Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về rối loạn cảm giác

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn cảm giác là tình trạng cơ thể bạn quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm với cảm giác bao gồm thị giác, âm thanh và xúc giác. Rối loạn cảm giác không phải là một chẩn đoán bệnh lý nhưng các biểu hiện thường gây khó chịu cho bạn. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu giúp người bị rối loạn có thể hòa nhập cộng đồng và cải thiện chất lượng sống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn cảm giác là gì?

Cảm giác là phản ánh của ý thức con người, các thuộc tính của một sự vật hiện tượng khách quan đang tác động trực tiếp vào các giác quan của bạn như cảm giác về màu sắc, mùi vị, âm thanh, xúc giác.

Có tám giác quan trên cơ thể:

  • Thị giác;
  • Thính giác;
  • Xúc giác;
  • Vị giác;
  • Khứu giác;
  • Chuyển động cơ thể;
  • Nhận thức cơ thể;
  • Cảm giác về trạng thái bên trong cơ thể như cảm giác muốn đi vệ sinh hoặc cảm giác đói.

Rối loạn cảm giác xảy ra do não không thể xử lý thông tin về cảm giác tác động lên các giác quan cơ thể. Hệ thần kinh là một hệ thống phức tạp gồm các tế bào thần kinh giúp gửi tín hiệu đi khắp cơ thể. Não và hệ thần kinh sẽ nhận thông tin về môi trường bên ngoài thông qua các đầu cảm giác có ở khắp nơi trong cơ thể. Ví dụ khi bạn nghe được một âm thanh, các đầu cảm giác ở tai sẽ tiếp nhận và truyền đến não, não sẽ xử lý những âm thanh này và phân tích chúng.

Khi rối loạn cảm giác xảy ra sẽ gây ra tăng cảm giác hoặc giảm cảm giác đối với thông tin về cảm giác.

  • Tăng cảm giác: Là tình trạng tăng khả năng thụ cảm với những kích thích của môi trường xung quanh.
  • Giảm cảm giác: Là tình trạng giảm khả năng thụ cảm với những kích thích của môi trường xung quanh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn cảm giác

Triệu chứng chính của rối loạn cảm giác là việc xử lý thông tin cảm giác không phù hợp. Điều này dẫn đến tình trạng quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm với các cảm giác. Có hai loại rối loạn cảm giác chính:

Rối loạn tăng cảm giác

Rối loạn tăng cảm giác còn gọi là quá mẫn cảm là tình trạng bạn tăng độ nhạy cảm của giác quan với môi trường xung quanh khiến bạn quá tải cảm giác, không thể tập trung, dễ bị tác động bởi kích thích ngoài môi trường. Các triệu chứng rối loạn tăng cảm giác:

  • Ngưỡng đau thấp, có thể bị đau dù chỉ là chạm nhẹ;
  • Dễ bị giật mình với cả những tiếng động bình thường;
  • Tránh tiếp xúc, đụng chạm với người xung quanh;
  • Hoa mắt với cả ánh sáng bình thường;
  • Nhìn thấy màu sắc của các sự vật xung quanh trở nên rực rỡ hơn bình thường;
  • Phản ứng quá mức với mùi hoặc âm thanh cố định;
  • Vụng về, giữa thăng bằng kém;
  • Khó kiểm soát cảm xúc;
  • Khó tập trung sự chú ý;
  • Cảm thấy ngứa ngáy hoặc khó chịu khi mặc quần áo;
  • Khó chịu, không muốn ăn đối với những dạng thức ăn nhất định.
Những điều cần biết về rối loạn cảm giác 6
Khó chịu khi bị đụng chạm

Rối loạn giảm cảm giác

Rối loạn cảm giác là tình trạng bạn kém nhạy cảm hơn của giác quan với môi trường xung quanh khiến bạn giảm phản ứng, phản ứng chậm đối với kích thích từ môi trường bên ngoài. Các triệu chứng rối loạn giảm cảm giác:

  • Khả năng chịu đau cao;
  • Bồn chồn hoặc không thể ngồi yên, thường xuyên quậy phá;
  • Thường xuyên tìm đến cảm giác mạnh;
  • Vụng về hoặc thiếu sự phối hợp;
  • Âm thanh xung quanh nghe mờ nhạt, không rõ ràng;
  • Chạm vào mọi thứ bất kể nhiệt độ;
  • Ăn mọi thứ kể cả tay hay quần áo;
  • Trẻ mắc bệnh thường biểu hiện tính cách thô bạo hoặc hung dữ với đồ vật xung quanh hoặc với bạn bè.
Những điều cần biết về rối loạn cảm giác 4
Thờ ơ với âm thanh xung quanh

Rối loạn cảm giác gây ra nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giác quan xảy ra rối loạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người lớn bị rối loạn cảm giác thường do nguyên nhân thực thể đột ngột gây tổn thương não do đó nguyên nhân chính khiến bạn gặp bác sĩ là do nguyên nhân gây tổn thương não.

Đối với trẻ em, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ khi con mình có bất kỳ triệu chứng kể trên kèm dấu hiệu dưới đây:

  • Thay đổi trong cảm giác ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ, trẻ khó khăn trong việc sinh hoạt;
  • Các triệu chứng tiến triển nặng như con bạn không thể tự đứng hoặc di chuyển;
  • Bạn không thể kiểm soát được các triệu chứng của trẻ;
  • Các triệu chứng gây ảnh hưởng đến việc học của trẻ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn cảm giác

Đối với trẻ em

Nguyên nhân gây ra rối loạn cảm giác ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được hiểu rõ. Một số bệnh lý cho thấy liên quan đến vấn đề cảm giác ở trẻ:

  • Rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder - ASD): Trẻ bị tự kỷ có thể có những thay đổi về vùng não chịu trách nhiệm xử lý thông tin cảm giác.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder - ADHD): Bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng lọc thông tin cảm giác không cần thiết dẫn đến tình trạng rối loạn tăng cảm giác.
  • Tâm thần phân liệt (Schizophrenia): Trẻ bị tâm thần phân liệt sẽ bị ảnh hưởng đến đường đi của cảm giác và kết nối giữa các tế bào thần kinh gây sự thay đổi trong quá trình xử lý cảm giác.
  • Rối loạn giấc ngủ (Sleep disorders): Rối loạn giấc ngủ như thiếu ngủ có thể dẫn đến mê sảng gây rối loạn xử lý cảm giác tạm thời.
  • Chậm phát triển (Developmental delay): Những trẻ bị rối loạn cảm giác hoặc các rối loạn khác đều có thể khiến trẻ chậm phát triển.
  • Chấn thương sọ não.
Những điều cần biết về rối loạn cảm giác 7
Trẻ bị tự kỷ có thể có những thay đổi về vùng não chịu trách nhiệm xử lý thông tin cảm giác

Đối với người lớn

Rối loạn cảm giác ở người lớn thường là hậu quả của một tổn thương thực thể, đột ngột như xuất huyết não, nhồi máu não hoặc tổn thương thần kinh cảm giác của hệ thần kinh trung ương như do chấn thương não.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc rối loạn cảm giác

Trẻ em có nguy cơ mắc rối loạn cảm giác hơn người lớn.

Trẻ có nguy cơ bị rối loạn cảm giác nếu:

  • Đẻ non;
  • Cân nặng lúc sinh thấp;
  • Mẹ sử dụng rượu hoặc chất kích thích khi mang thai;
  • Tiếp xúc với hóa chất ở thời thơ ấu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn cảm giác

Một số yếu tố nguy cơ gây rối loạn cảm giác ở người lớn:

  • Mắc bệnh chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,…;
  • Hút thuốc lá;
  • Uống rượu bia;
  • Lối sống tĩnh tại;
  • Thừa cân hoặc béo phì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn cảm giác

Hiện nay không có tiêu chuẩn nào để đánh giá rối loạn cảm giác và bác sĩ chỉ có thể đưa ra chẩn đoán dựa vào tiền sử bệnh, triệu chứng và khám cảm giác của bạn. Đối với trẻ bị rối loạn cảm giác, bác sĩ sẽ đánh giá hành bị và tương tác của trẻ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị rối loạn cảm giác

Đối với trẻ em

Hiện nay không có phương pháp điều trị chuẩn nào cho rối loạn cảm giác. Việc điều trị tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân. Nhìn chung, các phương pháp điều trị chủ yếu giúp trẻ thực hiện tốt hơn những hoạt động mà bình thường chúng không giỏi và giúp làm quen với những điều mà chúng không thể chịu đựng được. Các phương pháp dưới đây có thể hỗ trợ tiến triển và quản lý tình trạng của bạn.

Hoạt động trị liệu

Các chuyên gia sẽ giúp trẻ thực hành hoặc học cách thực hiện các hoạt động mà chúng thường tránh thực hiện do rối loạn cảm giác. Liệu pháp này có thể giúp cải thiện kỹ năng vận động tinh như viết chữ, sử dụng kéo,… Ngoài ra, liệu pháp cũng giúp cải thiện kỹ năng vận động thô như leo cầu thang, ném bóng,… và kỹ năng hàng ngày như mặc quần áo và cách sử dụng các đồ dùng cá nhân.

Liệu pháp tích hợp cảm giác

Mục đích của liệu pháp này là thử thách trẻ một cách vui vẻ, thoải mái trong môi trường được kiểm soát để chúng học cách phản ứng lại phù hợp với kích thích môi trường từ đó giúp trẻ hoạt động và sinh hoạt bình thường. Thông qua liệu pháp này, trẻ sẽ có kỹ năng đối phó với những kích thích trong cuộc sống hàng ngày.

Chế độ điều trị cảm giác

Chế độ điều trị cảm giác là một danh sách các hoạt động được thiết kế giúp trẻ tập trung và ngăn nắp trong sinh hoạt. Các chế độ sinh hoạt này được xây dựng dựa trên nhu cầu cụ thể của trẻ. Ví dụ:

  • Đi bộ 10 phút mỗi giờ;
  • Thời điểm trẻ được đu đưa trong 10 phút hai lần một ngày;
  • Sử dụng tai nghe trong lớp để trẻ có thể nghe nhạc khi đang học.
Những điều cần biết về rối loạn cảm giác 5
Phương pháp điều trị chủ yếu giúp trẻ thực hiện tốt hơn những hoạt động mà bình thường chúng không giỏi 

Đối với người lớn

Việc điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra rối loạn cảm giác. Tốc độ hồi phục phụ thuộc vào mức độ tổn thương và tuân thủ cũng như phối hợp điều trị của bạn với bác sĩ. Chúng có thể gây biến chứng rối loạn cảm giác suốt đời do đó bạn cần tự nỗ lực để có thể hòa nhập xã hội trở lại.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn cảm giác

Chế độ sinh hoạt:

Rối loạn cảm giác có thể thuyên giảm nhờ điều trị tốt nhưng có thể tái phát bấy kỳ lúc nào, do đó cần chú ý những điều sau:

  • Tuân thủ liệu pháp điều trị;
  • Luôn trò chuyện với trẻ hoặc người lớn trong nhà bị rối loạn cảm giác để tránh tình trạng tự ti, trầm cảm hay bị cô lập;
  • Tránh đến nơi công cộng đối với rối loạn tăng cảm giác;
  • Theo dõi các biểu hiện bất thường của trẻ;

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ ăn phù hợp với trẻ;
  • Không sử dụng thức ăn gây khó chịu cho trẻ;
  • Bổ sung đầy đủ chất.

Phương pháp phòng ngừa rối loạn cảm giác hiệu quả

Bạn không thể phòng ngừa rối loạn cảm giác ở trẻ do nguyên nhân gây ra tình trạng này đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên hãy đánh giá tình trạng rối loạn cảm giác ở trẻ có nguy cơ cao như sinh non, cân nặng khi sinh thấp, mẹ sử dụng chất kích thích trong thời gian mang thai,... hoặc trên những trẻ có tình trạng bệnh lý như tự kỷ, tăng động, rối loạn giấc ngủ,…

Đối với người lớn, nguyên nhân gây ra rối loạn cảm giác chủ yếu do nguyên nhân thực thể do đó phòng ngừa chủ yếu bằng cách điều trị tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và bảo vệ đầu tránh chấn thương gây tổn thương não.

Nguồn tham khảo
  1. Sensory Processing Disorder: https://www.webmd.com/children/sensory-processing-disorder#1-2
  2. Sensory Processing Disorder: Understanding Sensory Issues in Children: https://www.healthline.com/health/childrens-health/sensory-issues-in-children
  3. What is a sensory processing disorder?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/sensory-processing-disorder 
  4. Sensory Processing Issues Explained: https://childmind.org/article/sensory-processing-issues-explained/
  5. Sensory Processing Disorder (SPD): https://familydoctor.org/condition/sensory-processing-disorder-spd/

Các bệnh liên quan