Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sertraline: Thuốc chống trầm cảm

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Sertraline (sertralin)

Loại thuốc

Thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén, viên nén bao phim: 25 mg, 50 mg và 100 mg.

Dung dịch uống: 20 mg/ml, có 12% ethanol, lọ 100 ml.

Viên nang: 25 mg, 50 mg.

Chỉ định

Sertraline được chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Chứng trầm cảm.
  • Chứng hoảng sợ kèm hoặc không kèm sợ khoảng trống.
  • Chứng rối loạn ám ảnh - cưỡng bức.
  • Trạng thái căng thẳng tâm lý sau chấn thương.
  • Rối loạn cảm xúc trước kỳ kinh.
  • Chứng xuất tinh sớm.
  • Ghét sợ xã hội.

Dược lực học

Sertraline là một thuốc chống trầm cảm ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin. Dược lý của sertraline phức tạp và có nhiều điểm giống các thuốc chống trầm cảm khác như fluoxetin. Cơ chế chính xác chống trầm cảm của sertraline chưa rõ nhưng thuốc chứng tỏ ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin ở màng nơ ron trước si-nap nên làm tăng nồng độ serotonin ở sinap hệ thần kinh trung ương và làm tăng tác dụng của serotonin.

Động lực học

Hấp thu

Sertraline đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 4,5 - 8,4 giờ. Thức ăn không ảnh hưởng đáng kể đến sinh khả dụng thuốc.

Phân bố

98% thuốc gắn với protein huyết tương.

Chuyển hóa

Sertraline bị chuyển hoá lần đầu ở gan với mức độ nhiều. Ở gan, sertraline được chuyển hoá bằng nhiều con đường, bao gồm thông qua CYP3A4, CYP2C19 và CYP2B6.

Thải trừ

Thời gian bán thải của sertraline khoảng 26 giờ. Sertraline thải trừ chủ yếu dưới dạng chuyển hóa ra phân và nước tiểu với lượng xấp xỉ ngang nhau.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tránh phối hợp sertraline với bất cứ thuốc sau đây: Disulfiram, lobenguan I 123, các thuốc ức chế MAO, pimozid, sibutramin, thioridazin. 

Sertraline có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của: Rượu (Ethyl), thuốc chẹn alpha/beta, thuốc chống đông máu, thuốc chống trầm cảm (ức chế tái hấp thu serotonin/đối kháng), thuốc chống tiểu cầu, aspirin, thuốc chẹn beta, buspiron, carbamazepin, clozapin, thuốc ức chế thần kinh trung ương: các cơ chất CYP2B6, CYP2C19, CYP2D6, CYP3A4, desmopressin, dextromethorphan, drotrecogin alfa, eplerenon, fessoteronin, galantamin, haloperidol, ibritumomab, lithium, maraviroc, methadon, thuốc chống viêm không steroid, phenytoin, pimecrolimus, pimozid, propafenon, ranolazin, risperidon, salicylat, salmeterol, các thuốc điều hòa serotonin, tamoxifen, thioridazin, các thuốc tiêu cục máu, tositumomab, tramadol, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc đối kháng vitamin K.

Nồng độ/tác dụng của sertraline có thể tăng do phối hợp với: Thuốc giảm đau (opioid), buspiron, cimetidin, chất ức chế CYP2D6, dasatinib, disulfiram, macrolid, thuốc ức chế MAO, metoclopramid, omega-3-acid ethyl ester, pentosan, polysulfat natri, thuốc tương tự prostacyclin, sibutramin, tramadol, tryptophan.

Chống chỉ định

Sertraline chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Mẫn cảm với thuốc hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Dùng dung dịch uống sertraline đồng thời với disulfiram (vì trong dung dịch có 12% ethanol) và các thuốc khác có khả năng gây phản ứng giống disulfiram (ví dụ metronidazole).
  • Đang dùng hoặc đã dùng thuốc ức chế monoamine oxidase (IMAO) trong vòng hai tuần.
  • Đang dùng pimozide.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Bệnh trầm cảm:

Liều khởi đầu 50 mg/lần, ngày 1 lần. Cứ sau ít nhất 1 tuần, nếu không có đáp ứng lâm sàng có thể tăng thêm từng bậc 50 mg cho đến liều tối đa 200 mg/ngày. Mỗi đợt điều trị kéo dài nhiều tháng (thường khoảng 6 tháng) để đề phòng nguy cơ tái phát.

Rối loạn ám ảnh - cưỡng bức:

Liều khởi đầu 50 mg/lần/ngày. Cứ sau ít nhất 1 tuần, nếu bệnh không cải thiện được thì tăng thêm mỗi ngày 50 mg cho đến liều tối đa 200 mg/ngày. 

Rối loạn hoảng sợ:

Liều khởi đầu 25 mg/lần/ngày. Cứ sau 1 tuần nếu bệnh không được cải thiện thì tăng thêm mỗi ngày 25 mg cho đến liều tối đa 200 mg/ngày.

Rối loạn tâm lý sau chấn thương:

Liều khởi đầu 25 mg/lần/ngày. Sau một tuần, phải tăng liều lên thành 50 mg/lần/ngày. Nếu không có cải thiện lâm sàng rõ rệt, cứ sau ít nhất 1 tuần có thể tăng thêm từng bậc cho đến liều tối đa 200 mg/ngày.

Rối loạn cảm xúc trước kỳ kinh:

Liều đầu tiên 50 mg/ngày cho liên tục suốt chu kỳ kinh hoặc chỉ cho trong thời kỳ hoàng thể. Nếu không có cải thiện rõ về lâm sàng, liều có thể tăng thêm 50 mg lúc bắt đầu mỗi chu kỳ kinh nguyệt mới cho tới tối đa 150 mg/ngày khi cho liên tục hoặc 100 mg/ngày khi chỉ cho trong thời gian hoàng thể. Nếu liều 100 mg/ngày đã dùng trong thời kỳ hoàng thể, liều có thể tăng dần trong 3 ngày đầu của mỗi thời kỳ hoàng thể.

Ghét sợ xã hội:

Liều khuyến cáo đầu tiên: 25 mg/lần/ngày. Sau 1 tuần, có thể tăng tới 50 mg/lần/ngày. Nếu không đỡ, có thể tăng tới liều tối đa 200 mg/ngày sau ít nhất 1 tuần.

Rối loạn xuất tinh sớm:

Liều trung bình 25 - 50 mg/ngày.

Trẻ em

Rối loạn ám ảnh - cưỡng bức:

Trẻ em từ 13 tuổi trở lên, liều khởi đầu 50 mg/lần/ngày; trẻ em 6 - 12 tuổi liều khởi đầu 25 mg, ngày 1 lần. Cứ sau ít nhất 1 tuần, nếu bệnh không cải thiện được thì tăng thêm mỗi ngày 50 mg (trẻ em 6 - 12 tuổi tăng 25 mg) cho đến liều tối đa 200 mg/ngày. Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Đối tượng khác

Bệnh nhân cao tuổi: Cần dùng liều thận trọng do người cao tuổi có tăng nguy cơ hạ natri huyết.

Bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Không cần hiệu chỉnh liều.

Bệnh nhân suy giảm chức năng gan: Cần thận trọng. Nên bắt đầu với liều thấp hơn và số lần dùng thuốc ít hơn.

Cách dùng

Nên uống thuốc một lần mỗi ngày vào buổi sáng hoặc chiều. Viên nang sertraline phải uống vào bữa ăn. Đối với dạng thuốc dung dịch, sau khi đã tính được liều thích hợp, phải đong chính xác bằng ống nhỏ giọt đã định lượng do nhà sản xuất cung cấp rồi hòa vào dung môi kèm theo thuốc, nếu không có, có thể thay bằng 120 ml nước đun rồi để nguội, nước ngọt có ga hoặc dung dịch nước cam, nước quít. Đổ dịch thuốc đã tính liều vào dung môi hòa loãng rồi uống ngay không được để lâu.

Sau khi trộn, dịch thuốc có thể hơi đục nhưng không ảnh hưởng đến tác dụng, trừ khi pha xong để lâu mới uống.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, buồn ngủ, run, dị cảm, tăng trương lực cơ, loạn vị giác, rối loạn chú ý, giảm tập trung, trầm cảm, ác mộng, lo âu, cáu gắt, giảm tính dục, nghiến răng, tiêu chảy, buồn nôn, khô miệng, đau bụng, nôn, táo bón, đầy bụng khó tiêu, phát ban, ra mồ hôi nhiều, đau cơ, viêm mũi, ngáp, viêm họng, chậm xuất tinh, rối loạn cương dương, đánh trống ngực, bốc hỏa, mệt mỏi, đau ngực.

Ít gặp 

Viêm thực quản, khó nuốt, trĩ, tăng tiết nước bọt, nấc, bệnh ở lưỡi, ảo giác, sảng khoái, vô cảm, ý tưởng bất thường, co giật, co cơ, điều phối bất thường, tăng động, quên, giảm cảm giác, rối loạn ngôn ngữ, chóng mặt khi đứng, đau nửa đầu, phù quanh hố mắt, ban máu, rụng tóc, mồ hôi lạnh, da khô, mẩn ngứa, co thắt phế quản, khó thở, chảy máu cam, thoái hóa khớp, yếu cơ, đau lưng, co cơ, tiểu đêm, bí tiểu, xuất huyết âm đạo, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, bốc hỏa.

Hiếm gặp

Gây gổ, hung hăng, hôn mê, múa giật múa vờn, phân đen, chảy máu trực tràng, viêm miệng, loét lưỡi, viêm lưỡi, viêm răng, chức năng gan bất thường, tăng cholesterol huyết, giảm glucose huyết, viêm da, co thắt thanh quản, tăng thông khí, giảm thông khí, thở rít, mất tiếng, nấc, rong kinh, viêm teo âm hộ âm đạo, khí hư, cương đau, chảy sữa.

Lưu ý

Lưu ý chung

Trầm cảm nặng lên và/hoặc xuất hiện ý tưởng tự sát và hành vi bất thường có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em bị bệnh trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác, dù đang điều trị hay không điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Tất cả các người bệnh đang điều trị bằng thuốc chống trầm cảm với bất kỳ chỉ định nào cũng phải được giám sát và theo dõi chặt chẽ để phát hiện tình trạng lâm sàng xấu đi, ý tưởng tự sát, hành vi thay đổi bất thường.

Triệu chứng hưng cảm đã thấy xuất hiện ở một số rất ít người dùng sertraline. Cần thận trọng và phải ngừng sertraline khi người bệnh bị hưng cảm.

Người bệnh điều trị bằng sertraline phải được giám sát theo dõi chặt để phát hiện các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng serotonin hoặc triệu chứng giống hội chứng ác tính thuốc an thần kinh. 

Không được dùng sertraline cho người bị động kinh không ổn định và người bị động kinh đã được kiểm soát phải được theo dõi tốt. Phải ngừng sertraline khi bị co giật.

Không nên dùng cho trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi, trừ khi bị chứng rối loạn ám ảnh - cưỡng bức. Phải theo dõi sát để phát hiện ý tưởng tự sát. 

Cần thận trọng khi dùng sertraline người bệnh có tiền sử rối loạn chảy máu.

Giảm natri huyết có thể xảy khi điều trị bằng sertraline. Người cao tuổi, người đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc giảm thể tích tuần hoàn do nguyên nhân khác có nguy cơ cao. Triệu chứng giảm natri huyết bao gồm: Đau đầu, khó tập trung tư tưởng, rối loạn trí nhớ, lú lẫn, yếu cơ, không vững dễ ngã. Nếu giảm natri huyết, phải ngừng sertraline và cho điều trị thích hợp.

Các triệu chứng cai thuốc thường gặp khi ngừng thuốc, đặc biệt khi ngừng đột ngột. Các triệu chứng thường gặp: Cảm giác chóng mặt, rối loạn cảm giác, rối loạn giấc ngủ (kể cả mất ngủ, nằm mê nhiều), kích thích, lo âu, buồn nôn và/hoặc nôn, run và đau đầu. Nên giảm dần liều trong vài tuần hoặc tháng, tùy theo nhu cầu người bệnh.

Sertraline có thể gây hội chứng đứng ngồi không yên, thường xuất hiện trong vài tuần đầu điều trị. Nếu tăng liều, có thể gây hại. 

Thận trọng ở người đái tháo đường vì có thể làm thay đổi kiểm soát glucose huyết. 

Sertraline có thể gây chán ăn và sụt cân, nên cần thận trọng khi dùng cho người nhẹ cân.

Dùng thận trọng với người nghiện rượu.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không khuyến cáo dùng sertraline cho người mang thai, trừ khi lợi ích đối với mẹ vượt nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi. Các trẻ sơ sinh phải được theo dõi cẩn thận trong trường hợp dùng sertraline cho mẹ ở giai đoạn sau, đặc biệt trong ba tháng cuối.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Sertraline phân bố vào sữa mẹ nên có thể gây tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bú dùng sertraline phải rất thận trọng, không khuyến cáo.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Mặc dù sertraline ít gây buồn ngủ hơn đa số các thuốc chống trầm cảm hiện có và không gây tổn hại nhiều đến chức năng nhận thức hoặc tâm lý vận động, nhưng vẫn phải thận trọng khi lái tàu xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Sertraline và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng thường gặp khi quá liều gồm: Buồn ngủ, lo âu, buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh, thay đổi điện tâm đồ, giãn đồng tử. 

Cách xử lý khi quá liều

Cần điều trị tích cực. Sertraline không có thuốc giải độc. Vì vậy, khi quá liều thường điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Nếu mới ngộ độc, có thể gây nôn.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Sertraline

  1. Dược thư quốc gia Việt Nam 2015 - Chuyên luận Sertraline
  2. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/2835/smpc
  3. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/sertraline.html

Ngày cập nhật: 26/7/2021