Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư buồng trứng là tình trạng mà khi các tế bào trong buồng trứng bắt đầu phát triển và phân chia một cách không kiểm soát, cuối cùng sẽ hình thành một khối u. Hệ thống phân loại FIGO phân ung thư buồng trứng thành 4 giai đoạn. Trong đó, ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là giai đoạn tiến triển nhất, khi ung thư đã lan sang các bộ phận khác trên cơ thể (di căn).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là gì?

Ung thư buồng trứng là một loại ung thư phổ biến, phát triển trong buồng trứng của bạn. Theo số liệu thống kê tại Mỹ, ung thư buồng trứng là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 5 liên quan đến ung thư ở phụ nữ và là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với ung thư phụ khoa.

Việc phân loại giai đoạn ung thư buồng trứng sẽ giúp đánh giá mức độ phát triển và lan rộng của ung thư. Các bác sĩ sử dụng hệ thống phân loại FIGO (Liên đoàn Ung thư Phụ khoa Quốc tế - International Federation of Gynaecological Oncologists) chia ung thư buồng trứng thành 4 giai đoạn. Trong đó, ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là tình trạng khi ung thư đã lan sang các cơ quan khác của cơ thể như gan hoặc phổi, được chia thành 2 nhóm:

  • Giai đoạn 4a: Ung thư đã gây ra sự tích tụ chất lỏng ở màng phổi (tràn dịch màng phổi).
  • Giai đoạn 4b: Là khi ung thư đã lan đến gan, lách, hạch bạch huyết ngoài ổ bụng hoặc các cơ quan khác như phổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Ung thư buồng trứng thường không được chẩn đoán cho đến giai đoạn sau, vì ở giai đoạn sớm, các triệu chứng có thể không được chú ý. Ở giai đoạn 4 của ung thư buồng trứng, bạn có thể gặp các triệu chứng như:

  • Cảm thấy no dù chưa ăn nhiều;
  • Giảm cân mà không rõ nguyên do là gì;
  • Gặp các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Đau bụng và chướng bụng (vùng bụng ngày càng to ra);
  • Nôn mửa;
  • Phải đi tiểu nhiều lần;
  • Đau lưng dưới;
  • Mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Biến chứng có thể gặp khi mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 4 bao gồm biến chứng của bệnh và biến chứng do điều trị:

  • Biến chứng của bệnh: Bạn có thể gặp phải các tình trạng như thiếu máu, mệt mỏi, phù, tắc ruột, tràn dịch màng phổi, rối loạn dinh dưỡng, suy nhược.
  • Biến chứng do hóa trị: Các biến chứng có thể gặp do hóa trị như rụng tóc, buồn nôn và nôn, chán ăn, loét miệng, phát ban ở tay và chân.

Việc trải qua các cảm xúc khác nhau khi được chẩn đoán ung thư như sốc, lo sợ, tức giận hay trầm cảm cũng có thể xảy ra ở người bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 4. Do đó, tìm kiếm lời khuyên và sự giúp đỡ là cần thiết để cải thiện tâm trí và cơ thể của bạn.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Bạn có thể gặp biến chứng rụng tóc do hóa trị điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào của ung thư buồng trứng giai đoạn 4, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Có thể các triệu chứng là do một nguyên nhân khác, tuy nhiên bạn cần được kiểm tra và chẩn đoán bởi bác sĩ thay vì tự mình chẩn đoán bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Nguyên nhân dẫn đến ung thư buồng trứng hay ung thư buồng trứng giai đoạn 4 vẫn chưa được xác định rõ. Ung thư buồng trứng được cho là do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau dẫn đến. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 4?

Bất kỳ ai có buồng trứng đều có thể có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 4. Đặc biệt là ở các đối tượng lớn tuổi hay có các yếu tố gia đình làm tăng khả năng mắc ung thư buồng trứng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Yếu tố nguy cơ là yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc có yếu tố nguy cơ là bạn chắc chắn mắc bệnh ung thư buồng trứng.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư buồng trứng bao gồm:

  • Sự gia tăng của tuổi tác;
  • Các yếu tố gen làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng như BRCA1 và BRCA2;
  • Tiền căn ung thư trước đó, bao gồm ung thư vú trong quá khứ;
  • Hội chứng Lynch cũng có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư buồng trứng;
  • Sử dụng liệu pháp hormone thay thế (HRT);
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Tiếp xúc amiăng;
  • Hút thuốc lá.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Các đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư buồng trứng

Các yếu tố như có sử dụng thuốc tránh thai kết hợp, có con và cho con bú, bị cắt bỏ tử cung hoặc buộc ống dẫn trứng được xem là các yếu tố bảo vệ đối với ung thư buồng trứng nói chung.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, dẫn đến kết quả điều trị kém.

Chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn 4 bao gồm:

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử của bạn, tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, bao gồm yếu tố gia đình. Bác sĩ cũng sẽ khai thác kỹ các triệu chứng mà bạn có, chúng xảy ra khi nào và diễn tiến trong bao lâu.
  • Khám bệnh: Bác sĩ sẽ thực hiện khám tổng thể cho bạn, khám vùng chậu và các vùng khác nếu cần (ví dụ như khám giúp phát hiện tràn dịch màng phổi).
  • Xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán, có thể bao gồm siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xét nghiệm máu và sinh thiết. Việc nội soi ổ bụng có thể được thực hiện giúp xác định giai đoạn hay nội soi đại tràng tìm ung thư đại trực tràng có liên quan.

Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 4 hiệu quả

Mục tiêu của việc điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 4 (ung thư di căn) là kiểm soát bệnh ung thư càng lâu càng tốt, giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn.

Các phương pháp điều trị chính bao gồm phẫu thuật và hóa trị liệu. Các bác sĩ sẽ xem xét một số yếu tố trước khi quyết định liệu có thể thực hiện phẫu thuật hay không, bao gồm:

  • Nơi ung thư đã lan đến (ung thư đã di căn đến đâu);
  • Tình hình sức khỏe chung của người bệnh.

Bạn có thể được thực hiện:

  • Hóa trị trước và sau phẫu thuật;
  • Hóa trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u;
  • Hóa trị không cần phẫu thuật.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Hóa trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả đối với ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Bên cạnh việc điều trị bằng hóa trị liệu, bạn có thể được sử dụng thuốc nhắm trúng đích như bevacizumab, có thể tiếp tục dùng riêng lẻ sau khi kết thúc hóa trị hoặc dùng cùng với olaparib.

Liệu pháp duy trì cũng có thể được sử dụng, nhằm đảm bảo tiêu diệt hiệu quả các tế bào ung thư còn sót lại. Mục đích sử dụng liệu pháp duy trì là giữ cho ung thư không quay trở lại. Các loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị duy trì bao gồm bevacizumab, niraparib, rucaparib và olaparib.

Một lựa chọn điều trị khác nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống (không nhằm mục đích chống lại bệnh ung thư), được gọi là điều trị giảm nhẹ hay chăm sóc giảm nhẹ.

Trong lịch sử, việc điều trị ung thư buồng trứng bằng xạ trị đã được thực hiện trong thời kỳ đầu, tuy nhiên do độc tính và biến chứng ngày càng tăng mà việc sử dụng xạ trị đã không còn thực hiện nữa. Hiện nay, vai trò của xạ trị trong điều trị ung thư buồng trứng chỉ giới hạn ở việc giảm nhẹ, kiểm soát triệu chứng, ví dụ như trong trường hợp không thể phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Chế độ sinh hoạt:

  • Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ sinh hoạt, tập thể dục mà bạn có thể được thực hiện. Việc tập thể dục là một phần quan trọng của cuộc sống sau khi được chẩn đoán bệnh. Tập thể dục có thể giúp giảm đau và tăng sức mạnh, đồng thời giúp giảm mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
  • Trong các nghiên cứu, tập thể dục thậm chí còn được chứng minh giúp tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các khối u.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không có chế độ ăn uống đặc biệt nào dành cho những người bị ung thư buồng trứng giai đoạn 4. Nhưng bạn có thể lựa chọn một số thực phẩm để có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trong quá trình điều trị như trái cây, rau quả, các loại hạt, ngũ cốc, cá, các loại gia vị như tỏi.
  • Bạn cũng nên hạn chế một số thực phẩm nếu đang điều trị ung thư như thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, rượu bia, đường bổ sung.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Bạn cần hạn chế rượu bia khi đang điều trị ung thư

Phương pháp phòng ngừa ung thư buồng trứng giai đoạn 4 hiệu quả

Việc phòng ngừa ung thư buồng trứng giai đoạn 4 cũng giống như phòng ngừa ung thư buồng trứng nói chung. Đối với các yếu tố nguy cơ như yếu tố gen, yếu tố di truyền hay tuổi tác, bạn không thể ngăn ngừa được chúng. Bạn có thể phòng ngừa được một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như:

  • Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc tránh thai, cắt bỏ buồng trứng và tử cung nếu có yếu tố nguy cơ gia đình.
Nguồn tham khảo
  • Ovarian Cancer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK567760/
  • Treatment of Invasive Epithelial Ovarian Cancers, by Stage: https://www.cancer.org/cancer/types/ovarian-cancer/treating/by-stage.html
  • Stage 4 ovarian cancer: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/stages-grades/stage-4
  • Stage IV Ovarian Cancer: https://www.webmd.com/ovarian-cancer/stage-4-ovarian-cancer
  • What’s the Survival Rate for Stage 4 Ovarian Cancer?: https://healthline.com/health/cancer/stage-4-ovarian-cancer-survival-rate
  • Ovarian cancer: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer
  • Risks and causes of ovarian cancer: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/risks-causes
  • Tests for Ovarian Cancer: https://www.cancer.org/cancer/types/ovarian-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư ruột

  2. U xơ thần kinh

  3. Ung thư tuyến tiền liệt

  4. Ung thư xương hàm

  5. Ung thư lưỡi

  6. U sùi thể nấm

  7. U trong ống sống

  8. Ung thư da đầu

  9. Ung thư ruột kết

  10. U sợi thần kinh