Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm hang vị dạ dày là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm hang vị dạ dày là một trong những căn bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa nghiêm trọng nhất và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đau dạ dày. Viêm hang vị dạ dày khiến bệnh nhân đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn,… Bệnh được khắc phục nếu người bệnh nhận biết dấu hiệu và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan sẽ khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm hang vị dạ dày là gì?

Hang vị là một trong những bộ phận quan trọng của dạ dày và rất dễ bị tổn thương bởi những tác động của vi khuẩn, chế độ ăn uống thiếu khoa học. Viêm hang vị dạ dày là tình trạng hang vị bị viêm loét và tổn thương.

Viêm hang vị dạ dày xảy ra trong một thời gian kéo dài và không được phát hiện, điều trị đúng cách và kịp thời. Bệnh rất dễ tiến triển và biến chứng thành những căn bệnh nguy hiểm hơn: Ung thư dạ dày,…

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm hang vị dạ dày

Nhận biết sớm dấu hiệu viêm hang vị dạ dày sớm giúp bệnh nhân chủ động trong việc khám và điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Đôi khi, bệnh nhân chỉ có biểu hiện không rõ ràng, mờ nhạt, tùy thuộc vào mức độ viêm.

Các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn, liên tục và rõ ràng hơn khi viêm hang vị dạ dày mức độ vừa hoặc nặng. Một số biểu hiện:

  • Đau vùng thượng vị: Dấu hiệu rõ ràng và điển hình ở bệnh nhân viêm hang vị dạ dày. Cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc có thể xuất hiện theo từng cơn, đau tang sau khi ăn no, khi về đêm. Các đau rát trở nên dữ dội, xảy ra thường xuyên hơn khi bệnh đã nặng.

  • Buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng: Khi bệnh nhân viêm hang vị dạ dày, mao mạch vùng này bị phình to nên hoạt động nghiền nhỏ, tiêu hóa thức ăn khó khăn, dẫn đến thức ăn ứ đọng trong dạ dày lâu ngày, cùng với acid dư thừa sẽ gây ra trào ngược dạ dày thực quản, gây buồn nôn và chướng bụng. Tùy thuộc mức viêm hang vị, bệnh nhân cảm giác khó chịu, buồn nôn và nôn ra dịch nhầy có mùi khó chịu.

  • Ợ hơi, ợ chua: Dấu hiệu ợ hơi, ợ chua liên tục hoặc từng cơn, dần dần khiến cổ họng và ngực bệnh nhân đau rát do acid dịch vị dạ dày gây ra tình trạng tổn thương niêm mạc thực quản.

  • Chán ăn: Bên cạnh chứng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, người bệnh cảm thấy chán ăn, ăn uống không ngon miệng do quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng bởi các ổ viêm ở hang vị dạ dày.

  • Da xanh tái: Bệnh nhân hấp thu dinh dưỡng kém hơn bình thường khi bị viêm hang vị dạ dày làm cho tình trạng cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, người bệnh thường xuyên mệt mỏi, da xanh xao.

  • Thay đổi tính chất phân: Phân lúc lỏng, lúc táo, đôi khi có màu đen như hắc ín.

Tác động của viêm hang vị dạ dày đối với sức khỏe

Bệnh viêm hang vị dạ dày nếu được kiểm tra sớm và điều trị đúng phác đồ có thể đẩy lùi bệnh hoàn toàn mà không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người bệnh. Tác động đối với sức khỏe người bệnh khi mắc viêm xung huyết hang vị dạ dày:

  • Gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

  • Gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và thủng dạ dày.

  • Nguy cơ ung thư dạ dày, nhất là trường hợp viêm hang vị dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm hang vị dạ dày

Trong hầu hết các trường hợp, viêm hang vị dạ dày càng kéo dài, mao mạch bị tổn thương càng nhiều thì nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm càng cao:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Mao mạch bị vỡ ra dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

  • Hẹp môn vị: Hoạt động tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng dẫn đến suy nhược cơ thể người bệnh.

  • Thủng dạ dày: Là biến chứng nguy hiểm, xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, nghiêm trọng, cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

  • Ung thư dạ dày: Viêm hang vị dạ dày kéo dài có nguy cơ phát triển khối u ác tính rất khó điều trị và ảnh hưởng sức khỏe, tuổi thọ của bệnh nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi phát hiện những triệu chứng viêm hang vị dạ dày, người bệnh cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa để được khám và điều trị kịp thời. Viêm hang vị dạ dày nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể khỏi và không để lại di chứng. Ngược lại, nếu không chữa trị hoặc chữa trị không đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm hang vị dạ dày

Nguyên nhân viêm hang vị dạ dày rất đa dạng, đôi khi là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân:

  • Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP): Là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày nói chung và viêm hang vị dạ dày nói riêng.

  • Tác dụng không mong muốn khi sử dụng một số thuốc điều trị: Thuốc chống viêm corticoid (prednisolon, dexamethason,...) hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) trong thời gian dài.

  • Căng thẳng: Thường xuyên thức khuya, lo âu, tức giận dẫn đến căng thẳng kéo dài, hoạt động của hệ thần kinh thực vật bị ảnh hưởng, dẫn đến rối loạn chức năng cân bằng yếu tố tấn công – bảo vệ, lâu dần gây ra tình trạng viêm, loét hang vị.

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Bỏ bữa thường xuyên, ăn uống thất thường, ăn quá nó hay để bụng quá đói.

  • Sử dụng các chất kích thích niêm mạc dạ dày thường xuyên: Bia, rượu, cà phê, thuốc lá hay thức ăn cay, nóng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm hang vị dạ dày

Viêm hang vị dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, nhưng phổ biến hơn ở những người > 60 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm hang vị dạ dày 

Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Uống quá nhiều rượu;

  • Hút thuốc lá;

  • Trên 60 tuổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm hang vị dạ dày

Chẩn đoán sơ bộ: Dựa vào những dấu hiệu và triệu chứng viêm hang vị dạ dày.

Chẩn đoán xác định:

Chụp X quang có sử dụng thuốc cản quang: Phương pháp này không đánh giá được mức độ viêm hang vị dạ dày là nhẹ, vừa hay nặng.

Nội soi dạ dày: Tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán và đánh giá mức độ viêm hang vị dạ dày. Nội soi dạ dày còn hỗ trợ sinh thiết niêm mạc hang vị dạ dày bị tổn thương để xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter pylori với 2 kỹ thuật: Nhuộm Gram nhằm xác định hình thể vi khuẩn Helicobacter pylori và thử test urease.

Phương pháp điều trị viêm hang vị dạ dày

Bệnh nhân cần được chẩn đoán tình trạng viêm hang vị dạ dày chính xác trước khi tiến hành điều trị. Sau mỗi đợt điều trị, bệnh nhân nên tái khám định kỳ giúp tầm soát tình trạng và nguy cơ tiến triển của bệnh.

Nguyên tắc điều trị:

Bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng và đánh giá tình trạng bệnh.

Viêm hang vị dạ dày nếu do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra, cần sử dụng kháng sinh thích hợp để điều trị.

Sử dụng thuốc có khả năng trung hòa acid dịch vị, giảm tiết acid,...

Kết hợp điều trị bằng thuốc cùng với chế độ sinh hoạt.

Tái khám sau mỗi đợt điều trị.

Sử dụng thuốc điều trị:

Thuốc giảm tiết acid dịch vị:

  • Thuốc ức chế thụ thể H2 của histamin giúp ngăn cản sự tạo thành acid HCl: Cimetidin, ranitidin,...
  • Thuốc ức chế bơm proton giúp ức chế tế bào viền tiết acid HCl: Omeprazol, lansoprazol,...

Thuốc trung hòa acid HCl: Phosphalugel, Gastropulgit,...

Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương giúp giảm co thắt, giảm đau, an thần: Diazepam,...

Thuốc diệt vi khuẩn Helicobacter pylori khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với Helicobacter pylori.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của viêm hang vị dạ dày

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh thức khuya.

  • Thường xuyên tập thể dục giảm lo âu, tránh căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống điều độ không ăn quá no, không bỏ bữa, không để bụng quá đói, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.

  • Nên nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.

  • Không sử dụng các thức uống có tính chất kích thích dạ dày: Bia, rượu, các thức uống có ga, cà phê,…

  • Không hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích.

  • Không ăn thức ăn chua, các loại thức ăn chế biến dạng sống, nhiều dầu mỡ và các loại gia vị cay nóng.

Phương pháp phòng ngừa viêm hang vị dạ dày

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý.

  • Nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.

  • Không nên ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ (các món chiên, rán, xào,…), đồ chua cay, bia, rượu, cà phê,… Nên uống nhiều nước.

  • Sau khi ăn, nên nghỉ ngơi 30 đến 45 phút. Tuyệt đối không được vận động ngay sau khi ăn, không ăn quá no,…

  • Nên dành thời gian tập thể dục hàng ngày để giúp cơ thể tăng sức đề kháng và tinh thần thoải mái hơn.

  • Thăm khám định kỳ giúp tầm soát tình trạng bệnh hoặc nguy cơ tiến triển của bệnh.

  • Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, nên thăm khám bác sỹ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/gastritis-and-peptic-ulcer-disease/overview-of-gastritis

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/symptoms-causes/syc-20355807

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/diagnosis-treatment/drc-20355813

  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10349-gastritis

Các bệnh liên quan

  1. Ợ nóng

  2. Béo phì độ 1

  3. Hẹp môn vị phì đại

  4. Viêm túi thừa đại tràng

  5. Suy gan mạn

  6. Đau dạ dày không do viêm loét

  7. Hội chứng loét trực tràng đơn độc

  8. Chán ăn

  9. Tiêu chảy

  10. Viêm dạ dày mạn tính