Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vẹo cột sống tự phát là gì? Những vấn đề cần biết về vẹo cột sống tự phát

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh vẹo cột sống là tình trạng cột sống mất đi đường cong sinh lý bình thường. Chẩn đoán dựa bởi tình trạng cong vẹo cột sống trên lâm sàng và X-quang cột sống thắt lưng. Điều trị chứng vẹo cột sống phụ thuộc vào mức độ nặng của độ cong vẹo cột sống. Đây là một bệnh lý tương đối phổ biến ở giới trẻ hiện nay.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vẹo cột sống tự phát là gì?

Khi nhìn từ phía trước hoặc phía sau cột sống bình thường phải thẳng khi cột sống lệch sang phải hoặc sang trái thì được gọi là vẹo cột sống. Vẹo cột sống được định nghĩa theo y khoa khi góc cobb lớn hơn mười độ. Vẹo cột sống ngày càng phổ biến với tỷ lệ khoảng 5% dân số. Tình trạng cong vẹo cột sống thường được phát hiện ở tuổi dậy thì (2 - 3% trẻ) bởi đây là giai đoạn cột sống của trẻ biến dạng rất nhanh. Vẹo cột sống phổ biến nhất ở vùng ngực và thắt lưng của cột sống (có thể liên quan đến một hoặc cả hai vùng này). Ngày nay đa phần các trường hợp được phát hiện muộn hơn tuổi khởi phát bệnh do trẻ hay mặc quần áo rộng và sự thiếu quan tâm của cha mẹ.

Có 3 nhóm nguyên nhân gây bệnh vẹo cột sống ở trẻ em:

  • Nhóm 1: Cong vẹo cột sống tự phát là dạng cong vẹo cột sống không có nguyên nhân rõ ràng và thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì.
  • Nhóm 2: Cong vẹo cột sống do di tật bẩm sinh tức là trẻ mắc các dị tật của cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống,... gây nên vẹo cột sống từ lúc vừa sinh ra.
  • Nhóm 3: Cong vẹo cột sống do tư thế không đúng trong thời gian dài như ngồi học không đúng do kích thước bàn không phù hợp chiều cao, trẻ vừa nằm vừa học, vừa nằm vừa ngồi, mang vác quá nặng, bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn,...

Trong đó vẹo cột sống tự phát ở thanh thiếu niên là nhóm phổ biến nhất.

Triệu chứng

Những triệu chứng của vẹo cột sống tự phát

Các triệu chứng và dấu hiệu của chứng vẹo cột sống tự phát có thể kín đáo khi độ cong vẹo cột sống ở mức độ nhẹ hay biểu hiện rõ ràng, dễ nhìn thấy khi độ cong vẹo nặng nề. Người bệnh có thể thấy đau mỏi ở vùng thắt lưng sau khi ngồi lâu hoặc đứng là triệu chứng đầu tiên khi vẹo cột sống nhẹ chưa thể nhìn rõ trên lâm sàng. Bệnh vẹo cột sống được nghi ngờ khi có sự mất đối xứng các cấu trúc giải phẫu 2 bên cơ thể như: Một vai cao hơn vai còn lại, có sự khác biệt về độ dài chân, không đối xứng 2 bên lòng ngực, quần áo không thẳng thớm.

Vẹo cột sống tự phát là gì? Những vấn đề cần biết về vẹo cột sống tự phát 1
Bất thường các mốc giải phẫu 2 bên cơ thể gợi ý tình trạng vẹo cột sống

Tác động của vẹo cột sống tự phát đối với sức khỏe

Vẹo cột sống không gây ảnh hưởng tức thời đến sức khỏe người mắc nhưng có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc về lâu về dài.

Biến chứng có thể gặp vẹo cột sống tự phát

Bất thường cột sống có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc và tâm lý xã hội của người mắc. Nếu không được quan tâm đúng mức trẻ mắc bệnh có thể bị bất thường dáng đi vĩnh viễn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cột sống hãy đưa trẻ đến bác sĩ chỉnh hình hay bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây vẹo cột sống tự phát

Nguyên nhân chính xác của chứng vẹo cột sống vẫn chưa được biết rõ trong phần lớn các trường hợp, đặc biệt là chứng vẹo cột sống vô căn ở thanh thiếu niên (AIS). Tuy nhiên, một số yếu tố đã được xác định là có thể góp phần vào sự phát triển của tình trạng này:

  • Di truyền: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng vẹo cột sống có thể di truyền trong gia đình. Mặc dù phần lớn các nghiên cứu không đề cập gen cụ thể nào được xác định là nguyên nhân duy nhất gây vẹo cột sống nhưng người ta tin rằng sự kết hợp của các yếu tố di truyền có thể góp phần vào sự phát triển của chứng vẹo cột sống. Một vài tài liệu cũng chỉ ra rằng các yếu tố di truyền chiếm 1/3 nguyên nhân mắc bệnh và các đột biến gen CHD7 và MATN1 được chứng minh có liên quan đến một số trường hợp vẹo cột sống tự phát.
  • Các yếu tố nội tiết và sinh hóa: Một số nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng nội tiết tố hoặc các yếu tố sinh hóa có thể góp phần trong sự phát triển của chứng vẹo cột sống.
  • Tình trạng thần kinh cơ: Vẹo cột sống cũng có thể phát triển do các bệnh lý thần kinh cơ chẳng hạn như bại não hoặc loạn dưỡng cơ,…
  • Yếu tố thoái hóa: Vẹo cột sống thoái hóa có thể phát triển ở người lớn do quá trình lão hóa tự nhiên và sự hao mòn trên cột sống. Vẹo cột sống tự phát có thể trở nên trầm trọng hơn tình trạng vẹo cột sống tự phát bởi các yếu tố như thoái hóa cột sống, khuân vác không đúng cách,...
Vẹo cột sống tự phát là gì? Những vấn đề cần biết về vẹo cột sống tự phát 2
Chưa chắc chắn về cơ chế và nguyên nhân gây vẹo cột sống tự phát nhưng có một vào yếu tố làm nặng thêm tình trạng này

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải vẹo cột sống tự phát?

Tỷ lệ mắc chứng vẹo cột sống tự phát như nhau ở trẻ trai và gái tuy nhiên tỷ lệ trẻ gái có tiến triển theo chiều hướng xấu và cần can thiệp điều trị gấp 10 lần trẻ trai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải vẹo cột sống tự phát

Sai tư thế trong sinh hoạt và học tập, kiêng vác nặng,... làm tăng nguy cơ mắc vẹo cột sống và nghiêm trọng hơn tình trạng vẹo cột sống tự phát.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vẹo cột sống tự phát

Bất thường cột sống được ghi nhận rõ nhất nhất khi bệnh nhân cúi về phía trước. X-quang kiểm tra bất thường cột sống bao gồm phim chụp thẳng trước sau và chụp nghiêng cột sống. Về mức độ nghiêm trọng của tình trạng vẹo cột sống, người ta phân loại thành 3 mức là nhẹ, trung bình hoặc nặng. Vì chứng vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị vẹo sang một bên, nên mức độ nghiêm trọng của tình trạng này sẽ được xếp loại dựa trên độ lớn góc cong vẹo cột sống. Một phép đo được gọi là 'góc Cobb' được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá chứng vẹo cột sống, đồng thời cũng cho biết cột sống của người bệnh có bị uốn cong và xoắn ra sao so với trục thẳng hàng tự nhiên hay không. Góc Cobb càng cao thì tình trạng vẹo cột sống càng nghiêm trọng:

  • Vẹo cột sống nhẹ - Góc Cobb từ 10 đến 25 độ.
  • Vẹo cột sống vừa phải - Góc Cobb trong khoảng từ 25 đến 40 độ.
  • Vẹo cột sống nặng - Góc Cobb trên 40 độ.

Để đo góc Cobb ta vẽ hai đường trên X-quang trước-sau của cột sống, một đường kéo dài từ đỉnh của đốt sống nghiêng nhất và đường kia từ phía dưới của đốt sống nghiêng nhất và góc tạo bởi hai đường này là góc Cobb. Việc xác định mức độ nghiêm trọng vẹo cột sống không chỉ quan trọng về mặt phân loại mức độ nặng mà còn có ý nghĩa trong việc dự đoán các biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải cũng như dự đoán chiều hướng tiến triển của bệnh.

Vẹo cột sống tự phát là gì? Những vấn đề cần biết về vẹo cột sống tự phát 3
X-quang cột sống thắt lưng là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán vẹo cột sống

Phương pháp điều trị vẹo cột sống tự phát

Vẹo cột sống là một tình trạng không thể chữa khỏi và tiến triển, tức là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn và sẽ diễn tiến dần theo thời gian nhưng không thể xác định rõ là thời gian nào. Các phương pháp điều trị giúp hạn chế tốc độ diễn tiến của bệnh:

  • Vật lý trị liệu và kéo giãn cột sống: Vẹo cột sống ở mức vừa phải (20 đến 40°) được được điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu và nịt lưng để ngăn ngừa sự biến dạng nhiều hơn của cột sống.
  • Trị liệu tâm lý: Vẹo cột sống và phương pháp điều trị như đeo nịt lưng thường gây ảnh hưởng sự tự tin về ngoại hình của thanh thiếu niên mắc bệnh, trong một số trường hợp có thể cần đến tư vấn hoặc trị liệu tâm lý.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được lựa chọn khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa tích cực một thời gian, góc cobb vượt quá 50 độ và bị suy giảm khả năng sinh hoạt hằng ngày, cảm thấy chức năng phổi hoặc thần kinh xấu đi nghiêm trọng, không có khả năng đứng thẳng để thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày,... Loại phẫu thuật phổ biến nhất ở người lớn là phẫu thuật đặt vít để điều chỉnh chứng vẹo cột sống và sau đó là "hàn" các đốt sống lại với nhau bằng cách sử dụng mảnh xương.

Vẹo cột sống có khả năng tiến triển lớn nhất xung quanh tuổi dậy thì. Chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình ngay khi chứng vẹo cột sống tiến triển nặng, cong vẹo nhiều và gây nhiều lo lắng cho người mắc bệnh. 

Vẹo cột sống tự phát là gì? Những vấn đề cần biết về vẹo cột sống tự phát 4
Phẫu thuật là phương pháp điều trị vẹo cột sống hiệu quả ở những bệnh nhân vẹo cột sống nặng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến vẹo cột sống tự phát

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao vừa sức mỗi ngày.
  • Giữ tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động.
  • Giữ cân nặng hợp lý, tránh béo phì.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn uống khoa học, đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu.
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây giàu vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.

Phương pháp phòng ngừa vẹo cột sống tự phát hiệu quả

Các phương pháp điều trị kể trên có thể giúp cột sống khỏe mạnh cũng ít nhiều giúp ngăn ngừa bệnh lý vùng cột sống.

Câu hỏi thường gặp của bệnh vẹo cột sống tự phát

Vẹo cột sống tự phát có phổ biến không?

Bệnh vẹo cột sống tự phát là thể hay gặp nhất trong các bệnh lý gây vẹo cột sống với tỷ lệ từ 2 đến 4% ở trẻ em từ 10 đến 16 tuổi.

Tiên lượng của chứng vẹo cột sống tự phát thế nào?

Góc cobb > 10° được chẩn đoán là vẹo cột sống. Tiên lượng bệnh vẹo cột sống phụ thuộc nhiều vào vị trí vẹo và mức độ nghiêm trọng của bệnh (góc cobb) cũng như tuổi khởi phát bệnh. Có khoảng > 10% số bệnh nhân cần sự can thiệp can thiệp ngoại khoa trong điều trị chứng vẹo cột sống này.

Đeo đai lưng có thể cải thiện tình trạng vẹo lưng không?

Đeo đai lưng là phương pháp điều trị hỗ trợ cho những bệnh nhân có góc cobb dưới 10%. Đai lưng giúp tình trạng vẹo không tăng thêm và có thể cải thiện tình trạng vẹo nhưng cần thời gian lâu dài và hiệu quả tương đối thấp. Cần kết hợp đeo đai lưng và các phương pháp điều trị khác để tăng hiệu quả điều trị.

Chi phí phẫu thuật cột sống thế nào?

Phẫu thuật chỉnh hình cột sống là một phẫu thuật phức tạp, có thể cần thực hiện nhiều lần đối với những trường hợp vẹo cột sống nặng. Chi phí phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, dụng cụ chỉnh hình, số lần thực hiện phẫu thuật,... Bạn nên thảo luận kỹ với bác sĩ điều trị để có sự chuẩn bị phù hợp.

Có thể phòng ngừa vẹo cột sống tự phát không?

Vẹo cột sống tự phát không rõ cơ chế và nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên các thói quen sinh hoạt tốt cho cột sống như tránh khuân vác nặng, khuân vác đúng tư thế, ngồi làm việc ngay ngắn giúp hạn chế tổn thương cột sống.

Nguồn tham khảo
  1. Can Scoliosis Happen Suddenly? How Fast Does It Develop?: https://www.scoliosisreductioncenter.com/blog/can-scoliosis-happen-suddenly
  2. Scoliosis: https://www.nhs.uk/conditions/scoliosis/
  3. What is Scoliosis?: https://www.settingscoliosisstraight.org/what-is-scoliosis/
  4. Scoliosis In Adults: Symptoms, Diagnosis and Treatments: https://www.hss.edu/conditions_scoliosis-adults.asp
  5. Scoliosis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scoliosis/symptoms-causes/syc-20350716

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp phản ứng

  2. Loạn dưỡng cơ Duchenne

  3. Co rút Dupuytren

  4. Đau lưng dưới

  5. Xương thủy tinh

  6. Bệnh Scheuermann

  7. Viêm khớp vai

  8. Lõm ngực bẩm sinh

  9. Vôi hóa sụn khớp

  10. Viêm sụn sườn