Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Teo cơ do đái tháo đường là gì? Những điều cần biết về teo cơ do đái tháo đường

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các biến chứng thường được nhắc đến của bệnh đái tháo đường như bệnh tim mạch, đột quỵ, mờ mắt, bệnh thận và cắt cụt chi dưới. Nhưng bạn có thể không quen thuộc với thuật ngữ bệnh thần kinh do đái tháo đường, trong đó có teo cơ do đái tháo đường. Tình trạng hiếm gặp này hoạt động khác với các loại bệnh lý thần kinh khác. Bài viết này sẽ cung cấp những điều bạn cần biết về chứng teo cơ do đái tháo đường và những việc cần làm nếu bạn được chẩn đoán mắc biến chứng này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Teo cơ do đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường đi kèm với rất nhiều biến chứng tiềm ẩn. Biến chứng bệnh thần kinh do đái tháo đường là một trong những bệnh phổ biến nhất. Nhưng có một loại bệnh thần kinh do đái tháo đường hiếm gặp được gọi là teo cơ do đái tháo đường. Nó chỉ ảnh hưởng đến 1% người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường và hoạt động khác với các loại bệnh thần kinh do đái tháo đường khác.

Hầu hết các trường hợp bệnh thần kinh do đái tháo đường xảy ra ở chân và bàn chân. Tuy nhiên, bệnh teo cơ do đái tháo đường gây tổn thương các dây thần kinh ở đùi, chân, hông, mông. Đôi khi, nó còn ảnh hưởng đến ngực và bụng.

Bệnh teo cơ do đái tháo đường còn được gọi bằng những tên sau:

  • Bệnh thần kinh đoạn gần (Proximal neuropathy);
  • Bệnh rễ - đám rối thắt lưng cùng do đái tháo đường;
  • Hội chứng Bruns-Garland.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của teo cơ do đái tháo đường

Thường xuất hiện ở những người cao tuổi (tuổi trung bình 65 tuổi), teo cơ do đái tháo đường là bệnh diễn tiến theo từng giai đoạn, các triệu chứng xuất hiện trong một thời gian tương đối ngắn (vài tháng đến 2 năm). Bệnh lý thần kinh này biểu hiện cấp tính/bán cấp tính, với sự phân bố sớm ở chi dưới (đùi, mông hoặc hông) không đối xứng, khu trú, một bên và ở đầu gần của chi. Sự tiến triển lan rộng, đa ổ, hai bên trở nên rõ ràng khi bệnh tiến triển, với nhiều mức độ nghiêm trọng về triệu chứng.

Các biểu hiện bao gồm đau thần kinh nhiều (triệu chứng ban đầu trầm trọng hơn), với tình trạng yếu cơ chiếm ưu thế, teo cơ gốc chi và sụt cân. Quá trình bệnh ngày càng xấu đi cho đến khi ổn định và phục hồi dần dần, thường kèm theo suy yếu. So với các biến chứng khác do bệnh đái tháo đường gây ra, người bệnh mắc bệnh teo cơ do đái tháo đường thường là người bệnh đái tháo đường mới được chẩn đoán, thời gian tiếp xúc với tình trạng tăng đường huyết ngắn, kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt, ít biến chứng mạch máu do đái tháo đường (như bệnh võng mạc, bệnh tim mạch,…) và chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn so với dân số mắc bệnh đái tháo đường trung bình.

Những triệu chứng khác bao gồm như tê, ngứa ran, mất phản xạ, yếu/liệt tứ chi, thay đổi mồ hôi, bàn chân rơi (foot drop), hạ huyết áp tư thế, tiêu chảy, táo bón.

Teo cơ do đái tháo đường là gì? Những điều cần biết về teo cơ do đái tháo đường 4
Người bệnh teo cơ do đái tháo đường có thể xuất hiện triệu chứng yếu liệt

Biến chứng có thể gặp khi mắc teo cơ do đái tháo đường

Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải nếu mắc teo cơ do đái tháo đường:

  • Liệt hai chân;
  • Liệt tứ chi;
  • Trầm cảm;
  • Rối loạn lo âu;
  • Phẫu thuật cột sống không cần thiết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn mắc bệnh đái tháo đường và có kèm theo bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm teo cơ do đái tháo đường sẽ giúp giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến teo cơ do đái tháo đường

Hiện nay vẫn chưa rõ chính xác các cơ chế gây ra bệnh teo cơ do đái tháo đường. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy viêm vi mạch qua trung gian miễn dịch có mối liên quan rõ ràng với bệnh đái tháo đường, nhưng mối liên hệ này lại không rõ ràng trong sinh lý bệnh của nó.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải teo cơ do đái tháo đường?

Bạn có nhiều khả năng mắc teo cơ do đái tháo đường nếu bạn trên 50 tuổi, mặc dù những người bệnh trẻ tuổi hơn cũng có thể bị ảnh hưởng.

Những đối tượng có nguy cơ khác bao gồm:

Teo cơ do đái tháo đường là gì? Những điều cần biết về teo cơ do đái tháo đường 5
Người bệnh đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ mắc teo cơ do đái tháo đường cao hơn cái tuýp khác

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải teo cơ do đái tháo đường

Các yếu tố nguy cơ của teo cơ do đái tháo đường bao gồm:

  • Bắt đầu điều trị tăng đường huyết;
  • Tiêm chủng;
  • Chấn thương;
  • Nhiễm trùng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán teo cơ do đái tháo đường

Bệnh teo cơ do đái tháo đường có một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ loại trừ các vấn đề như:

  • Bệnh thoái hóa cột sống;
  • Nhồi máu cơ do đái tháo đường (Diabetic muscle infarction);
  • Hội chứng Meralgia paresthetica.

Bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm sau để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng:

  • Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh đái tháo đường hoặc xem mức độ nghiêm trọng của bệnh;
  • Chọc dò tuỷ sống, trong đó bác sĩ lấy một ít dịch tủy sống của bạn và kiểm tra xem có dấu hiệu viêm không;
  • Chụp X-quang;
  • Chụp CT scan;
  • Chụp MRI;
  • Đo điện cơ và các xét nghiệm khác.
Teo cơ do đái tháo đường là gì? Những điều cần biết về teo cơ do đái tháo đường 6
Đo điện cơ giúp hỗ trợ chẩn đoán teo cơ do đái tháo đường

Phương pháp điều trị teo cơ do đái tháo đường hiệu quả

Bệnh teo cơ do đái tháo đường thường tự thuyên giảm theo thời gian. Nhưng một số điều trị sau có thể giúp giảm triệu chứng:

  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường: Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm là kiểm soát lượng đường trong máu. Thuốc, chế độ ăn kiêng và tập thể dục đều đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn thực hiện điều này.
  • Thuốc giảm đau: Gabapentin và pregabalin đã được chứng minh là làm giảm cơn đau liên quan đến thần kinh kéo dài. Một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể hữu ích.
  • Vật lý trị liệu: Nó có thể giúp duy trì và cải thiện cơ bắp của bạn. Hầu hết những người mắc bệnh teo cơ do đái tháo đường sẽ lấy lại được phần lớn sức lực, nhưng không phải ngay lập tức. Có thể mất một năm để bắt đầu khỏi bệnh, nhưng trong hầu hết các trường hợp, không thể phục hồi hoàn toàn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của teo cơ do đái tháo đường

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh teo cơ do đái tháo đường có thể cân nhắc áp dụng các chế độ sinh hoạt sau đây để hỗ trợ quá trình điều trị và quản lý tình trạng:

  • Tập thể dục: Lựa chọn các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, tập yoga hoặc tập thể dục dựa trên chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối tránh những hoạt động gây căng thẳng mạnh lên cơ và gây đau.
  • Quản lý đau: Sử dụng các phương pháp giảm đau như thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ, châm cứu, xoa bóp nhẹ nhàng hoặc kỹ thuật giải tỏa căng thẳng như yoga hoặc thiền.
  • Bảo vệ cơ bắp: Tránh tác động lên cơ bắp như kéo, khiêng đồ nặng, và những hoạt động cần sức mạnh lớn. Khi thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc công việc, hãy sử dụng công cụ hỗ trợ để giảm tải lực lên cơ.
  • Chăm sóc bàn chân: Theo dõi và chăm sóc bàn chân thường xuyên để ngăn ngừa các vấn đề chân liên quan đến đái tháo đường. Đảm bảo giữ vệ sinh bàn chân, kiểm tra các tổn thương, và sử dụng giày phù hợp kích cỡ.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, theo dõi quá trình điều trị, và tuân thủ chế độ ăn uống, thuốc, và lịch hẹn theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Teo cơ do đái tháo đường là gì? Những điều cần biết về teo cơ do đái tháo đường 7
Bệnh nhân nên thăm khám sức khoẻ định kỳ để phòng ngừa teo cơ do đái tháo đường

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt cụ thể có thể khác nhau cho từng trường hợp và nên được thảo luận và chỉ định bởi bác sĩ hoặc chuyên gia.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh teo cơ do đái tháo đường cần tập trung vào việc kiểm soát đường huyết và hỗ trợ sức khỏe cơ bắp. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng:

  • Kiểm soát carbohydrate: Sử dụng các nguồn carbohydrate phức tạp như lúa mì nguyên hạt, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, và rau quả tươi.
  • Cân nhắc lượng protein: Đảm bảo cung cấp đủ lượng protein trong chế độ ăn hàng ngày. Lựa chọn các nguồn protein lành mạnh như thịt gà, cá, hạt, đậu, và sản phẩm từ sữa không béo.
  • Chất béo lành mạnh: Ưu tiên sử dụng chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu hạnh nhân, dầu dừa, và dầu cá. Tránh nguồn chất béo bão hòa.
  • Tăng cường chất xơ: Bổ sung thêm chất xơ trong chế độ ăn, từ các nguồn như rau xanh, quả tươi, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, và đậu.
  • Điều chỉnh lượng calo: Điều chỉnh lượng calo dựa trên nhu cầu cá nhân để duy trì cân nặng và kiểm soát đường huyết.
  • Tránh thức ăn chế biến sẵn và đồ ăn nhanh: Hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ngọt, và đồ có nhiều chất bảo quản. Tìm cách nấu ăn tại nhà và ưu tiên sử dụng nguyên liệu tươi.

Lưu ý rằng mọi điều chỉnh dinh dưỡng nên được thảo luận và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa teo cơ do đái tháo đường hiệu quả

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ xuất hiện tình trạng này cũng như đối với nhiều biến chứng khác của bệnh đái tháo đường là:

  • Tránh hút thuốc lá;
  • Ăn ngon nhưng phải hợp lý;
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh;
  • Quan trọng nhất, hãy kiểm soát đường huyết ổn định;
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo các tình trạng không trở nên trầm trọng hơn.

Bệnh teo cơ do đái tháo đường vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, rất có thể quá trình phục hồi sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn nếu những yếu tố này đã được kiểm soát.

Nguồn tham khảo
  1. Diaz LA, Gupta V. Diabetic Amyotrophy. [Updated 2023 Aug 14]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560491/
  2. Diabetic Amyotrophy: https://www.webmd.com/diabetes/diabetic-amyotrophy
  3. Diabetic Amyotrophy: https://patient.info/diabetes/diabetes-mellitus-leaflet/diabetic-amyotrophy
  4. Diabetic Amyotrophy: https://www.webmd.com/diabetes/diabetic-amyotrophy
  5. What to Know About Diabetic Amyotrophy: https://www.healthline.com/health/diabetes/diabetic-amyotrophy

Các bệnh liên quan

  1. Viêm quanh móng

  2. Ngón chân hình búa

  3. Viêm khớp khuỷu tay

  4. Giả gút

  5. Bệnh to các viễn cực

  6. Xoắn xương chày

  7. Thoái hóa khớp vai

  8. Viêm khớp mắt cá chân

  9. Trật khớp cùng đòn

  10. Hẹp khe khớp gối