Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chứng tạo đờm do virus

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chứng tạo đờm do virus là bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp rất nguy hiểm, có khả năng biến chứng dẫn đến bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản,... Virus hợp bào hô hấp (RSV – Respiratory Syncytial Virus) là một trong những tác nhân hàng đầu gây bệnh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Ở Việt Nam, tháng 10 – 12 là khoảng thời gian nhiễm virus hợp bào hô hấp nhiều, đặc biệt ở trẻ em. Khoảng 7/10 trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp dương tính với RSV. Người có sức đề kháng kém, mắc các bệnh hen phế quản, hô hấp mạn tính,… cũng dễ gặp biến chứng nặng do virus này gây ra. Do đó, người mắc chứng tạo đờm do virus không được chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe và tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa và hạn chế biến chứng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chứng tạo đờm do virus là gì? 

Chứng tạo đờm do virus hay còn gọi virus tạo đờm đường hô hấp (RSV) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra. Ở trẻ và người lớn khỏe mạnh, triệu chứng do nhiễm virus RSV thường nhẹ, giống cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, nhiễm virus RSV cũng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi,… rất nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng ở người lớn tuổi suy yếu hệ miễn dịch, người có bệnh về tim, phổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Chứng tạo đờm do virus

Tùy vào từng trường hợp, triệu chứng, tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể khác nhau. Thông thường, chứng tạo đờm do virus bao gồm những triệu chứng đặc trưng:

  • Ho khan;

  • Hắt hơi;

  • Có thể sốt nhẹ, sốt cao hoặc đôi khi không sốt;

  • Khó thở;

  • Chảy nước mũi, keo dính;

  • Chán ăn.

Chứng tạo đờm do virus nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến viêm đường hô hấp: Viêm phổi,.... Cần chú ý triệu chứng nặng:

  • Khó thở, thở khò khè, thở gắng sức hoặc thở nhanh hơn bình thường;

  • Ho dữ dội kéo dài dai dẳng kèm theo khó thở, nghẹt thở;

  • Chán ăn, cơ thể mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Chứng tạo đờm do virus

  • Viêm phổi: Xảy ra khi virus lây lan đến đường hô hấp dưới, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch, người bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi mạn tính,… dẫn đến tình trạng viêm phổi càng trầm trọng;

  • Viêm tai giữa: Thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi virus xâm nhập vào khoảng trống sau màng nhĩ gây nhiễm trùng tai giữa.

  • Biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng khác về đường hô hấp: Hen suyễn, suy phổi, xẹp phổi, khí phế thủng, tràn khí màng phổi,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi thấy xuất hiện những triệu chứng, dấu hiệu nói trên, người bệnh cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để được khám và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách chứng tạo đờm do virus có thể khỏi và không để lại di chứng. Ngược lại, nếu không chữa trị hoặc chữa trị không đúng cách chứng tạo đờm do virus có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Chứng tạo đờm do virus

Virus xâm nhập vào cơ thể mũi gây viêm niêm mạc mũi, làm tăng tiết dịch mũi gây nghẹt thở. Trường hợp nặng hơn, virus dần di chuyển gây viêm tiểu phế quản, tổn thương phế nang, hoại tử tế bào đường hô hấp.

Ngoài ra, virus RSV cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mắt, miệng và dễ dàng lây truyền từ người sang người thông qua các giọt bắn dịch tiết của đường hô hấp nhiễm virus khi hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Chứng tạo đờm do virus

Chứng tạo đờm do virus là căn bệnh phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em < 6 tháng tuổi và người lớn suy giảm miễn dịch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Chứng tạo đờm do virus

Có nhiều yếu tố dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh, như:

  • Trẻ sinh non, trẻ sơ sinh < 6 tháng tuổi hoặc trẻ < 2 tuổi mắc bệnh tim, phổi bẩm sinh;

  • Trẻ em hoặc người lớn suy giảm hệ miễn dịch: Ghép tạng, ung thư, bệnh bạch cầu, HIV/AIDS;

  • Người cao tuổi (> 65 tuổi), người có sức đề kháng suy giảm;

  • Người bệnh hen suyễn, suy tim sung huyết, mắc bệnh lý hô hấp mạn tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Chứng tạo đờm do virus

Để chẩn đoán chứng tạo đờm do virus, bác sĩ tiến hành thăm khám và hỏi thăm tình trạng bệnh sử của bệnh nhân.. 

Sau khi thăm khám sơ bộ, bác sĩ thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định:

  • Kiểm tra chức năng phổi: Đo chức năng thông khí phổi là phương pháp có giá trị chẩn đoán cao, có khả năng loại trừ nguyên nhân dẫn đến ho kéo dài thường xuất hiện trong bệnh lý đường hô hấp: Viêm phổi, giãn phế quản,…;

  • Xét nghiệm dịch hầu họng: Chẩn đoán xác định có virus RSV hay không;

  • Xét nghiệm máu, kiểm tra số lượng bạch cầu nhằm kiểm tra các biến chứng (nếu có) ở những người bị nhiễm trùng nặng.

  • Chụp X–Quang phổi: Xác định tình trạng phổi của người bệnh.

Phương pháp điều trị Chứng tạo đờm do virus

Tùy tình trạng cụ thể mà phương pháp điều trị chứng tạo đờm do virus sẽ khác nhau, bao gồm:

  • Thông thường, nhiễm RSV sẽ tự khỏi sau 7 – 14 ngày. Người bệnh có thể kiểm soát cơn sốt và cơn đau bằng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc ibuprofen;

  • Rửa mũi (nước muối sinh lý), long đờm (thuốc long đờm, uống đủ nước) thường xuyên cho bệnh nhân ngăn ngừa tình trạng bít tắc đường hô hấp;

  • Bệnh nhân đôi khi phải thở oxy hoặc đặt nội khí quản để thở máy trong trường hợp nghiêm trọng. Nếu bội nhiễm phổi cần phải sử dụng thuốc kháng sinh;

  • Giữ không khí trong phòng luôn ẩm và sạch bằng cách sử dụng máy tạo ẩm;

  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá vì khói thuốc sẽ làm bệnh trở nặng và làm tăng nguy cơ bị suyễn sau này.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của Chứng tạo đờm do virus

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng: Bổ sung thực phẩm chứa thành phần lysine, khoáng chất: Kẽm, crom, selen và vitamin thiết yếu: Vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng;

  • Giữ ấm, ngăn ngừa giọt bắn hô hấp mang theo nguồn virus xâm nhập gây bệnh bằng cách sử dụng khẩu trang khi ra đường.

  • Giữ không khí trong phòng luôn ẩm và sạch bằng cách sử dụng máy tạo ẩm, giúp làm loãng dịch đờm đường hô hấp và giảm tình trạng ho;

  • Không sử dụng thuốc lá, hạn chế tiếp xúc những tác nhân gây ô nhiễm không khí, đặc biệt khói thuốc lá;

  • Vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh hoặc người có tình trạng sức khỏe chưa rõ ràng;

  • Vệ sinh họng, mắt, mũi hàng ngày, bảo vệ hệ hô hấp khỏe mạnh.

Phương pháp phòng ngừa Chứng tạo đờm do virus

  • Đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, những nơi có nguy cơ lây nhiễm đặc biệt mùa đông;

  • Hạn chế đến nơi công cộng, tránh tiếp xúc với người có nguy cơ lây nhiễm;

  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thường xuyên;

  • Vệ sinh môi trường, cá nhân sạch sẽ đặc biệt vệ sinh họng, mắt, mũi;

  • Từ bỏ thuốc lá;

  • Khám sức khỏe định kỳ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/miscellaneous-viral-infections-in-infants-and-children/respiratory-syncytial-virus-rsv-and-human-metapneumovirus-infections

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/respiratory-syncytial-virus/symptoms-causes/syc-20353098#:~:text=RSV%20is%20the%20most%20common,to%20the%20lower%20respiratory%20tract.

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/respiratory-syncytial-virus/diagnosis-treatment/drc-20353104

  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8282-respiratory-syncytial-virus-in-children-and-adults

Các bệnh liên quan

  1. Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii

  2. Giãn tĩnh mạch thực quản

  3. Bệnh cơ tim

  4. Bệnh phổi kẽ

  5. Viêm động mạch chủ

  6. Tái cực sớm

  7. Ngoại tâm thu thất

  8. Ung thư tim

  9. Bướu tim

  10. Cơn hen phế quản