Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì? Những vấn đề cần biết về huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis- DVT) xảy ra khi cục máu đông hay huyết khối hình thành ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể. Huyết khối tĩnh mạch sâu thường gặp nhất là ở chân hay vùng chậu gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây sưng tấy, đau chân và đôi khi cũng không có triệu chứng gì đáng chú ý. Đây là bệnh lý có thể gây tử vong nếu cục huyết khối gây tắc mạch máu ở não, tim, phổi,... Bài viết sau cung cấp một số thông tin về tình trạng này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là tình trạng huyết khối hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân như tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch đùi hay tĩnh mạch vùng chậu. Huyết khối tĩnh mạch sâu là hậu quả của tình trạng máu giảm khả năng trở về tĩnh mạch trung tâm của các tĩnh mạch sâu vùng chi dưới và vùng chậu gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu gây rối loạn chức năng co dãn mạch hoặc tăng đông. Huyết khối tĩnh mạch sâu là nguyên nhân chính gây nên thuyên tắc phổi (Pulmonary Embolism - PE).

Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý phổ biến với tỷ lệ mắc là 1,6/1000 người mỗi năm. Tỷ lệ mắc khác nhau tùy vị trí tĩnh mạch, tỷ lệ này được thống kê như sau: Tĩnh mạch xa là 40%, tĩnh mạch khoeo là 16%, tĩnh mạch đùi là 20%.

Triệu chứng

Những triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Trong số bệnh nhân nhập viện có nguy cơ cao gặp phải tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu (bất động, có chấn thương lớn,…) thì hầu hết huyết khối tĩnh mạch xảy ra trong tĩnh mạch vùng cẳng chân dù có không có triệu chứng hay không được phát hiện.

Các triệu chứng và dấu hiệu không đặc hiệu nhưng gợi ý tình trạng này như: Đau mơ hồ đau dọc theo đường đi tĩnh mạch (50% bệnh nhân có triệu chứng này), đỏ một bên chân, phù nề, sưng chân, ấn đau,… Cảm giác khó chịu của bắp chân tăng khi gấp mặt mu vào cẳng chân (dấu hiệu Homans) đôi khi xảy ra với DVT đoạn xa nhưng đây cũng là một dấu hiệu không đặc hiệu.

Tác động của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới với sức khỏe

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một bệnh phổ biến và có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nó là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba do bệnh tim mạch (sau bệnh lý nhồi máu cơ tim và đột quỵ).

Biến chứng có thể gặp huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Các biến chứng mạn tính thường gặp bao gồm suy tĩnh mạch kèm hoặc không kèm hội chứng hậu huyết khối, thuyên tắc phổi, tử vong,... Các triệu chứng của PE có thể bao gồm đột ngột khó thở và đau ngực kiểu màng phổi.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì? Những vấn đề cần biết về Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. 2.jpg
Thuyên tắc phổi là biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào kể trên bạn nên đến gặp bác sĩ nội khoa ngay lập tức để được chẩn đoán, điều trị sớm hay được hướng dẫn đến khác chuyên khoa khác điều trị hiệu quả hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

DVT chi dưới hầu như là kết quả từ của sự giảm sự di chuyển của máu tĩnh mạch về tim, tổn thương tế bào nội mô mạch máu hoặc rối loạn chức năng đông cầm máu cụ thể là tăng đông quá mức - 3 yếu tố này được gọi là tam chứng Virchow,… Cụ thể các yếu tố sau đây được coi là nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu đồng thời làm tăng nặng tình trạng huyết khối:

  • Giảm lưu lượng máu tĩnh mạch về tim: Bất động (các trường hợp buộc phải nghỉ ngơi tại giường như gây mê toàn thân, sau phẫu thuật hay đột quỵ, chuyến bay dài,...).
  • Tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch: Sự tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch dẫn đến giảm dòng máu chảy trong tĩnh mạch chi dưới về tim (u chèn ép, mang thai, hẹp hoặc dị tật bẩm sinh hệ thống tĩnh mạch làm tăng sức cản dòng máu về tim).
  • Chấn thương cơ học ở tĩnh mạch: Chấn thương do tai nạn, phẫu thuật, đặt ống thông tĩnh mạch ngoại biên, DVT trước đó, lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch,... làm tổn thương tĩnh mạch ảnh hưởng đến khả năng co dãn tĩnh mạch và đưa máu về tim,...
  • Bệnh lý gây tăng độ nhớt máu: Bệnh đa hồng cầu, tăng tiểu cầu, mất nước do tiêu chảy hay nôn ói,… làm giảm thể tích huyết tương, tăng độ nhớt máu, tăng khả năng hình thành huyết khối,...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới?

Các đối tượng sau là người có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới hơn những đối tượng khác:

  • Tuổi > 60 tuổi: Người lớn trên 60 tuổi thường mắc các bệnh lý khiến họ mất khả năng vận động như đột quỵ, gãy cổ xương đùi,... nên đây là những đối tượng có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cao hơn những người trẻ.
  • Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch chi dưới là do tình trạng béo phì làm tăng nồng độ fibrinogen- thậm chí có thể vượt gấp đôi giá trị bình thường, đồng thời người béo phì có lưu lượng tuần hoàn tĩnh mạch chi dưới thường chậm hơn người có cân nặng trung bình.
  • Mang thai hoặc sau mang thai: Làm tăng áp lực ổ bụng, giảm lượng máu tĩnh mạch về tim.
huyet-khoi-tinh-mach-sau-chi-duoi 1.jpg
Tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu ở một bệnh nhân bất động trong thời gian dài

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch chi dưới chủ yếu là các bệnh lý làm giảm khả năng về tim của máu tĩnh mạch hay rối loạn tăng đông cụ thể là:

  • Ung thư;
  • Hút thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc thụ động);
  • Suy tim;
  • Rối loạn hay bệnh lý gây tăng đông: Hội chứng kháng phospholipid, thiếu Antithrombin, đột biến yếu tố V Leiden, (kích hoạt kháng protein C), giảm tiểu cầu do Heparin, tăng yếu tố VIII, thiếu Protein C, thiếu Protein S,…
  • Bất động;
  • Đặt catheter tĩnh mạch;
  • Khối u tăng sinh tủy (làm tăng độ nhớt);
  • Hội chứng thận hư;
  • Thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp estrogen;
  • Đã từng mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch;
  • Bệnh hồng cầu hình liềm;
  • Phẫu thuật trong vòng 3 tháng qua;
  • Chấn thương nặng đặc biệt là tổn thương chi dưới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Chẩn đoán dựa tiền sử và khám lâm sàng và thực hiện một số cận lâm sàng giúp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch chi dưới.

  • Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới: Bệnh được xác định bằng siêu âm Doppler mạch máu với độ nhạy và độ đặc hiệu trên 90%.
  • Định lượng D-dimer: D-Dimer là một sản phẩm phụ của việc phân hủy fibrin. Xét nghiệm D-Dimer được dùng khi muốn loại trừ DVT. Kết quả âm tính giúp loại trừ Huyết khối tĩnh mạch sâu, trong khi kết quả dương tính là chưa đặc hiệu để xác định Huyết khối tĩnh mạch sâu.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì? Những vấn đề cần biết về Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. 3.jpg
Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới giúp phát hiện huyết khối trong các tĩnh mạch

Phương pháp điều trị Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Mục đích điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu nói chung và huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới nói riêng là ngăn ngừa tắc mạch phổi, giảm tỷ lệ mắc bệnh thuyên tắc phổi và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ phát triển hội chứng sau huyết khối.

Nội khoa

  • Vớ áp lực tĩnh mạch liên tục: Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới bằng vớ bơm áp lực liên tục ở những bệnh nhân bất động, giúp hỗ trợ máu tĩnh mạch chi về tim tốt hơn, hạn chế ứ động máu ở các tĩnh mạch chi.
  • Thuốc chống đông: Thuốc chống đông máu được ưu tiên để giải quyết DVT liên quan đến bệnh lý ung thư là heparin trọng lượng phân tử thấp và các thuốc ức chế yếu tố Xa (như rivaroxaban). Tuy nhiên, trong những trường hợp ung thư được chẩn đoán gần đây hay trường hợp VTE lan rộng nên xem xét điều trị chống đông với mức độ cao hơn. Tuy nhiên việc lựa chọn loại thuốc chống đông cũng như liều dùng của thuốc có sự khác nhau ở từng bệnh nhân tùy chức năng gan, chức năng thận của người mắc bệnh.
  • Đặt màng lọc tĩnh mạch chủ dưới (IVCF): IVCF có thể giúp ngăn ngừa tắc mạch phổi ở những bệnh nhân có DVT ở chi dưới có chống chỉ định với các chống đông máu hay không điều trị với thuốc chống đông nhưng không hiệu quả.

Ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa ít khi được sử dụng cho bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì? Những vấn đề cần biết về Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. 4.jpg
Sử dụng vớ áp lực ngắt quãng giúp tăng khả năng về tim từ các tĩnh mạch ở tim

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Vận động (đi lại) sớm nhất ngay có thể sau một khoảng thời gian dài bất động là phương pháp tốt giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch. Vận động tại giường, đứng dậy và di chuyển càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật giúp hạn chế bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng vớ áp lực ngắt quãng cho bệnh nhân nằm ICU.

Phương pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới hiệu quả

Chăm sóc cho những bệnh nhân bất động là một trong những cách giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện và tăng nặng. Khi đi du lịch và phải ngồi trong thời gian dài, bạn có thể giảm nguy cơ hình thành cục máu đông bằng cách thực hiện những điều sau:

  • Đứng dậy đi bộ 1 -2 sau khoảng 1-2 tiếng ngồi liên tục hay ít nhất di chuyển chân, mắt cá chân và ngón chân nếu không thể di chuyển.
  • Mặc quần áo rộng rãi cho những chuyến đi xa.
  • Uống nhiều nước lọc.

Các câu hỏi thường gặp về huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Tiên lượng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới thế nào?

Nói chung Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đầy đủ.

Những bệnh lý nào có thể có các triệu chứng gần giống với huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới?

Chấn thương mô mềm, viêm mô tế bào, chèn ép tĩnh mạch vùng chậu, tắc nghẽn hệ mạch bạch huyết ở khung chậu,...

Có bài tập thể dục nào giúp cải thiện tuần hoàn chi dưới không?

Có nhiều bài tập hay động tác giúp máu về tim dễ dàng hơn như: nhón gót, nâng cao chân,... Mỗi động tác có thể được thực hiện 5-7 lần và 2-3 lần trong ngày.

Chế độ ăn uống lành mạch có giúp hạn chế tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới không?

Một chế độ ăn lành mạnh như chế độ ăn ít chất béo xấu giúp bảo vệ thành mạch máu tốt hơn đồng thời giúp bạn giữ cân nặng hợp lý tránh béo phì - một yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.

Khi uống thuốc chống đông cần lưu ý những gì?

Thuốc chống đông được sử dụng nhằm mục đích giảm khả năng thành lập cục huyết khối từ đó giảm nguy cơ mắc thuyên tắc phổi. Khi sử dụng thuốc chống đông bệnh nhân cần hiểu rõ tác không mong muốn cũng như biến chứng của nó. Vì thế bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, theo dõi chi tiết, phù hợp với bệnh tình của bạn.

Nguồn tham khảo
  1. Deep Vein Thrombosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507708/
  2. Deep Vein Thrombosis: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/deep-vein-thrombosis/
  3. Everything You Want to Know About Deep Vein Thrombosis (DVT): https://www.healthline.com/health/deep-venous-thrombosis
  4. DVT (deep vein thrombosis): https://www.nhs.uk/conditions/deep-vein-thrombosis-dvt/
  5. DVT (deep vein thrombosis): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16911-deep-vein-thrombosis-dvt

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn lipid máu

  2. Hạ canxi máu

  3. Thiếu máu cục bộ đường mật

  4. Máu khó đông

  5. Hội chứng HELLP

  6. huyết áp tâm trương cao

  7. U bạch huyết

  8. Bệnh Kienbock

  9. U hạt mạn tính

  10. Phình động mạch tạng