Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ăn dọc mùng bị ngứa làm thế nào?

Ngày 25/05/2023
Kích thước chữ

Dọc mùng là một loại rau xanh được sử dụng trong nhiều món ăn quen thuộc như canh chua dọc mùng, bún dọc mùng, dưa dọc mùng muối,… Tuy nhiên, nhiều người ăn dọc mùng bị ngứa. Trong trường hợp này chúng ta cần làm gì?

Nhiều người thích ăn các món nấu từ dọc mùng vì vị giòn giòn, thanh mát. Nhưng không ít người sau khi ăn xong có cảm giác ngứa râm ran ở miệng. Tuy không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng cảm giác ngứa này ít nhiều khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Nếu bạn chưa biết ăn dọc mùng bị ngứa nên làm gì, thì đây là bài viết dành cho bạn.

Dọc mùng là cây gì?

Dọc mùng hay còn được biết đến với những tên gọi khác là cây bạc hà hay cây rọc mùng. Đây là một loại thuộc họ Ráy, có cuống lá dày và xốp lại mọng nước nên được sử dụng làm thực phẩm. Cuống lá của cây thường vươn cao, có khi lên đến 1m.

Nếu bạn đã từng ăn các món canh sườn chua, bún dọc mùng, bún cá, dọc mùng muối dưa, canh cá nấu dọc mùng,… thì bạn chẳng còn lạ gì loại rau đặc biệt này đúng không nào? Dọc mùng chỉ sử dụng được phần cuống lá. Trước khi mang nấu, người ta phải tước vỏ và sơ chế cẩn thận để loại bỏ các chất gây ngứa trong thân cây. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể còn sót lại và mang đến cảm giác ngứa râm ran trong miệng không mấy dễ chịu.

an-doc-mung-bi-ngưa-1.jpg
Cây dọc mùng được trồng khá phổ biến ở nước ta

Lý do ăn dọc mùng bị ngứa

Có nhiều người thắc mắc vì sao ăn dọc mùng bị ngứa? “Thủ phạm” gây ra tình trạng ngứa ngáy này chính là các chất như canxi oxalat và oxit oxalic có ở lóp vỏ dọc mùng. Thực chất, chúng chính là các tinh thể canxi được ví là sắc như thủy tinh. Khi “đâm” vào tay hay niêm mạng miệng, chúng có thể tạo cho chúng ta cảm giác đau rát. Tùy nồng độ các chất này tồn tại trong món ăn mà chúng ta thưởng thức, cảm giác ngứa rát sẽ có mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau. 

Ngoài ra, trong thân cây dọc mùng cũng có một chất có tên gọi saponin. Thành phần này có thể tạo nên các triệu chứng tê môi, tê lưỡi, cứng hàm. Các nhà khoa học còn cho thấy, chất này hoàn toàn có thể phá vỡ tế bào màu và gây độc cho các loài động vật máu lạnh, đặc biệt là cá. Chất này có vị hắc, có thể khiến chúng ta hắt hơi. Và vì có độc tính nên nó thường được gọi là sapotoxin.

an-doc-mung-bi-ngua-2.jpg
Chất gây ngứa có trong thân và vỏ dọc mùng

Ăn dọc mùng bị ngứa làm thế nào?

Khi ăn dọc mùng bị ngứa, bạn có thể làm giảm cảm giác khó chịu bằng các cách sau: 

Ăn dọc mùng bị ngứa chữa bằng cách uống nhiều nước

Nước có tác dụng “rửa trôi” các chất gây ngứa còn đọng lại trong khoang miệng và cổ họng. Nước cũng giúp cơ thể chúng ta dễ dàng đào thải chất động ra ngoài qua nước tiểu hay tuyến mồ hôi. Vì vậy, nếu bị ngứa sau khi ăn dọc mùng, bạn nên tích cực uống nước lọc nhé!

Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng và súc họng bằng nước muối loãng tự pha hay nước muối sinh lý, ấm cũng là một cách giảm ngứa khá hiệu quả. Nước muối có tính kháng khuẩn, khử trùng tự nhiên cũng sẽ giúp loại bỏ bớt chất gây ngứa bám trong niêm mạc miệng. Bạn lưu ý, không nên dùng nước muối quá đặc hoặc quá nóng sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng và họng.

an-doc-mung-bi-ngua-3.jpg
Uống nhiều nước và súc họng thường xuyên sẽ làm giảm cảm giác ngứa

Bị ngứa khi ăn dọc mùng có phải do dị ứng?

Không ít người đặt ra câu hỏi, liệu cảm giác ngứa khi ăn dọc mùng có phải một triệu chứng của dị ứng thức ăn hay không? Câu trả lời là có. Dù là một loại rau ngon và mát, nhưng dọc mùng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng với những người có cơ địa nhạy cảm. Một số hiếm trường hợp bị sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Các trường hợp dị ứng và sốc phản vệ không thường gặp nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết những triệu chứng điển hình của dị ứng dọc mùng để xử trí kịp thời: 

  • Dị ứng thường xuất hiện sau khi ăn dọc mùng chỉ từ vài phút đến 1 tiếng đồng hồ. 
  • Người bị dị ứng có thể gặp các biểu hiện phổ biến như: Ngứa ran trong khoang miệng, phát ban toàn thân, lưỡi bị sưng phù, mề đay phù môi,…
  • Một số trường hợp dị ứng nặng, đường thở bị sưng phù có thể gây khó thở, ngạt thở. Trường hợp nặng hơn có thể ngất xỉu, mất ý thức, trụy tim,…
  • Khi thấy triệu chứng dị ứng hay sốc phản vệ, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng thực tế của từng bệnh nhân. 
an-doc-mung-bi-ngua-4.jpg
Ăn dọc mùng bị ngứa cũng có thể là triệu chứng của dị ứng

Cách ăn dọc mùng không ngứa

Để khỏi cần lo lắng cần làm gì nếu ăn dọc mùng bị ngứa, tốt nhất bạn nên học ngay cách ăn dọc mùng không ngứa dưới đây: 

  • Chất gây ngứa miệng ở dọc mùng có thể gây ngứa tay. Vì vậy, khi sơ chế dọc mùng bạn nên đeo găng tay làm bếp nhé!
  • Các chất gây ngứa chủ yếu bám ở lớp vỏ của dọc mùng. Bạn cần tước sạch phần vỏ bên ngoài, tuyệt đối không dùng cả vỏ dọc mùng để nấu ăn. 
  • Sau khi tước vỏ xong, bạn nên thái miếng nhỏ rồi ngâm dọc mùng trong nước muối.
  • Sau khi ngâm khoảng 30 phút, bạn tiếp tục bóp dọc mùng với muối rồi rửa đi rửa lại nhiều lần. Bước này làm càng kỹ càng thì càng giảm nguy cơ bị ngứa khi ăn dọc mùng. 
  • Một số chị em cẩn thận còn mang ngâm dọc mùng trong nước đá lạnh. Bằng cách này dọc mùng sẽ bớt ngứa hơn và giòn hơn khi chế biến. 
  • Trước khi nấu, bạn cũng nên trần qua dọc mùng với nước sôi một lần nữa.

Dọc mùng là loại rau xanh xuất hiện trong nhiều món ăn của Việt Nam. Dù có thể gây ngứa, nhưng cảm giác giòn giòn, thanh mát mà nó mang đến lại “gây nghiện” cho nhiều người. Nếu e ngại ăn dọc mùng bị ngứa, bạn chỉ cần sơ chế kỹ càng là có thể yên tâm thưởng thức. Những người lần đầu tiên ăn dọc mùng nên ăn một lượng nhỏ. Khi chắc chắn mình không dị ứng hay ngộ độc thực phẩm này, bạn có thể thoải mái ăn thêm. Hy vọng với những thông tin mà Long Châu cung cấp, bạn đã biết phải làm gì nếu không may bị ngứa vì ăn dọc mùng. 

Xem thêm: Ăn phải khoai ngứa có sao không?

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ngứadị ứng