Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bong gân cổ chân là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bong gân cổ chân

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bong gân cổ chân là những chấn thương phổ biến xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi và thường gặp trong các hoạt động thể thao. Bong gân cổ chân xảy ra khi các dây chằng bị căng quá giới hạn và bị rách. Mức độ nghiêm trọng của bong gân có thể khác nhau tùy thuộc vào số lượng dây chằng liên quan và mức độ dây chằng bị rách. Hầu hết bong gân cổ chân có thể điều trị khỏi, tuy nhiên nếu không điều trị sớm thì có thể dẫn đến viêm gân mạn tính, đau kéo dài, không thể đi lại bình thường và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bong gân cổ chân là gì?

Bong gân cổ chân là hậu quả của chấn thương chân, đặc biệt là ở cổ chân, mắt cá chân. Các chấn thương này thường là do xoay nhanh cổ chân, di chuyển không cẩn thận gây bong gân, căng hoặc rách dây chằng ở mắt cá chân, cổ chân.

Dây chằng là các sợi cơ giúp cố định khớp, có độ đàn hồi để giúp cổ chân cử động linh hoạt. Bong gân cổ chân xảy ra khi dây chằng bị lệch quá chuyển động bình thường. Hầu hết các trường hợp bong gân cổ chân đều liên quan đến chấn thương ở dây chằng ở mặt ngoài của mắt cá chân.

Điều trị bong gân cổ chân tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, nên liên hệ bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xác định mức độ bong gân, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bong gân cổ chân

Triệu chứng của bong gân cổ chân tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương cổ chân. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau, đặc biệt khi bàn chân chịu thêm lực nặng đè nén;
  • Đau khi chạm vào mắt cá chân;
  • Sưng viêm, vết sưng có màu đỏ hoặc tím;
  • Khó khăn khi di chuyển, vận động.

Biến chứng có thể gặp khi bị bong gân cổ chân

Nếu không điều trị bong gân mắt cá chân đúng cách, tham gia các hoạt động quá sớm sau khi bị bong gân cổ chân nhiều lần có thể bị biến chứng sau:

Bong gân cổ chân là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bong gân cổ chân 4
Nếu bong gân cổ chân không được điều trị đúng cách có thể gây ra viêm khớp cổ chân

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ bác sĩ nếu bạn bị đau và sưng ở mắt cá chân và nghi ngờ bị bong gân hoặc có chấn thương cổ chân trước đó. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể bị tổn thương nghiêm trọng ở dây chằng hoặc gãy xương ở mắt cá chân hoặc cẳng chân.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bong gân cổ chân

Bong gân xảy ra khi dây chằng ở chân lệch ra khỏi vị trí bình thường, điều này có thể khiến dây chằng mắt cá chân bị giãn, rách hoặc đứt hoàn toàn.

Nguyên nhân dẫn đến bong gân cổ chân thường là:

  • Té ngã khiến mắt cá chân bị trật khớp;
  • Tiếp đất bằng chân sau khi nhảy hoặc xoay;
  • Di chuyển hoặc vận động trên bề mặt không bằng phẳng, dễ té ngã;
  • Bị tác động lên cổ chân (bị giẫm đạp, tai nạn…).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bong gân cổ chân?

Bong gân cổ chân là một chấn thương phổ biến trong thể thao, đặc biệt là trong các môn thể thao đòi hỏi phải nhảy, lăn hoặc vặn bàn chân như bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, bóng chày,... Những người chơi các môn thể thao này có nguy cơ bị bong gân cổ chân nhiều hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bong gân cổ chân

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bong gân cổ chân, bao gồm:

  • Đi bộ hoặc chạy trên bề mặt không bằng phẳng có thể làm tăng nguy cơ bong gân mắt cá chân.
  • Chấn thương mắt cá chân trước đó.
  • Sức mạnh hoặc sự linh hoạt ở mắt cá chân kém có thể làm tăng nguy cơ bị bong gân khi tham gia thể thao.
  • Giày không phù hợp, giày cao gót nói chung khiến mắt cá chân dễ bị chấn thương hơn.
Bong gân cổ chân là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bong gân cổ chân 5
Giày cao gót khiến mắt cá chân dễ bị chấn thương hơn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bong gân cổ chân

Để chẩn đoán bong gân cổ chân, bác sĩ thường sẽ kiểm tra cổ chân, quan sát hình thái và mức độ sưng viêm. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh để hỗ trợ xác định bong gân như:

  • X-quang: Quan sát cấu trúc xương, thường giúp để loại trừ gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Quan sát các mô mềm bên trong mắt cá chân, bao gồm cả dây chằng.
  • Chụp CT: Quan sát vùng cổ chân nhiều góc độ khác nhau và kết hợp chúng để tạo thành hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh 3 chiều.
  • Siêu âm: Giúp đánh giá tình trạng dây chằng hoặc gân khi bàn chân ở các vị trí khác nhau.

Phương pháp điều trị bong gân cổ chân hiệu quả

Điều trị bong gân mắt cá chân tùy thuộc vào mức độ nhẹ hoặc nặng của chấn thương. Mục tiêu điều trị là giảm đau và sưng, thúc đẩy quá trình lành dây chằng và phục hồi chức năng của mắt cá chân.

Tự chăm sóc

Để tự chăm sóc bong gân cổ chân, có thể áp dụng:

  • Nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gây đau chân, sưng tấy hoặc khó chịu.
  • Chườm lạnh bằng nước đá.
  • Để giúp hết sưng, hãy băng ép mắt cá chân bằng băng thun cho đến khi hết sưng, không quấn quá chặt vì nguy cơ ngăn chặn máu lưu thông.
  • Để giảm sưng tấy, hãy nâng mắt cá chân lên cao hơn tim, đặc biệt là vào ban đêm.

Thuốc

Một số loại thuốc giúp giảm đau như paracetamol, thuốc kháng viêm nhóm NSAIDs, corticoid.

Dụng cụ hỗ trợ

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bong gân, bác sĩ có thể đề nghị băng thun, băng thể thao hoặc nẹp hỗ trợ mắt cá chân để ổn định mắt cá chân. Trong trường hợp bong gân nghiêm trọng, có thể cần phải bó bột hoặc đi giày bảo hộ chuyên biệt để cố định mắt cá chân trong khi lành.

Trị liệu

Sau khi giảm sưng và đau đủ để tiếp tục cử động, nên bắt đầu luyện tập để khôi phục khả năng vận động và ổn định của mắt cá chân.

Bong gân cổ chân là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bong gân cổ chân 6
Có thể tập một số bài tập phục hồi sau khi chân đã giảm sưng và đau

Phẫu thuật

Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật được thực hiện khi vết thương không lành hoặc mắt cá chân không ổn định sau một thời gian dài tập vật lý trị liệu và tập phục hồi chức năng. Phẫu thuật có thể được thực hiện để:

  • Nối dây chằng bị rách;
  • Tái tạo dây chằng bằng mô từ dây chằng hoặc gân gần đó.

Hầu hết các bong gân đều lành bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như chườm đá, nâng cao, dùng thuốc không kê đơn và các bài tập phục hồi chức năng đơn giản. Tuy nhiên, nếu mắt cá chân vẫn sưng hoặc đau trong vài tuần mặc dù đã điều trị bảo tồn hoặc nếu bạn gặp khó khăn khi dồn trọng lượng lên mắt cá chân, bạn có thể cần được đánh giá để đảm bảo rằng mình không bị bong gân hoặc gãy xương mắt cá chân nghiêm trọng.

Nếu không được điều trị và phục hồi thích hợp, bong gân nặng mãn tính hoặc không được điều trị có thể làm yếu mắt cá chân, có nhiều khả năng bị thương lại. Bong gân cổ chân lặp đi lặp lại có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài, bao gồm đau mắt cá chân mãn tính, viêm khớp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bong gân cổ chân

Chế độ sinh hoạt:

  • Người bệnh cần phải nghỉ ngơi và hạn chế di chuyển cho đến khi vết thương lành hoàn toàn.
  • Uống thuốc và băng bó vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Người bệnh nên có tinh thần thoải mái, tích cực vì bong gân cổ chân có thể khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm và kịp thời. Do đó không nên căng thẳng ảnh hưởng đến tâm lý, có thể làm cho quá trình điều trị kéo dài hơn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu đạm, kẽm, vitamin C, canxi và vitamin D để đẩy nhanh quá trình lành chấn thương.

Phương pháp phòng ngừa bong gân cổ chân hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Khởi động trước khi vận động mạnh hoặc tập luyện thể thao.
  • Hãy cẩn thận khi di chuyển trên bề mặt không bằng phẳng.
  • Nếu cổ chân đã bị chấn thương trước đó thì nên băng ép hoặc cố định nẹp để hạn chế chấn thương.
  • Mang giày vừa vặn phù hợp.
  • Hạn chế đi giày cao gót.
  • Thực hành rèn luyện sự ổn định, bao gồm các bài tập giữ thăng bằng.
Bong gân cổ chân là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bong gân cổ chân 7
Tập một số bài tập giữ thăng bằng để phòng ngừa bong gân cổ chân
Nguồn tham khảo
  1. Sprained ankle: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sprained-ankle/symptoms-causes/syc-20353225
  2. Sprained Ankle: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/sprained-ankle/
  3. Recovering from an ankle sprain: https://www.health.harvard.edu/pain/recovering-from-an-ankle-sprain
  4. Sprained Ankle: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22048-sprained-ankle
  5. Sprained Ankle: https://www.webmd.com/pain-management/ankle-sprain 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp

  2. Bệnh khớp do thần kinh

  3. đau xương cụt

  4. Viêm bao hoạt dịch khớp vai

  5. Gai xương

  6. Xoắn xương đùi

  7. Loạn dưỡng cơ Duchenne

  8. Thoát vị đĩa đệm

  9. Gù lưng

  10. Viêm khớp gối ở trẻ em