Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cường lách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cường lách (Hypersplenism) xảy ra khi lách của bạn to ra bất thường và trở nên hoạt động quá mức. Lách hoạt động quá mức sẽ loại bỏ quá nhiều tế bào máu khỏi hệ tuần hoàn của bạn, khiến bạn có ít tế bào máu hơn mức bình thường.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cường lách là gì?

Cường lách là tình trạng lách hoạt động quá mức. Lách là một cơ quan được tìm thấy ở phía trên bên trái của bụng bạn. Lách giúp lọc các tế bào máu cũ và bị hư hỏng khỏi máu của bạn. Nếu lách của bạn hoạt động quá mức, nó sẽ loại bỏ các tế bào máu quá sớm và quá nhanh.

Lách đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng. Do đó, khi lách bị tổn thương có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.

Cường lách có thể dẫn đến thiếu hụt một số loại tế bào máu hoặc tất cả chúng. Bạn có thể có:

  • Thiếu máu: Số lượng hồng cầu thấp. Các triệu chứng bao gồm cảm thấy sợ lạnh và mệt mỏi.
  • Giảm bạch cầu: Số lượng bạch cầu thấp. Điều này có thể khiến bạn dễ bị bệnh hơn.
  • Giảm tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu thấp. Điều này có thể khiến bạn dễ chảy máu và bầm tím hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cường lách

Các triệu chứng bao gồm:

  • Lách to;
  • Đau bụng bên trái;
  • Thiếu máu;
  • Dễ bị nhiễm trùng;
  • Dễ bầm máu;
  • Đau bụng ở bên trái.
cuong-lach 4.jpg
Thiếu máu là triệu chứng thường gặp của bệnh cường lách

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc con bạn có bất kỳ triệu chứng nào của cường lách, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến cường lách

Các nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến cường lách bao gồm:

  • Bệnh gan: Các tình trạng ảnh hưởng đến gan, chẳng hạn như viêm gan mãn tính hoặc xơ gan, có thể gây ra áp lực tích tụ trong các mạch máu chạy qua gan và lách. Điều này được gọi là tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nó làm cho lượng máu trong lách tăng lên và lách to lên bất thường.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm virus như HIV, nhiễm trùng do vi khuẩn như bệnh lao và viêm nội tâm mạc và nhiễm ký sinh trùng như sốt rét và bệnh toxoplasmosis làm rối loạn chức năng miễn dịch của lách. Chúng có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều kháng thể và tế bào miễn dịch. Sự sản xuất quá mức của các tế bào (tăng sản) làm tăng thêm thể tích tổng thể của lách.
  • Bệnh tự miễn dịch: Các tình trạng viêm mãn tính như lupus, sarcoidosis và viêm khớp dạng thấp có thể gây ra phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức và tăng sản lách.
  • Ung thư: Các bệnh ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc u nguyên bào tủy (MPN) và u lympho có thể xâm nhập vào lách với các tế bào lạ tiếp tục nhân lên.
  • Bệnh lý huyết học: Các tình trạng như thiếu máu tán huyết gây ra sự phá hủy sớm các tế bào hồng cầu, lách là nơi dọn bỏ những sản phẩm phá hủy này nên khi sự phá hủy quá nhiều sẽ gây nên tình trạng quá tải ở lách.
  • Rối loạn chuyển hóa di truyền: Các tình trạng khiến nhiều chất khác nhau tích tụ trong máu và lưu trữ trong các cơ quan, chẳng hạn như bệnh Niemann-Pick, bệnh Gaucher và bệnh hồng cầu hình liềm cũng dẫn đến cường lách.
cuong-lach 5.jpg
Các bệnh lý gan mạn là nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh cường lách

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải cường lách?

Bất cứ ai, nam hay nữ, trẻ hay người lớn tuổi đều có nguy cơ mắc phải cường lách.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cường lách

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển chứng cường lách, bao gồm:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh bạch cầu đơn nhân.
  • Những người mắc bệnh Gaucher, bệnh Niemann-Pick và một số rối loạn chuyển hóa di truyền khác ảnh hưởng đến gan và lách.
  • Những người sống hoặc đi du lịch đến những khu vực có bệnh sốt rét phổ biến.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm cường lách

Cường lách thường được phát hiện khi khám sức khỏe. Bác sĩ thường có thể cảm nhận được lách to bằng cách nhẹ nhàng kiểm tra bụng trên bên trái của bạn. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các bạn lý bạn và gia đình đã từng và đang mắc phải để giúp chẩn đoán nguyên nhân.

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm này để xác nhận chẩn đoán cường lách:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Xét nghiệm để kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
  • Siêu âm hoặc chụp CT: Để giúp xác định kích thước lách và liệu nó có chèn ép các cơ quan khác không.
  • Chụp MRI: Chụp MRI để theo dõi lưu lượng máu qua lách.
  • Sinh thiết lách: Dùng khi nghi ngờ có khối u ở lách.
  • Sinh thiết xương: Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm này khi nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến cường lách là do các bệnh lý huyết học nguy hiểm.

Điều trị cường lách

Nội khoa

Điều trị chứng cường lách tập trung vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ, nếu bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn, việc điều trị sẽ bao gồm dùng kháng sinh.

Việc điều trị chứng cường lách sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Nó có thể bao gồm:

  • Truyền máu: Bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu nếu bạn được chẩn đoán thiếu máu nặng.
  • Xạ trị liều thấp hoặc cắt bỏ tần số vô tuyến: Đây là hai phương pháp mà các bác sĩ sử dụng để nhắm mục tiêu là tiêu diệt các mô cơ thể, chẳng hạn như khối u.

Ngoại khoa

Phẫu thuật cắt lách trong những trường hợp nghiêm trọng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lách. Bạn có thể sống mà không cần lách, nhưng nó sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Vì lý do này, cắt lách thường là biện pháp cuối cùng. Bác sĩ sẽ đề xuất các loại vắc xin cụ thể để bảo vệ bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng thông thường. 

Trong một số trường hợp, họ có thể kê đơn thuốc kháng sinh dự phòng hàng ngày để bạn dùng sau khi cắt lách.

cuong-lach 6.jpg
Phẫu thuật cắt bỏ lách khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của cường lách

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của cường lách, bạn có thể tham khảo các việc làm sau:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nặng lên của các triệu chứng cũ cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị;
  • Tránh các môn thể thao tiếp xúc chẳng hạn như bóng đá, khúc côn cầu và hạn chế các hoạt động khác theo khuyến nghị để giảm nguy cơ vỡ lách.
  • Điều quan trọng là phải thắt dây an toàn. Nếu bạn gặp tai nạn ô tô, dây an toàn có thể giúp bảo vệ lách của bạn.
  • Cuối cùng, hãy nhớ tiêm nhắc lại các mũi tiêm chủng vì nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng lên sau cắt lách. Điều đó có nghĩa là ít nhất phải tiêm phòng cúm hàng năm và tiêm phòng uốn ván, bạch hầu và ho gà sau mỗi 10 năm.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực phẩm nên hạn chế hoặc tránh khi bị cường lách:

  • Đồ chiên: Khoai tây chiên, gà rán…
  • Thịt chế biến: Xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội…
  • Nước ngọt: Nước có ga, sản phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo, thức ăn, bánh kẹo nhiều đường.

Thực phẩm nên ăn để tốt cho lách:

  • Rau lá xanh: Rau cải, rau bina… chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa có thể tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, bảo vệ lách của bạn.
  • Quả mọng: Các loại quả mọng như quả việt quất và dâu tây rất giàu chất chống oxy hóa có đặc tính chống viêm.
  • Thực phẩm giàu kẽm: Các loại thực phẩm như đậu, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời, giúp duy trì sức khỏe lách của bạn.
  • Thức ăn giàu sắt: Các loại thực phẩm như hải sản, trứng, rau xanh, cà chua giúp bổ sung sắt ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng.
cuong-lach 7.jpg
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể hạn chế diễn tiến của bệnh cường lách

Phòng ngừa cường lách

Không có cách nào để ngăn ngừa bệnh cường lách. Bạn cần chẩn đoán sớm và điều trị ổn định các bệnh lý nguyên nhân.

Các câu hỏi thường gặp về cường lách

Biến chứng của cường lách là gì?

  • Vỡ lách;
  • Xoắn lách;
  • Biến chứng xuất huyết và nhiễm trùng do giảm 3 dòng tế bào máu.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây cường lách là gì?

Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và ung thư là những nguyên nhân phổ biến nhất.

Biến chứng của phẫu thuật cắt lách?

Bạn có thể sống mà không cần lách, nhưng nó sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Vì lý do này, sau khi phẫu thuật cắt lách bạn có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ đề xuất các loại vắc xin cụ thể để bảo vệ bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng thông thường. Trong một số trường hợp, họ có thể kê đơn thuốc kháng sinh dự phòng hàng ngày để bạn dùng sau khi cắt lách.

Tôi có thể uống rượu khi bị bệnh cường lách không?

Nên hạn chế hoặc tránh uống rượu khi bạn mắc bệnh cường lách.

Bệnh cường lách được chẩn đoán như thế nào?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, khám bệnh chỉ định công thức máu toàn phần. Công thức máu toàn phần sẽ cho họ biết bạn đang thiếu loại tế bào máu nào và mức độ như thế nào. Ngoài ra có thể chỉ định thêm các xét nghiệm hình ảnh học hoặc sinh thiết để chẩn đoán nguyên nhân gây ra cường lách.

Nguồn tham khảo
  1. Hypersplenism: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24339-hypersplenism
  2. Hypersplenism: https://ufhealth.org/conditions-and-treatments/hypersplenism
  3. Hypersplenism: https://radiopaedia.org/articles/hypersplenism
  4. Hypersplenism: History and current status: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5038876/
  5. Hypersplenism: https://medlineplus.gov/ency/article/001314.html
Chủ đề:Lá lách

Các bệnh liên quan