Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Bật mí các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ không phải ai cũng biết

Ngày 22/08/2024
Kích thước chữ

Muốn biết cơ thể trẻ có đang phát triển khoẻ mạnh hay không, cha mẹ có thể căn cứ vào các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ. Vậy các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ bao gồm những chỉ số nào? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có được câu trả lời chi tiết nhất bạn nhé.

Các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ bao gồm những chỉ số nào vẫn luôn là nỗi băn khoăn của không ít các bậc cha mẹ. Việc nắm được các chỉ số này giúp cha mẹ đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất của trẻ từ đó có các biện pháp chăm sóc trẻ tốt hơn. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến chủ đề này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.

Các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ

Khác với người lớn, trẻ em là một cơ thể đang phát triển và để đánh giá sự phát triển của trẻ, cha mẹ có thể dựa vào nhiều chỉ số khác nhau. Vậy đâu là các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ?

Theo các chuyên gia, để đánh giá sự phát triển của trẻ, cha mẹ có thể dựa vào việc theo dõi sự phát triển về cân nặng, chiều cao, chu vi các vòng cơ thể. Trong đó, cân nặng và chiều cao của trẻ là 2 chỉ số quan trọng nhất.

Chỉ số phát triển cân nặng

Cân nặng của trẻ mới sinh sẽ dao động trong khoảng từ 2,8 - 3kg. Trong năm đầu, trọng lượng của trẻ sẽ tăng rất nhanh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng;

  • Trong 6 tháng đầu, mỗi tháng trẻ sẽ tăng khoảng 700g, đặc biệt trong 2 tháng đầu, trung bình mỗi tháng trẻ có thể tăng được từ 1200 - 1400g.
  • Trong 6 tháng sau, trung bình mỗi tháng trẻ sẽ tăng được khoảng 250g.

Sau 1 tuổi, cân nặng của trẻ có xu hướng tăng chậm hơn, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,5kg. Cân nặng của trẻ lúc này có thể tính gần đúng theo công thức P = 9kg + 1,5kg x (N - 1). Trong đó:

  • P là cân nặng của trẻ trên 1 tuổi tính bằng đơn vị kg.
  • 9kg là trọng lượng của trẻ 1 tuổi.
  • 1,5kg là trọng lượng tăng thêm mỗi năm.
  • N là số tuổi của trẻ.

Đối với trẻ trên 10 tuổi, cân nặng của trẻ tăng nhanh hơn, mỗi năm tăng thêm trung bình khoảng 4kg. Theo đó, cân nặng của trẻ trên 10 tuổi có thể tính gần đúng theo công thức P = 21kg + 4kg x (N - 10). Trong đó:

  • P là cân nặng của trẻ trên 10 tuổi tính bằng đơn vị kg.
  • 21kg là trọng lượng của trẻ 10 tuổi.
  • 4kg là trọng lượng tăng thêm mỗi năm.
  • N là số tuổi của trẻ.
Bật mí các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ không phải ai cũng biết 1
Cân nặng là một trong các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ

Chỉ số phát triển chiều cao

Chiều cao trung bình của trẻ mới sinh khoảng 48 - 50cm. Trong năm đầu, chiều cao của trẻ tăng thêm được khoảng 24 - 25cm. Theo đó, chiều cao của trẻ 12 tháng tuổi trung bình khoảng 75cm.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tốc độ tăng chiều cao của trẻ theo quý. Cụ thể:

  • Quý 1: Tăng được 3,5cm/tháng;
  • Quý 2: Tăng được 2cm/tháng;
  • Quý 3: Tăng được 1,5cm/tháng;
  • Quý 4: Tăng được 1cm/tháng.

Sau 1 tuổi, chiều cao của trẻ không tăng đều trong các năm. Chiều cao của trẻ tăng nhanh tới 6 - 10cm/năm trong các giai đoạn trẻ được 1 - 2 tuổi, 6 - 7 tuổi và tuổi dậy thì. Ngược lại, chiều cao của trẻ tăng rất chậm, được khoảng 3 - 5cm trong giai đoạn trẻ từ 8 - 12 tuổi.

Như vậy, trung bình mỗi năm trẻ tăng thêm được khoảng 5cm. Bé trai đạt được chiều cao tối đa vào tuổi 20 - 25 còn bé gái thì đạt chiều cao tối đa sớm hơn, cụ thể là vào tuổi 10 - 20.

Theo đó, chiều cao của trẻ trên 1 tuổi có thể được tính theo công thức H = 75 + 5 x (N - 1). Trong đó:

  • H là chiều cao của trẻ trên 1 tuổi tính bằng đơn vị cm.
  • N là số tuổi của trẻ.
  • 75cm là chiều cao của trẻ lúc 1 tuổi.
  • 5cm là chiều cao tăng thêm mỗi năm.
Bật mí các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ không phải ai cũng biết 2
Chiều cao cũng là một trong các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ 

Chu vi các vòng cơ thể

Để đánh giá sự phát triển của trẻ, bên cạnh chiều cao và cân nặng, cha mẹ có thể căn cứ vào chu vi các vòng cơ thể bao gồm chu vi vòng đầu, vòng ngực và vòng cánh tay. Cụ thể:

  • Chu vi vòng đầu: Trong năm đầu, khi còn thóp trước, vòng đầu của trẻ phát triển rất nhanh. Các năm về sau, chu vi vòng đầu tăng rất chậm, nhất là khi thóp trước đã đóng kín. Chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh dao động trong khoảng từ 32 - 34cm.
  • Chu vi vòng ngực: Đối với trẻ mới sinh, vòng ngực của trẻ nhỏ hơn vòng đầu khoảng 1 - 2cm. Theo đó, trẻ sơ sinh có chu vi vòng ngực trung bình khoảng 32cm. Khi trẻ được 6 tháng - 1 tuổi, chu vi vòng ngực bằng chu vi vòng đầu. Trong những năm sau đó, vòng ngực phát triển nhanh vượt xa chu vi vòng đầu.
  • Chu vi vòng cánh tay: Trong năm đầu, vòng cánh tay của trẻ phát triển rất nhanh song đến giai đoạn trẻ từ 1 - 5 tuổi, vòng cánh tay phát triển rất chậm. Theo các chuyên gia, căn cứ vào chu vi vòng cánh tay có thể phát hiện được tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em từ 1 - 5 tuổi. Cụ thể, chu vi vòng cánh tay của trẻ phát triển bình thường là trên 14cm, nếu dưới 14 cm thì trẻ có thể bị suy dinh dưỡng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Sự phát triển của trẻ có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thể kể đến một số yếu tố như:

  • Trẻ sinh đủ tháng hay thiếu tháng hay già tháng: Với những trẻ đẻ non, trẻ sinh thiếu tháng, cân nặng của trẻ sẽ ít hơn cân nặng của trẻ sinh đủ tháng. Ngược lại, nếu trẻ sinh già tháng thì cân nặng của trẻ sẽ có thể lớn hơn cân nặng trung bình của trẻ mới sinh đủ tháng.
  • Sức khoẻ của mẹ bầu: Việc mẹ bầu không được chăm sóc tốt, không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong thai kỳ có thể khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Ngược lại, nếu mẹ tăng cân quá nhiều hoặc mắc tiểu đường thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể sẽ nặng cân hơn mức cân trung bình của trẻ mới sinh.
  • Giới tính: Bé trai mới sinh thường có chiều cao và cân nặng cao hơn một chút so với bé gái.
  • Nội tiết tố: Trẻ bị mất cân bằng hormone trong cơ thể, chẳng hạn như lượng hormone tăng trưởng thấp thì trẻ có nguy cơ cao bị chậm phát triển.
  • Di truyền: Các yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn như trẻ mắc các hội chứng di truyền như Turner, Noona, Down… sẽ có thể trạng không tốt bằng những đứa trẻ bình thường khác.
  • Các vấn đề sức khỏe: Trẻ đang gặp phải các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống cũng như sự hấp thu dưỡng chất. Hậu quả là trẻ chậm phát triển về chiều cao và cân nặng hơn so với những đứa trẻ khỏe mạnh.
  • Ngoài ra, khí hậu và môi trường sống cũng là yếu tố ngoại sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Bật mí các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ không phải ai cũng biết 3
Chế độ dinh dưỡng không đủ chất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ

Phải làm sao khi chiều cao và cân nặng của trẻ không đạt chuẩn?

Thực tế cho thấy, mỗi trẻ sẽ có những cột mốc phát triển khác nhau. Chính vì thế nếu nhận thấy chiều cao và cân nặng của trẻ không đạt chuẩn, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Thay vì lo lắng, cha mẹ có thể:

  • Xem xét, cân nhắc thay đổi và cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ sao cho khoa học và lành mạnh.
  • Tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi cũng như sức khỏe của trẻ.
  • Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ vào một thời điểm nhất định của tuần/tháng để đánh giá chính xác sự phát triển của trẻ.
  • Bên cạnh đó, cha mẹ có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để được thăm khám và tư vấn kỹ càng. Tại đây qua thăm khám, bác sĩ sẽ giúp cha mẹ đánh giá chính xác sự phát triển của bé, tìm ra nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển từ đó đưa ra cho cha mẹ lời khuyên cũng như các hướng xử trí phù hợp để tránh ảnh hưởng sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Bật mí các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ không phải ai cũng biết 4
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để thăm khám nếu thấy trẻ chậm phát triển 

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề chăm sóc sức khỏe trẻ em. Hy vọng, với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ nắm được các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ từ đó có các biện pháp chăm sóc trẻ tốt hơn. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào về chủ đề hôm nay, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết để được giải đáp bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin