Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh gan do rượu là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gan như: Siêu vi, khiếm khuyết về di truyền, do thuốc, hóa chất… và nguyên nhân từ việc uống rượu hay được đề cập đến. Rượu bia là một trong nhiều chất độc hại mà con người tự nguyện tiêu thụ. Ở nước ta, số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh gan do rượu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh gan do rượu là gì? 

Tổn thương gan do rượu là nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan. Xơ gan do rượu hiện nay có tỷ lệ ngày càng nhiều và có tiến triển thất thường, thường tiến triển nặng đi kèm với nhiều biến chứng. Các số liệu của các nước trên thế giới cho thấy tổn thương gan do rượu gặp cao nhất trong các bệnh lý viêm gan do các nguyên nhân khác.

Đối với tổn thương gan rượu ngay sau khi uống rượu vài ngày đã có thể xuất hiện tình trạng gan thoái hóa mỡ, trong tế bào gan chứa đầy các giọt mỡ lớn. Giai đoạn kế tiếp nếu vẫn tiếp tục uống rượu xuất hiện tổn thương fibrosis gan (xơ hóa gan) và cuối cùng là cirrhosis (xơ gan). Người mắc bệnh gan do rượu thường gặp từ 40 – 60 tuổi. Thường gặp nhiều ở nam hơn nữ giới.

Bệnh gan do rượu là kết quả của việc uống quá nhiều rượu làm tổn thương gan, dẫn đến tích tụ chất béo, viêm và sẹo. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị, phòng ngừa bệnh gan do rượu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gan do rượu 

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh gan do rượu rất mơ hồ và ảnh hưởng đến một loạt các hệ thống trong cơ thể. Cùng với cảm giác không khỏe chung, các dấu hiệu có thể bao gồm :

  • Đau bụng;

  • Buồn nôn và ói mửa;

  • Tiêu chảy;

  • Giảm sự thèm ăn.

Dấu hiệu thường gặp nhất ở bệnh nhân bệnh gan do rượu là suy gan và vàng da. Dấu hiệu này thường xảy ra ở bệnh nhân lạm dụng rượu > 100g alcohol/ngày, uống rượu nhiều tuần trước khi xuất hiện triệu chứng. 

Vàng da xuất hiện nhanh tăng dần, có thể vàng da đậm.

Các dấu hiệu khác như sốt kéo dài, có thể sốt cao, đau mỏi cơ, cổ trướng, gầy sút cân. Trong trường hợp suy gan nặng, bệnh nhân có thể có dấu hiệu của hội chứng não gan.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh gan do rượu 

Uống rượu với số lượng nhiều và thời gian dài có liên quan tỷ lệ bệnh gan do rượu (khoảng 80g mỗi ngày đối với nam giới và 20g mỗi ngày đối với phụ nữ).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh gan do rượu?

Viêm gan do uống rượu thường xảy ra ở người nghiện rượu. 

Nữ dễ mắc nhiều hơn nam do độc tính của rượu tác động lên nữ giới cao hơn nam giới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gan do rượu 

Bệnh gan do rượu không dễ chẩn đoán. Chẩn đoán chính xác nhất là phương pháp sinh thiết gan.

Viêm gan do rượu là tổn thương nặng có thể gặp nhiều thay đổi các chỉ số xét nghiệm. Không có xét nghiệm nào là đặc hiệu cho tổn thương của bệnh gan do rượu, cần phải kết hợp nhiều thông số.

Hội chứng hủy hoại tế bào gan transaminase thường tăng nhất là tăng AST. Tỷ lệ AST/ALT thường > 2. Chỉ số AST/ALT > 3 lần là gợi ý tổn thương gan do rượu mức độ nặng.

Số lượng bạch cầu, đặc biệt bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao. Creatinin huyết thanh tăng.

Nhóm xét nghiệm giúp chẩn đoán các nguyên nhân viêm gan khác có thể đồng thời xảy ra trên nền viêm gan do rượu. Khi viêm gan do rượu kết hợp với các viêm gan khác thường là yếu tố tiên lượng nặng.

Phương pháp điều trị bệnh gan do rượu hiệu quả

Ngừng rượu

Đây là phương pháp điều trị chính và quyết định thành công của các liệu pháp điều trị. Ngừng rượu có thể cải thiện triệu chứng 66% số bệnh nhân. 

Chế độ dinh dưỡng

Cần cung cấp chế độ ăn giàu calo, giàu dinh dưỡng, giàu vitamin cho bệnh nhân bệnh gan do rượu.

Chế độ ăn cung cấp > 2.000 kcal/ngày.

Tất cả các bệnh nhân bệnh gan do rượu đều có tính trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt nhiều loại vitamin và muối khoáng. Cần bổ sung thêm vitamin A, vitamin D, vitamin nhóm B, folate, kẽm.

Chế độ ăn cung cấp giàu dinh dưỡng và vitamin sẽ hạn chế quá trình dị hóa của cơ thể cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Trong các trường hợp bệnh nặng cần cung cấp dinh dưỡng theo cả đường truyền và đường ăn qua sonde. Nuôi dưỡng bằng sonde cho kết quả tỷ lệ sống sau 1 tháng không cao hơn liệu pháp điều trị corticoid nhưng làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm số bệnh nhân nhiễm trùng khi theo dõi 1 năm trong nhiều nghiên cứu kiểm chứng ngẫu nhiên.

Nuôi dưỡng qua sonde (2.000 kcal/ngày), sonde dùng nuôi dưỡng có khẩu kính nhỏ và bệnh nhân chịu đựng tốt hầu như không gây các tai biến. Để điều trị thành công cần thường xuyên đánh giá bilan dinh dưỡng, tính đủ tỷ lệ calo, muối nước, vitamin, tránh đưa thừa có thể làm tăng nguy cơ hội chứng não gan, thiếu sẽ làm tăng quá trình dị hóa cơ thể dẫn đến suy dinh dưỡng.

Liệu pháp corticoid

Liệu pháp điều trị corticoid là phương pháp điều trị được nghiên cứu nhiều nhất.

Liều điều trị corticoid: 40 mg/ngày trong 4 tuần sau đó giảm dần liều trong 2 – 4 tuần kế tiếp hoặc dùng tùy vào tình trạng lâm sàng.

Liệu pháp anticytokin

Bệnh căn của bệnh gan do rượu là dựa trên cơ chế miễn dịch. Việc điều trị là nhằm cắt đứt những đáp ứng miễn dịch. Cơ chế miễn dịch được nhấn mạnh nhất là đại thực bào giải phóng ra các chemokine và cytokine, TNF α, IL1, IL6, IL8.

Pentoxifyllin là 1 ức chế tổng hợp TNF. So với corticoid thì pentoxifyllin cải thiện được tỷ lệ sống nhưng không cải thiện được các kết quả xét nghiệm đánh giá chức năng gan, tuy nhiên làm giảm tỷ lệ xuất hiện hội chứng gan thận. Sự khác nhau cơ bản giữa pentoxifyllin và corticoid là đánh giá tác dụng lâu dài. Liều điều trị pentoxifyllin 400mg uống 3 lần/ngày trong 4 tuần.

Điều trị lọc máu (gan nhân tạo)

Các phương pháp điều trị bằng pentoxifyllin trong vòng 2 tháng nếu triệu chứng không cải thiện cần chỉ định lọc máu với albumin, hoặc các trường hợp viêm gan rượu nặng có tăng bilirubin máu nhiều. 

Ghép gan

Tiêu chuẩn chỉ định ghép gan: Chỉ số Maddrey > 32, không đáp ứng điều trị với liệu pháp điều trị corticoid và có kèm hay không kèm theo chỉ số MELD > 18.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh gan do rượu 

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Tập luyện hợp lý, vận động phù hợp với cơ thể.

  • Kiêng uống rượu là cách duy nhất để một người có cơ hội hồi phục. Cai rượu một cách an toàn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh gan do rượu hiệu quả

Cách duy nhất để phòng ngừa viêm gan do rượu là không uống tất cả các loại rượu. Đối với trường hợp nghiện rượu, cần đến các trung tâm hỗ trợ cai rượu.

Nếu đã bị nhiễm virus viêm gan C, bạn không nên uống rượu để giảm nguy cơ viêm gan nặng hơn và xơ gan.

Những người thường xuyên uống rượu nên đi xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương gan.

Một số nghiên cứu kết luận rằng uống cà phê có thể giúp gan phòng chống được những tác hại gây ra do uống rượu. Nguy cơ viêm gan mãn tính và xơ gan do rượu sẽ giảm đi nếu người uống rượu uống thêm một vài ly cà phê mỗi ngày. Cơ chế hoạt động và bảo vệ gan của cà phê hiện chưa được biết rõ.

Mặc dù có tác dụng bảo vệ gan nhưng chúng ta không thể tăng lượng cà phê tỷ lệ thuận với lượng rượu uống vào. Cách tốt nhất cho người uống rượu có lẽ là nên giảm dần lượng rượu và thay vào đó là tăng dần thói quen uống cà phê.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/

  2. Bệnh học nội khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.

Các bệnh liên quan

  1. U nhầy ruột thừa

  2. Toan hóa ống thận

  3. Vỡ túi mật

  4. Đạm niệu

  5. Hội chứng thận hư bẩm sinh

  6. Gan to

  7. Viêm đường mật nguyên phát (PBC)

  8. Lỵ amip

  9. Hội chứng Mallory-Weiss

  10. Dị ứng thực phẩm