Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bạn đã biết phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp chưa?

Ngày 21/09/2023
Kích thước chữ

Loãng xương và thoái hóa khớp là những vấn đề sức khỏe mà rất nhiều người gặp phải, đặc biệt là những người trung niên và người cao tuổi. Vậy bạn đã biết phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp chưa?

Loãng xương và thoái hóa khớp là các vấn đề về xương, khớp phổ biến và gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Chúng sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là trong nhóm tuổi trung niên và cao tuổi.

Trong khi loãng xương là do sự sụt giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ gãy xương thì thoái hóa khớp lại gây đau và sưng ở các khớp, làm giảm độ linh hoạt và hạn chế khả năng vận động. Cả hai tình trạng này đều có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về hai căn bệnh này thông qua bài viết dưới đây.

Phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp 

Loãng xương, thoái hóa khớp là các vấn đề về xương, khớp vô cùng phổ biến. Tuy nhiên thực tế lại có không ít người nhầm lẫn, thậm chí hiểu sai về chúng. Dưới đây là một số điểm khác biệt cơ bản giữa loãng xương và thoái hóa khớp mà các bạn có thể tham khảo để hiểu hơn về chúng.

Bản chất:

  • Loãng xương (Osteoporosis): Đây là một tình trạng trong đó mật độ xương giảm, làm cho xương trở nên dễ gãy.
  • Thoái hóa khớp (Osteoarthritis): Đây là tình trạng khi mặt khớp bị mòn dần, dẫn đến đau và hạn chế vận động.
Bạn đã biết phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp chưa? 1
Loãng xương và thoái hóa khớp là những vấn đề sức khỏe mà nhiều người gặp phải

Nguyên nhân:

  • Loãng xương: Nguyên nhân chính là do sự mất cân bằng giữa việc tạo ra và phá hủy tế bào xương, cụ thể là khi các tế bào xương mới được tạo ra ít hơn nhiều so với các tế bào bị mất đi. Loãng xương sẽ xuất hiện rõ rết khi tuổi tác tăng hoặc do tình trạng hormone thay đổi (như trong quá trình mãn kinh). 
  • Thoái hóa khớp: Nguyên nhân chính có thể do tuổi tác, chấn thương hoặc vấn động quá mức một khớp nào đó hoặc yếu tố di truyền.

Triệu chứng:

  • Loãng xương: Ban đầu loãng xương có thể không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng khi bệnh tiến triển, có thể xuất hiện đau ở xương, chiều cao giảm, hoặc gãy xương dễ xảy ra.
  • Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp có những biểu hiện rất rõ rệt như đau khớp, sưng khớp, viêm khớp, cứng khớp hay thậm chí là giảm khả năng vận động của khớp.

Cách điều trị:

  • Loãng xương: Các biện pháp điều trị loãng xương bao gồm việc dùng thuốc, bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể và tập luyện thể dục đều đặn.
  • Thoái hóa khớp: Phương pháp điều trị thoái hóa khớp sẽ nhằm giảm đau và cải thiện chức năng khớp. Các biện pháp có thể bao gồm dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, tập luyện thể dục và thậm chí trong một số trường hợp có thể cần phẫu thuật.

Bổ sung dinh dưỡng để phòng tránh loãng xương và thoái hóa khớp

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương và khớp. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị loãng xương và thoái hóa khớp hiệu quả. Dưới đây là những lưu ý cần biết để xây dựng một chế độ dinh dưỡng toàn diện mà các bạn có thể tham khảo:

  • Tăng cường canxi và vitamin D: Canxi là yếu tố quan trọng giúp xây dựng và duy trì mật độ xương, trong khi vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi được tối ưu hơn. Hãy bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm giàu canxi như sữa, chế phẩm từ sữa, cá hồi, hàu và rau củ màu xanh… Vitamin D có thể được bổ sung từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay qua các loại thực phẩm như cá béo và trứng….
  • Các thực phẩm hỗ trợ sức khỏe xương và khớp: Omega-3 (có trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ), curcumin (có trong nghệ), collagen... đều là các chất dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe xương, khớp.
  • Tránh các thực phẩm có thể gây hại cho xương và khớp: Caffeine, muối, đường và thực phẩm chứa chất phụ gia có thể tăng nguy cơ mất mát canxi từ xương. Vì vậy, việc giảm tiêu thụ các thực phẩm có chứa các chất này cũng có thể hỗ trợ giảm loãng xương và bảo vệ khớp hiệu quả hơn.
Bạn đã biết phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp chưa? 2
Bổ sung dinh dưỡng toàn diện giúp phòng ngừa loãng xương và thoái hóa khớp

Kết hợp chế độ ăn lành mạnh với việc duy trì cân nặng lý tưởng có thể giúp chúng ta tối ưu hóa sức khỏe xương, khớp, đồng thời ngăn ngừa loãng xương và thoái hóa khớp hiệu quả hơn.

Xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa loãng xương và thoái hóa khớp

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, các yếu tố như môi trường và thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng có thể tác động lớn đến sức khỏe xương và khớp. Để phòng tránh loãng xương và thoái hóa khớp, các bạn cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Tránh hút thuốc và tiêu thụ rượu, bia quá mức: Cả hai thói quen này đều có thể gây hại cho xương và khớp. Hút thuốc làm giảm lưu thông máu tới các khớp và tăng nguy cơ giảm mật độ xương. Trong khi đó rượu quá mức có thể ảnh hưởng đến cân bằng canxi và giảm khả năng hấp thụ canxi, dẫn tới thiếu canxi.
  • Vận động thường xuyên: Vận động thường xuyên sẽ giúp tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương và cải thiện độ linh hoạt của khớp. Điều này cũng giúp giảm đau khớp, tăng sức mạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy ưu tiên tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, và yoga có thể giúp tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt mà không gây quá nhiều áp lực lên xương và khớp. Các bài tập tăng cường khác như nâng tạ nhẹ cũng giúp tăng mật độ xương và sức mạnh cơ bắp.
  • Giảm trọng lượng cơ thể nếu cần: Trọng lượng cơ thể quá lớn hay thừa cân, béo phì có thể tạo áp lực lên xương và khớp, đặc biệt là khớp gối và xương chậu. Giảm cân thông qua chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục có thể giảm thiểu áp lực này và giúp phòng tránh thoái hóa khớp hiệu quả hơn.
Bạn đã biết phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp chưa? 3
Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe xương, khớp

Xây dựng một lối sống và sinh hoạt lành mạnh không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc loãng xương và thoái hóa khớp mà còn giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh áp dụng biện pháp phòng tránh, việc kiểm tra và theo dõi sức khỏe định kỳ cũng chính là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe xương, khớp. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm bệnh, từ đó có thể can thiệp và điều trị kịp thời, nâng cao khả năng hồi phục.

Loãng xương và thoái hóa khớp là những vấn đề sức khỏe rất thường gặp, đặc biệt ở tuổi trung niên và cao tuổi. Những tác động từ môi trường, lối sống và chế độ dinh dưỡng đều có thể là biện pháp phòng ngừa hoặc là tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, thông qua những chia sẻ trên của chúng tôi, hy vọng các bạn đã có thêm những kiến thức bổ ích để có thể bảo vệ sức khỏe xương khớp của bản thân và những người xung quanh.

Xem thêm:

Truyền dịch loãng xương có tốt không?

Triệu chứng thường gặp ở loãng xương độ 2

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm