Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm gân gấp ngón cái là bệnh lý gì? Bệnh có gây biến chứng nguy hiểm gì không?

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các bệnh lý bàn tay thường gặp bao gồm các tổn thương biến dạng, hạch thần kinh, nhiễm khuẩn, chứng chèn ép thần kinh, viêm bao gân không do nhiễm khuẩn và thoái hóa khớp. Trong đó có thể nói bệnh viêm gân gấp hoặc gân duỗi ngón tay khá phổ biến. Viêm gân gấp ngón tay hay còn gọi gọi là ngón tay lò xo, là tình trạng bao gân bị chít hẹp gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cá nhân. Nếu không được điều trị đúng cách thì có thể để lại hậu quả hoặc các biến chứng xấu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm gân gấp ngón tay cái là bệnh lý gì?

Bệnh viêm gân gấp ngón tay cái hay còn gọi ngón tay lò xo là một tình trạng xảy ra do tình trạng viêm bao gân ở ngón tay, gây ra tình trạng chít hẹp bao gân. Đây là tình trạng bao gân cơ gấp bị thu hẹp, gây ra cảm giác kêu lách cách hoặc bật ra khi cố gắng duỗi ngón tay. 

Ở nhiều người bệnh còn xuất hiện hạt xơ trong phần bao gân, gây cản trở trong quá trình di chuyển của ngón tay. Người bệnh gặp khó khăn trong việc co duỗi ngón tay thậm chí phải nhờ đến tay lành kéo ngón tay ra như lò xo. Do vậy căn bệnh này mới có tên khác là ngón tay lò xo.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ở người mắc bệnh viêm gân gấp ngón tay cái

Thời gian đầu, người bệnh thường gặp triệu chứng là tình trạng ngón tay cái bật nhẹ không đau hoặc cảm thấy khó chịu khi cử động. Lâu dần, bệnh tiến triển và gây ra những âm thanh bật hoặc bị đau khi ấn vào các khớp ngón tay hoặc các liên đốt gần trong bàn tay. Ngoài ra, người bệnh mắc bệnh ngón tay lò xo còn có thể gặp các triệu chứng như:

  • Các khớp ngón tay sẽ bị cứng, thường gặp nhất là vào buổi sáng.
  • Khi cử động người bệnh cảm thấy ngón tay cái rất khó cử động, bị cố định hoặc cảm giác bị mắc kẹt trong tư thế gập ngón tay xuống.
  • Người bệnh thấy đau vùng gân cơ và cơn đau sẽ nặng hơn khi người bệnh cử động.
  • Khi kéo ngón tay có cảm giác được tiếng “bật” và “tách” ngón tay.
  • Trong những trường hợp nặng hơn, người bệnh cần được người khác hỗ trợ mới có thể kéo thẳng hoặc đưa ngón tay về vị trí cũ.
  • Ngón tay có thể bị sưng lên.
  • Có thể sờ được khối u bằng tay.
viem-gan-gap-ngon-cai 3.jpg
Người bệnh cần dùng lực để kéo ngón tay lên trong bệnh viêm gân gấp ngón cái

Ngoài ra, bệnh viêm gân gấp ngón cái hay ngón tay lò xo còn có thể được phân thành 4 cấp độ và tương ứng với các triệu chứng cụ thể như sau:

  • Cấp độ 1: Người bệnh cảm nhận rõ những cơn đau ở vùng gân gấp ngón tay cái, ở lòng bàn tay.
  • Cấp độ 2: Người bệnh có cảm giác ngón tay bị vướng và khó chịu.
  • Cấp độ 3: Nặng hơn ngón tay cái bị khóa và chỉ có khả năng cử động thụ động.
  • Cấp độ 4: Ngón tay cái của người bệnh bị khóa cố định và không thể cử động được.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm gân gấp ngón cái

Những người mắc bệnh viêm gân gấp ngón cái có thể gặp các biến chứng sau nếu như không điều trị đúng cách:

  • Ngón tay nhấp chuột liên tục: Do ngón cái bị kẹt nên sẽ ở tư thế cong, khó thể duỗi thẳng được giống như tư thế ngón tay ấn vào chuột máy tính. Việc hoạt động quá lâu ở một động tác gây ra tình trạng run ngón tay tạo thành tình trạng như ngón tay nhấp chuột liên tục.
  • Giảm khả năng chuyển động: Gân cơ bị kẹt lại ở bao gân, ngón tay không thể di chuyển như bình thường, không thể gập tối đa cũng như không thể duỗi tối đa.
  • Sưng, đau, tê, cứng ngón tay: Do tình trạng viêm ở các gốc ngón tay nên sẽ gây ra tình trạng sưng và viêm. Tình trạng kẹt ở bao gân làm ngón tay không di chuyển được gây tê cứng các ngón.
  • Nhiễm trùng: Dấu hiệu dễ nhận biết là các khớp ngón tay bị nóng lên và viêm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ khi:

  • Nếu người bệnh có những triệu chứng như trên xuất hiện hoặc có những biểu hiện lạ thì nên đến bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.
  • Người bệnh đang điều trị nhưng có triệu chứng trở nên xấu hơn.
  • Các triệu chứng ảnh hưởng và làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gân gấp ngón cái

Nguyên nhân chính của bệnh viêm gân gấp ngón cái thường là vô căn. Viêm gân gấp ngón tay trong nhiều trường hợp người mắc phải sẽ không biết lí do mà mình mắc bệnh. Tuy nhiên, có thể dựa vào những lý do dưới đây để xác định được nguyên nhân:

  • Do đặc thù công việc cần sử dụng độ linh hoạt của ngón tay như véo, nắm,... một cách thường xuyên và trong thời gian dài như: Nông dân, thợ thủ công đan lát, thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng, giáo viên, bác sĩ phẫu thuật…
  • Do một số bệnh lý khác nhau: Đái tháo đường type 2, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, gout.
  • Do chấn thương tái đi tái lại nhiều lần, chấn thương ròng rọc, chấn thương viêm bao xơ và gân gấp ngón tay do tai nạn hoặc tai nạn lao động, chấn thương do tập luyện thể dục thể thao. 
viem-gan-gap-ngon-cai 4.jpg
Nguyên nhân chính của bệnh viêm gân gấp ngón cái thường là vô căn

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm gân gấp ngón cái?

Ngón tay lò xo là một trong những phàn nàn phổ biến của bệnh nhân khi đến gặp bác sĩ. Người ta ước tính có hơn 200.000 trường hợp mỗi năm ở Hoa Kỳ. Nó thường gặp hơn ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 60, mặc dù nó có thể xuất hiện sớm ở một số trẻ em.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gân gấp ngón cái

Như đã đề cập ở trên, bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào cũng đều có khả năng mắc bệnh ngón tay lò xo. Bệnh còn liên quan đến các yếu tố nghề nghiệp và thường xuyên sử dụng ngón tay như các động tác véo, nắm,... Tuy nhiên, theo thống kê thì tỷ lệ bệnh ở phụ nữ có cao hơn ở nam giới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm gân gấp ngón cái

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh của bệnh nhân. Sau đó, có thể chỉ định một số cận lâm sàng để giúp hỗ trợ thêm trong việc chẩn đoán bệnh viêm gân gấp ngón cái, bao gồm:

  • Siêu âm với đầu dò để xác định sự dày lên của bao gân hoặc hình ảnh tụ dịch xung quanh hoặc sự xuất hiện của các hạt xơ trong bao gân.
  • X-quang: Mục đích là kiểm tra tổn thương xương (nếu có).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh từ chụp cộng hưởng từ có thể cho thấy hiện tượng bao gân bị sưng tấy, phù nề, thay đổi cấu trúc và chất lượng của gân,...
  • Xét nghiệm máu: Cho thấy số lượng tế bào bạch cầu bất thường và tốc độ máu lắng cao.

Phương pháp điều trị bệnh viêm gân gấp ngón cái

Việc điều trị bệnh viêm gân gấp ngón cái tùy thuộc vào tình trạng, thời gian mắc bệnh, mức độ viêm của gân gấp mà sẽ có kế hoạch điều trị khác nhau. Có các phương pháp điều trị tham khảo như điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa

Phần lớn người bệnh sẽ điều trị ngoại khoa, bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: Khi bao gân gấp ngón cái đang bị viêm thì nên nghỉ ngơi, tránh vận động nặng.
  • Nẹp cố định: Để giữ tay ở đúng vị trí.
  • Kết hợp các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để giảm độ cứng và cải thiện phạm vi chuyển động của ngón tay.
  • Thuốc giảm đau, giảm viêm như: Acetaminophen, thuốc kháng viêm không Steroid.
  • Thuốc tiêm Steroid: Corticoid là chất chống viêm thường được sử dụng để tiêm vào bao gân ở gốc ngón tay bị viêm, giúp làm giảm triệu chứng đau trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Nếu tình trạng bệnh chưa cải thiện nhiều, người bệnh có thể được chỉ định tiêm corticoid mũi thứ hai. Cẩn thận theo dõi đường huyết ở người có bệnh đái tháo đường sau tiêm. 
viem-gan-gap-ngon-cai 7.jpg
Điều trị bệnh viêm gân gấp ngón cái tùy thuộc vào tình trạng, thời gian mắc bệnh,...

Điều trị phẫu thuật

Nếu các phương pháp không phẫu thuật hoàn toàn không đem lại hiệu quả thì việc can thiệp phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng. Với trường hợp mổ điều trị cần phải dựa trên mức đau hoặc mất chức năng của ngón tay. Mục tiêu của phương pháp này là giải phóng bao gân, giúp gân không bị chèn ép.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh viêm gân gấp ngón cái

Chế độ sinh hoạt:

Những người bệnh khi bị viêm gân gấp ngón cái hay ngón tay lò xo cần có chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt hợp lý để tránh làm nặng thêm tình trạng của bệnh. Có thể tham khảo những điều sau đây:

  • Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Liên hệ với bác sĩ khi xuất hiện những triệu chứng bất thường khác hoặc tình trạng trở nên nặng hơn.
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng ở những người bệnh đang điều trị bệnh.
  • Hạn chế hoạt động ngón tay hoặc bàn tay quá mức trong quá trình điều trị.
  • Tránh lặp đi lặp lại các động tác trong một thời gian dài và đặc biệt là không nên gồng ngón tay cái thường xuyên.
  • Điều trị những bệnh lý đi kèm.
  • Thường xuyên tập luyện vùng gân khớp, ngón tay cái.
  • Không nên xoa bóp bằng dầu nóng khi bị viêm.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:

  • Chế độ ăn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa gồm rau củ quả và trái cây như: Việt quất, anh đào, cà chua, bí, ớt chuông,...
  • Lưu ý cần bổ sung các loại vitamin, các loại khoáng chất có trong rau củ. Đặc biệt là vitamin C.
  • Ngừng sử dụng: Thuốc lá, rượu, bia…
  • Chế độ ăn nên giảm mặn, giảm đồ béo ngọt và duy trì cân nặng phù hợp.
  • Nên ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn hợp vệ sinh.
viem-gan-gap-ngon-cai 6.jpg
Cần bổ sung các loại vitamin, các loại khoáng chất có trong rau củ

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm gân gấp ngón cái

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gân gấp ngón cái:

  • Tránh các yếu tố nguy cơ như tránh các vi chấn thương.
  • Thường xuyên tập luyện vùng gân khớp ngón tay cái.
  • Phát hiện và điều trị sớm và đúng các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, gout, đái tháo đường, thoái hóa khớp,...
  • Điều chỉnh các dị tật gây lệch trục của chi.
  • Thận trọng khi sử dụng nhóm Quinolon và phát hiện sớm khi có triệu chứng gợi ý.
Nguồn tham khảo
  1. Thumb flexor tendon repair: https://www.cuh.nhs.uk/patient-information/thumb-flexor-tendon-repair/
  2. Flexor Tendinitis of the Thumb and Fingers: https://www.orthoillinois.com/hand-wrist-elbow/flexor-tendinitis-of-the-thumb-and-fingers/
  3. Trigger Thumb: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441854/
  4. Trigger Finger: https://www.yourphysio.org.uk/condition-directory/tendon-issues-of-the-wrist-and-hand/flexor-tenosynovitis-trigger-finger/
  5. Flexor Tendon Injuries: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/flexor-tendon-injuries/

Các bệnh liên quan