Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Horton là gì? Dấu hiệu và phương pháp điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Horton là bệnh lý viêm các động mạch trung bình và lớn. Đây thường được coi là bệnh của người lớn tuổi và không xảy ra trước 50 tuổi. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là mất thị lực hoàn toàn không hồi phục do thần kinh thị giác thiếu máu nuôi, có thể xảy ra ở cả hai bên. Điều trị sớm bằng corticosteroid có thể giúp bảo vệ thị lực.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Horton là gì?

Bệnh Horton còn được gọi là viêm động mạch thái dương hay viêm động mạch tế bào khổng lồ là một bệnh lý viêm mạch trong đó các động mạch thái dương cung cấp máu cho não, mắt và vùng đầu bị viêm hoặc bị tổn thương gây hẹp. Theo một thống kê năm 2021, tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới là 10/100.000 ở những người trên 50 tuổi. Tỷ lệ tử vong hàng năm khoảng 20/1.000 người.

Bệnh Horton chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Bệnh thường gây ảnh hưởng đến các động mạch thái dương tuy nhiên bệnh vẫn có thể ảnh hưởng đến các động mạch khác như động mạch mắt, động mạch cảnh, động mạch chủ,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Horton

Các triệu chứng của bệnh Horton không đặc hiệu cho bệnh, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp bao gồm:

Đau đầu

Đau đầu mới xuất hiện hoặc thay đổi tính chất đau so với những cơn đau đầu trước đây. Hơn 75% người bệnh Horton có triệu chứng đau đầu, thường là đau đầu tạm thời thoáng qua ở vùng chẩm, quanh ổ mắt. 

Đau đầu khởi phát âm thầm và cường độ tăng dần theo thời gian. Cơn đau đầu có thể dữ dội và không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường. Đau da đầu khi chải tóc là triệu chứng thường gặp, xuất hiện ở vùng thái dương hoặc lan tỏa cả đầu.

Cứng hàm

Cứng hàm hay đau và cảm giác khó chịu khi nhai hoặc nói chuyện do máu cung cấp cho cơ hàm giảm là triệu chứng khá đặc trưng của bệnh Horton và gặp ở 30% người bệnh. Giảm lưu lượng máu còn có thể gây hoại tử lưỡi, mặc dù hiếm gặp.

BỆNH HORTON 4.jpeg
Cứng hàm khi nhai hoặc nói chuyện là dấu hiệu khá đặc trưng của bệnh

Triệu chứng về thị giác

Các triệu chứng về thị giác gặp ở 15% người bệnh Horton do thần kinh thị giác thiếu máu nuôi vì viêm mạch ảnh hưởng đến động mạch mắt. 

Ban đầu, người bệnh có thể chỉ thấy mất thị lực thoáng qua (hay mù thoáng qua), xuất hiện đột ngột, không đau. Có thể xảy ra một bên hoặc hai bên, có nguy cơ cao sẽ mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị. Mất thị lực có thể một phần hoặc hoàn toàn và không thể hồi phục.

Nhìn đôi cũng có thể gặp ở bệnh Horton do liệt dây thần kinh vận nhãn vì thiếu máu nuôi và thường xuất hiện trước khi mất thị lực xảy ra.

Đau nhiều cơ dạng thấp

Đau nhiều cơ dạng thấp và bệnh Horton có chung cơ chế bệnh sinh. Đau nhiều cơ dạng thấp được đặc trưng bởi viêm màng hoạt dịch và viêm quanh khớp, thường ở khớp vai và hông, gây đau và cứng khớp, giảm biên độ vận động. Đau nhiều cơ dạng thấp có thể xuất hiện trước hoặc sau bệnh Horton.

Triệu chứng về thần kinh

Có khoảng 30% người bệnh Horton gặp các triệu chứng thần kinh. Cơn thoáng thiếu máu não hoặc đột quỵ là những bệnh thường gặp. Bệnh đơn dây thần kinh hoặc bệnh thần kinh ngoại biên nhất là tổn thương rễ thần kinh C5 khiến người bệnh không thể dạng vai. Bệnh Horton không ảnh hưởng đến động mạch nội sọ.

Triệu chứng về hô hấp

Khoảng 10% người bệnh Horton bị ho khan hoặc ho đờm, đau họng hoặc khàn giọng.

Triệu chứng ngoài sọ

Tổn thương ngoài sọ xuất hiện ở khoảng 10 đến 15% người bệnh Horton. Bao gồm động mạch chủ ngực, động mạch chủ bụng, động mạch cảnh, động mạch dưới đòn,... Các triệu chứng tổn thương ngoài sọ gồm đau cách hồi chi trên, âm thổi động mạch, mất mạch chi trên, mạch và huyết áp không đều hai bên ở chi trên, hội chứng Raynaud.

Tuy nhiên, những triệu chứng trên không đặc trưng cho bệnh Horton mà nó có thể xảy ra do những bệnh lý khác. Mức độ, thời gian của mỗi triệu chứng trên mỗi người bệnh cũng sẽ khác nhau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Horton

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh Horton, điều quan trọng nhất là bạn phải điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Giảm hoặc mất thị lực là biến chứng nghiêm trọng nhất. Các biến chứng khác:

  • Viêm và tổn thương các mạch máu khác trong cơ thể;
  • Phình mạch, bao gồm phình động mạch chủ, bóc tách động mạch chủ (hiếm gặp);
  • Yếu cơ mắt;
  • Đột quỵ.
BỆNH HORTON 6.jpeg
Mất thị lực là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hay đi khám tại các cơ sở y tế khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên khiến bạn lo lắng để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Horton

Bệnh Horton đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Một số yếu tố và môi trường được cho là có liên quan đến bệnh Horton. Gen HLA loại II được thấy rằng có liên quan chặt chẽ tới bệnh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh có thể liên quan đến nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Một số loại virus hoặc vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra bệnh Horton gồm:

  • Virus varicella-zoster (VZV): Virus gây bệnh thủy đậu và zona;
  • Virus herpes simplex;
  • Virus Epstein–Barr (EBV): Virus gây bệnh bạch cầu đơn nhân;
  • Vi khuẩn Chlamydia pneumoniae;
  • Vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae.

Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng chứng minh chắc chắn hay bác bỏ những nguyên nhân trên.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Horton?

Nguy cơ mắc bệnh Horton cao hơn ở người già, từ 60 tuổi trở lên. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Horton

Các yếu tố môi trường và di truyền được cho là có vai trò làm phát bệnh.

  • Tuổi cao: Bệnh không xảy ra ở người dưới 50 tuổi, tuổi khởi phát bệnh trung bình là 75 tuổi.
  • Giới: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh gấp 2 đến 6 lần so với nam giới.
  • Chủng tộc: Người da trắng ở Bắc Âu hoặc Scandinavia thường gặp nhất.
  • Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh Horton.
  • Những người mắc bệnh đau nhiều cơ dạng thấp.
  • Hút thuốc lá.
BỆNH HORTON 5.jpeg
Các yếu tố môi trường và di truyền được cho là có vai trò làm phát bệnh

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Horton

Kiểm tra sức khỏe

Bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn mắc bệnh Horton nếu bạn trên 50 tuổi và có triệu chứng đau đầu mà trước đây chưa từng xuất hiện. Khám sức khỏe toàn diện nhất là khám vùng đầu, nơi có động mạch thái dương.

Xét nghiệm máu

Tốc độ máu lắng (ESR) và protein C phản ứng (CRP) thường tăng cao trong bệnh Horton. Tuy nhiên ESR vẫn có thể dương tính giả ở những người mắc bệnh thận, thiếu máu, tuổi, mắc bệnh ác tính…

Công thức máu toàn phần có thể bình thường hoặc biểu hiện tình trạng thiếu máu hoặc tăng tiểu cầu.

Giải phẫu bệnh

Giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh Horton. Bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết động mạch thái dương ngay khi nghi ngờ bạn mắc bệnh Horton để lấy mẫu bệnh phẩm nhằm tiến hành giải phẫu bệnh. Sự hiện diện của hình ảnh tế bào khổng lồ đặc trưng ở mẫu sinh thiết hoặc tình trạng viêm động mạch dưới kính hiển vi cho thấy bạn đã mắc bệnh Horton.

Nếu giải phẫu bệnh cho thấy hình ảnh đặc trưng thì có thể khẳng định chắc chắn là đã mắc bệnh Horton. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp âm tính giả, tức là động mạch thái dương có chỗ bình thường và có chỗ viêm, khi sinh thiết bác sĩ không lấy đúng vị trí bị viêm khiến nhầm lẫn trong kết quả.

BỆNH HORTON 7.jpeg
Giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán

Hình ảnh học

Hình ảnh mạch máu là quan trọng nhất là những người bệnh có triệu chứng ngoài sọ vì có tới 50% người bệnh có kết quả giải phẫu bệnh âm tính. Một số hình ảnh học được sử dụng gồm chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CTA), chụp mạch máu cộng hưởng từ (MRA).

Siêu âm Doppler màu là một phương pháp đang ngày càng được ưa chuộng vì dễ thực hiện và ít tiếp xúc với tia xạ. Tuy nhiên xét nghiệm này đòi hỏi người đọc kết quả phải có năng lực cao.

Phương pháp điều trị bệnh Horton

Mục tiêu điều trị bệnh là ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn cho người bệnh và giảm tình trạng viêm gây tổn thương mạch máu. Khi nghi ngờ bạn mắc bệnh Horton, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị ngay lập tức mà không cần kết quả xét nghiệm.

Thuốc Corticosteroid

Phương pháp điều trị chính cho bệnh Horton là corticosteroid. Ngay cả khi kết quả xét nghiệm vẫn chưa có, bác sĩ vẫn có thể kê đơn thuốc corticosteroid đường uống ngay lập tức nếu nghi ngờ người bệnh mắc bệnh Horton.

Prednisone là thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay và đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa mất thị lực và ngăn hoạt động của bệnh. Tình trạng viêm mạch máu thường cải thiện trong vòng 2 đến 4 tuần.

Nếu bạn chưa bị mất thị giác, liều khởi đầu thường là 1 mg/kg/ngày, tương đương 40 đến 60 mg/ngày chia thành nhiều lần trong ngày. Nếu bạn đã mất thị lực hoặc nguy cơ mất thị lực cao, liều prednisone có thể cao hơn hoặc chuyển qua tiêm tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ giảm liều từ từ corticosteroid từ từ trong 4 đến 6 tháng, tránh giảm nhanh liều vì có thể gây tái phát bệnh.

Thông thường những người mắc bệnh Horton sẽ điều trị bằng corticosteroid trong ít nhất 1 năm, một số trường hợp có thể phải dùng liều thấp uống duy trì suốt đời.

Tác dụng phụ của corticosteroid

Tuy đã được chứng minh là có tác dụng trong điều trị nhưng tác dụng phụ của việc sử dụng corticosteroid là rất đáng kể. Bạn cần tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm các tác dụng phụ của corticosteroid.

Một số tác dụng phụ thường gặp:

  • Tăng cân;
  • Tăng đường huyết;
  • Mỏng da;
  • Bầm tím;
  • Giảm chức năng hệ miễn dịch;
  • Khó ngủ;
  • Mụn trứng cá;
  • Thay đổi tâm trạng hoặc cảm thấy khó chịu;
  • Tim đập nhanh hoặc cảm thấy bồn chồn;
  • Phù chân…

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng corticosteroid làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như:

  • Loãng xương;
  • Huyết áp cao;
  • Yếu cơ;
  • Tăng nhãn áp;
  • Đục thủy tinh thể.

Thuốc không chứa steroid

Vì những tác dụng phụ đáng kể của corticosteroid nên trong một vài trường hợp bác sĩ có thể xem xét các phương pháp điều trị khác giúp giảm liều corticosteroid. Phương pháp này có lợi cho những người bệnh có nguy cơ cao bị tác dụng phụ của corticosteroid. Các loại thuốc không chứa steroid hiện nay được sử dụng gồm:

  • Tocilizumab: Là một chất ức chế IL-6, nhiều thử nghiệm cho thấy Tocilizumab giúp giảm liều điều trị corticosteroid, ngoài ra còn giúp giảm tái phát so với corticosteroid.
  • Aspirin: Aspirin liều thấp có thể giảm tỷ lệ mất thị lực và đột quỵ ở người bệnh Horton. Đây là được cho là liệu pháp hỗ trợ nếu không có chống chỉ định.
  • Methotrexate: Vai trò của Methotrexate trong điều trị bệnh Horton còn nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc này giúp giảm sử dụng steroid, một số nghiên cứu khác thì không.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Horton

Một số biện pháp dưới đây giúp giảm mức độ nghiêm trọng của một số triệu chứng cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ khi sử dụng corticosteroid.

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Tập thể dục thường xuyên như đi bộ;
  • Kiểm tra mật độ xương định kỳ;
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Giảm lượng muối ăn, hạn chế chấm mắm hay tương, các sản phẩm đóng hộp;
  • Bổ sung vitamin D và canxi.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Horton hiệu quả

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp để phòng ngừa bệnh Horton. Quan trọng nhất là điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng của bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. Temporal Arteritis: https://www.healthline.com/health/temporal-arteritis
  2. Temporal Arteritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459376/
  3. Giant cell arteritis/temporal arteritis/Horton's disease: https://www.autoimmuneinstitute.org/autoimmune-resources/autoimmune-diseases-list/giant-cell-arteritis-temporal-arteritis-hortons-disease/
  4. Horton's disease: still an important medical problem in ...: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5831291/
  5. Horton Syndrome: https://accessanesthesiology.mhmedical.com/content.aspx?bookid=852§ionid=49517696

Các bệnh liên quan

  1. Suy tủy xương

  2. Bệnh gan sung huyết

  3. Hạ magie máu

  4. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

  5. U nang dây thanh

  6. Nang đơn thận

  7. Viêm bàng quang cấp

  8. Não chấn thương mãn tính

  9. Tắc mạch máu não

  10. Nhiễm khuẩn Listeria