Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U sợi thần kinh là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U sợi thần kinh (Neurofibromatosis) là một rối loạn di truyền, trong đó nhiều u mềm dạng thịt của mô thần kinh (u sợi thần kinh) hình thành dưới da và các bộ phận khác của cơ thể, hoặc các đốm phẳng màu cà phê sữa (đốm café-au-lait ) trên da. Chẩn đoán chủ yếu dựa trên dấu hiệu lâm sàng. Không có phương pháp điều trị cụ thể, nhưng có thể loại bỏ khối u lành tính bằng phẫu thuật, và các khối u ác tính (ít phổ biến hơn) được điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U sợi thần kinh là gì?

U sợi thần kinh là một loại bệnh lý di truyền do hình thành khối u tại mô thần kinh. Những khối u này có thể phát triển ở bất kì vị trí nào của hệ thần kinh như não, tủy sống hoặc các dây thần kinh. Phần lớn trường hợp u sợi thần kinh là lành tính, một số ít có thể hóa ác.

Phân loại u sợi thần kinh:

  • Theo gen gây bệnh

U sợi thần kinh loại 1 (NF1, hoặc bệnh von Recklinghausen) là phổ biến nhất, tỷ lệ khoảng 1/2500 – 1/3000. Bệnh biểu hiện trên thần kinh, da và đôi khi ở mô mềm hoặc xương, gây ra do gen cho NF1 nằm trên đoạn 17q11.2 mã hóa tổng hợp neurofibromin. Đã có > 1000 đột biến được xác định. Mặc dù đây là một rối loạn trội trên NST thường, 20 - 50% trường hợp là do đột biến tế bào mầm de novo.

U sợi thần kinh loại 1 (NF2) chiếm 10% các trường hợp, tỷ lệ khoảng 1/35.000. Bệnh biểu hiện chủ yếu là u thần kinh thính giác bẩm sinh (u tế bào tiền đình). Gen NF2 nằm trên đoạn 22q11 và mã hóa tổng hợp merlin, một chất ức chế khối u; 200 đột biến đã được xác định. Hầu hết những người bị NF2 được di truyền từ cha mẹ của họ.

Schwannomatosis một rối loạn hiếm gặp, phổ biến thứ 3 trong bệnh u sợi thần kinh. Trong 15% trường hợp có tính chất gia đình và liên quan đến đột biến dòng mầm trong gen SMARCB1, một gen ức chế khối u nằm ở 22q11.23, rất gần với gen NF2. Hai hoặc nhiều schwannomas phát triển trong các dây thần kinh cột sống và ngoại vi, đôi khi gây đau; tuy nhiên, u thần kinh thính giác không phát triển. Schwannomatosis từng được coi là một dạng NF2; tuy nhiên, hình ảnh lâm sàng và các gen liên quan cũng khác nhau.

  • Theo vị trí khối u 

Khối u ngoại vi (bệnh Von Recklinghausen) thường gặp ở NF1 và có thể phát triển ở bất cứ đâu dọc theo dây thần kinh ngoại vi. Các khối u là u sợi thần kinh, phát triển từ các vỏ dây thần kinh và bao gồm hỗn hợp tế bào Schwann, nguyên bào sợi, tế bào thần kinh và tế bào mast. Hầu hết xuất hiện ở tuổi vị thành niên. Đôi khi, chúng biến đổi thành các khối u ác tính trên vỏ dây thần kinh ngoại vi. Có nhiều hình dạng:

U sợi thần kinh ở da: Mềm và nhiều thịt.

U sợi thần kinh dưới da: Chắc và có dạng nốt.

U sợi thần kinh dạng nốt: Có thể liên quan đến các rễ thần kinh cột sống, thường phát triển qua các ổ đĩa đệm để gây ra các khối u nội tuỷ và ngoài tủy sống (khối u hình quả tạ). Phần bên trong tủy sống có thể chèn ép tủy sống.

U sợi thần kinh dạng đám rối lan tỏa (Nốt dưới da hoặc sự phát triển quá mức của khối u xương hoặc tế bào Schwann): Có thể gây biến dạng và thiếu hụt của u sợi thần kinh. U sợi thần kinh Plexiform có thể trở thành ác tính và có thể là tiền thân phổ biến nhất của các khối u vỏ dây thần kinh ngoại vi ác tính ở những người bị NF1.

Schwannomas: Có nguồn gốc từ các tế bào Schwann, hiếm khi bị ác tính hoá và có thể xuất hiện ở các dây thần kinh ngoại vi ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

Khối u thần kinh trung ương

U tế bào thần kinh đệm thị giác: Những khối u này là u tế bào hình sao lớp tiêu bào cấp thấp, có thể không có triệu chứng hoặc tiến triển đủ để chèn ép dây thần kinh thị giác và gây mù lòa. Thường gặp phải ở trẻ nhỏ khoảng 5 tuổi và hiếm khi phát triển sau tuổi 10, do gen NF1.

U thần kinh thính giác (u schwannomas tiền đình): Những khối u này có thể gây chóng mặt, mất điều hòa, điếc và ù tai do chèn ép dây thần kinh sọ số 8; hoặc gây yếu mặt do chèn ép dây thần kinh thứ 7 liền kề. Chúng là đặc điểm phân biệt của gen NF2.

U màng não: Những khối u này phát triển ở một số người, đặc biệt là những người mang gen NF2.

U sợi thần kinh là u lành, không phải ung thư cũng không phải bệnh truyền nhiễm. Bệnh gây mất thẩm mỹ và có khả năng làm cơ thể mất đi một số chức năng khi các khối u thần kinh này nằm ở những vị trí quan trọng hoặc vì những nguyên nhân chưa được biết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u sợi thần kinh

U sợi thần kinh loại 1 (NF1)

Hầu hết bệnh nhân NF1 không có triệu chứng, một số khác có triệu chứng thần kinh hoặc dị dạng xương. Trên 90% trường hợp, các tổn thương da rõ ràng khi mới sinh hoặc phát triển trong thời kỳ sơ sinh.

Tổn thương Café-au-lait

Có màu café sữa, các dát giống như tàn nhang, phân bố phổ biến nhất trên thân mình, xương chậu, các nếp gấp của khuỷu tay và đầu gối. Trẻ em không mắc bệnh u sợi thần kinh có thể có 2 hoặc 3 tổn thương café-au-lait còn trẻ em bị NF1 có ≥ 6 tổn thương. Các dát này > 5mm ở trẻ em trước tuổi dậy thì bị ảnh hưởng và > 15mm ở bệnh nhân sau dậy thì.

U sợi thần kinh ở da

Xuất hiện dọc theo các dây thần kinh ngoại vi nhỏ, rất phổ biến. Trong suốt thời thơ ấu, những khối u dưới da này xuất hiện với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau, số lượng từ vài đến hàng nghìn và thường không có triệu chứng.

U sợi thần kinh Plexiform

Có xu hướng phát triển tăng kích thước, gây ra các cấu trúc méo mó, dày lên bất thường, đôi khi có những biến dạng ảnh hưởng đến dây thần kinh và các cấu trúc khác. U sợi thần kinh Plexiform cũng có thể liên quan đến các dây thần kinh sọ, điển hình là dây thần kinh thứ 5, 9 và 10.

Các triệu chứng thần kinh khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và số lượng u sợi thần kinh. Các u sợi thần kinh lớn hơn có thể đè lên dây thần kinh gốc của chúng và gây ra dị cảm ở xa, đau, mất hoặc giảm cảm giác, tùy thuộc vào chức năng của dây thần kinh có liên quan. U sợi thần kinh hình thành dọc theo rễ thần kinh cột sống, đặc biệt là ở xương chứa rễ thần kinh, chèn ép rễ thần kinh và gây ra đau, yếu hoặc mất cảm giác lan rộng ở vùng phân bố thần kinh đó. U sợi thần kinh Plexiform chèn ép các dây thần kinh sọ gây ra sự thiếu hụt điển hình của các dây thần kinh đó.

Bất thường về xương bao gồm:

  • Loạn sản sợi;

  • U nang xương dưới sụn;

  • Đốt sống hình sò;

  • Vẹo cột sống;

  • Mỏng vỏ xương dài;

  • Khớp giả;

  • Mất cánh lớn của xương bướm (phía sau hốc mắt) gây lồi mắt.

Một số bệnh nhân bị u thần kinh đệm thị giác và nốt Lisch (mống mắt hamartomas). U thần kinh đệm mắt thường không có triệu chứng và không cần điều trị trừ khi u tăng dần kích thước.

Bệnh nhân NF1 cũng có thể có những thay đổi trong thành động mạch có thể dẫn đến hội chứng Moyamoya (hẹp hoặc tắc động mạch trong và xung quanh vòng tròn Willis với sự hình thành các động mạch phụ nhỏ), hoặc chứng phình động mạch nội sọ. Một số trẻ có vấn đề về học tập và đầu hơi lớn.

Trẻ em và thanh thiếu niên NF1 có thể mắc bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mạn tính từ nhỏ (bệnh bạch cầu nguyên bào tủy vị thành niên) và u cơ vân. U tuỷ thượng thận có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Các khối u ác tính ít phổ biến hơn, bao gồm u thần kinh đệm thân não, glioma tuyến tiền liệt và sự biến đổi u sợi thần kinh dạng đám rối thành khối u vỏ dây thần kinh ngoại vi ác tính. Các khối u này có thể phát triển ở mọi lứa tuổi.

U sợi thần kinh loại 2 (NF2)

Trong NF2, u thần kinh thính giác hai bên phát triển và gây triệu chứng từ khi còn nhỏ hoặc bắt đầu trưởng thành. Chúng gây giảm thính lực, mất thăng bằng và đôi khi nhức đầu hoặc yếu mặt. Có thể có các khối thần kinh sọ não thứ 8 (tiền đình). Các thành viên trong gia đình có thể bị u thần kinh đệm, u màng não hoặc u schwannomas.

Schwannomatosis

Nhiều schwannomas phát triển trên các dây thần kinh sọ, cột sống và ngoại vi. U thần kinh thính giác không phát triển và bệnh nhân không bị điếc. Ngoài ra, các loại khối u khác đôi khi xảy ra trong rối loạn thần kinh da không phát triển.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh schwannomatosis thường là đau, có thể trở thành mãn tính và nghiêm trọng. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào vị trí của schwannomas.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u sợi thần kinh

U sợi thần kinh gây ra bởi các khuyết tật di truyền (đột biến) do cha mẹ truyền lại hoặc xảy ra một cách tự phát khi thụ thai. Các gen cụ thể liên quan phụ thuộc vào loại u sợi thần kinh:

  • NF1: Gen NF1 nằm trên nhiễm sắc thể số 17. Gen này tạo ra một loại protein gọi là neurofibromin giúp điều chỉnh sự phát triển của tế bào. Gen bị đột biến làm mất đi neurofibromin, cho phép các tế bào phát triển không kiểm soát.

  • NF2: Gen NF2 nằm trên nhiễm sắc thể số 22 và tạo ra một loại protein gọi là merlin (còn gọi là schwannomin), có tác dụng ngăn chặn các khối u. Gen bị đột biến gây mất merlin, dẫn đến tế bào phát triển không kiểm soát.

  • Bệnh Schwannomatosis: Cho đến nay, hai gen bị đột biến được biết là nguyên nhân gây ra bệnh schwannomatosis là SMARCB1 và LZTR1, vốn có chức năng ngăn chặn các khối u.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u sợi thần kinh?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc u sợi thần kinh. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ em so với người lớn và tỷ lệ nam nữ là ngang nhau.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u sợi thần kinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc U sợi thần kinh, bao gồm:

Tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh hoặc mang gen gây bệnh, nhất là cha hoặc mẹ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u sợi thần kinh

  • Đánh giá lâm sàng.

  • MRI não (tiêu chuẩn vàng) hoặc CT đầu.

Hầu hết bệnh nhân NF1 được xác định khi khám định kỳ hoặc đánh giá tiền sử gia đình.

Chẩn đoán cả 3 loại là lâm sàng bằng cách khám kỹ da, xương và thần kinh. Nên nghi ngờ mang NF1 và theo dõi ở trẻ em có nhiều điểm café-au-lait ngay cả khi chúng không có các đặc điểm khác hoặc tiền sử gia đình mắc NF1.

Thực hiện MRI não cho những bệnh nhân: có các triệu chứng hoặc dấu hiệu thần kinh và không thể chẩn đoán qua triệu chứng lâm sàng, trẻ nhỏ đáp ứng các tiêu chí lâm sàng cho NF1 và người có thể bị u thần kinh đệm thị giác. MRI T2W có thể cho thấy dây thần kinh thị giác dày lên và các tổn thương tăng nhãn áp thay đổi theo thời gian và tương quan với các cấu trúc nang nhỏ trong NF1. MRI có thể giúp xác định u thần kinh thính giác hoặc u màng não trong NF2. Nếu nghi ngờ u thần kinh thính giác, có thể thực hiện chụp CT xương đá.

Không cần xét nghiệm di truyền vì không phải tất cả các đột biến đều được biết đến và có các tiêu chí lâm sàng rõ ràng. 

Phương pháp điều trị u sợi thần kinh hiệu quả

  • Đối với u sợi thần kinh có triệu chứng, có thể phẫu thuật hoặc cắt bỏ bằng laser hoặc đốt điện.

  • Đối với khối u ác tính cần hóa trị.

  • Thuốc giảm đau.

Không có phương pháp điều trị chung nào cho bệnh u xơ thần kinh.

Ngoại khoa

U sợi thần kinh gây ra các triệu chứng nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật cắt bỏ, nếu nhỏ, cắt bỏ bằng laser hoặc đốt điện. Phẫu thuật cắt bỏ u sợi thần kinh dạng đám rối có thể làm mất chức năng của dây thần kinh liên quan và u sợi thần kinh có xu hướng tái phát tại vị trí cắt bỏ. Hiện đang có các thử nghiệm lâm sàng về một số phương pháp điều trị y tế đối với u sợi thần kinh dạng plexiform và tủy sống, bao gồm cả việc sử dụng sirolimus.

Hầu hết u thần kinh đệm thị giác không có triệu chứng và chỉ cần được theo dõi tiến triển. Đối với cả u thần kinh đệm thị giác tiến triển và tổn thương hệ thần kinh trung ương đã trở thành ác tính, hóa trị là lựa chọn điều trị đầu tiên

Khuyến cáo tư vấn di truyền. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh u sợi thần kinh, nguy cơ di truyền cho con là 50%; nếu không có thì nguy cơ cho những đứa trẻ tiếp theo sẽ không rõ ràng vì các đột biến mới thường phổ biến, đặc biệt là ở NF1. 

Thuốc giảm đau

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau để giúp bệnh nhân thoải mái hơn, như:

  • Thuốc điều trị đau dây thần kinh như gabapentin hoặc pregabalin;

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline;

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine như duloxetine;

  • Thuốc trị động kinh như topiramate hoặc carbamazepine.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u sợi thần kinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Tập thể dục và vận động điều độ để tăng cường sức khoẻ.

  • Từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng thức uống có cồn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Có chế độ ăn hợp lý với đầy đủ dinh dưỡng (protein, vitamin và khoáng chất) để cải thiện sức khoẻ và khả năng đề kháng. Có thể thảo luận với bác sĩ để được tư vấn.

  • Hạn chế sử dụng thức ăn chứa nhiều muối và chất béo bão hoà.

  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều calci như sữa, phô mai, yoghurt hỗ trợ xương chắc khoẻ.

Phương pháp phòng ngừa u sợi thần kinh hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

U sợi thần kinh là bệnh di truyền nên không có cách phòng bệnh nào hữu hiệu. Cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh hoặc có những triệu chứng của u sợi thần kinh, cần đi thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/neurocutaneous-syndromes/neurofibromatosis

2. http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/7133-u-soi-than-kinh-ngoai-vi.html

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/neurofibromatosis/symptoms-causes/syc-20350490

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư da đầu

  2. U sùi thể nấm

  3. Ung thư tụy

  4. Ung thư miệng

  5. Ung thư đại tràng

  6. Ung thư mũi

  7. U nang thận

  8. U xơ tuyến vú

  9. Ung thư dương vật

  10. Ung thư phế quản