Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bàng quang tăng hoạt (Overactive Bladder Syndrome) là hội chứng phổ biến trong cộng đồng, đặc trưng bởi tình trạng muốn đi tiểu thường xuyên, đột ngột và khó kiểm soát. Bàng quang tăng hoạt không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng to lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bàng quang tăng hoạt là gì?

Ở người, bàng quang là một cơ quan rỗng nằm ở sàn chậu. Nước tiểu từ thận lọc ra sẽ được chứa ở bàng quang sau đó thải ra ngoài qua đường tiểu. Bàng quang có thể chứa khoảng 500ml nước tiểu. Nhưng bạn thường cảm thấy buồn tiểu khi nó chứa khoảng 200 - 300ml.

Bàng quang tăng hoạt gây ra tình trạng buồn tiểu thường xuyên, đột ngột và khó kiểm soát. Bạn có thể cảm thấy cần đi tiểu nhiều lần trong ngày và đêm và cũng có thể kèm tiểu không tự chủ.

Bàng quang tăng hoạt thường gặp nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên. Phụ nữ có thể bị bàng quang tăng hoạt ở độ tuổi trẻ hơn, thường là khoảng 45 tuổi. Bàng quang tăng hoạt là tình trạng phổ biến, nó ảnh hưởng đến 33 triệu người trưởng thành ở Mỹ, trong đó có tới 30% nam giới và 40% phụ nữ.

Bàng quang tăng hoạt làm người bệnh phải muốn đi tiểu quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bàng quang tăng hoạt không tự biến mất. Nếu bạn không điều trị, các triệu chứng của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn, các cơ trong bàng quang giúp kiểm soát đi tiểu có thể trở nên yếu đi và các mô sàn chậu của bạn có thể mỏng đi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là hội chứng bệnh, đặc trưng bởi các triệu chứng sau:

  • Tiểu gấp: Tiểu gấp là tình trạng cần đi tiểu đột ngột, không kiểm soát được.
  • Đi tiểu thường xuyên: Nhu cầu đi tiểu thường xuyên có nghĩa là bạn phải đi vệ sinh thường xuyên hơn bình thường.
  • Tiểu không tự chủ: Là tình trạng đi tiểu không kiểm soát được và bạn có thể bị rỉ nước tiểu không chủ ý.
  • Tiểu đêm: Tiểu đêm là tình trạng phải thức dậy đi tiểu ít nhất hai lần mỗi đêm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào của bàng quang tăng hoạt. Bàng quang tăng hoạt liên quan đến tuổi tác có thể tiến triển dần dần và xấu đi theo thời gian. Nếu các triệu chứng của bạn phát triển đột ngột và bạn bị rò rỉ nước tiểu nhiều, bàng quang tăng hoạt của bạn có thể là triệu chứng của một tình trạng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc vấn đề về thần kinh. Tốt nhất là nên nhờ bác sĩ kiểm tra những triệu chứng này sớm nhất có thể.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt có thể do những nguyên nhân sau:

  • Chấn thương bụng: Mang thai và sinh con có thể làm căng và làm suy yếu cơ sàn chậu của bạn. Cơ sàn chậu của bạn là các cơ và mô hỗ trợ các cơ quan ở vùng bụng dưới của bạn. Bàng quang của bạn có thể bị xệ xuống khỏi vị trí bình thường nếu cơ sàn chậu của bạn yếu đi.
  • Tổn thương thần kinh: Một số bệnh và chấn thương có thể gây tổn thương thần kinh, bao gồm phẫu thuật vùng chậu hoặc lưng, thoát vị đĩa đệm, xạ trị, bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng hoặc đột quỵ có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt.
  • Thuốc lá, rượu và cà phê: Tất cả những điều này có thể làm tê liệt dây thần kinh của bạn, ảnh hưởng đến tín hiệu đến não và khiến bàng quang không giữ được nước tiểu.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), có thể kích thích dây thần kinh bàng quang và khiến bàng quang bị co thắt mà không chủ ý.
  • Tăng cân: Thừa cân có thể gây thêm áp lực lên bàng quang, gây ra tình trạng tiểu không tự chủ.
  • Thiếu hụt estrogen sau mãn kinh: Sự thay đổi nội tiết tố có thể gây ra tình trạng tiểu không tự chủ.
Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Thừa cân có thể gây áp lực lên bàng quang, gây ra tình trạng tiểu không tự chủ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bàng quang tăng hoạt

Những đối tượng có nguy cơ mắc bàng quang tăng hoạt bao gồm:

  • Phụ nữ;
  • Trên 45 tuổi;
  • Sau mãn kinh hoặc thiếu hụt estrogen do phẫu thuật cắt buồng trứng;
  • Mắc bệnh lý thần kinh như đột quỵ, bệnh đái tháo đường;
  • Chấn thương vùng bụng chậu hoặc chấn thương tủy sống.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bàng quang tăng hoạt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bàng quang tăng hoạt bao gồm:

  • Người cao tuổi;
  • Phụ nữ sau mãn kinh;
  • Người bị suy giảm nhận thức: Những người bị đột quỵ hoặc mắc bệnh Alzheimer;
  • Nhiễm trùng tiết niệu;
  • Bệnh đa xơ cứng.
Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Bệnh đa xơ cứng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bàng quang tăng hoạt

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bàng quang tăng hoạt

Bác sĩ có thể chẩn đoán bàng quang tăng hoạt bằng cách đánh giá các triệu chứng của bạn và tiến hành kiểm tra các cơ quan xung quanh khung chậu và trực tràng. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bàng quang tăng hoạt và nguyên nhân gây bệnh. Những xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Tổng phân tích nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu giúp bác sĩ chẩn đoán bạn có nhiễm trùng tiểu hay không.
  • Đo niệu động học: Các xét nghiệm đo lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang, đo tốc độ dòng nước tiểu, kiểm tra áp lực bàng quang.
  • Siêu âm: Siêu âm là một xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn cho phép bác sĩ xem xét chi tiết bàng quang của bạn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Chụp CT là một xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn, tạo ra hình ảnh 3D của bàng quang và các cơ quan xung quanh.

Phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt

Phương pháp điều trị được đề xuất đầu tiên cho người bị bàng quang tăng hoạt là sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, các bài tập để tăng cường cơ sàn chậu và luyện tập bàng quang. Ngoài ra còn có một số loại thuốc có thể hữu ích nếu ba phương pháp đầu tiên này không hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng. Cuối cùng, nếu thuốc và các phương pháp không xâm lấn không có tác dụng thì có thể đề xuất can thiệp phẫu thuật.

Liệu pháp hành vi

Một số liệu pháp hành vi mà bạn có thể thực hiện:

  • Bài tập cơ sàn chậu: Bài tập Kegel tăng cường cơ sàn chậu và cơ vòng tiết niệu. Các cơ được tăng cường này có thể giúp bạn ngăn chặn các cơn co thắt không chủ ý của bàng quang.
  • Ghi nhật ký bàng quang: Bạn sẽ sử dụng nhật ký bàng quang của mình để theo dõi bạn uống gì? Bạn uống bao nhiêu? Bạn ăn gì? Tần suất bạn đi tiểu? Bạn đi tiểu bao nhiêu lần trong ngày? Điều gì khiến bạn đi tiểu, chẳng hạn như ho, hắt hơi hoặc cười? Từ ghi nhật ký bàng quang giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt.
  • Theo dõi chế độ ăn uống của bạn: Ngừng ăn hoặc cắt giảm đồ uống hoặc thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
  • Tránh táo bón: Táo bón có thể gây áp lực lên bàng quang và ảnh hưởng đến chức năng bàng quang.
  • Quản lý cân nặng của bạn: Thừa cân có thể gây áp lực lên bàng quang, góp phần gây ra các vấn đề về bàng quang tăng hoạt.
  • Đào tạo bàng quang: Là rèn luyện bản thân trì hoãn việc đi tiểu khi bạn cảm thấy muốn đi tiểu. Bạn bắt đầu với những khoảng thời gian trì hoãn nhỏ, chẳng hạn như 30 phút, và dần dần tiến tới việc đi tiểu ba đến bốn giờ một lần.
Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Bài tập Kegel tăng cường cơ sàn chậu và cơ vòng tiết niệu

Thuốc

Sau khi mãn kinh, liệu pháp estrogen âm đạo có thể giúp tăng cường cơ và mô ở vùng niệu đạo và âm đạo. Estrogen âm đạo có ở dạng kem, thuốc đạn, viên nén hoặc vòng. Các loại thuốc làm thư giãn bàng quang có thể hữu ích trong việc làm giảm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt và giảm các cơn tiểu không tự chủ. Những loại thuốc này bao gồm: Tolterodine, Oxybutynin, Trospium, Solifenacin, Fesoterodine, Mirabegron.

Kích thích thần kinh

Điều chỉnh các xung thần kinh đến bàng quang có thể cải thiện các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị cho những người có triệu chứng nghiêm trọng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bàng quang tăng hoạt

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 1,5 lít nước/ngày.
  • Bỏ rượu bia, thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng bình thường.
  • Tập Kegel để tăng cường sức cơ sàn chậu.
  • Giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, tập thiền, tập yoga và dành thời gian với bạn bè.
  • Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc có triệu chứng nặng hơn.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng xấu đến bàng quang của bạn. Nên tránh những thực phẩm này nếu bạn đang có tình trạng bàng quang tăng hoạt:

  • Cà phê;
  • Trà;
  • Rượu bia;
  • Soda và đồ uống có ga khác;
  • Một số loại trái cây họ cam quýt;
  • Thực phẩm làm từ cà chua;
  • Sô cô la;
  • Một số món ăn cay.
Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Người mắc phải bàng quang tăng hoạt cần hạn chế thực phẩm cay

Phương pháp phòng ngừa bàng quang tăng hoạt hiệu quả

Để phòng ngừa bàng quang tăng hoạt hiệu quả bạn cần phải:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Hạn chế cà phê và rượu.
  • Duy trì cân nặng bình thường.
  • Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên, hàng ngày.
  • Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước để tránh táo bón.
  • Tập các bài tập để cơ sàn chậu khỏe hơn. 
  • Quản lý các tình trạng mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, vì tiểu đường có thể góp phần gây ra bàng quang tăng hoạt.
Nguồn tham khảo
  1. Overactive Bladder: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14248-overactive-bladder
  2. Overactive Bladder: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/overactive-bladder/symptoms-causes/syc-20355715
  3. Overactive Bladder: https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/o/overactive-bladder-(oab)
  4. Overactive Bladder: https://en.wikipedia.org/wiki/Overactive_bladder
  5. Overactive Bladder: https://www.uhsussex.nhs.uk/resources/overactive-bladder/

Các bệnh liên quan

  1. Ối vỡ non

  2. Viêm amidan hốc mủ

  3. Hội chứng rối loạn cảm giác

  4. Nang đơn thận

  5. Cúm A H3N2

  6. Say nắng

  7. Viêm lưỡi bản đồ

  8. Trĩ ngoại

  9. Sẹo lồi

  10. Bướu giáp đa nhân 2 thùy