Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bật mí các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà hiệu quả

Ngày 19/03/2023
Kích thước chữ

Cảm giác ho ngứa cổ họng là vấn đề thường gặp trong thời tiết thay đổi tại Việt Nam. Thay vì sử dụng thuốc ngay lập tức, bạn có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên để giảm ho ngứa cổ họng một cách an toàn và hiệu quả.

Với những lợi ích trên, bài viết sẽ giới thiệu đến bạn đọc các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà dễ làm và vô cùng hiệu quả. Nếu bạn đang gặp tình trạng ho ngứa cổ họng, đừng bỏ qua những thông tin hữu ích dưới đây! 

Tại sao ho lại kèm theo ngứa cổ họng?

Ho là dạng phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ đờm, chất gây dị ứng hoặc dịch tiết hô hấp. Thông thường, cơn ho liên quan đến các rối loạn trong hệ thống hô hấp hoặc trong cơ thể.

Có nhiều loại bệnh ho, bao gồm ho gà, ho khan, ho mất tiếng, ho có đờm, ho cấp tính hoặc mãn tính. Triệu chứng ho thường đi kèm với nhiều biểu hiện khác của cơ thể, chẳng hạn như ngứa cổ họng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến triệu chứng ho kèm theo ngứa cổ họng, ví dụ như:

  • Viêm nhiễm đường hô hấp: Viêm nhiễm đường hô hấp được xem là nguyên nhân chính gây ra triệu chứng ho đi kèm với ngứa và đau rát cổ họng. Các bệnh lý như cảm lạnh, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản... thường là nguyên nhân của triệu chứng này.
  • Dị ứng và hệ miễn dịch: Ho kèm theo ngứa và khó chịu ở cổ họng thường là triệu chứng đặc trưng của tình trạng dị ứng. Các dị nguyên như dị ứng thời tiết, dị ứng thực phẩm, phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi hoặc lông thú có thể gây kích thích niêm mạc hô hấp, gây viêm nhẹ và kích thích phản ứng ho để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng.
  • Lạm dụng giọng nói: Lạm dụng giọng nói có thể gây ho kèm theo ngứa cổ họng. Nói và la hét quá mức khiến cổ họng và dây thanh quản phải chịu áp lực, gây kích thích và sưng viêm.
  • Môi trường ô nhiễm: Môi trường sống ô nhiễm, chứa kim loại nặng, hàm lượng bụi mịn cao... có thể kích thích niêm mạc hô hấp và gây triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi và ngứa cổ họng.
  • Các nguyên nhân khác: Ho kèm theo ngứa cổ họng có thể do uống quá nhiều rượu bia, thói quen hút thuốc lá, ăn thực phẩm cay nóng, trào ngược dạ dày thực quản.

Bật mí các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà hiệu quả 1

Ho ngứa cổ họng gây khó chịu

Ho ngứa cổ họng kéo dài gây hậu quả gì?

Nhiều người vẫn chủ quan với triệu chứng ngứa họng, ho khan và không chủ động điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến quá lâu, có thể gây ra nhiều hậu quả và nguy cơ biến chứng như:

  • Suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh, gồm khó ăn uống, khó nói chuyện, khó ngủ, khó tập trung làm việc.
  • Mệt mỏi, uể oải, không đủ năng lượng để hoàn thành công việc.
  • Vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, ợ hơi, suy nhược cơ thể, sụt cân nhanh chóng.
  • Nguy cơ mắc ung thư vòm họng tăng lên do các tác nhân gây bệnh tấn công tế bào niêm mạc cổ họng liên tục.
  • Nhiễm khuẩn phổi hoặc viêm phổi do vi khuẩn, virus đi theo đường thở xuống phổi.
  • Tổn thương dây thanh quản dẫn đến đổi giọng hoặc đau dây thanh quản.
  • Tăng huyết áp và nguy cơ vỡ mạch máu ở kết mạc.

Do đó, nếu có triệu chứng ngứa họng bạn có thể áp dụng các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà. Tuy nhiên nếu ho khan kéo dài, tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, người bệnh nên chủ động đi khám và điều trị kịp thời để tránh những tình trạng biến chứng nghiêm trọng.

Các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Súc họng với nước muối

Khi cảm thấy ngứa cổ họng, bạn có thể súc miệng với nước muối ấm để làm sạch cổ họng và loại bỏ các vi sinh vật hoặc vật thể gây ngứa cổ họng. Bạn có thể pha nửa thìa cà phê muối tinh vào 240ml nước ấm, ngậm một ngụm nước muối, ngửa cổ họng để nước muối giữ trong khoảng 10 giây rồi nhổ ra. Nên súc miệng với nước muối 2 - 3 lần/ngày, đặc biệt là vào buổi sáng để giúp cải thiện triệu chứng ngứa họng và ho khan.

Bật mí các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà hiệu quả 2

Súc họng bằng nước muối giảm ho ngứa cổ họng

Sử dụng tỏi sống

Tỏi không chỉ là một loại gia vị được sử dụng thường xuyên trong các món ăn mà còn được coi là một loại thuốc trong Đông y. Với hương vị đặc trưng, tính ấm, tỏi có tác dụng giúp cơ thể ấm áp, thanh lọc độc tố, kháng viêm, kháng khuẩn, tiêu viêm và giảm ho hiệu quả.

Theo các nghiên cứu khoa học, tỏi còn chứa nhiều hoạt chất như allicin, ajoene, diallyl sulfide có tác dụng giảm đau và rát cổ họng, tăng cường sức đề kháng và giúp giảm viêm tự nhiên.

Có thể sử dụng tỏi theo các cách sau:

  • Cách 1: Lấy vài tép tỏi, đập dập, bóc vỏ, ngậm trong 5 - 10 phút để làm dịu cổ họng và giảm cơn ho ngứa.
  • Cách 2: Lấy một cốc sữa nóng, đập dập tỏi và cho vào sữa, chờ đến khi còn hơi ấm, uống từ từ để làm sạch vùng họng.
  • Cách 3: Bóc vỏ tỏi, thái lát mỏng và đem đắp lên lòng bàn chân, có thể dùng gạc y tế quấn lại để qua đêm, rửa sạch lại bằng nước ấm vào sáng hôm sau.

Sử dụng cam thảo

Trong y học cổ truyền Đông y, cam thảo được coi là vị thuốc có tính vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí, giải độc, hóa đàm, nhuận phế, giảm co thắt cơ trơn và trị ho hiệu quả. Theo kinh nghiệm của dân gian, ta có thể sử dụng trà cam thảo để giúp loãng đờm, giảm sát khí trong đường hô hấp, làm ấm, dịu cổ họng nhanh chóng.

Cách thực hiện:

  • Lấy khoảng 4 - 20g bột cam thảo hòa với nước ấm.
  • Nếu muốn tăng tác dụng, bạn có thể thêm một ít nước chanh.
  • Uống trà 2 lần mỗi ngày cho đến khi cổ họng hết đau rát.

Sử dụng nghệ

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng nghệ có thể giảm sưng viêm niêm mạc hô hấp và các triệu chứng khó chịu như ho, ngứa ngáy và vướng nghẹn ở cổ họng.

Ngoài ra, nghệ còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch và ức chế các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp.

Bạn có thể chuẩn bị nước uống bằng cách hòa 1 thìa cà phê bột nghệ vào 200ml nước ấm, sau đó thêm vào 3 thìa cà phê mật ong và khuấy đều. Hoặc nếu không có bột nghệ, bạn có thể sử dụng nghệ tươi bằng cách giã và vắt lấy nước để uống. Hãy uống trực tiếp khi nước còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.

Uống trà gừng mật ong

Ngứa cổ họng và ho khan có thể do niêm mạc họng bị khô nứt hoặc tổn thương gây ra. Để giảm các triệu chứng này, có thể sử dụng mật ong và gừng - hai loại thảo dược có tính ấm, kháng khuẩn và chống viêm tốt, đặc biệt phù hợp cho bệnh nhân bị tổn thương niêm mạc họng. Bạn có thể pha trà gừng với mật ong và chanh để giảm ngứa họng và ho như sau:

  • Pha 1 thìa mật ong nguyên chất với nước ấm.
  • Sau đó vắt 2 lát chanh vào cốc nước mật ong.
  • Rửa sạch, bào mỏng gừng, cho vào cốc nước mật ong.
  • Khuấy đều hỗn hợp và uống khi còn ấm. Pha dùng 2 - 3 lần/ngày.

Lưu ý: Không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì chúng có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện và có nguy cơ bị ngộ độc.

Bật mí các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà hiệu quảTrị ho bằng gừng kết hợp mật ong

Uống nước chanh ấm

Một trong những mẹo dân gian đơn giản và hiệu quả để giảm ho ngứa cổ họng là uống nước chanh ấm. Điều này cũng rất an toàn và dễ thực hiện.

Chanh là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, có khả năng chống oxy hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch. Do đó, nó có thể giúp hỗ trợ cơ thể đối phó với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả cảm cúm, cảm lạnh và viêm họng, các bệnh lý thường gây ho và ngứa cổ họng.

Ngoài ra, chanh còn chứa lượng acid citric đáng kể, giúp làm loãng đờm và loại bỏ các chất kích thích trong cổ họng. Điều này có thể giảm tình trạng ho khan và ho có đờm, đồng thời thúc đẩy tổn thương niêm mạc chóng lành.

Các biện pháp hỗ trợ giảm cơn ho ngứa cổ họng

Để giảm cơn ho ngứa cổ họng và phòng tránh tái phát bệnh, người bệnh cần tuân thủ các biện pháp chăm sóc cơ thể như sau:

  • Uống đủ lượng nước ấm và tắm bằng nước ấm để giữ ấm cơ thể.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng, ngực, bàn tay và bàn chân vào mùa lạnh.
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh tiếp xúc với khói bụi và môi trường ô nhiễm.
  • Kiểm soát nhiệt độ trong nhà ở mức 25 - 27 độ C để tránh tăng hoặc giảm quá nhiệt độ.
  • Ngâm chân với nước muối pha loãng, rửa sạch, lau khô và đi tất chân trước khi đi ngủ để giữ ấm cho bàn chân.
  • Hạn chế thói quen hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya và làm việc quá độ.
  • Nên hạn chế các loại thức ăn chứa ăn nhiều dầu mỡ, cay, nóng hoặc quá lạnh để tránh kích thích cổ họng.
  • Rèn luyện thân thể bằng những bài tập thể dục phù hợp như đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội trong ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Trên đây là các cách trị và hỗ trợ giảm cơn ho ngứa cổ họng. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn ứng dụng trị ho ngứa cổ họng ngay tại nhà đơn giản và hiệu quả.

Xem thêm: 

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin