Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau cổ tay là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đôi tay hoạt động quá mức trong thời gian dài là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho khớp bàn tay bị tổn thương, dẫn đến các cơn đau cổ tay và viêm dây chằng cổ tay. Chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, chụp X-Quang và đo điện cơ đồ. Điều trị bằng nội khoa, ngoại khoa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau cổ tay là gì? 

Đau cổ tay có thể khởi đầu từ phần khớp cổ tay hay các phần mềm xung quanh khớp như gân, bao gân, túi thanh dịch, dây chằng, dây thần kinh. Đau cổ tay thường là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau cổ tay

Hội chứng ống cổ tay: Người bệnh sẽ bị đau ở vùng khuỷu tay, vai và cổ tay. Sự chèn ép dây thần kinh trong ống cổ tay dẫn đến những cơn tê bì, đau hay loạn cảm ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa hay một phần ngón áp út. Ở một số trường hợp, tê bì và đau có thể lan đến toàn bộ bàn tay hay thậm chí lên đến cẳng tay.

Hội chứng chèn ép đúp: thường xuyên cảm thấy bị tê, ngứa ran, cảm giác như kim châm, đau cổ.

Chấn thương sụn và xương dưới sụn: thời gian đầu rất khó phát hiện vì không có triệu chứng rõ rệt, đến khi người bệnh cảm thấy đau nhức thì sụn khớp đã có thể bị nứt vỡ hay phần xương dưới sụn bị xơ hóa.

Hội chứng De Quervain: khiến người bệnh bị đau cổ tay và phần dưới cẳng tay (ngay ngón tay cái). Hoạt động cổ tay thường xuyên sẽ khiến cơn đau nặng hơn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đau cổ tay

Đau cổ tay nếu không được khám và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng teo cơ, thậm chí là tàn phế, mất khả năng lao động.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau cổ tay

Nguyên nhân gây đau cổ tay thường gặp là

  • Hội chứng ống cổ tay;

  • Hội chứng chèn ép đúp;

  • Chấn thương sụn và xương dưới sụn.

Hội chứng De Quervain

Hội chứng ống cổ tay khá phổ biến ở giới văn phòng và những người thường xuyên sử dụng máy tính, chơi tennis, golf, cầu lông,… Các thao tác cong và gập cổ tay thường xuyên tạo ra những căng thẳng bất thường khiến vùng khuỷu tay, vai và cổ tay bị đau.

Hội chứng chèn ép đúp

Dây thần kinh đi từ cột sống cổ tới tay, do vậy, khi có sự sai khớp nhẹ sẽ dẫn đến chèn ép lên dây thần kinh tại nguồn (chỗ chèn ép thứ nhất), từ đây sẽ sẽ lan xuống thần kinh cổ tay (chỗ chèn ép thứ hai). Đây được gọi là hội chứng chèn ép đúp do người bệnh bị đau hai vị trí cùng một lúc.

Chấn thương sụn và xương dưới sụn

Chấn thương sụn và xương dưới sụnlà tổn thương thường gặp trong bệnh thoái hóa khớp gây ra triệu chứng đau cổ tay. Thoái hóa là một quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi nhưng việc lặp lại các thao tác cử động cổ tay thường xuyên sẽ đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp cổ tay.

Hội chứng De Quervain

Xảy ra khi bao gân duỗi ngắn ngón cái và bao gân cơ dài ngón cái bị viêm. Đây là hai gân quan trọng dùng để chi phối vận động ngón cái. Phụ nữ nội trợ hay người thường xuyên cầm, nắm, vặn, xoay cổ tay và ngón cái có nguy cơ mắc hội chứng này.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau cổ tay?

  • Người thừa cân hay béo phì;

  • Phụ nữ mang thai;

  • Người bệnh đái tháo đường;

  • Người bị gout;

  • Người lớn tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau cổ tay

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau cổ tay, bao gồm:

  • Tính chất công việc sử dụng nhiều máy tính;

  • Chơi thể thao như golf, bóng bàn,..;

  • Viêm khớp;

  • Thoái hóa khớp;

  • Di truyền.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau cổ tay

  • Khám lâm sàng;

  • Chụp X-Quang;

  • Đo độ dẫn truyền thần kinh, điện cơ đồ.

Khám lâm sàng: kiểm tra cảm giác của ngón tay và lực cơ tay. Có thể thực hiện các nghiệm pháp Phalen, Tinel, Durkan để kiểm tra độ tổn thương cổ tay.

Chụp X-Quang: loại trừ các bệnh lý khác như viêm khớp hay gãy xương cổ tay.

Đo độ dẫn truyền thần kinh, điện cơ đồ: kiểm tra vận tốc xung dọc của dây thần kinh, sự phản ứng của cơ với các tín hiệu dẫn truyền. Nếu dây thần kinh phản ứng chậm nghĩa là đã có tổn thương tại đây.

Phương pháp điều trị đau cổ tay hiệu quả

Điều trị nội khoa: Thường được sử dụng ở giai đoạn đầu khi đau cổ tay. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hay corticoid đường toàn thân. Kết hợp với việc hạn chế vận động gấp hay ngửa cổ tay quá mức để giảm áp lực.

Dùng nẹp cổ tay: Có thể nẹp vào ban đêm hay cả ngày. Nhiều nghiên cứu có thấy sử dụng nẹp cổ tay có thể làm giảm các triệu chứng sau 4 tuần.

Điều trị ngoại khoa: Sử dụng khi đau cổ tay mức độ nặng kèm theo các triệu chứng như teo cơ, rối loạn cảm giác hay thất bại với phương pháp điều trị nội khoa. Điều trị ngoại khoa trước đây sử dụng phương pháp mổ mở đường dọc gan tay hay mổ mở nhỏ ít xâm lấn, nhưng hiện nay phương pháp mổ nội soi được ưu tiên nhất vì ưu điểm ít xâm lấn, ít nguy cơ tai biến, nhiễm trùng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau cổ tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Thực hiện các bài tập phục hồi ống cổ tay để tăng tuần hoàn và phục hồi chức năng dây thần kinh cổ tay;

  • Sử dụng thiết bị chằng hay nẹp để cố định vùng chấn thương và hạn chế hoạt động vùng này;

  • Nếu cổ tay bị sưng và đau có thể chườm nóng lạnh luân phiên lên vị trí chấn thương;

  • Massage cổ tay thường xuyên để giảm đau cục bộ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không uống rượu, bia;

  • Duy trì cân nặng mức độ vừa phải;

  • Ăn nhiều rau củ quả;

  • Dùng nhiều thực phẩm giàu đạm;

  • Uống 2 – 3 ly sữa mỗi ngày (tốt nhất là sữa tách béo);

  • Tránh các loại đồ ăn quá mặn, ngọt;

  • Không dùng thức ăn nhanh.

Phương pháp phòng ngừa đau cổ tay

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ đúng tư thế khi dùng máy vi tính;

  • Tập các bài tập riêng cho cổ tay;

  • Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Nguồn tham khảo
  1.  Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-bi-nhuc-moi-khop-co-tay-169152299.htm

  2. Nhs.uk: https://www.nhs.uk/conditions/hand-pain/wrist-pain/

  3. Healthline: https://www.healthline.com/health/wrist-pain#causes 

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh to các viễn cực

  2. Rách sụn chêm khớp gối

  3. Viêm khớp cùng chậu

  4. Bệnh Freiberg

  5. Ngón chân hình búa

  6. Co rút Dupuytren

  7. Viêm khớp tự miễn

  8. Đau bắp chân

  9. Viêm khớp mắt cá chân

  10. Viêm khớp tay