Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hở van động mạch chủ là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hở van động mạch chủ (Aortic Valve Regurgitation) chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh lý về tim mạch. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh. Thống kê cho thấy, khoảng 10.000 người ở độ tuổi 30 – 60 sẽ có 1 người mắc bệnh hở van động mạch chủ. Bệnh hở van động mạch chủ ít phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Đa số các trường hợp hở van động mạch chủ tiến triển chậm và bệnh nhân hầu như không có bất cứ triệu chứng nào trong thời gian đầu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hở van động mạch chủ là gì?

Van động mạch chủ nằm giữa thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ ngăn dòng máu từ động mạch chủ chảy trở ngược về thất trái khi đóng lại ở thời kỳ tâm trương, giúp máu lưu thông từ tim đến các cơ quan.

Hở van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ không đóng kín trong thời kỳ tâm trương, làm cho dòng máu dội ngược từ động mạch chủ về thất trái dẫn đến làm giảm cung lượng tim và quá tải thể tích thất trái.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ tiến triển chậm, những người mắc hở van động mạch chủ có thể không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào trong nhiều năm. Nhưng khi triệu chứng xuất hiện, thì có thể bệnh đã ở mức độ nguy hiểm. Hở van động mạch chủ gồm hai loại: Hở van động mạch chủ cấp tính và hở van động mạch chủ mạn tính.

Hở van động mạch chủ cấp tính:

Thường biểu hiện bằng suy tim cấp trên lâm sàng, các biểu hiện: Mệt mỏi, khó thở, hạ huyết áp, phù phổi cấp có thể sốc tim. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực dữ dội, dấu hiệu nhiễm khuẩn trong viêm nội tâm mạc.

Hở van động mạch chủ mạn tính:

Thường không gây triệu chứng trong một thời gian dài đến khi chức năng tim giảm đi. Triệu chứng sẽ nặng dần theo thời gian và mức độ hở. Bệnh nhân thường đi khám khi có các dấu hiệu:

  • Khó thở: Khó thở khi gắng sức, dần dần xuất hiện khó thở khi nằm và cơn khó thở kịch phát về đêm;
  • Mệt mỏi và suy nhược không rõ nguyên nhân, đặc biệt khi tăng dần mức độ hoạt động, cảm giác kiệt sức sau một ngày làm việc;
  • Đau thắt ngực thường xuất hiện khi bệnh nhân hở van động mạch chủ nặng, thường tăng lên khi vận động;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Hồi hộp, mạch không đều (loạn nhịp tim), đánh trống ngực, tim đập nhanh và mạnh, vã mồ hôi;
  • Phù chân (mắt cá và bàn chân);
  • Chênh lệch lớn giữa huyết áp tâm thu và tâm trương.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:

  • Suy tim: Lượng máu từ động mạch chủ dội ngược về thất trái làm cho thất trái giãn dần ra (quá tải thể tích thất trái), đến khi cơ tim không còn bù trừ được dẫn đến suy giảm co bóp và suy tim;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Dòng máu dội ngược từ động mạch chủ về thất trái gây tổn thương lớp nội mạc tim, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây nhiễm trùng hay áp-xe;
  • Loạn nhịp tim;
  • Tử vong: Nếu không được điều trị hoặc phẫu thuật kịp thời, dẫn đến suy tim không hồi phục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hở van động mạch chủ

Nguyên nhân dẫn đến hở van động mạch chủ có thể do bệnh lý tại lá van hay do gốc van động mạch chủ:

Bệnh lý tại các lá van động mạch chủ:

  • Van động mạch chủ 2 mảnh hoặc 1 mảnh bẩm sinh;

  • Bệnh van động mạch chủ hậu thấp (tổn thương van hậu thấp), xảy ra sau thấp tim 10 – 20 năm;

  • Thoái hóa vôi van ĐMC ở người cao tuổi, có bệnh lý xơ vữa động mạch;

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn;

  • Chấn thương làm tổn thương các lá van;

  • Sau can thiệp thủ thuật: Biến chứng của thay van động mạch chủ qua da (TAVI).

Bệnh lý tại gốc van động mạch chủ gây giãn vòng van, van không đóng kín được:

  • Hội chứng Marfan, hội chứng Ehler–Danlos;

  • Viêm động mạch chủ do giang mai;

  • Phình, bóc tách thành động mạch chủ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Bệnh hở van động mạch chủ ít phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Thống kê cho thấy, khoảng 10.000 người ở độ tuổi 30 – 60 sẽ có 1 người mắc bệnh hở van động mạch chủ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hở van động mạch chủ

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:

  • Tuổi cao: Khi đến tuổi trung niên, van động mạch chủ bắt đầu thoái hóa khiến nguy cơ mắc hở van động mạch tăng lên;

  • Bênh lý tim bẩm sinh, van động mạch chủ hai lá van;

  • Tăng huyết áp làm giãn gốc động mạch chủ, dẫn đến các lá van không thể khép kín vào nhau;

  • Tiền sử thấp khớp;

  • Bệnh di truyền: Hội chứng Marfan, hội chứng Ehler–Danlos, viêm cột sống dính khớp có thể dẫn đến giãn gốc động mạch chủ,...

  • Van động mạch chủ tổn thương do bệnh viêm nội tâm mạc, sốt thấp khớp, hoặc hẹp van động mạch chủ cũng có thể làm máu dội ngược lại từ động mạch chủ về tim;

  • Bị khuyết tật van tim bẩm sinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ có thể được xác định:

  • Siêu âm doppler tim: Đơn giản, không xâm lấn, có thể xác định nguyên nhân của hở van động mạch chủ, mức độ hở chủ, chức năng tim.

  • Điện tâm đồ: Phát hiện các rối loạn nhịp tim.

  • X–Quang ngực: Xem bóng tim và cung động mạch chủ có giãn hay không. Đồng thời, đánh giá tràn dịch màng phổi trong suy tim, sung huyết  phổi và các bệnh lý phổi.

  • Ngoài ra, có thể được xác định bằng các phương pháp khác: Chụp CT tim, trắc nghiệm gắng sức, chụp cộng hưởng từ (MRI) tim,…

Phương pháp điều trị hở van động mạch chủ

Khi bệnh nhân mắc hở van động mạch chủ cần điều trị bằng các phương pháp:

Hở van động mạch chủ cấp tính: Phẫu thuật.

Hở van động mạch chủ mạn tính:

  • Điều trị bằng thuốc: Thuốc chẹn beta giao cảm (metoprolol, bisoprolol,...), ức chế men chuyển/ ức chế thụ thể (lisinopril, captopril, valsartal, losartan,...), lợi tiểu kháng aldosterone (spironolactone,...)
  • Phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hở van động mạch chủ

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;

  • Thay đổi lối sống: Có tầm quan trọng nhất định trong việc điều trị hở van động mạch chủ. Dù dùng thuốc hay phẫu thuật, cũng cần thay đổi một số thói quen không tốt giúp hạn chế tiến triển bệnh: Tránh luyện tập thể dục thể thao quá sức,…

  • Nếu có khiếm khuyết bẩm sinh hoặc có tiền sử đã phẫu thuật, bạn phải uống thuốc kháng sinh (theo đơn được kê) trước khi thực hiện các quá trình phẫu thuật.

Phương pháp phòng ngừa hở van động mạch chủ

Khám sức khỏe định kỳ là cách phát hiện sớm, theo dõi và điều trị hở van động mạch chủ hoặc các bệnh lý tim mạch khác trong giai đoạn đầu trước khi bệnh tiến triển nặng.

Ngoài ra, cần lưu ý một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hở van động mạch chủ:

  • Sốt thấp khớp: Viêm họng nếu không được điều trị có thể dẫn đến sốt thấp khớp;
  • Đánh răng sau ăn, giữ vệ sinh răng miệng. Khám răng định kỳ khi có bệnh van tim hay bệnh tim bẩm sinh;
  • Tăng huyết áp: Cần kiểm tra thường xuyên huyết áp để phòng hở van động mạch chủ.

Thay đổi lối sống có tầm quan trọng nhất định trong việc điều trị hở van động mạch chủ:

  • Chế độ ăn uống khoa học, bảo vệ sức khỏe tim mạch: Ăn trái cây rau quả, các sản phẩm từ sữa không hoặc ít có chất béo, thịt gia cầm, cá và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh thức ăn chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, hạn chế ăn nhiều đường và muối;
  • Duy trì cân nặng hợp lý;
  • Thực hiện hoạt động thể chất đều đặn, thường xuyên và tránh luyện tập quá sức;
  • Kiểm soát căng thẳng thông qua các hoạt động: Thư giãn, thiền, hoạt động thể chất,…
  • Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.

Kiểm soát huyết áp:

  • Tăng cường tập thể dục, tránh luyện tập quá sức;
  • Chế độ ăn nhiều rau xanh, giảm muối, hạn chế mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật;
  • Dùng thuốc đều đặn.

Ngoài ra, điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng do liên cầu vì chúng có nguy cơ gây thấp tim dẫn đến các tổn thương van hậu thấp.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/aortic-valve-regurgitation/symptoms-causes/syc-20353129

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/aortic-valve-regurgitation/diagnosis-treatment/drc-20353135

  3. https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/valvular-disorders/aortic-regurgitation

  4. https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/16745-aortic-valve-surgery

Các bệnh liên quan

  1. Tăng tiểu cầu tiên phát

  2. Bệnh cơ tim

  3. Hở van ba lá

  4. Huyết áp thấp

  5. Trụy tim

  6. Đột quỵ

  7. Huyết khối tĩnh mạch sâu

  8. Nhồi máu cơ tim

  9. Cơ tim phì đại

  10. Phình tách động mạch chủ