Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bầu bị nóng cổ có nguy hiểm không? Cách khắc phục như thế nào?

Ngày 17/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Không ít bà bầu bị nóng cổ, làm ảnh hưởng đến việc ăn uống hằng ngày cũng như gây mệt mỏi, khó chịu kéo dài. Tại sao lại có hiện tượng này và cách khắc phục ra sao? Dưới đây là thông tin được bác sĩ sản khoa cung cấp.

Làm thế nào để khắc phục tình trạng bà bầu bị nóng cổ vừa đảm bảo an toàn cho người mẹ và thai nhi vừa mang lại hiệu quả cao là câu hỏi không ít người đặt ra. Trong bài viết dưới đây, Long Châu sẽ lý giải rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó phân tích cụ thể về ảnh hưởng, các yếu tố nguy cơ và nêu ra các giải pháp điều trị phù hợp.

Bầu bị nóng cổ là hiện tượng gì?

Thực tế, tình trạng bà bầu bị nóng cổ không phải quá hiếm gặp, phổ biến hơn cả ở giai đoạn đầu mang thai, sau khi thai nhi được khoảng 27 tuần hoặc ở những tuần cuối thai kỳ. Bà bầu sẽ có cảm giác bị nóng, khó chịu bắt đầu từ vùng mỏm ức lan lên cổ, kèm theo đó là tình trạng đau tức ở ngực. Ngoài ra, các biểu hiện kèm theo có thể xuất hiện như ợ chua, đầy bụng, khó chịu, chán ăn, mệt mỏi,...

Bầu bị nóng cổ - Làm sao để khắc phục nhanh 1
Bà bầu bị nóng cổ không phải là tình trạng hiếm gặp

Mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào biểu hiện ở mỗi người cũng như một vài thời điểm nhất định, thông thường là sẽ xuất hiện ngay sau khi ăn. Có người chỉ xảy ra hiện tượng này trong một thời gian ngắn nhưng cũng có người bị kéo dài trong nhiều tháng. Cũng không hẳn bà bầu nào cũng gặp tình trạng này. 

Các bác sĩ sản khoa cho rằng một số mẹ bầu bị ợ nóng khi mang thai thường có tiền sử nóng cổ, ợ chua, có gan nhiễm mỡ, đang gặp các vấn đề về dạ dày, thực quản hoặc bà bầu thường xuyên bị táo bón, khó tiêu, ăn uống không khoa học.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị nóng cổ?

Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bà bầu bị nóng cổ được các bác sĩ chỉ ra như sau:

  • Dạ dày bị kích thích: Khi người phụ nữ mang thai, nội tiết tố thay đổi, dạ dày sẽ khó tiêu hơn, axit trong dịch vị dạ dày kích thích niêm mạc dạ dày và thực quản, gây cảm giác nóng rát trong cổ và ợ nóng.
  • Thay đổi hormone khi mang thai: Hormone progesterone trong cơ thể bà bầu hoạt động như một chất làm giãn cơ, trong đó có việc giãn cơ vòng dưới thực quản làm cho axit bị trào ngược, gây cảm giác nóng ở cổ họng.
  • Sự chèn ép của thai nhi: Khi thai nhi phát triển với kích thước lớn hơn sẽ gây chèn ép dạ dày và cơ thắt thực quản dưới, làm tăng khả năng axit bị đẩy lên thực quản.
  • Trào ngược dạ dày: Nhiều bà bầu bị trào ngược dạ dày do cơ thắt tâm vị bị giãn, làm rối loạn dịch vị dạ dày cũng khiến dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản.

Với một số nguyên nhân trên có thể thấy mặc dù bà bầu bị nóng cổ là biểu hiện khá thường gặp nhưng đôi khi cũng cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bà bầu cũng không nên chủ quan. Khi thấy khó chịu nhiều hoặc có các dấu hiệu nghiêm trọng như nuốt khó, thường xuyên đầy bụng, sút cân, gầy yếu, đau bụng bất thường, thấy yếu cơ vùng hầu họng,… thì nên sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Bầu bị nóng cổ - Làm sao để khắc phục nhanh 2
Một số bệnh lý về dạ dày có thể là nguyên nhân gây nóng cổ khi mang thai

Khắc phục tình trạng bà bầu bị nóng cổ như thế nào?

Dưới đây là một số giải pháp khắc phục tình trạng bà bầu bị nóng cổ được các bác sĩ sản khoa gợi ý:

Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt

Đây là giải pháp an toàn, đơn giản và dễ thực hiện nhất mà các bà bầu có thể áp dụng ngay tại nhà để sớm cải thiện tình trạng này. Các nguyên tắc trong ăn uống, sinh hoạt bà bầu cần lưu ý bao gồm:

  • Tránh những thực phẩm kích thích hệ tiêu hóa: Một số thức uống có ga, rượu, chứa caffein, sôcôla, mù tạt, giấm, đồ chế biến sẵn, thực phẩm cay, chứa nhiều gia vị, chiên nhiều dầu mỡ,… được khuyến cáo không nên sử dụng để tránh bị nóng cổ.
  • Không ăn quả chua lúc đói: Các loại quả có vị chua nếu ăn vào lúc đói sẽ có hại cho dạ dày của các bà bầu.
  • Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Thay vì ăn quá no vào bữa chính, bà bầu có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, lưu ý ăn thật chậm và nhai kỹ tiêu hóa dễ hơn.
  • Có thể nhai kẹo cao su sau khi ăn: Kẹo cao su được cho rằng có thể kích thích tuyến nước bọt tiết nước bọt để trung hòa bớt axit, giúp giảm cảm giác nóng cổ, ợ chua khi mang thai.
  • Không ăn sát giờ đi ngủ: Cơ thể luôn cần từ 2 - 3 giờ để tiêu hóa hết thức ăn, vì thế, bà bầu không nên ăn quá sát giờ đi ngủ, tránh việc tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa, dẫn đến trào ngược.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý: Tăng trọng lượng cơ thể một cách khỏe mạnh, đồng thời duy trì cân nặng ổn định theo khuyến cáo của bác sĩ cũng là cách giảm nóng cổ, ợ nóng cho bà bầu.
Bầu bị nóng cổ - Làm sao để khắc phục nhanh 3
Điều chỉnh chế độ ăn uống là giải pháp giúp cải thiện chứng nóng cổ ở bà bầu

Áp dụng các giải pháp từ thiên nhiên

Trường hợp bà bầu bị nóng cổ không quá thường xuyên và không kéo dài, không có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm thì có thể áp dụng các giải pháp giảm triệu chứng từ các nguyên liệu tự nhiên như sau:

  • Dùng nha đam và mật ong: Bà bầu có thể pha nha đam và mật ong với nước ấm uống vào buổi sáng vừa để đào thải độc tố trong cơ thể vừa làm dịu cổ và dạ dày rất tốt.
  • Dùng nghệ và sữa chua: Nghệ chứa tinh chất curumin có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn tốt, khắc phục hiệu quả các vấn đề ở dạ dày. Trong khi đó, sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn giúp kích thích tiêu hóa. Kết hợp hai nguyên liệu này với nhau sẽ ngăn ngừa được rối loạn tiêu hóa khi mang thai, tránh bị nóng cổ.

Dùng giải pháp can thiệp của y tế

Nếu các phương pháp tự nhiên nêu trên không có tác dụng đối với bà bầu bị nóng cổ và tình trạng có chiều hướng ngày càng nặng hơn thì bà bầu nên đến các cơ sở chuyên khoa và cần phải có sự can thiệp của y tế. Việc thăm khám sẽ xác định được chính xác nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc có tác dụng ức chế sự bài tiết acid dịch dạ dày.

Tuy nhiên, các bà bầu cần đặc biệt lưu ý việc sử dụng thuốc khắc phục tình trạng nóng cổ cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua hoặc uống khi chưa có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.

Bầu bị nóng cổ - Làm sao để khắc phục nhanh 4
Trường hợp bà bầu cảm thấy khó chịu nhiều thì cần giải pháp can thiệp của y tế

Với những thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bà bầu bị nóng cổ, nêu rõ nguyên nhân và các giải pháp khắc phục thường được áp dụng hiện nay. Tuy không quá nghiêm trọng nhưng hiện tượng này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ăn uống nói riêng và sức khỏe bà bầu nói chung. Do đó, nếu không thấy thuyên giảm, bà bầu cần được thăm khám càng sớm càng tốt. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm