Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trật khớp gối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trật khớp gối là một chấn thương ít gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng, trong đó xương đùi và xương ống chân (xương chày) bị lệch khỏi nhau. Trật khớp gối khác với trật xương bánh chè, đó là trường hợp chỉ có xương bánh chè bị tách ra khỏi rãnh ở cuối xương đùi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trật khớp gối là gì?

Trật khớp gối là khi ba xương ở đầu gối của bạn bị lệch khỏi vị trí và không thẳng hàng như bình thường. Nó có thể xảy ra nếu cấu trúc đầu gối của bạn bất thường. Một số người sinh ra đã bị trật khớp gối (trật khớp gối bẩm sinh). Trong hầu hết các trường hợp, trật khớp gối xảy ra khi bị chấn thương với một lực rất lớn làm đẩy xương ở khớp gối ra khỏi vị trí ban đầu. Đây là trường hợp khẩn cấp và gây đau đớn.

Nếu gối của bạn bị trật khớp, xương đùi và xương chày có thể bị lệch hoàn toàn hoặc lệch một phần. Trật khớp gối khác với trật xương bánh chè, là khi xương bánh chè của bạn trượt khỏi vị trí bình thường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trật khớp gối

Các triệu chứng thường gặp nhất của trật khớp gối là sưng khớp và biến dạng khớp. Chân thường trông ngắn và lệch đi, và bất kỳ cử động nào của khớp cũng sẽ gây nhiều đau đớn.

Khoảng một nửa số trường hợp trật khớp gối đã được đặt trở lại vị trí trước khi đến bệnh viện. Đây là một vấn đề vì nó có thể dẫn đến tổn thương nặng hơn và tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng.

Biến chứng có thể gặp khi bị trật khớp gối

Trật khớp gối là một chấn thương nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng nặng nếu không được điều trị ngay. Nếu trật khớp gối gây mất nhiều máu đến chân, có thể cần phải cắt cụt chi. Trật khớp gối cũng có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân.

Hội chứng chèn ép khoang cấp tính cũng là một biến chứng thường gặp, nó xảy ra khi tình trạng sưng tấy gây ra chèn ép mạch máu, thần kinh và cơ gây đau đớn nhiều cần phải đến bác sĩ ngay lập tức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trật khớp gối tuy hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng. Các bộ phận khác của đầu gối cũng có thể bị tổn thương cùng lúc. Vậy trật khớp gối nên làm gì hay trật khớp gối phải làm sao? Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến trật khớp gối

Nếu trật khớp gối không phải là nguyên nhân bẩm sinh (trật khớp gối bẩm sinh), trật khớp gối có thể xảy ra do chấn thương nghiêm trọng như:

  • Tai nạn ô tô: Nếu bạn đập đầu gối vào một bề mặt cứng như bảng điều khiển, lực tác động có thể đủ mạnh để khiến đầu gối của bạn bị trật khớp.
  • Chấn thương thể thao: Ít gặp hơn tai nạn ô tô, nhưng bạn có thể bị trật khớp gối nếu va chạm một lực rất mạnh với một người chơi khác hoặc với mặt đất trong tư thế đầu gối cong hoặc duỗi đầu gối quá mức.
  • Té ngã: Bệnh có thể xảy ra với những người trượt tuyết hoặc chạy bộ bị mất kiểm soát và té ngã với tư thế đầu gối cong hoặc duỗi quá mức. Bạn thậm chí có thể bị trật khớp gối nếu bị ngã khi vô tình bước vào một cái hố.
Trật khớp gối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 4
Chấn thương thể thao có thể dẫn đến trật khớp gối

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc trật khớp gối?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải tình trạng trật khớp gối.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải trật khớp gối

Các yếu tố nguy cơ gây trật khớp gối bao gồm:

  • Tham gia các môn thể thao dễ bị té ngã: Tham gia các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá, đấu vật và thể dục dụng cụ khiến bạn có nguy cơ bị trật khớp gối cao hơn.
  • Va chạm ô tô: Những người không thắt dây an toàn khi đi ô tô có nguy cơ bị trật khớp gối cao hơn.
  • Di truyền: Những người bị mất dây chằng có nguy cơ bị trật khớp gối cao hơn.
  • Dễ bị té ngã: Nếu bạn là đối tượng có nguy cơ dễ bị té ngã (ví dụ như suy yếu, đang bệnh nặng,…), bạn có nhiều khả năng bị trật khớp gối.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán trật khớp gối

Bạn nên đến cấp cứu ngay để bác sĩ có thể kiểm tra đầu gối từ nhiều góc độ để xác nhận chấn thương.

Thăm khám

Bác sĩ sẽ khám đầu gối của bạn và xem xét bạn đã bị thương như thế nào. Xem đầu gối của bạn có bị biến dạng, sưng và có thể cử động hay không.

Trật khớp gối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 5
Bác sĩ sẽ khám đầu gối khi bạn có dấu hiệu trật khớp gối

Bác sĩ có thể sờ vào vùng gối để xem liệu bạn có bị tổn thương dây chằng nào không. Việc giãn dây chằng khi bạn bị trật khớp gối là điều có thể xảy ra.

Bác sĩ cũng sẽ quan sát vùng da của bạn và khám cảm giác từ đầu gối cho đến bàn chân. Trật khớp gối có thể gây tổn thương thần kinh hoặc mạch máu kèm theo, làm thay đổi màu sắc và nhiệt độ của da. Điều này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu hoặc cảm giác ở vùng chân của bạn.

Kiểm tra chỉ số cổ chân - cánh tay

Để kiểm tra sự thay đổi lưu lượng máu, bác sĩ có thể thực hiện đo chỉ số này. Nó so sánh huyết áp đo được ở cổ chân với huyết áp đo được ở vị trí thông thường trên cánh tay. Nếu chỉ số cổ chân - cánh tay của bạn thấp, điều đó có thể có nghĩa là tình trạng trật khớp gối đã gây ra vấn đề về lưu lượng máu đến chân của bạn.

Đo điện cơ

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm này để kiểm tra cơ và thần kinh của bạn. Nó sử dụng một cây kim đâm vào cơ để ghi lại hoạt động điện. Các điện cực trên bề mặt có thể đo tốc độ dẫn truyền và cường độ tín hiệu từ thần kinh của bạn.

Hình ảnh học

Chụp X-quang có thể giúp xác nhận rằng xương của bạn đã bị lệch ra khỏi khớp. Nó cũng có thể cho biết liệu bạn có bị gãy xương hay không.

MRI có thể cho biết liệu có dây chằng hoặc mô mềm nào khác ở đầu gối bị tổn thương hay không. Nó cũng có thể giúp bác sĩ phẫu thuật định hướng điều trị.

Bác sĩ có thể đề nghị chụp động mạch, phác thảo lưu lượng máu trong động mạch và tĩnh mạch của bạn. Đó là một cách khác để xem liệu trật khớp gối có làm tổn thương mạch máu hay không.

Phương pháp điều trị trật khớp gối hiệu quả

Trong giai đoạn đầu điều trị, ưu tiên giảm thiểu mọi tổn thương gây ra cho mạch máu và thần kinh. Khi những vấn đề này đã được giải quyết và ổn định, sự chú ý có thể chuyển sang tổn thương mô cấu trúc.

Trong hầu hết các trường hợp, sẽ phải phẫu thuật, thường là để sửa chữa nhiều tổn thương dây chằng, rách sụn chêm và tổn thương sụn. Chấn thương động mạch có thể cần phải sửa chữa trực tiếp mạch máu bị ảnh hưởng, bắc cầu động mạch hoặc phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.

Phẫu thuật có thể được thực hiện dưới dạng phẫu thuật mở hoặc nội soi khớp.

Tổn thương thần kinh có thể cần đến bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Trên thực tế, trường hợp trật khớp gối phải phẫu thuật nhiều lần không phải là hiếm. Những phương pháp khác cũng có thể được thực hiện để phục hồi sụn bị mất bằng các kỹ thuật tiên tiến như cấy ghép sụn.

Trật khớp gối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 6
Phẫu thuật chữa trị trật khớp gối

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của trật khớp gối

Chế độ sinh hoạt:

  • Chế độ sinh hoạt và tập luyện: Thường xuyên tham gia vào chương trình tập luyện và phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Điều này giúp tăng cường cơ bắp xung quanh khớp gối, cải thiện sự ổn định và linh hoạt của khớp, và giảm nguy cơ tái phát trật khớp.
  • Quản lý cân nặng: Giảm cân nếu béo phì và duy trì cân nặng lý tưởng để giảm tải trọng lên khớp gối.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung canxi và vitamin D: Canxi và vitamin D là hai chất bổ sung quan trọng cho sự phát triển và duy trì sức khỏe của xương. Bổ sung canxi và vitamin D thông qua việc tiêu thụ thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, cá, hạt, và thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, cá mòi và trứng để hỗ trợ sức khỏe xương và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Dinh dưỡng cân đối: Hãy duy trì một chế độ ăn cân đối, giàu chất xơ, và bao gồm đủ các nhóm thực phẩm cần thiết như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, đậu, và các nguồn chất béo lành mạnh như dầu ô-liu, dầu hạt cải...
  • Uống đủ nước: Việc cung cấp đủ lượng nước hàng ngày giúp duy trì sự mềm mại và đàn hồi của các mô trong cơ thể, bao gồm cả sụn khớp.
  • Hạn chế thực phẩm gây viêm: Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm gây viêm như thực phẩm có nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, và thực phẩm có chứa chất béo no. Viêm có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi và khả năng chống chịu của khớp gối.
Trật khớp gối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 7
Bổ sung canxi và vitamin D thông qua thực phẩm

Lưu ý rằng các gợi ý trên chỉ mang tính chất tổng quát và không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để nhận được hướng dẫn cụ thể cho trường hợp của bạn.

Phương pháp phòng ngừa trật khớp gối hiệu quả

Để phòng ngừa trật khớp gối, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Tập thể dục và tăng cường cơ bắp: Tập thể dục đều đặn để tăng cường cơ bắp xung quanh khớp gối. Việc có cơ bắp mạnh và linh hoạt sẽ giúp tăng khả năng ổn định và hỗ trợ khớp gối. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn thực hiện các bài tập đúng cách và dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
  • Tránh chấn thương: Hạn chế hoạt động có nguy cơ cao gây chấn thương cho khớp gối, như nhảy cao, chạy bộ trên mặt đường không bằng phẳng, hay tham gia vào các hoạt động thể thao mạo hiểm. Nếu bạn tham gia vào các hoạt động có nguy cơ, hãy đảm bảo sử dụng các biện pháp bảo vệ như đai bảo vệ đầu gối.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng: Cân nặng quá lớn có thể tạo thêm áp lực và căng thẳng cho khớp gối. Duy trì một cân nặng lý tưởng thông qua chế độ ăn uống cân đối và việc thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn.
  • Chăm sóc và bảo vệ khớp gối: Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một lúc. Sử dụng đai bảo vệ đầu gối nếu cần thiết trong các hoạt động thể thao hoặc công việc đòi hỏi sự chịu đựng của khớp gối.
  • Chăm sóc sau chấn thương: Nếu bạn đã từng bị chấn thương khớp gối, hãy tuân thủ chế độ chăm sóc và phục hồi sau chấn thương do bác sĩ chỉ định. Điều này bao gồm sự nghỉ ngơi, thực hiện các bài tập và phục hồi dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế, sử dụng các biện pháp làm giảm viêm và giảm đau khi cần thiết.

Lưu ý rằng không có phương pháp phòng ngừa trật khớp gối nào là hoàn toàn đảm bảo, nhưng việc thực hiện những biện pháp trên có thể giúp giảm nguy cơ và duy trì sức khỏe của khớp gối. Nếu bạn có mối quan ngại cụ thể về trật khớp gối hoặc muốn biết thêm thông tin về phòng ngừa, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Xem thêm:

Bị trật khớp gối phải làm sao để không để lại di chứng?

Trật xương bánh chè và những điều cần lưu ý

Nguồn tham khảo
  • Knee Dislocations: https://www.msdmanuals.com/home/injuries-and-poisoning/dislocations/knee-dislocations
  • Knee Dislocation: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470595/
  • Knee Dislocation: https://www.webmd.com/pain-management/knee-pain/knee-dislocation
  • Dislocated Knee: What You Need to Know: https://www.healthline.com/health/dislocated-knee
  • Knee Dislocation Symptoms, Causes, and Treatment: https://www.verywellhealth.com/knee-dislocation-2549341

Các bệnh liên quan