Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh phổi mô bào Langerhans là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh phổi mô bào Langerhans

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh phổi mô bào Langerhans (Pulmonary Langerhans cell histiocytosis - PLCH) trước đây được gọi là u hạt bạch cầu ái toan của phổi, hay còn có tên khác là bệnh u hạt tế bào Langerhans ở phổi hoặc bệnh mô bào phổi X, là một bệnh phổi kẽ dạng nang hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến người trẻ tuổi. Nó được gây ra bởi sự rối loạn của các tế bào đuôi gai myeloid.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh phổi mô bào Langerhanslà gì?

Bệnh phổi mô bào bào Langerhans (PLCH) là một bệnh phổi tương đối hiếm gặp, thường xảy ra ở những người hút thuốc lá nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Dấu hiệu bệnh lý của PLCH là sự tích tụ Langerhans và các tế bào viêm khác trong đường dẫn khí nhỏ, dẫn đến hình thành các tổn thương viêm dạng nốt. 

Mặc dù phần lớn bệnh nhân là người hút thuốc, nhưng cơ chế hút thuốc gây ra bệnh này vẫn chưa được biết rõ, có thể liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố khác dẫn đến tăng cường huy động và kích hoạt hoạt động tế bào Langerhans trong đường thở nhỏ. Viêm tiểu phế quản có thể đi kèm với sự tổn thương mạch máu và mô kẽ phổi ở nhiều mức độ khác nhau.

Bệnh mô bào tế bào Langerhans (Langerhans Cell Histiocytosis - LCH) là một loại hội chứng ảnh hưởng nhu mô phổi cụ thể, được đặc trưng bởi sự xâm nhập vào mô bởi một tế bào đuôi gai cụ thể (tế bào Langerhans). Mặc dù người ta thường đồng ý rằng các tế bào Langerhans bất thường đóng vai trò trung tâm trong sinh bệnh học của LCH, nhưng nguồn gốc của các tế bào này và vai trò cụ thể của chúng trong sự phát triển và tiến triển của bệnh vẫn chưa được mô tả đầy đủ. 

Sự tổn thương phổi trong LCH (sẽ được gọi là PLCH) phổ biến hơn ở người lớn và có thể là cơ quan duy nhất bị tổn thương hoặc có thể là một phần của bệnh lý đa hệ thống.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phổi mô bào Langerhans

Bệnh nhân PLCH có biểu hiện sau: Ho khan (50 - 70%), giảm khả năng gắng sức (40 - 80%), khó thở khi gắng sức (40 - 87%), mệt mỏi (50 - 80%), sụt cân (20 - 30%), ngực đau (10 - 30%), đổ mồ hôi ban đêm (10 - 20%) và sốt (10 - 5%). Tràn khí màng phổi xảy ra trong quá trình bệnh ở 30 - 45% bệnh nhân mắc bệnh. Khó thở lúc nghỉ và suy tuần hoàn thất phải xảy ra ở giai đoạn muộn của PLCH. 

Hơn 10% bệnh nhân mắc PLCH bị tăng áp phổi, tuy nhiên tăng áp phổi không phải lúc nào cũng hiện diện trong đợt cấp của bệnh mà có thể do sự tổn thương của các mạch phổi xảy ra trong quá trình diễn biến của bệnh. Tăng áp phổi là yếu tố quan trọng nhất hạn chế khả năng gắng sức ở bệnh nhân PLCH. Tăng huyết áp phổi trung bình hoặc nặng được phát hiện ở 92% bệnh nhân PLCH đến để ghép phổi.

Từ 25 - 50% bệnh nhân không có triệu chứng phổi tại thời điểm xuất hiện các triệu chứng liên quan đến các cơ quan khác, chẳng hạn như tiểu nhiều (20 - 30%), đau xương (20 - 50%), tổn thương niêm mạc miệng hoặc tổn thương da (10%). 

Đánh giá ban đầu bệnh nhân mắc PLCH đòi hỏi phải đánh giá toàn bộ cơ thể. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 6 - 20 tháng trước khi bệnh được chẩn đoán, thậm chí ở một số bệnh nhân chẩn đoán được xác định sau nhiều năm quan sát. Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi tự phát như một triệu chứng ban đầu của bệnh được ghi nhận là xuất hiện nhiều hơn ở nam giới.

Tác động của bệnh phổi mô bào Langerhans đối với sức khỏe

Diễn biến của PLCH ở người lớn rất đa dạng và không thể đoán trước, từ không có triệu chứng đến bệnh tiến triển thành suy hô hấp và tử vong trong khoảng thời gian vài năm. 

Tỷ lệ sống sót của người trưởng thành mắc bệnh PLCH đã được xác định là thấp hơn so với dân số nói chung với tuổi thọ ngắn hơn. Suy hô hấp là nguyên nhân chiếm tỷ lệ đáng kể gây tử vong của bệnh ở giai đoạn cuối. 

Bệnh nhân mắc PLCH có tỷ lệ mắc các khối u ác tính thứ phát tăng lên, bao gồm ung thư hạch và các khối u ác tính về huyết học khác. Liệu tỷ lệ mắc các khối u ác tính về huyết học ngày càng tăng có phải là do khiếm khuyết tế bào gốc trong các tế bào của dòng tủy hay không, hay do độc tính lâu dài của phương pháp hóa trị liệu, hay tác dụng của thuốc lá vẫn chưa được biết.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh phổi mô bào Langerhans

Các biến chứng như:

  • Tràn khí màng phổi tự phát;
  • Tràn khí trung thất;
  • Xơ hóa mô kẽ;
  • Tăng áp động mạch phổi và bệnh tâm phế mạn;
  • Xơ phổi và suy hô hấp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào kể trên, bạn cần gặp bác sĩ ngay.

Bệnh phổi mô bào Langerhans là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh phổi mô bào Langerhans 4
Đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy có sự bất thường trong phổi

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi mô bào Langerhans

Bệnh phổi mô bào Langerhans không rõ nguyên nhân và là một rối loạn tân sinh hiếm gặp, đặc trưng bởi sự xâm nhập ở phổi và các cơ quan khác nhau bởi các tế bào Langerhans có nguồn gốc từ tủy xương kèm theo phản ứng viêm mạch. 

Những tế bào này mang đột biến soma của gen BRAF và/hoặc gen NRAS, KRAS và MAP2K1, gây ra sự kích hoạt đường truyền tín hiệu kinase vốn được điều hòa bởi tín hiệu ngoại bào (ERK)/protein kinase được hoạt hóa bằng mitogen (MAPK).

Cũng có nhiều dữ liệu thuyết phục ủng hộ mối quan hệ nhân quả giữa khói thuốc lá và PLCH ở người lớn. Đại đa số (hơn > 90% trường hợp) bệnh nhân trưởng thành phát triển PLCH sau hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong thời gian dài.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh phổi mô bào Langerhans?

Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ phổ biến chính xác của PLCH vẫn chưa được biết, nhưng thực tế ghi nhận nó không phổ biến. 

PLCH được ước tính chiếm từ 3 - 5% bệnh phổi nhu mô phổi ở người trưởng thành. Tần suất xuất hiện phụ thuộc vào tỷ lệ hút thuốc lá trong dân số, vì hơn 90% bệnh nhân mắc PLCH là người hút thuốc lá. 

Người da trắng bị ảnh hưởng nhiều hơn người da đen. Tuổi khởi phát cao nhất là từ 20 đến 40 tuổi. Nhìn chung, có sự phân bổ đồng đều giữa nam và nữ, mặc dù bệnh lý ở nữ có xu hướng xuất hiện ở độ tuổi lớn hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh phổi mô bào Langerhans

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ mắc phải bệnh phổi mô bào Langerhans đáng chú ý nhất.

Bệnh phổi mô bào Langerhans là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh phổi mô bào Langerhans 5
Hút thuốc lá có thể là nguy cơ mắc bệnh phổi mô bào Langerhans

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh phổi mô bào Langerhans

Trong khi viêm phế nang là tình trạng nổi bật ở giai đoạn đầu của bệnh, các giai đoạn tiến triển sau đó được đặc trưng bởi sự phá hủy phổi dạng nang, sẹo đường hô hấp và tái tạo mạch máu phổi. Chức năng phổi thường bất thường khi biểu hiện bệnh. 

Hình ảnh ngực bằng chụp CT ngực độ phân giải cao có thể cho thấy các bất thường về nốt và nang đặc trưng. Sinh thiết phổi là cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh, mặc dù có thể không cần thiết trong một số trường hợp có kết quả hình ảnh rất đặc trưng trên X-quang phổi hay CT.

Phương pháp điều trị bệnh phổi mô bào Langerhans hiệu quả

Tiên lượng chung nhìn chung là tốt, với hơn 50% bệnh nhân có biểu hiện khỏi bệnh tự nhiên hoặc ổn định ngay cả khi không điều trị. Kết quả điều trị đặt biệt tốt ở những bệnh nhân ngừng hút thuốc trong quá trình điều trị bệnh. 

Ở một số ít bệnh nhân tiếp tục hút thuốc thường xuyên, bệnh tiến triển với sự suy giảm chức năng hô hấp và cuối cùng là xơ phổi giai đoạn cuối. Có thể không cần điều trị khi đã ngừng hút thuốc. Trong nhiều trường hợp, Corticosteroid thường được sử dụng và có vẻ có lợi. 

Ở những bệnh nhân có bệnh tiến triển nhanh, chưa có liệu pháp điều trị nào được chứng minh. Ở một số bệnh nhân, ghép phổi có thể là một lựa chọn, miễn là đã ngừng hút thuốc thì khả năng tái phát sau ghép phổi chiếm tỉ lệ thấp.

Cai thuốc lá

Do vai trò quan trọng của khói thuốc lá trong sự phát triển của PLCH nên việc ngừng hút thuốc là khuyến cáo quan trọng nhất đối với những bệnh nhân mắc bệnh. Ở khoảng 50% bệnh nhân mắc PLCH đơn độc, việc ngừng hút thuốc dẫn đến hồi phục một phần và ổn định chức năng phổi bị rối loạn sau đó mà không cần điều trị ức chế miễn dịch. 

Tuy nhiên, bệnh nhân cần được kiểm tra theo dõi một cách có hệ thống vì bệnh có thể tái phát ở phổi hoặc các cơ quan khác. Cho đến nay, không có dấu hiệu sinh học nào được tìm thấy để xác định bệnh nhân cai thuốc lá bao nhiêu hay bao lâu là đủ và một phần rất nhỏ bệnh nhân có khả năng tiến triển bệnh mặc dù đã ngừng hút thuốc.

Glucocorticosteroid

Liệu pháp corticosteroid toàn thân đã được khuyến cáo trong nhiều năm. Nó đã được báo cáo là có liên quan đến khả năng cải thiện về triệu chứng, X-quang và chức năng phổi. Tuy nhiên, chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định liều corticosteroid thích hợp và thời gian điều trị, cũng như các nghiên cứu so sánh hiệu quả của phương pháp này với việc cai thuốc lá. 

Có thể một số tác dụng của liệu pháp là do ngừng hút thuốc chứ không phải do điều trị bằng steroid. Ngoài ra, tái phát sau điều trị là phổ biến (~80%). Liệu pháp corticosteroid dài hạn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, điều trị này không còn được khuyến khích. Tuy nhiên, corticosteroid dạng hít có thể hữu ích trong điều trị bệnh nhân tắc nghẽn có thể hồi phục.

Bệnh phổi mô bào Langerhans là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh phổi mô bào Langerhans 6
Corticosteroid có thể được dùng trong quá trình điều trị

Hóa trị

Các chế độ hóa trị liệu khác nhau đã được đề xuất sử dụng cho trẻ em mắc PLCH, nhưng kết quả ghi nhận cũng không khả quan hơn người lớn.

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Sự hiện diện của các đột biến gen liên quan đến con đường MAPK ở những bệnh nhân mắc PLCH ngụ ý rằng liệu pháp nhắm đích có thể hữu ích trong điều trị. Vemurafenib - một chất ức chế BRAF kinase, được báo cáo là một phương pháp điều trị hiệu quả ở bệnh nhân PLCH.

Thuốc ức chế Tyrosine Kinase

Các kết quả mâu thuẫn nhau đã được báo cáo về tác dụng của việc điều trị bằng Imatinib. Montella và cộng sự đã báo cáo tác dụng có lợi của loại thuốc này ở một phụ nữ 37 tuổi mắc LCH đa hệ và ở hai bệnh nhân trưởng thành mắc LCH đa hệ. Tuy nhiên, thời gian theo dõi ở những bệnh nhân này đều ngắn hơn 2 năm. Ngược lại, Wagner và cộng sự đã báo cáo rằng điều trị bệnh thất bại ở hai bệnh nhân với Imatinib.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh phổi mô bào Langerhans

Chế độ sinh hoạt: Bệnh nhân nên ngừng hút thuốc là biện pháp hiệu quả nhất giúp hạn chế diễn tiến xấu của bệnh. 

Chế độ dinh dưỡng: Kết hợp đồng thời với một chế độ ăn lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe và giữ cơ thể ở một trạng thái tốt nhất có thể.

Bệnh phổi mô bào Langerhans là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh phổi mô bào Langerhans 7
Chế độ ăn lành mạnh giúp hạn chế diễn tiến của bệnh

Phương pháp phòng ngừa bệnh phổi mô bào Langerhans

Vì nguyên nhân của bệnh phổi mô bào Langerhans vẫn chưa được biết rõ nên không có cách nào có thể chắc chắn rằng có thể ngăn ngừa tình trạng này.

Nguồn tham khảo
  1. Pulmonary Langerhans Cell Histiocytosis: https://www.msdmanuals.com/professional/pulmonary-disorders/interstitial-lung-diseases/pulmonary-langerhans-cell-histiocytosis
  2. Rare lung diseases III: Pulmonary Langerhans’ cell histiocytosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2900147/
  3. What Is Pulmonary Langerhans Cell Histiocytosis?: https://www.verywellhealth.com/pulmonary-langerhans-cell-histiocytosis-5409524
  4. Pulmonary Langerhans Cell Histiocytosis: https://foundation.chestnet.org/lung-health-a-z/pulmonary-langerhans-cell-histiocytosis/
  5. Langerhans Cell Histiocytosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430885/

Các bệnh liên quan

  1. Viêm thanh quản mạn

  2. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  3. Xuất huyết phế nang lan tỏa

  4. Áp-xe phổi

  5. Viêm phế quản

  6. Bụi phổi atbet (amiăng)

  7. Viêm tiểu phế quản

  8. MERS

  9. Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii

  10. Viêm họng hạt