Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U nhầy xoang trán là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U nhầy xoang cạnh mũi (Paranasal sinus mucoceles) là sự tích tụ chất nhầy và biểu mô bên trong xoang. Tình trạng này thường gặp nhất là ở xoang trán (frontal) và xoang sàng (ethmoid). Người bệnh mắc u nhầy xoang trán có thể không gặp bất kỳ triệu chứng gì cho đến khi các triệu chứng như đau đầu vùng trán hay thậm chí xâm lấn khoang ổ mắt và nội sọ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U nhầy xoang trán là gì?

Các u nhầy xoang cạnh mũi được mô tả lần đầu tiên bởi Langenbeck dưới tên hydatides năm 1820. Vào năm 1909, tác giả Rollet đề xuất tên gọi mucocoele (u nhầy).

U nhầy xoang cạnh mũi (Paranasal sinus mucoceles) là những tổn thương lành tính, dạng nang, phát triển chậm nằm trong các xoang cạnh mũi. U nhầy được cho là hình thành do sự tích tụ chất nhầy và biểu mô bong tróc, gây tắc nghẽn lỗ xoang. U nhầy xoang cạnh mũi thường gặp nhất ở xoang trán (70 - 80%) và xoang sàng (25%), hiếm khi thấy ở xoang hàm trên (3%) hay xoang bướm (10 - 14%).

U nhầy xoang trán (Frontal mucocele) xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau. Các triệu chứng của u nhầy xoang trán có thể từ không triệu chứng cho đến các biến chứng do u nhầy xâm lấn chèn ép. U nhầy xoang trán thường là lành tính và phát triển chậm, tuy nhiên, vì các xoang có liên quan chặt chẽ đến hốc mắt và não nên nó có thể xâm lấn cả trong ổ mắt và nội sọ. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng hốc mắt, áp xe ổ mắt hoặc xâm lấn nội sọ.

Việc điều trị truyền thống là dẫn lưu u nhầy thông qua phẫu thuật mở tới các xoang và cắt bỏ hoàn toàn u nhầy. Tuy nhiên, với các kỹ thuật ngày càng phát triển, hiện nay phẫu thuật nội soi là phác đồ điều trị được chấp nhận rộng rãi nhất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u nhầy xoang trán

Các u nhầy xoang trán có thể không có triệu chứng và khởi phát âm thầm. Người bệnh sau đó có thể diễn tiến với các triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy theo vị trí tổn thương, khiếm khuyết xương và triệu chứng do chèn ép, từ nhẹ đến nặng. U nhầy xoang trán có thể gặp các triệu chứng như:

  • Đau đầu vùng trán;
  • Đau mặt;
  • Sưng mặt (vùng trán, trên ổ mắt);
  • Viêm mô tế bào ổ mắt cũng có thể xuất hiện.

Các biểu hiện phổ biến nhất được ghi nhận khi mắc u nhầy là phù mắt, lồi mắt và nhìn đôi. Ngoài ra, khi u nhầy xoang trán lan rộng, xâm lấn các cấu trúc lân cận, có thể dẫn đến các triệu chứng và biến chứng khác nhau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc u nhầy xoang trán

Do các xoang có liên quan chặt chẽ với hốc mắt và não, do đó các u nhầy xoang trán có thể lây lan cả trong ổ mắt và nội sọ. Khi có sự xâm lấn này, người bệnh có thể gặp các biến chứng như:

  • Lồi mắt;
  • Cận thị hay nhìn đôi;
  • Liệt dây thần kinh sọ;
  • Biến dạng khuôn mặt do sự xói mòn xương và biến đổi cấu trúc xung quanh;
  • Viêm não hay viêm màng não;
  • Áp xe não;
  • Rò rỉ dịch não tủy;
  • Co giật.
U nhầy xoang trán là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nhìn đôi là một triệu chứng phổ biến của u nhầy xoang trán

Trong trường hợp không được điều trị, u nhầy xoang trán có thể lây lan, gây nhiễm trùng ổ mắt, áp xe ổ mắt, có thể dẫn đến các biến chứng nội sọ đe dọa tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc u nhầy xoang trán, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các trường hợp biến chứng do u nhầy xâm lấn chèn ép hay gây nhiễm trùng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u nhầy xoang trán

U nhầy xoang trán được cho là hình thành do sự tích tụ của chất nhầy và biểu mô bong tróc, là kết quả của tắc nghẽn lỗ xoang. Trong đó, sự tắc nghẽn lỗ xoang làm giảm khả năng thông thoáng của xoang là một phát hiện quan trọng, tắc nghẽn có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau.

Các yếu tố như prostaglandin và collagenase góp phần trong quá trình tiêu xương và tăng cường hơn tính giãn nở của u nhầy. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của u nhầy xoang trán là sự hình thành u nhầy do tắc nghẽn lỗ xoang và viêm, có thể kết hợp với nhiều yếu tố nguy cơ khác.

U nhầy xoang trán là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Tắc nghẽn lỗ xoang là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành u nhầy xoang trán

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u nhầy xoang trán?

Ai cũng có thể mắc u nhầy xoang trán, tuy nhiên, thường gặp ở độ tuổi từ sau 30 đến 40 tuổi, tỷ lệ mắc giữa nam và nữ gần như bằng nhau.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u nhầy xoang trán

Các yếu tố có thể liên quan đến sự phát triển u nhầy xoang trán như:

  • Viêm mũi xoang mạn tính;
  • Chấn thương vùng mặt;
  • Bất thường về giải phẫu vùng mặt;
  • Phẫu thuật vùng mặt trước đó;
  • U xương;
  • Loạn sản sợi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u nhầy xoang trán

Ngoài việc hỏi bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm để chẩn đoán và hướng điều trị cho bạn:

  • Chụp cắt lớp vi tính: Chụp CT cung cấp chi tiết giải phẫu cơ bản của u nhầy, mô tả được sự lan rộng của u với cấu trúc xương lân cận và giúp lập kế hoạch để phẫu thuật. Kết quả chụp CT cho thấy một khối đồng nhất, giãn nở và không ngấm thuốc ở viền (trừ trường hợp liên quan đến viêm cấp tính). Sự phá hủy xương không phổ biến, nhưng sự phát triển và tái cấu trúc của xương cho thấy có liên quan đến u nhầy.
  • Chụp cộng hưởng từ: Chụp MRI cho hiệu quả cao hơn ở việc xác định sự liên quan của u nhầy với các mô mềm lân cận, giúp phân biệt với các u mô mềm khác. MRI rất hữu ích để xác định sự lan rộng nội sọ hoặc các bệnh ác tính tắc nghẽn. Tín hiệu trên MRI phụ thuộc vào độ nhớt và hàm lượng dịch trong u nhầy.
U nhầy xoang trán là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
MRI rất hữu ích trong việc chẩn đoán u nhầy xoang trán và đánh giá mức độ xâm lấn của u

Phương pháp điều trị u nhầy xoang trán hiệu quả

Cơ sở chính của việc điều trị kiểm soát u nhầy xoang trán là phẫu thuật, mục đích của việc điều trị là giúp loại bỏ u nhầy, ngăn ngừa tái phát, giữ cho xoang trán thông thoáng. Hiện nay, với sự phát triển của phẫu thuật và hiểu rõ về sinh lý bệnh của u nhầy xoang trán, điều trị bằng phẫu thuật đã phát triển thành các thủ thuật ít xâm lấn hơn như đặt stent dẫn lưu, phẫu thuật nội soi thay vì phẫu thuật mổ hở bộc lộ sọ mặt như trước đây.

Các loại thuốc có thể được sử dụng sau phẫu thuật như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh khác nhau.

Phẫu thuật nội soi

Đây là phương pháp điều trị được lựa chọn với mục đích dẫn lưu u nhầy, giúp thông thoáng và bảo tồn niêm mạc xoang trán, giúp bảo tồn màng xương cho phép sự tái tạo xương. 

Cách tiếp cận này có hiệu quả và xâm lấn tối thiểu, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, thời gian phẫu thuật và nguy cơ tái phát.

Đặt stent dẫn lưu

Việc đặt stent xoang trán có thể được xem xét trong các trường hợp sau phẫu thuật cắt bỏ u nhầy, với mục đích giúp duy trì sự ổn định của đường thoát xoang trán trong thời gian dài. Cần phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra sau khi đặt stent.

Mổ mở

Trong các trường hợp nặng, u nhầy có kích thước lớn, xâm lấn và cấu trúc phức tạp, phẫu thuật mở có thể được thực hiện để loại bỏ hoàn toàn u nhầy và ngăn ngừa tái phát.

U nhầy xoang trán là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng mổ mở

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u nhầy xoang trán

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của u nhầy xoang trán, việc quan trọng nhất là bạn được chẩn đoán và điều trị sớm. Đặc biệt nếu mắc u nhầy xoang trán mà có nghi ngờ nhiễm trùng hốc mắt sẽ có nguy cơ bị mất thị lực, hoặc nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong. Sự chậm trễ trong điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác nhau, do đó hãy đến khám sớm và tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ (tùy tình trạng bệnh mà bạn có thể được lên kế hoạch mổ trong vài tháng, vài tuần hay thậm chí là mổ ngay lập tức).

Với sự phát triển của các kỹ thuật như hiện nay, việc điều trị bằng phương pháp nội soi được thực hiện nhanh, ít biến chứng, ít tổn thương đến xoang và sinh lý của hệ mũi xoang. Từ đó người bệnh có thể trở lại sinh hoạt hàng ngày nhanh chóng hơn.

Sau phẫu thuật, bạn sẽ được rửa khoang mũi bằng nước muối đẳng trương nhiều lần mỗi ngày và được kiểm tra bằng nội soi một cách thường xuyên và kéo dài. Bạn cũng sẽ được chụp CT scan theo dõi nếu có nghi ngờ tái phát. Do đó, hãy tự theo dõi các triệu chứng của mình và tái khám đúng hẹn để được kiểm tra tình trạng hồi phục.

Vì u nhầy xoang trán có thể ảnh hưởng đến mắt và gây ra các triệu chứng ở mắt như đã đề cập, nên ngoài việc tái khám thần kinh, tai mũi họng, tái khám mắt cũng cần thiết để các bác sĩ mắt có thể theo dõi, tiến hành kiểm tra mắt cho bạn ngay sau khi được điều trị phẫu thuật nội soi u nhầy xoang trán.

Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng phù hợp hỗ trợ bệnh nhân phục hồi tốt hơn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập được thực đơn phù hợp cho người bị u nhầy xoang trán.

U nhầy xoang trán là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 8
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục

Phương pháp phòng ngừa u nhầy xoang trán hiệu quả

Việc phòng ngừa u nhầy xoang trán cũng như u nhầy ở vùng xoang mũi, giảm thiểu biến chứng và quản lý bệnh vẫn đang cần được nghiên cứu thêm.

Nguồn tham khảo
  • Paranasal Sinus Mucocele: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3422585/
  • Paranasal sinus mucoceles: our clinical experiments: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4694362/
  • Frontal sinus mucocele with orbital complications: Management by varied surgical approaches: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3532760/
  • Giant Frontal Paranasal Mucocele: Case Report and Review of the Literature: https://jbsr.be/articles/10.5334/jbsr.2117 
  • Orbital complications of infected mucocele in the paranasal sinuses: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0385814620301322

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn khớp thái dương hàm

  2. Viêm, đau răng

  3. Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi

  4. Viêm tủy răng

  5. Nghiến răng khi ngủ

  6. Viêm quanh răng

  7. Răng mọc kẹt

  8. Viêm chân răng

  9. Viêm nha chu

  10. Nấm miệng