Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy gan mạn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa suy gan mạn

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy gan mạn xảy ra khi tế bào gan của một người bị tổn thương dần dần theo thời gian. Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, nó nằm ở phía bụng phải, dưới bờ sườn của bạn, gan giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và loại bỏ các chất độc hại. Suy gan mạn không được điều trị có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Mặc dù suy gan mạn có thể nghiêm trọng nhưng việc điều trị sớm và thói quen lối sống lành mạnh có thể giúp nhiều người tránh được tổn thương gan nghiêm trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy gan mạn là gì?

Suy gan mạn là một quá trình bệnh ở gan liên quan đến sự phá hủy dần dần và tái tạo nhu mô gan dẫn đến xơ hóa và xơ gan. Do đó, các tĩnh mạch đổ vào gan giảm dần, dẫn đến áp lực tĩnh mạch cửa tăng cao. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa sau đó dẫn đến lách to, gây thiếu máu và giảm tiểu cầu. Cổ trướng, hội chứng gan thận, hội chứng gan phổi, xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản và bệnh não gan đều là những biến chứng của suy gan mạn.

Người bệnh xơ gan có thể có chức năng gan ổn định trong thời gian dài, và tổn thương cấp tính khi xơ gan tiến triển và dự trữ chức năng giảm có thể dẫn đến tình trạng gan mất bù. Những người bệnh này có thể bị mất bù theo hai cách:

  • Phổ biến nhất là tình trạng mất bù tiến triển dần dẫn đến bệnh gan giai đoạn cuối.
  • Tình trạng mất bù gan cấp tính do một sự kiện thúc đẩy như xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hoặc nhiễm trùng huyết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy gan mạn

Dấu hiệu của suy gan mạn:

  • Các dấu hiệu chung: Suy nhược, bầm tím dưới da và xanh xao.
  • Dấu hiệu ở bàn tay: Lòng bàn tay son, ngón tay dùi trống, co rút dupuytren.
  • Dấu hiệu ở ngực/bụng: Dấu sao mạch (4 dấu hoặc nhiều hơn là bệnh lý), tĩnh mạch vùng bụng nổi (tuần hoàn bàng hệ cửa – chủ), giảm lông trên cơ thể, vú to ở nam giới, teo tinh hoàn, cổ trướng.
  • Các dấu hiệu về gan: Có thể sờ thấy một khối to dưới bờ sườn bên phải (gan to).
  • Dấu hiệu gợi ý nguyên nhân của suy gan mạn: Béo phì gợi ý bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, run rẩy gợi ý bệnh gan do rượu.
  • Bệnh gan còn bù hay mất bù: Sự hiện diện của vàng da, cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ hoặc bệnh não gan gợi ý bệnh gan mất bù.

Các triệu chứng của suy gan mạn:

  • Đau bụng;
  • Vàng da;
  • Ngứa da;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Mệt mỏi và buồn ngủ có thể gợi ý bệnh não gan;
  • Xuất hiện cổ trướng hoặc phù nề (ban đầu người bệnh có thể cảm thấy tăng cân).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy gan mạn

Sau đây là những biến chứng có thể gặp của bệnh suy gan mạn:

  • Bệnh não gan;
  • Hội chứng gan thận;
  • Hội chứng gan phổi;
  • Ung thư biểu mô tế bào gan;
  • Xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản;
  • Cổ trướng và viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát.
Suy gan mạn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa suy gan mạn 4
Bệnh suy gan mạn có thể dẫn đến bệnh não gan

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm suy gan mạn sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy gan mạn

Sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Bệnh gan do rượu (Alcoholic Liver Disease): Bệnh gan do rượu là một bệnh phổ biến bao gồm gan nhiễm mỡ do rượu có hoặc không có viêm gan, viêm gan do rượu (có thể hồi phục) dẫn đến xơ gan (không thể hồi phục). Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của suy gan mạn.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD/NASH): Bệnh có mối liên quan với hội chứng chuyển hóa (béo phì, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường). Một số người bệnh này dẫn đến xơ hóa gan. Tất cả các yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa đều có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Viêm gan siêu vi mạn: Nhiễm viêm gan virus B, C và D mạn tính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy gan mạn ở Đông Á và Châu Phi cận Sahara. Viêm gan virus C mạn nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan.

Nguyên nhân di truyền:

  • Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin: Đây là nguyên nhân di truyền phổ biến nhất gây ra suy gan mạn ở trẻ em.
  • Bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền: Đây là bệnh rối loạn hấp thu sắt trên nhiễm sắc thể thường do đột biến liên quan đến gen HFE điều hòa sự hấp thu sắt từ ruột nên lượng sắt dư thừa sẽ được hấp thu qua đường tiêu hóa. Kết quả là tăng lượng sắt trong cơ thể (chẳng hạn như ferritin và hemosiderin) dẫn đến tạo ra các gốc tự do hydroxyl, từ đó gây ra tình trạng xơ hóa các cơ quan.
  • Bệnh Wilson: Rối loạn gen lặn trên nhiễm sắc thể thường dẫn đến tích tụ chất đồng.

Nguyên nhân tự miễn: Viêm gan tự miễn là một bệnh hiếm gặp trong đó nhu mô gan bị phá hủy bởi các kháng thể tự miễn. Hầu hết người bệnh mắc bệnh này đều đã tiến triển đến bệnh xơ gan. Phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới. Bao gồm các bệnh:

Các nguyên nhân khác của suy gan mạn:

  • Thuốc: Amiodarone, isoniazid, methotrexate, phenytoin, nitrofurantoin;
  • Mạch máu: Hội chứng Budd-Chiari;
  • Vô căn: Khoảng 15%.
Suy gan mạn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa suy gan mạn 5
Một số loại thuốc như Amiodarone, isoniazid, methotrexate,... có thể là nguyên nhân của suy gan mạn

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy gan mạn

Có nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh gây ra suy gan mạn. Ba yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với suy gan mạn là:

  • Béo phì;
  • Uống quá nhiều rượu;
  • Virus truyền qua đường máu, đặc biệt là viêm gan virus B và C.

Các yếu tố nguy cơ có thể có tác động nhân lên, một cá nhân có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ (ví dụ như viêm gan virus C kèm theo béo phì cũng như uống quá nhiều rượu) có thể làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh suy gan mạn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy gan mạn

Để chẩn đoán bệnh suy gan mạn, bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu: Chúng thường được thực hiện để kiểm tra chức năng gan hoặc xác định bệnh di truyền cụ thể.
  • Hình ảnh học: Bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI, CT scan hoặc siêu âm bụng để tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương hoặc khối u trong gan của bạn. Một số xét nghiệm cũng có thể đo độ đàn hồi của gan.
  • Sinh thiết gan: Trong quá trình sinh thiết gan, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô gan nhỏ và phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm dấu hiệu bệnh.

Phương pháp điều trị suy gan mạn

Mục tiêu điều trị là ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, phòng ngừa và điều trị biến chứng nếu có, đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành. Nguyên tắc điều trị chủ yếu là điều trị nguyên nhân cơ bản, quản lý tăng áp lực tĩnh mạch cửa và điều trị cụ thể cho từng bệnh.

Quản lý chung

Người mắc bệnh suy gan mạn hầu hết đều có một trong các biến chứng:

  • Giãn tĩnh mạch thực quản: Xuất huyết liên quan đến giãn tĩnh mạch thực quản là một trong những biến chứng chết người và việc điều trị bao gồm hồi sức tích cực bằng truyền dịch, thuốc vận mạch và nội soi. Propranolol được sử dụng để dự phòng nguyên phát và thứ phát vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Bệnh não gan: Nguyên tắc điều trị cơ bản là giải quyết các yếu tố thúc đẩy bệnh não gan. Người bệnh thường cải thiện khi điều trị kịp thời nguyên nhân cùng với rifaximin và lactulose.
  • Hội chứng gan thận: Mục tiêu chính là điều chỉnh nguyên nhân cơ bản để đảo ngược tổn thương thận cấp. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng của từng người bệnh, bao gồm norepinephrine hoặc terlipressin kết hợp truyền albumin hoặc midodrine, octreotide kết hợp truyền albumin. Phương pháp TIPS ở một số người bệnh có thể giúp ích và ghép gan là phương pháp điều trị duy nhất ở những người bệnh không đáp ứng với tất cả các phương pháp điều trị khác.
  • Ung thư biểu mô tế bào gan: Điều trị dựa trên giai đoạn ung thư gan.

Điều trị cụ thể

Đối với từng tình trạng sẽ có từng cách điều trị cụ thể như sau:

  • Viêm gan siêu vi: Ức chế virus liên tục bằng các chất tương tự nucleoside và nucleotide, thuốc kháng virus (viêm gan virus C), Interferon-alpha;
  • Bệnh gan do rượu: Kiêng rượu;
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Điều trị yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa;
  • Viêm gan tự miễn: Corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác;
  • Bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền: Trích huyết tĩnh mạch, thải sắt;
  • Ứ đồng (bệnh Wilson): Thuốc loại bỏ đồng;
  • Thiếu Alpha-1-antitrypsin: Ghép gan;
  • Viêm đường mật nguyên phát: Axit Ursodeoxycholic;
  • Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát: Ghép gan;
  • Hội chứng Budd-Chiari: Chống đông máu, làm tan huyết khối hoặc nong mạch có hoặc không đặt stent, TIPS hoặc ghép gan.
Suy gan mạn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa suy gan mạn 6
Ghép gan được chỉ định cho trường hợp viêm đường mật xơ cứng nguyên phát, thiếu Alpha-1-antitrypsin hay hội chứng Budd-Chiari

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy gan mạn

Chế độ sinh hoạt:

Hầu hết các yếu tố gây suy gan mạn đều gây tổn thương gan trong thời gian dài do đó cần phải ngăn chặn sự tiến triển của nó để tránh xơ gan và các biến chứng của nó. Khuyến cáo về chăm sóc người bệnh suy gan mạn:

  • Tránh nhiều loại rượu (rượu vang, rượu mạnh, bia);
  • Sàng lọc định kỳ viêm gan virus B và viêm gan virus C;
  • Tiêm ngừa viêm gan siêu vi A và B;
  • Tránh bổ sung sắt trừ khi bị thiếu sắt;
  • Tránh tự ý dùng thuốc giảm đau (aspirin, acetaminophen) và các loại thuốc gây độc cho gan khác;
  • Duy trì lượng mỡ máu tốt để tránh hội chứng chuyển hóa và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn kiêng cho người mắc bệnh suy gan mạn có thể bao gồm:

  • Biến carbohydrate thành nguồn calo chính của bạn.
  • Chế độ ăn có lượng chất béo vừa phải.
  • Hạn chế lượng protein động vật ăn vào. Gan bị tổn thương không thể xử lý protein đúng cách. Bác sĩ của bạn sẽ cho biết lượng protein bạn nên tiêu thụ dựa trên trọng lượng cơ thể.
  • Uống bổ sung vitamin. Bệnh gan có thể ảnh hưởng cơ thể hấp thụ một số chất dinh dưỡng nhất định, đặc biệt là vitamin B và vitamin D.
  • Giới hạn lượng natri bạn tiêu thụ ở mức 2.000mg/ngày hoặc ít hơn.
Suy gan mạn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa suy gan mạn 7
Giới hạn lượng natri của bệnh nhân suy gan mạn tiêu thụ ở mức 2.000mg/ngày hoặc ít hơn

Điều quan trọng là bạn phải được tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn uống. Bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra kế hoạch ăn uống phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cá nhân của bạn.

Phương pháp phòng ngừa suy gan mạn hiệu quả

Cách để phòng ngừa suy gan mạn tốt nhất là hạn chế yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số biện pháp giúp ngăn ngừa những tình trạng này:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Có chế độ ăn uống đầy đủ tất cả các nhóm thực phẩm.
  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa hoặc globulin miễn dịch để phòng ngừa nhiễm viêm gan virus A và B.
  • Đừng uống rượu quá nhiều. Tránh uống rượu khi bạn đang dùng thuốc acetaminophen.
  • Vệ sinh đúng cách. Rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh và trước khi chạm vào bất kỳ thực phẩm nào.
  • Không dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân, kể cả bàn chải đánh răng và dao cạo râu với người khác.
  • Nếu bạn xăm mình hoặc xỏ khuyên trên cơ thể, hãy đảm bảo điều kiện vệ sinh và tất cả các thiết bị đều vô trùng.
  • Hãy nhớ sử dụng biện pháp bảo vệ (bao cao su) khi quan hệ tình dục.
  • Nếu bạn sử dụng ma túy tiêm tĩnh mạch bất hợp pháp, đừng dùng chung kim tiêm với bất kỳ ai.
Nguồn tham khảo
  1. What Is Liver Failure?: https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-liver-failure
  2. Chronic Liver Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554597/
  3. Chronic Liver Disease: https://www.medicaleducationleeds.com/paces/chronic-liver-disease/
  4. What Is Chronic Liver Disease?: https://www.everydayhealth.com/liver-disease/what-is-chronic-liver-disease/
  5. Chronic Liver Disease: https://stanfordhealthcare.org/medical-conditions/liver-kidneys-and-urinary-system/chronic-liver-disease.html

Các bệnh liên quan

  1. Tắc ruột

  2. Ung thư biểu mô tế bào gan

  3. Bệnh Crohn

  4. Sỏi túi mật

  5. Thiếu máu cục bộ đường ruột

  6. Tiêu chảy do kháng sinh

  7. Viêm gan cấp

  8. Rối loạn ăn uống

  9. Hội chứng loét trực tràng đơn độc

  10. Ợ nóng