Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài là gì? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dây thần kinh hông khoeo ngoài (hay còn gọi là dây thần kinh mác chung) là dây thần kinh chi phối phần chi dưới của cơ thể. Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài là bệnh đơn dây thần kinh thường gặp của chi dưới. Các biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng như mất cảm giác, đau và bàn chân rủ cho đến khó đi lại. Bệnh không gây tử vong tuy nhiên nếu không điều trị tốt sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cả người bệnh và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài là gì?

Dây thần kinh hông khoeo ngoài hay còn được biết đến với tên gọi dây thần kinh mác chung, là một trong hai dây thần kinh chính chi phối cho phần chân của bạn. Thần kinh mác chung khi đến cẳng chân sẽ chia thành hai gồm thần kinh mác nông và thần kinh mác sâu, chi phối cho vận động cho cơ duỗi bàn chân và cảm giác của mặt ngoài cẳng chân và mu chân. 

Các tổn thương gây liệt dây thần kinh mác chung thường là do chấn thương đột ngột hoặc chèn ép thần kinh lâu ngày hoặc biến chứng của bệnh đái tháo đường hay tình trạng sinh nở.

Bàn chân rủ là dấu hiệu thường gặp của bệnh, tuy nhiên tổn thương thần kinh L5 cũng có thể gây ra dấu hiệu này. Do đó bạn cần chú ý các triệu chứng khác để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác từ đó đề ra hướng điều trị phù hợp.

Nếu tổn thương dây thần kinh trước đoạn phân chia sẽ gây liệt dây thần kinh mác chung. Nếu tổn thương dây thần kinh sau đoạn phân chia thì tùy thuộc vào thần kinh mác nông hay thần kinh mác sâu sẽ biểu hiện khác nhau. Bài viết này tập trung vào tổn thương dây thần kinh mác chung.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của dây thần kinh mác chung mà biểu hiện lâm sàng của mỗi người bệnh sẽ khác nhau.

  • Bàn chân rủ: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, bạn không thể gấp bàn chân được về phía mu chân. Người bệnh thường phàn nàn thường xuyên bị vấp, khi đi lại bàn chân thường sẽ kéo lê do đó dáng đi thường sẽ nâng cao chân để tránh cho ngón chân kéo lê xuống đất.
  • Giảm cảm giác ở mặt ngoài cẳng chân, mu bàn chân;
  • Tê bì, châm chích, giảm hoặc mất cảm giác ở ngón chân hoặc mặt ngoài cẳng chân;
  • Không duỗi được ngón chân;
  • Teo cơ chân.

Tác động của liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài đối với sức khỏe

Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài khiến bạn giảm khả năng đi lại, cảm giác tê chân gây khó chịu. Những điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc bệnh. Bạn không thể đi làm, khó khăn khi ra ngoài và dễ nhạy cảm với những ánh nhìn xung quanh.

Nếu không điều trị tốt bạn có thể mất cảm giác vùng chân vĩnh viễn. Điều này có thể gây nguy hiểm cho bạn vì bạn không thể cảm giác được nhiệt độ hay phát hiện một vết thương mới trên chân bệnh, do đó có thể dẫn đến các bệnh khác gây nguy hiểm tính mạng của bạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đây là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên nếu không được điều trị sớm và tích cực thì triệu chứng bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn. Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây hãy đến gặp bác sĩ:

  • Rủ bàn chân;
  • Mất cảm giác hoặc tê kéo dài bất thường vùng chân hoặc bàn chân;
  • Cảm giác căng tê trong thời gian bạn bó bột hoặc nẹp vùng chân.
Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài 4
Bạn cần đến gặp bác sĩ khi mất cảm giác hoặc tê kéo dài bất thường vùng chân hoặc bàn chân

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh mác chung, trực tiếp hoặc gián tiếp.

  • Chèn ép dây thần kinh: Là nguyên nhân thường gặp nhất của liệt dây thần kinh mác chung. Các nguyên nhân thường được nhắc đến gồm thường xuyên bắt chéo chân, nằm trên giường kéo dài (trên những người bệnh hôn mê hoặc đặt nội khí quản trong thời gian dài), sau cuộc phẫu thuật kéo dài, nẹp hoặc băng bó quá chặt vùng cẳng chân, khối u chèn ép thần kinh.
  • Chấn thương hoặc tổn thương đầu gối: Trật khớp gối, chấn thương trực tiếp hoặc xuyên thấu.
  • Gãy xương mác đặc biệt đầu trên xương mác, hội chứng chèn ép khoang, gãy xương với mảnh xương di chuyển.
  • Tổn thương cấp tính của dây chằng gối như đứt dây chằng chéo trước.
  • Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần: Liệt dây thần kinh mác chung là biến chứng hiếm gặp của phẫu thuật này.
  • Một số nguyên nhân khác như khối u, bệnh thần kinh đái tháo đường, viêm động mạch nút, bệnh thần kinh di truyền, Charcot-Marie-Tooth có thể gây mất bao myelin ở bất kỳ vị trí nào trên đường đi của dây thần kinh.

Nguy cơ

Những ai có thể mắc phải liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài?

Hiện nay, các nghiên cứu chưa ghi nhận được yếu tố nguy cơ của bệnh liệt dây thần kinh mác chung.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Các nhà nghiên cứu nhận thấy một số tình trạng hoặc thói quen khiến bạn dễ mắc bệnh này hơn so với người bình thường:

  • Vận động viên thể thao như bóng đá;
  • Thể trạng gầy;
  • Tiền sử mắc bệnh tự miễn như viêm động mạch nút;
  • Đái tháo đường;
  • Nghiện rượu;
  • Tiền sử bệnh di truyền như Charcot-Marie-Tooth;
  • Thường xuyên bắt chéo chân khi ngồi và nằm.
Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài 5
Thường xuyên bắt chéo chân khi ngồi là một yếu tố làm tăng nguy cơ liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Khi nghi ngờ bạn có tình trạng tổn thương dây thần kinh mác chung, bác sĩ sẽ khai thác thông tin bệnh sử và khám lâm sàng. Tiền sử chấn thương, bó bột, nghiện rượu, bệnh đái tháo đường hay thói quen bắt chéo chân là những gợi ý cho chẩn đoán.

Các test được thực hiện giúp hỗ trợ chẩn đoán như dấu Tinel, phân tích dáng đi, khám sức cơ, khám phản xạ gân cơ, quan trọng là cần so sánh hai bên chân để xem bên nào tổn thương và mức độ tổn thương nặng hay nhẹ đối với hoạt động sinh hoạt của bạn; nghiệm pháp Babinski nhằm loại trừ tổn thương thần kinh trung ương. Ngoài ra, tổn thương dây thần kinh tọa cũng có thể gây triệu chứng tương tự, do đó khám cột sống thắt lưng cũng cần thiết để loại trừ chẩn đoán.

Nếu bạn không có tiền sử chấn thương rõ ràng, bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng dưới đây nhằm hỗ trợ chẩn đoán xác định vị trí tổn thương, gợi ý nguyên nhân cũng như giúp lên kế hoạch điều trị cho phù hợp với bạn.

X-quang

Khi bác sĩ nghi ngờ bạn tổn thương thần kinh mác chung, X-quang sẽ là cận lâm sàng hình ảnh học đầu tiên được chỉ định. X-quang có thể giúp đánh giá tình trạng gãy xương, chèn ép của mô mềm lên xương.

CT-scan/MRI

Ngoài X-quang thì CT-scan và MRI cũng là hình ảnh học được sử dụng nhiều hiện nay. CT-scan được chỉ định nhằm đánh giá bất thường về xương còn MRI thường được chỉ định nếu nghi ngờ tổn thương ở mô mềm.

Điện cơ

Điện cơ được chỉ định để xác định chính xác liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài và tổn thương của dây thần kinh là tổn thương sợi trục hay bao myelin. Điện cơ còn có thể xác định chính xác vị trí tổn thương. 

Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài 6
Điện cơ được chỉ định để xác định chính xác liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Phương pháp điều trị liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Khi bạn được chẩn đoán liệt dây thần kinh mác chung, bác sĩ sẽ tư vấn để bạn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bạn và chi phí bạn có. Hiện nay có hai hướng điều trị chính cho bệnh liệt thần kinh mác chung là phẫu thuật và không phẫu thuật (hay điều trị bảo tồn).

Phương pháp không phẫu thuật

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm nẹp cổ bàn chân và vật lý trị liệu. Nẹp cổ bàn chân được dùng nếu bạn có tình trạng rủ bàn chân. Nẹp được sử dụng nhằm cố định cho bàn chân vuông góc với cẳng chân, giữ cổ chân tránh bị lật. Vật lý trị liệu cho liệt dây thần kinh mác chung là tập hợp các bài tập vận động chủ động và thụ động nhằm tăng cường sức mạnh các cơ, tăng cường khả năng thăng bằng. Ngoài ra, chườm đá, nẹp hoặc băng cổ chân cũng có thể được xem xét lựa chọn bổ sung cho chế độ điều trị của bạn.

Phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật thường được ưu tiên khi tình trạng bệnh của bạn tiến triển xấu đi nhanh chóng, không cải thiện sau 3 tháng điều trị bảo tồn và vết thương hở có nguy cơ đứt dây thần kinh. Khi bạn bị liệt thần kinh mác chung do nguyên nhân chèn ép, phẫu thuật giúp giảm áp lực chèn ép lên dây thần kinh hoặc loại bỏ khối u chèn lên thần kinh. Các phương pháp phẫu thuật gồm phẫu thuật giải áp thần kinh, phẫu thuật ghép thần kinh,...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

Chế độ sinh hoạt:

Cần chú ý và tuân thủ các chế độ sinh hoạt sau tránh bệnh diễn tiến nặng hoặc gây ra các bệnh khác kèm theo:

  • Tuân thủ phương pháp điều trị bạn đã chọn;
  • Sử dụng nẹp cổ bàn chân;
  • Tránh các vận động mạnh có thể gây chấn thương đến vùng chân;
  • Không bắt chéo chân;
  • Nằm ngủ ở tư thế trung tính, tránh gập gối quá lâu (kể cả khi nằm và ngồi).

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bạn. Ưu tiên các thực phẩm luộc, hấp, hạn chế các thức ăn dầu mỡ, chiên xào hay thức ăn chế biến sẵn.

Phương pháp phòng ngừa Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài hiệu quả

Các phương pháp giúp phòng ngừa liệt dây thần kinh mác chung mà bạn có thể áp dụng:

  • Tránh các môn thể thao dễ gây chấn thương vùng gối;
  • Tránh bắt chéo chân hoặc tạo áp lực kéo dài lên phía sau hoặc bên của đầu gối;
  • Khi có chấn thương ở đầu gối cần điều trị ngay;
  • Khi bó bột hoặc nẹp vùng chân lâu ngày cần báo với bác sĩ nếu bạn cảm thấy cảm giác căng hoặc tê;
  • Tránh gập gối quá lâu khi ngồi hoặc nằm.
Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài 7
Cần điều trị ngay khi có chấn thương ở gối để phòng ngừa liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài
Nguồn tham khảo
  1. Peroneal Nerve Injury: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24263-peroneal-nerve-injury
  2. Peroneal Nerve Palsy I: Evaluation and Diagnosis: https://www.upoj.org/wp-content/uploads/v26/31_Morris.pdf
  3. Peroneal Nerve Injury: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK549859
  4. Common peroneal nerve dysfunction: https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/common-peroneal-nerve-dysfunction
  5. Peroneal Nerve Injury in the Leg: What You Should Know: https://www.healthline.com/health/peroneal-nerve-injury 

Các bệnh liên quan

  1. Sai khớp

  2. Hội chứng rung giật cơ lành tính

  3. Thoái hóa cột sống

  4. Viêm khớp tự miễn

  5. Viêm đa rễ dây thần kinh

  6. Viêm khớp cổ

  7. Thoái hóa đốt sống cổ

  8. Đau đầu Arnold

  9. Loạn dưỡng cơ Duchenne

  10. Đau khớp