Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hen phế quản nặng: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý kịp thời

Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ

Hen phế quản nặng là bệnh lý nghiêm trọng, thường xảy ra đột ngột kèm theo nhiều triệu chứng nặng. Khi có cơn hen nặng mà không được xử lý, can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Hen phế quản nặng có thể nhận biết sớm qua các dấu hiệu. Người bệnh cần trang bị cho mình kỹ năng xử lý mỗi khi có cơn hen nặng nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và hạn chế biến chứng.

Hen phế quản nặng là bệnh gì?

Hen phế quản nặng hay cơn hen nặng là tình trạng nặng lên của các triệu chứng hen suyễn, bao gồm khó thở, thở rít, nặng ngực,… Một số tác nhân làm xuất hiện tình trạng hen phế quản nặng ở người bệnh là:

  • Bào tử nấm mốc trong quần áo, đồ đạc;
  • Da hoặc lông động vật;
  • Phấn hoa, mạt bụi trong không khí;
  • Các loại hóa chất;
  • Thuốc men virus;
  • Khói hương;
  • Khói thuốc lá;
  • Ô nhiễm môi trường,…
Hen phế quản nặng: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý kịp thời 1
Cơn hen có thể tái phát do nhiều nguyên nhân như khói thuốc lá, bụi, phấn hoa,...

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng có nguy cơ cao khởi phát cơn hen phế quản nặng bao gồm:

  • Người đã đặt ống nội khí quản và thở bằng máy trước đây.
  • Người từng phải nhập viện hoặc cấp cứu vì cơn hen phế quản trong 1 năm trở lại.
  • Người bị loạn thần, nghiện rượu hoặc thường xuyên phải sử dụng thuốc an thần.
  • Người mắc bệnh hen nhưng không được theo dõi và điều trị đúng phác đồ.
  • Người bị tràn khí màng phổi, xẹp phổi hoặc bị viêm phổi.
  • Người đang hoặc có tiền sử nghiện thuốc lá.

Dấu hiệu cảnh báo khởi phát hen phế quản nặng

Nhận biết sớm trước khi cơn hen phế quản nặng khởi phát là mấu chốt để người bệnh có phương án xử lý, khắc phục kịp thời. Để nhận biết sớm cơn hen phế quản nặng xuất hiện bạn có thể dựa vào những dấu hiệu như:

  • Cảm thấy khó thở liên tục khiến người bệnh không nằm được và phải ngồi ngả về phía trước để thở.
  • Bệnh nhân gặp chứng khó nói, phải nói từng chữ, gặp khó khăn khi ho.
  • Người bệnh bị kích thích tinh thần.
  • Vã mồ hôi nhiều.
  • Cơ thể có triệu chứng tím tái thấy rõ.
Hen phế quản nặng: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý kịp thời 2
Khó thở liên tục - Dấu hiệu cảnh báo cơn hen phế quản nặng

Khi nghe phổi bệnh nhân thấy có nhiều ran rít xuất hiện ở cả 2 phổi, ngay cả khi hít vào và thở ra đều nhận thấy ran rít, co kéo cơ hô hấp phụ, nhịp thở nhanh trên 30 lần/phút, nhịp tim nhanh trên 120 nhịp/phút, huyết áp cũng tăng cao bất thường, mạch đảo nhanh trên 20 mmHg,…

Khi nhận thấy bản thân hoặc người thân có trên 4 dấu hiệu nêu trên bạn cần nhanh chóng chuẩn bị và xử lý trước khi cơn hen phế quản nặng khởi phát và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Biến chứng của hen phế quản nặng

Cơn hen phế quản nặng xuất hiện mà không được xử lý đúng cách và kịp thời có thể trở nên nghiêm trọng hơn, khiến người bệnh gặp phải các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mất mạng. Tiên lượng bệnh nhân hen phế quản nặng rất xấu nếu người bệnh gặp phải ít nhất một trong những biến chứng dưới đây.

  • Tràn khí màng phổi hoặc trung thất: Một trong những biến chứng cực nguy hiểm khi khởi phát cơn hen phế quản nặng, đó là tình trạng tràn khí màng phổi hoặc tràn khí trung thất. Người bệnh lên cơn hen phế quản nhưng hoạt động mạnh hoặc thở máy có thể gây biến chứng này.
  • Nhiễm khuẩn: Người lên cơn hen phế quản nặng thường có nguy cơ rất cao bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và khiến tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng hơn.
  • Rối loạn nước và chất điện giải: Việc sử dụng thuốc cường giao cảm liều cao hoặc cố gắng hô hấp khi lên cơn hen phế quản nặng có nguy cơ dẫn đến hạ nồng độ kali trong máu, gián tiếp làm cơ thể mất nước và rối loạn điện giải.

Trong trường hợp bị hen phế quản nặng gây biến chứng, bệnh nhân cần nhanh chóng nhập viện để cấp cứu, can thiệp kịp thời nhằm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Hen phế quản nặng: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý kịp thời 3
Bệnh nhân hen phế quản nặng cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng

Lên cơn hen phế quản nặng cần làm gì?

Sau khi nhận biết cơn hen phế quản nặng thông qua biểu hiện cụ thể, người bệnh cần tiến hành xử lý kịp thời, đúng cách để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân.

Nguyên tắc khi xuất hiện cơn hen phế quản nặng

Các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa hô hấp cho biết, khi xuất hiện hen phế quản nặng, người bệnh cần được cấp cứu khẩn trương, tích cực bằng cách phối hợp nhiều phương pháp như:

  • Bảo đảm oxy trong máu: Cần cho bệnh nhân hen phế quản nặng thở oxy với lưu lượng cao thông qua ống thông mũi hoặc mặt nạ dưỡng khí. Trong trường hợp người bệnh đã thở oxy liều cao nhưng nồng độ oxy trong máu vẫn tiếp tục giảm thì nên nhanh chóng chuyển sang thở máy.
  • Thuốc giãn phế quản: Lựa chọn hàng đầu được chuyên gia, bác sĩ sử dụng cho người khởi phát hen phế quản nặng, đó là sử dụng thuốc giãn phế quản. Nhóm thuốc được dùng nhiều nhất là thuốc cường B2 giao cảm tác dụng nhanh, ưu tiên dùng dạng tại chỗ. Ngoài ra có thể phối hợp thuốc ức chế phó giao cảm tác dụng nhanh.
  • Corticoid: Thuốc corticoid được tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân nhằm điều trị, kiểm soát nhanh cơn hen phế quản nặng.
Hen phế quản nặng: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý kịp thời 4
Khi có dấu hiệu của cơn hen cần nhanh chóng sử dụng thuốc giãn phế quản

Sơ cứu cơn hen phế quản nặng và vận chuyển cấp cứu

Khi nhận thấy cơn hen phế quản nặng, người bệnh cần được thở khí dung ngay và sử dụng thuốc cường B2 giao cảm trong khoảng 20 phút, có thể nhắc lại nếu không thấy hiệu quả. Ngoài ra, người thân có thể dùng thuốc xịt B2 giao cảm 2 – 4 lần, tăng số lần xịt khi nhắc lại lên 8 – 10 xịt nếu không nhận thấy hiệu quả.

Kèm theo đó có thể cho người bệnh dùng kèm thuốc corticoid đường uống hoặc tiêm qua tĩnh mạch và nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất. Trong quá trình di chuyển có thể cho người bệnh thở oxy liều lượng 6 – 8 lít/phút kết hợp xịt thuốc cường B2 giao cảm 10 – 15 phút/lần. Lưu ý những phương pháp có sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn hoặc giám sát của nhân viên y tế, không nên tự ý thực hiện khi không có chuyên môn.

Cơn hen phế quản nặng có diễn biến nhanh và rất nguy hiểm, người bệnh gần như phải giành giật sự sống trong từng phút, từng giây. Ngoài phát hiện và xử lý kịp thời cơn hen phế quản nặng, người bệnh cũng có thể phòng ngừa tình trạng này bằng cách sử dụng đúng thuốc và đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây khởi phát bệnh, tái khám bệnh định kỳ và theo doi bệnh thường xuyên,…

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin