Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Hạt Koplik - Dấu hiệu đặc trưng bệnh sởi mà ai cũng nên biết

Ngày 09/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với nhiều triệu chứng như sốt, ho, mắt đỏ, chảy nước mũi,... Đặc biệt, nội ban hay hạt Koplik chính là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Vậy để biết hạt Koplik là hạt như thế nào, đặc điểm nhận dạng ra sao thì cùng đọc bài viết sau nhé!

Thông thường, những đối tượng dễ mắc bệnh sởi là trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch yếu. Bệnh dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não,... thậm chí là tử vong.

Trước khi tìm hiểu về hạt Koplik - một trong những dấu hiệu đặc trưng giúp chúng ta nhận biết bệnh sởi thì hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này đã nhé!

Bệnh sởi là bệnh gì?

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm và lây qua đường không khí do virus sởi gây ra. Virus này thuộc họ Paramyxoviridae, có dạng hình cầu với đường kính khoảng 120 - 250 nm. Chúng có sức chịu đựng kém và dễ bị diệt bởi các thuốc khử trùng thông thường hoặc ánh nắng mặt trời hay sức nóng có nhiệt độ từ khoảng 56 độ C.

Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, hay gặp ở những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt,...

Hạt Koplik - Dấu hiệu đặc trưng bệnh sởi mà ai cũng nên biết 1
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm và lây qua đường không khí do virus sởi gây ra

Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ khoảng 12 - 15 ngày, có một số trường hợp có thể lên tới 20 ngày. Thời gian mà bệnh dễ lây truyền nhất là trong khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho tới 4 - 5 ngày sau khi phát ban. Trong đó thì 4 ngày trước phát ban là lúc mà bệnh lây truyền mạnh mẽ nhất vì người bệnh có thể đang không biết là mình đã mắc bệnh và sinh hoạt, tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh.

Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, với tỉ lệ khoảng 90% người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ có nguy cơ lây bệnh sởi nếu chưa được tiêm phòng. Những đường lây nhiễm chính của bệnh bao gồm:

  • Qua đường hô hấp: Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của người bệnh, vậy nên có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi các vết đỏ xuất hiện.
  • Lây trực tiếp khi bệnh nhân hắt hơi, nói chuyện, ho: Khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện, ho thì những giọt nước nhỏ có chứa siêu vi sẽ bắn ra trong không khí. Lúc này, người hít vào có thể bị lây bệnh. Không chỉ vậy, những giọt nước bắn ra có thể rơi xuống một vật thể nào đó như mặt bàn, điện thoại, ghế,... người không mắc bệnh sờ vào những nơi này rồi đưa tay lên miệng, mũi đều có khả năng bị lây bệnh.
  • Lây gián tiếp: Đối với trường hợp này thì ít gặp hơn bởi virus sởi dễ bị tiêu diệt ở ngoại cảnh.

Có rất nhiều dấu hiệu nhận biết bệnh sởi, có thể kể đến như: Sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, nổi ban hay hạt Koplik,... Diễn biến ở từng giai đoạn bệnh đó là:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Từ khoảng 7 - 21 ngày, trung bình là 10 ngày.
  • Giai đoạn khởi phát bệnh (giai đoạn viêm long) khoảng 2 - 4 ngày: Bệnh nhân bị viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, sốt cao, có các hạt Koplik phía trong miệng ngang hàm trên.
  • Giai đoạn toàn phát 2 - 5 ngày: Sau sốt từ 3 - 4 ngày, người bệnh phát ban từ sau tai, từ trán xuống ngực, lưng và tới đùi, bàn chân.
  • Giai đoạn hồi phục: Các ban sẽ nhạt màu và chuyển sang màu xám, sau đó bong vảy để lại các vết thâm hay vằn hổ trên da rồi mất dần.

Trong các dấu hiệu thì nổi ban hay hạt Koplik chính là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi, do đó nếu nhìn thấy được hạt Koplik thì gần như các bác sĩ có thể kết luận được bệnh nhân đang mắc bệnh sởi. Vậy nên nếu chúng ta nắm bắt được dấu hiệu này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc phát hiện bệnh sớm để có thể đi thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng không mong muốn xảy tới. Để biết hạt Koplik như thế nào thì cùng xem tiếp phần dưới đây nhé!

Đặc điểm nhận dạng hạt Koplik - Đặc trưng của bệnh sởi

Hạt Koplik là một đặc trưng của bệnh sởi, đặc điểm nhận dạng hạt này đó là chúng thường có màu trắng hoặc hơi trắng như hạt cát, kích thước nhỏ như đầu đinh ghim. Chúng có thể xuất hiện từ vài nốt đến vài chục hay vài trăm nốt ngay tại niêm mạc má (phần phía trong miệng, ngang răng hàm).

Xung quanh các hạt Koplik ở niêm mạc má thường có sung huyết. Hạt này xuất hiện và biến mất nhanh chóng trong vòng khoảng từ 12 - 24 giờ.

Hạt Koplik - Dấu hiệu đặc trưng bệnh sởi mà ai cũng nên biết 2
Hạt Koplik thường có màu trắng, xung quanh các hạt Koplik ở niêm mạc má thường có sung huyết

Sau khi hạt Koplik lặn thì sẽ diễn ra tình trạng phát ban. Đầu tiên, chỉ là những đốm nhỏ màu đỏ, ban sởi thường có dạng sần và nổi gồ lên trên bề mặt da, các nốt ban sẽ xuất hiện riêng lẻ hoặc thành từng cụm. Sau đó, ban sẽ nổi ở sau tai, trái và lan rộng ra những vùng khác trên cơ thể.

Có thể thấy, dấu hiệu hạt Koplik rất dễ nhận biết, vậy nên nếu thấy những hạt này nổi trong khoang miệng, bạn nên đến các trung tâm y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán có mắc bệnh sởi hay không hoặc có đang mắc các bệnh lý khác không. Bởi bệnh sởi tuy có thể điều trị nhưng nếu không phát hiện và chữa bệnh sớm thì cũng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Một số biến chứng của bệnh sởi

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà những ai chưa có miễn dịch bệnh này đều có thể mắc phải, nhất là ở trẻ em. Hơn 90% người có độ tuổi dưới 20 đã bị mắc bệnh sởi, đặc biệt là ở trong độ tuổi trước khi tiêm chủng.

Nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách thì có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng ở đường hô hấp: Viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phế quản phổi.
  • Biến chứng thần kinh: Viêm màng não, viêm não, viêm tủy cấp.
  • Biến chứng ở đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng.
  • Biến chứng ở tai, mũi và họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai xương chũm, viêm tai.
Hạt Koplik - Dấu hiệu đặc trưng bệnh sởi mà ai cũng nên biết 3
Một số biến chứng của bệnh sởi có thể kể đến như viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phế quản phổi

Nếu như bạn đang mong muốn phòng tránh bệnh sởi, hãy chú ý cách ly và hạn chế tiếp xúc với những ai đang nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh. Trong trường hợp đã tiếp xúc với người bệnh sởi thì nên rửa tay và sát khuẩn thật sạch sẽ. Đồng thời, luôn giữ gìn vệ sinh ở nơi ở, nơi làm việc. Trong trường hợp bùng phát dịch sởi, chúng ta nên hạn chế tới những nơi đông người.

Một trong những cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất đó chính là tiêm phòng vắc xin sởi. Với trẻ sơ sinh đã được nhận kháng thể miễn dịch từ mẹ truyền qua nhau thai thì sẽ có khả năng miễn dịch với bệnh đến 6 tháng tuổi, một số trường hợp có thể giữ kháng thể đến 9 tháng tuổi. Bắt đầu từ tháng thứ 9 trở đi thì trẻ cần được tiêm vắc xin sởi để phòng tránh bệnh. Vào lúc trẻ đủ 9 tháng tuổi sẽ được tiêm hai mũi vắc xin sởi và tiêm nhắc lại khi đủ 18 tháng tuổi. Khi đã được tiêm mũi thứ 1 thì trẻ sẽ có khả năng miễn dịch với bệnh từ khoảng 80 - 85%. Sau khi tiêm xong mũi thứ 2 thì tăng lên từ 90 - 95%.

Hạt Koplik - Dấu hiệu đặc trưng bệnh sởi mà ai cũng nên biết 4
Một trong những cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất đó chính là tiêm phòng vắc xin

Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh sởi và nắm được các dấu hiệu nhận biết hạt Koplik - đặc trưng của bệnh này. Để qua đó có thể nhận biết bệnh một cách kịp thời, thăm khám sớm và được chẩn đoán cũng như điều trị đúng cách, hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin