Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ăn phải khoai ngứa có sao không? Cần làm gì khi ăn phải khoai ngứa?

Ngày 25/05/2023
Kích thước chữ

Khoai ngứa là giống khoai thường mọc nhiều ở các bờ ao, bờ mương, nơi ẩm ướt. Cây khoai ngứa có hình dáng, đặc biệt là củ khá giống khoai môn, khoai sọ hay dọc mùng nên dễ gây nhầm lẫn. Vậy ăn phải khoai ngứa cần làm gì?

Khoai ngứa hay khoai nước là một loài thực vật mọc hoang ở các bờ mương hay khu vực ẩm ướt. Ngày nay, khoai ngứa ít được sử dụng nhưng với đặc tính dễ sinh trưởng, chúng vẫn mọc hoang ở nhiều nơi. Vì có hình dáng khá giống cây khoai môn, khoai sọ hay dọc mùng nên nhiều người bị nhầm lẫn và ăn phải khoai ngứa.

Khoai ngứa là khoai gì?

Cây khoai ngứa cùng là một loài thực vật thuộc họ Ráy giống dọc mùng, khoai môn hay khoai sọ. Tuy nhiên, dọc mùng có thân cây thường được dùng để nấu ăn. Khoai môn, khoai sọ cho thu hoạch củ. Còn khoai ngứa rất ít khi được sử dụng bởi con người. Thực tế, củ khoai ngứa vẫn có thể ăn được nếu được sơ chế đúng cách để loại bỏ chất gây ngứa. Nhưng ngày nay, khi kinh tế phát triển, các gia đình đều có điều kiện hơn, chúng ta hiếm khi thấy khoai ngứa được sử dụng làm thực phẩm.

Trước đây, cây khoai ngứa mọc rất nhiều ở vùng nông thôn và được dùng làm thức ăn cho gia súc. Bộ phận được sử dụng thường là thân và lá cây. Ngày nay, khi nó không còn được sử dụng phổ biến cho mục đích nông nghiệp nữa, nhiều người chỉ biết đến những loại khoai ăn được như khoai môn, khoai sọ. Tuy nhiên, trớ trêu thay, cây khoai ngứa có hình dáng bên ngoài từ lá, thân đến củ đều khá giống các loại khoai ăn được. Đây là lý do nhiều người ăn nhầm khoai ngứa.

an-phai-khoai-ngua-1.jpg
Cây khoai ngứa mọc hoang ở khu vực ẩm ướt

Ăn phải khoai ngứa có sao không?

Trong thân cây khoai ngứa có chứa nhiều oxalat calci. Đây là một hợp chất hóa học nhưng tồn tại dưới dạng các tinh thể hình kim. Chúng ta có thể hình dung chúng cứng như những mảnh thủy tinh sắc nhọn siêu nhỏ. Vì vậy, khi tiếp xúc với bề mặt da hay niêm mạc, chúng sẽ tạo cảm giác ngứa rát. Đây là lý do vì sao loài thực vật này được gọi là khoai ngứa. 

Nếu chỉ tiếp xúc ngoài da, cây khoai ngứa gây ngứa ngoài da. Nhưng nếu ăn phải khoai ngứa, chúng có thể gây dị ứng hoặc nặng hơn là ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng thường gặp nhất khi ăn phải loại khoai này là cảm giác ngứa râm ran đến ngứa rát ở khoang miệng và cổ họng. Triệu chứng nặng hơn do dị ứng có thể bao gồm cả phát ban, mề đay phù môi, tê cứng lưỡi,…

Có những trường hợp hệ hô hấp bị sưng phù gây tắc đường thở, khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi hô hấp. Ngoài ra, một số triệu chứng bệnh nặng khác như nôn ói, ngất xỉu, rối loạn tim mạch. Các trường hợp hiếm gặp còn bị sốc phản vệ khi ăn nhầm khoai ngứa gây nguy hiểm cho tính mạng.

Khi có triệu chứng dị ứng nặng hay sốc phản vệ, người nhà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Khi đó, căn cứ vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời vô cùng nguy hiểm.

an-phai-khoai-ngua-3.jpg
Tinh thể oxalat calci dưới kính hiển vi nhìn như những mảnh thủy tinh

Cần làm gì khi ăn phải khoai ngứa?

Trong hầu hết các trường hợp, ăn phải khoai ngứa không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, cảm giác ngứa rát ở miệng và họng khiến chúng ta thấy thực sự khó chịu. Không có cách nào để các triệu chứng này biến mất hoàn toàn. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chúng thuyên giảm bằng cách: 

Dùng nước muối

Dùng nước muối ấm pha loãng hoặc nước muối sinh lý súc miệng nhiều lần. Mỗi lần súc bạn nhớ súc cả khoang miệng và họng. Làm đi làm lại và thực hiện liên tục có thể giúp loại bỏ bớt chất gây ngứa bám trong niêm mạc miệng và họng. Tuy nhiên, bạn không nên vì quá nôn nóng mà dùng nước muối quá đặc. Việc này có thể khiến cổ họng của bạn bị tổn thương.

Uống nhiều nước để chữa ngứa

Ngoài ra, bạn cũng nên kết hợp uống nhiều nước ấm. Việc uống nước liên tục giúp “rửa trôi” chất gây ngứa khỏi cổ họng. Việc này cũng giúp cơ thể đào thải chất độc dễ dàng hơn qua đường nước tiểu.

Chữa ngứa bằng nước giấm pha loãng

Bạn cũng có thể dùng nước giấm pha loãng để súc miệng. Chất gây ngứa là oxalat calci có thể bị trung hòa bằng acid. Vì vậy, bạn có thể dùng giấm gạo, giấm táo pha loãng với chút nước lọc để súc miệng và họng liên tục. Bạn không nên uống nước giấm vì chúng không tốt cho dạ dày. 

Sử dụng thuốc

Cảm giác ngứa rát sau khi ăn phải khoai ngứa có thể là một biểu hiện của dị ứng thức ăn. Trong trường hợp đã áp dụng tất cả những cách trên nhưng cảm giác ngứa rát không thuyên giảm đáng kể, bạn có thể uống các loại thuốc dị ứng không kê đơn. 

Một số loại có thể được dược sĩ gợi ý như nhóm thuốc kháng Loratadin, Clorpheniramin,… Chúng có tác dụng ức chế chất gây phản ứng ngứa, giúp dịu bớt cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

an-phai-khoai-ngua-4.jpg
Pha nước muối loãng để súc họng liên tục

Cách tránh ăn nhầm khoai ngứa

Để không ăn nhầm khoai ngứa, bạn nên biết cách phân biệt cây khoai ngứa và khoai môn, khoai sọ hay cây dọc mùng. Căn cứ dễ nhất là khoai ngứa là loài mọc hoang. Còn các loại cây còn lại đều được sử dụng làm thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, người dân mua giống và thường trồng thành luống ngoài ruộng, trong vườn. Để tránh ăn nhầm khoai ngứa, bạn không nên ăn những cây mọc hoang nhìn giống khoai sọ hay khoai môn.

Thân cây khoai ngứa thường mảnh hơn, lá và thân cây thường mỏng hơn và có màu xanh tươi hơn các loại khoai còn lại. Củ khoai ngứa nhỏ hơn, nhiều rễ hơn, cứng hơn và nhìn không “mỡ màng” như củ khoai sọ hay khoai môn. Khi nấu chín, củ khoai ngứa cũng không bở như khoai sọ.

So với các loại khoai khác, thân cây khoai ngứa có hàm lượng chất gây ngứa nhiều hơn. Nên có thể bạn sẽ cảm nhận được cảm giác ngứa dữ dội ở tay ngay sau khi tiếp xúc với nhựa cây. Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết rõ ràng để bạn tránh xa loài thực vật này.

an-phai-khoai-ngua-2.jpg
Cả cây và củ khoai ngứa đều khá giống khoai sọ nên dễ gây nhầm lẫn

Tóm lại, trường hợp ăn phải khoai ngứa có thể sẽ không quá nghiêm trọng, trường hợp người bị ngứa vẫn ăn uống và hô hấp bình thường chỉ cần tự theo dõi tại nhà. Đồng thời, thực hiện các cách trên để làm dịu niêm mạc miệng, giảm các triệu chứng sưng, tê miệng. Ngược lại, nếu thấy bị sưng nhiều ở miệng và lưỡi hay xuất hiện cảm giác khó thở, bạn nên tới ngay các cơ sở y tế gần nhất.

Xem thêm: Ăn khoai sọ bị ngứa họng phải làm sao?

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:ngứadị ứng