mất khi họ nghỉ ngơi vì hệ tuần hoàn của họ có thể bắt kịp với nhu cầu oxy thấp hơn. Loại đau này thường gặp nhất ở chân nhưng cũng có thể xảy ra ở cánh tay.

Đau cách hồi là một triệu chứng điển hình của bệnh động mạch ngoại biên (gọi tắt là PAD). Tổn thương động mạch ngoại biên thường do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là sự tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác bên trong và trên thành động mạch. Mảng xơ vữa có thể làm cho động mạch bị thu hẹp, cản trở lưu lượng máu. Mảng bám cũng có thể vỡ ra, dẫn đến hình thành cục máu đông.

Đau cách hồi cũng là một vấn đề đáng lo ngại vì cơn đau mà nó gây ra khi đi bộ hoặc tập thể dục, do đó thường khiến người bệnh không thể vận động, điều này khiến tình trạng đau cách hồi trở nên trầm trọng hơn.

Đau cách hồi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Cơn đau cách hồi thường xuất hiện khi đi bộ hoặc tập thể dục

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc đau cách hồi

Bất kỳ ai cũng có thể bị đau cách hồi, từ trẻ em đến người lớn. Tuy nhiên, người lớn tuổi, có hút thuốc lá, mắc bệnh rối loạn lipid máu sẽ có nguy cơ đau cách hồi cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ của đau cách hồi

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đau cách hồi bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị xơ vữa động mạch, bệnh động mạch ngoại biên hoặc đau cách hồi;
  • Tuổi trên 70 tuổi;
  • Suy thận mạn;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Cao huyết áp;
  • Cholesterol máu cao;
  • Béo phì;
  • Hút thuốc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau cách hồi

Chẩn đoán bệnh đau cách hồi và bệnh động mạch ngoại biên dựa trên việc xem xét các triệu chứng, khám thực thể, đánh giá da ở tay chân và xét nghiệm kiểm tra lưu lượng máu.

Một số xét nghiệm phổ biến được sử dụng để chẩn đoán chứng đau cách hồi có thể bao gồm:

  • Chỉ số cổ chân - cánh tay (ABI): Xét nghiệm so sánh huyết áp ở mắt cá chân với huyết áp ở cánh tay.
  • Siêu âm Doppler mạch máu: Xét nghiệm giúp đánh giá lưu lượng máu đang lưu thông và mức độ tắc nghẽn trong lòng mạch máu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm để tìm các mạch máu bị tắc.

Phương pháp điều trị đau cách hồi

Điều trị chứng đau cách hồi rất quan trọng vì đây thường là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên hoặc các bệnh lý tim mạch khác làm thay đổi cuộc sống và thậm chí gây tử vong.

Mục tiêu của việc điều trị chứng đau cách hồi và bệnh động mạch ngoại biên là giảm đau và kiểm soát các yếu tố nguy cơ góp phần gây ra bệnh tim mạch.

Tập thể dục là một phần quan trọng trong điều trị đau cách hồi. Tập thể dục làm giảm đau, tăng thời gian đi lại, tăng sức bền, cải thiện sức khỏe mạch máu ở các chi bị ảnh hưởng và góp phần kiểm soát cân nặng và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung.

Các phương pháp điều trị khác bao gồm:

Thuốc:

  • Thuốc Cilostazol: Thuốc giúp cải thiện lưu lượng máu, có thể giảm đau khi tập thể dục và giúp bạn đi bộ xa hơn.
  • Statin (Atorvastatin, Rosuvastatin…): Là loại thuốc giúp giảm cholesterol. Giảm kích thước mảng xơ vữa trong lòng mạch.
  • Thuốc huyết áp: Giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
  • Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa cục máu đông, có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim, đột quỵ hoặc cục máu đông ngăn chặn lưu lượng máu đến các chi. Những loại thuốc này bao gồm Aspirin, Clopidogrel và các nhóm thuốc khác.
Đau cách hồi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc để điều trị triệu chứng đau cách hồi 

Phẫu thuật hoặc các can thiệp khác:

Khi bệnh động mạch ngoại biên trở nên nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, có thể cần phải phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Nong mạch: Can thiệp này cải thiện lưu lượng máu bằng cách mở rộng động mạch bị tổn thương. Bác sĩ phẫu thuật dùng một quả bóng bơm hơi đưa vào lòng mạch máu rồi làm giãn động mạch. Sau khi động mạch được mở rộng, bác sĩ phẫu thuật có thể đặt một ống lưới nhỏ bằng kim loại hoặc nhựa (ống đỡ động mạch) vào động mạch để giữ cho động mạch không bị hẹp lại nữa.
  • Phẫu thuật mạch máu: Trong loại phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một mạch máu khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể để thay thế mạch máu gây ra chứng đau cách hồi. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau cách hồi

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày;
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia;
  • Duy trì cân nặng bình thường;
  • Giảm căng thẳng tinh thần bằng tập thiền, tập thể dục, tập thư giãn;
  • Chăm sóc chân: Xin ý kiến tư vấn của bác sĩ về việc chăm sóc bàn chân thích hợp. Biết cách kiểm tra bàn chân để đảm bảo điều trị vết thương đúng cách và kịp thời. Mang giày phù hợp để hỗ trợ và bảo vệ đôi chân của bạn.
  • Phát hiện sớm những triệu chứng mới, hoặc nếu có dấu hiệu nặng lên của các triệu chứng trước đây hãy gặp ngay với bác sĩ để được bác sĩ tư vấn hoặc thay đổi chiến lược điều trị phù hợp.
  • Tập đi bộ theo hướng dẫn bao gồm: Đi bộ cho đến khi bạn cảm thấy đau vừa phải hoặc đi xa nhất có thể; nghỉ ngơi để giảm đau; đi bộ lần nữa; lặp lại chu trình đi bộ - nghỉ ngơi - đi bộ trong 30 đến 45 phút; đi bộ ba ngày trở lên một tuần.
Đau cách hồi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Giảm căng thẳng tinh thần bằng tập thiền, tập thể dục, tập thư giãn

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, cá hồi, cá thu, cá ba sa. Nên ăn ít tinh bột, ít ngọt và thức ăn nên chế biến bằng luộc hấp thay vì chiên xào.

Hãy liên hệ với chuyên gia để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng của bạn.

Phương pháp phòng ngừa đau cách hồi hiệu quả

Cách tốt nhất để ngăn ngừa chứng đau cách hồi là duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát một số tình trạng bệnh lý. Điều đó có nghĩa là:

  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng;
  • Luyện tập thể dục đều đặn;
  • Nếu bạn bị đái tháo đường, hãy kiểm soát không để lượng đường trong máu quá cao;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Điều trị cao huyết áp và rối loạn lipid máu;
  • Bỏ hút thuốc lá.
Nguồn tham khảo
  1. Claudication: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/claudication/diagnosis-treatment/drc-20370959
  2. Claudication: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21972-claudication
  3. Claudication: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK235/
  4. Patient education: Peripheral artery disease and claudication (Beyond the Basics): https://www.uptodate.com/contents/peripheral-artery-disease-and-claudication-beyond-the-basics
  5. Peripheral arterial disease (PAD): https://www.nhs.uk/conditions/peripheral-arterial-disease-pad/

Các bệnh liên quan