Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm xoang sàng sau là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng sau

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm xoang sàng sau là tình trạng viêm xoang mà cụ thể là viêm xoang sàng sau. Bệnh viêm xoang sàng sau khó nhận biết vì cấu trúc giải phẫu đặc biệt của nó gây nên các triệu chứng tương đối khác biệt. Các triệu chứng này vừa giúp ích cho chẩn đoán vì nó tương đối khác với viêm xoang ở vị trí khác, đồng thời cũng gây khó khăn cho việc chẩn đoán vì các triệu chứng này tương đối giống với nhiều bệnh lý khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm xoang sàng sau là gì?

Xoang sàng sau gồm bốn hốc rỗng thông nối với nhau nằm gần gáy và ít có lỗ thông với mũi. Xoang sàng được chia thành cụm xoang sàng trước và xoang sàng sau. Xoang có vai trò giảm nhẹ khối lượng xương sọ, bảo vệ các cấu trúc sau xương mặt như não, mạch máu, tạo độ cao của giọng nói,... 

Xoang sàng sau cùng với xoang bướm ở sâu dưới nền sọ có liên quan tới phần sau ổ mắt, dây thần kinh thị giác, xoang tĩnh mạch hang, tuyến yên. Xoang sàng sau đổ ra ngách mũi trên. Do xoang sau có lỗ thông với mũi ở phía sau ngách mũi trên nên dịch xuất tiết thường chảy xuống họng.

Viêm xoang sàng sau là tình trạng viêm hiện diện tại cụm xoang sàng sau của xương sàng. Khi bị viêm, lớp niêm mạc lót trong xoang sưng nề và tiết dịch làm tăng lượng dịch trong xoang và vô tình làm bít đường thoát của dịch nên dịch viêm ứ đọng trong xoang và gây nên các triệu chứng của bệnh.

Cũng như các viêm xoang khác, viêm xoang sàng sau cũng được phân loại dựa vào thời gian mắc bệnh là viêm xoang cấp (có thời gian mắc bệnh dưới 12 tuần) và viêm xoang mạn (có thời gian mắc bệnh trên 12 tuần). Bệnh viêm xoang sàng sau thường là viêm xoang mạn do vị trí đặc biệt của xoang làm bệnh này khó điều trị dứt điểm trong thời gian ngắn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang sàng sau

Các triệu chứng chung của bệnh lý viêm xoang hiện diện ở hầu hết bệnh nhân viêm xoang sàng sau như:

  • Đau đầu;
  • Nặng mặt;
  • Căng tức sau hốc mắt;
  • Mệt mỏi;
  • Sốt.

Các triệu chứng này xuất hiện là do tình trạng viêm xoang gây tăng tiết dịch trong xoang, dịch ứ đọng lại trong xoang gây nên.

Xoang sàng sau nằm sau hốc mắt và gần gáy, đồng thời không có lỗ thoát dịch ra mũi mà là xuống họng. Vì thế, khi viêm xoang sàng sau, sẽ có các triệu chứng liên quan đến mắt và vùng cổ gáy. Mặt khác, dịch viêm trong xoang chảy xuống họng nên gây ra các triệu chứng ở họng như:

  • Đau đầu vùng thái dương lan xuống vùng cổ gáy;
  • Viêm họng mạn tính;
  • Ho mạn tính;
  • Hôi miệng;
  • Đau mắt;
  • Đỏ mắt.
Viêm xoang sàng sau là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng sau 4
Đau nặng vùng mặt, vùng thái dương lan vùng vai là dấu hiệu gợi ý viêm xoang sàng sau

Tác động của viêm xoang sàng sau đối với sức khỏe

Các triệu chứng của viêm xoang thường hiện diện trong thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mắc bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm xoang sàng sau

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm xoang sàng sau có thể lây lan sang các xoang khác vì các xoang thông nối với nhau. Ngoài ra, còn có các biến chứng nghiêm trọng của viêm mũi xoang do vi khuẩn nói chung, có thể kể đến bao gồm viêm màng não, áp xe não, viêm mô tế bào quanh hốc mắt và huyết khối xoang hang. 

Viêm xoang xâm lấn thường gặp ở bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm như đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát kém, HIV/AIDS,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Viêm xoang sàng sau là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng sau 5
Hãy đến khám bác sĩ ngay khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang sàng sau

Các nguyên nhân gây viêm xoang sàng sau có thể kể đến gồm:

Virus, vi khuẩn, nấm: Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm xoang. Trong đó, viêm xoang do virus đường hô hấp trên là phổ biến nhất. Khi các tác nhân này tấn công cơ thể, các phản ứng viêm hình thành gây tăng tiết dịch, sưng nề lớp niêm mạc,... gây viêm mũi xoang.

Dị ứng: Phản ứng dị ứng của cơ thể trước các tác nhân như thời tiết, phấn hoa, lông thú,... gây tăng tiết dịch vùng mũi xoang và có thể gây nên tình trạng viêm xoang.

Polyp mũi: Là sự tăng sinh tế bào vùng mũi gây bít tắc lối thoát dịch xoang làm tăng khả năng viêm mũi xoang cho người mắc bệnh.

Lệch vách ngăn mũi: Là tình trạng vách ngăn mũi bị vẹo/lệch về một bên mũi. Làm bên mũi kém thông thoáng hơn bên kia, giảm khả năng thoát dịch nên dễ viêm mũi xoang hơn.

Chấn thương vùng mặt: Làm mất đi cấu trúc tự nhiên của xoang, xoang dễ mắc các bệnh lý khác, trong đó có viêm xoang.

U: Tương tự như polyp mũi, các u chèn ép đường thoát chất nhầy của xoang nên dễ gây viêm mũi xoang.

Nhiễm trùng răng miệng: Mũi miệng thông nhau, mà mũi có các lỗ thoát dịch của xoang nên viêm họng có thể gây viêm mũi xoang.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm xoang sàng sau?

Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang sàng sau không kể giới tính, độ tuổi, chủng tộc hay vùng địa lý.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm xoang sàng sau

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang sàng sau là:

  • Hút thuốc lá;
  • Môi trường sống ô nhiễm;
  • Mắc các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch;
  • Chấn thương vùng mặt;
  • Mắc các bệnh lý tai mũi họng khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xoang sàng sau

Để chẩn đoán viêm xoang sàng sau, ngoài việc khai thác các triệu chứng lâm sàng, yếu tố nguy cơ mắc bệnh, thăm khám lâm sàng, các bác sĩ có thể đề nghị một số cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định, chẩn đoán loại trừ hay đánh giá mức độ nặng của bệnh. Cụ thể như sau:

Khai thác các triệu chứng chung của viêm xoang và các triệu chứng đặc hiệu cho viêm xoang sàng sau như đã kể phía trên. Thậm chí bác sĩ cũng khai thác các triệu chứng gợi ý biến chứng, các triệu chứng giúp đánh giá mức độ nặng của bệnh như lơ mơ, giảm thị lực, ù tai,...

Khai thác tiền căn bệnh lý trước đây, gồm các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch hay những lần viêm mũi xoang trước đây.

Các xét nghiệm máu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm trùng như công thức máu, CRP,...

Các cận lâm sàng hình ảnh giúp đánh giá tình trạng xoang như X-quang, CT scan, MRI,..

Nội soi mũi giúp nhìn thấy rõ các cấu trúc trong mũi nhằm đánh giá các yếu tố nguy cơ kèm theo hay nguyên nhân gây viêm xoang như u, polyp mũi,...

Viêm xoang sàng sau là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng sau 6
CT sọ giúp nhìn thấy rõ xoang sàng sau và các vấn đề liên quan

Phương pháp điều trị viêm tai xoang sàng sau hiệu quả

Viêm xoang sàng sau là một loại viêm xoang khó điều trị khỏi hoàn toàn do xoang sàng nằm sâu trong hộp sọ và không có lỗ thoát dịch. Mặt khác, việc dịch ứ đọng trong xoang làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở xoang này. Phương pháp điều trị tùy thuộc tình trạng bệnh nặng hay nhẹ.

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được áp dụng cho bệnh lý nhẹ. Điều trị nội khoa chủ yếu nhằm vào việc điều trị triệu chứng như:

  • Thuốc kháng viêm: Các thuốc kháng viêm giúp giảm triệu chứng viêm mũi xoang như sưng nề, tăng tiết dịch,...
  • Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol hay cao cấp hơn như tramadol, panadol codein,... được dùng nhằm giảm triệu chứng đau đầu, sốt ở những bệnh nhân có các triệu chứng này.
  • Thuốc long đờm: Các thuốc long đờm có tác dụng phân cắt các phân tử chất nhầy hay làm loãng chất nhầy, giúp chúng dễ dàng tống ra khỏi khoang bằng cách ho khạc hay rửa mũi.
  • Dung dịch vệ sinh mũi: Vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý ngày 2 đến 3 lần giúp mũi thông thoáng, hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc điều trị đặc hiệu thường dùng là kháng sinh. Các thuốc kháng sinh được sử dụng khi viêm xoang do vi khuẩn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật hở: Là phương pháp điều trị mổ mở để tiếp cận xoang bệnh và thực hiện các thủ thuật điều trị như cạo bỏ lớp niêm mạc bị viêm, cắt bỏ polyp, cắt bỏ u,...

Phẫu thuật nội soi: Là phương pháp điều trị bằng cách đưa ống soi vào xoang và thực hiện các thủ thuật. Phương pháp này hiện đang được áp dụng rộng rãi do tính an toàn của nó. Biện pháp này cũng hạn chế các biến chứng như chảy máu, sẹo,...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm xoang sàng sau

Đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng kể trên, tuân thủ điều trị, tái khám thường xuyên, tránh tiếp xúc các yếu tố gây bệnh như khói bụi,... giúp ngăn ngừa diễn biến xấu của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa viêm xoang sàng sau hiệu quả

Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm xoang sàng hiệu quả có thể áp dụng bao gồm:

  • Đeo khẩu trang: Thói quen đeo khẩu trang giúp không khí hít vào được trong lành, đồng thời hạn chế khả năng lây nhiễm của các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp.
  • Sử dụng máy lọc không khí: Sử dụng máy lọc không khí giúp hạn chế bụi, vi khuẩn trong không khí, làm không khí trong lành và sạch sẽ hơn.
  • Điều trị các bệnh lý kèm theo: Điều trị các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch như đái tháo đường, HIV/AIDS,... giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,...
  • Chủng ngừa: Tiêm phòng các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp cũng giúp hạn chế khả năng mắc bệnh viêm mũi xoang ở những cá nhân có hệ miễn dịch suy yếu.
Viêm xoang sàng sau là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng sau 7
Giữ môi trường không khí trong sạch giúp hạn chế bệnh viêm mũi xoang
Nguồn tham khảo
  • What to know about ethmoid sinusitis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/327517
  • Bacteriology of Acute and Chronic Ethmoid Sinusitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1169095/
  • Ethmoid Sinusitis: What You Should Know: https://www.healthline.com/health/ethmoiditis
  • Sinusitis: https://www.msdmanuals.com/professional/ear,-nose,-and-throat-disorders/nose-and-paranasal-sinus-disorders/sinusitis
  • Ethmoid Sinus: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/ethmoid-sinus

Các bệnh liên quan

  1. Thiên đầu thống

  2. Rối loạn tuần hoàn não

  3. xuất huyết não

  4. Viêm khớp thái dương hàm

  5. U nang giáp móng

  6. Viêm xoang trán

  7. Rỗ não

  8. Ung thư vòm hầu

  9. Sa sút trí tuệ do mạch máu não

  10. Polyp mũi