1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Áp xe phổi có nguy hiểm không​? Cách phòng ngừa biến chứng và di chứng

Thanh Hương

14/07/2025
Kích thước chữ

Áp xe phổi là một biến chứng hô hấp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường bị nhầm lẫn với viêm phổi thông thường, khiến nhiều người chủ quan. Vậy áp xe phổi có nguy hiểm không​ và cần theo dõi, điều trị thế nào để giảm nguy cơ biến chứng?

Nhiều người khi nhận được chẩn đoán áp xe phổi thường cảm thấy hoang mang vì không rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thực tế, áp xe phổi có thể dẫn đến hoại tử mô, nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn mà không gặp phải di chứng. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc áp xe phổi có nguy hiểm không​ và cần làm gì để giảm nguy cơ biến chứng?

Áp xe phổi có nguy hiểm không?

Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng khu trú trong nhu mô phổi, tạo thành ổ mủ có thành bao quanh do mô phổi bị hoại tử. Đây là một biến chứng nặng của viêm phổi, thường do vi khuẩn sinh mủ gây ra. Cần khẳng định áp xe phổi là tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ biến chứng và để lại di chứng cao nếu không điều trị kịp thời.

Nguy cơ biến chứng khi bị áp xe phổi

Khi ổ mủ hình thành trong nhu mô phổi có thể gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh như:

  • Vỡ ổ mủ, khiến dịch mủ tràn vào khoang màng phổi, gây viêm màng phổi mủ, bệnh nhân cảm thấy rất đau đớn, khó thở.
  • Nhiễm trùng lan vào máu, dẫn đến nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn, gây tổn thương đa cơ quan.
  • Khi tổn thương lan rộng, phổi mất chức năng trao đổi khí có thể dẫn đến suy hô hấp cấp.
  • Vi khuẩn gây áp xe phổi có thể kháng thuốc nếu dùng sai kháng sinh hoặc tự ý điều trị. Điều này sẽ khiến việc điều trị khó khăn hơn, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng nguy cơ tử vong.
Áp xe phổi có nguy hiểm không​? Cách phòng ngừa biến chứng và di chứng 1
Áp xe phổi có nguy hiểm không là thông tin nhiều người muốn biết

Nguy cơ di chứng sau khi bị áp xe phổi

Nếu việc điều trị bị trì hoãn, bệnh tái đi tái lại nhiều lần, hoặc người bệnh có sức đề kháng yếu, nguy cơ để lại di chứng sẽ cao hơn. Một trong những di chứng thường gặp là xơ hóa phổi, xảy ra khi mô phổi bị tổn thương nghiêm trọng và dần dần được thay thế bằng mô sẹo. Điều này khiến phổi mất đi tính đàn hồi và giảm khả năng trao đổi khí, dẫn đến khó thở mãn tính.

Một số người có thể bị giãn phế quản sau áp xe, biểu hiện bằng ho kéo dài, khạc đờm nhiều, nhất là vào buổi sáng. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu kéo dài mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp tái phát.

Trong những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể gặp di chứng giảm thông khí mãn tính. Khi đó phổi không thể đưa đủ oxy vào máu hoặc thải hết CO₂ ra ngoài. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài của người bệnh, đặc biệt nếu họ có bệnh nền như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc tim mạch.

Áp xe phổi có nguy hiểm không​? Cách phòng ngừa biến chứng và di chứng 2
Áp xe phổi tiềm ẩn nguy cơ biến chứng và di chứng nguy hiểm

Ai dễ gặp biến chứng và di chứng nặng khi bị áp xe phổi?

Áp xe phổi có nguy hiểm không? Câu trả lời là có nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thực tế, không phải ai mắc áp xe phổi cũng đều gặp biến chứng, nhưng có một số nhóm người có nguy cơ tiến triển nặng cao hơn như:

  • Người lớn tuổi và người có bệnh nền mạn tính như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim hoặc ung thư là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Hệ miễn dịch suy yếu cùng với khả năng phục hồi chậm khiến họ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và khó kiểm soát áp xe.
  • Người nghiện rượu, hút thuốc lá lâu năm cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao. Rượu làm giảm phản xạ ho và tăng nguy cơ hít phải dị vật, còn thuốc lá gây tổn thương phổi mạn tính, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây áp xe nặng hơn.
  • Người từng mắc viêm phổi nhưng không điều trị dứt điểm hoặc tự ý ngưng kháng sinh giữa chừng cũng dễ gặp biến chứng áp xe. Vi khuẩn còn sót lại có thể tiếp tục nhân lên, phá hủy nhu mô phổi và hình thành ổ mủ sâu.
  • Những người có hệ miễn dịch suy giảm, như bệnh nhân HIV/AIDS hoặc người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng hoặc điều trị ung thư, cũng rất dễ bị biến chứng nặng vì cơ thể không đủ sức chống lại vi khuẩn.
Áp xe phổi có nguy hiểm không​? Cách phòng ngừa biến chứng và di chứng 3
Một số đối tượng có thể gặp biến chứng nghiêm trọng hơn khi bị áp xe phổi

Cách phát hiện và điều trị phòng biến chứng nguy hiểm

Với những thông tin trên đây, có lẽ bạn đã biết áp xe phổi có nguy hiểm không. Và dưới đây là những cách để phát hiện và điều trị, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của áp xe phổi:

Nhận diện sớm các dấu hiệu áp xe phổi

Để ngăn chặn biến chứng nặng do áp xe phổi, điều quan trọng là người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở đường hô hấp như:

  • Ho khạc đờm mủ hôi, có thể lẫn máu;
  • Sốt cao, rét run, đổ mồ hôi đêm;
  • Đau tức ngực, mệt mỏi, sút cân nhanh;
  • Khó thở tăng dần, đặc biệt là khi nằm.

Ngay khi có biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được chụp X-quang hoặc chụp CT phổi, kết hợp xét nghiệm máu - đờm để xác định ổ áp xe và mức độ tổn thương phổi.

Điều trị nội khoa sớm

Phác đồ điều trị áp xe phổi của Bộ Y tế cho hầu hết các trường hợp là dùng kháng sinh. Thời gian tiêm kéo dài ít nhất 3 - 4 tuần, tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng. Kháng sinh phổ rộng được bắt đầu tĩnh mạch nhưng có thể chuyển sang đường uống sớm nếu tiến triển tốt. Clindamycin hiện chỉ dùng cho bệnh nhân dị ứng penicillin vì rủi ro nhiễm Clostridioides difficile. Loại kháng sinh sẽ được lựa chọn dựa trên kết quả cấy vi khuẩn hoặc theo kinh nghiệm điều trị của bác sĩ. Trong trường hợp ổ áp xe lớn, đáp ứng kém với thuốc, bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu ổ mủ qua da dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT. Thủ thuật này giúp giảm áp lực do mủ tích tụ trong phổi, giúp thuốc phát huy hiệu quả tốt hơn.

Áp xe phổi có nguy hiểm không​? Cách phòng ngừa biến chứng và di chứng 4
Việc phát hiện sớm áp xe phổi và điều trị đúng cách vô cùng quan trọng

Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi thật sự cần thiết, như khi ổ áp xe không đáp ứng điều trị nội khoa, có nguy cơ vỡ vào màng phổi hoặc phế quản. Áp xe lan rộng, gây hoại tử mô phổi cũng là trường hợp cần cân nhắc phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ buộc phải cắt bỏ một phần nhu mô phổi bị hỏng nếu có kèm tổn thương phổi không hồi phục. Trên thực tế, chỉ khoảng 5 - 10% trường hợp áp xe phổi cần can thiệp ngoại khoa khi điều trị nội khoa hoặc dẫn lưu thất bại. Nếu được phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ, đa số bệnh nhân hồi phục tốt mà không cần phẫu thuật.

Áp xe phổi có nguy hiểm không​? Áp xe phổi tuy không phổ biến nhưng là bệnh lý nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nhận biết sớm triệu chứng, tuân thủ đúng phác đồ điều trị, cũng như duy trì lối sống lành mạnh là những yếu tố then chốt giúp giảm thiểu biến chứng và di chứng về sau. Hãy chủ động đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về hô hấp để bảo vệ sức khỏe lá phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:áp xeviêm phổi