Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa

Ngày 21/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh còi xương nhưng nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vitamin D hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D. Bệnh còi xương có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào kể cả tuổi thiếu niên. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả và cách phòng chống bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên nhé!

Còi xương ở tuổi thiếu niên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, hậu quả cũng như cách phòng chống bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên.

Bệnh còi xương là gì?

Bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên là một dạng loạn dưỡng xương của người trong độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi. Bệnh xảy ra do cơ thể không hấp thu đủ hàm lượng vitamin D và/hoặc những khoáng chất cần thiết khác như canxi, phốt pho,... Bệnh đặc trưng bởi tình trạng chậm phát triển chiều cao, xương yếu và mềm, yếu ớt, vận động không linh hoạt, có thể xảy ra tình trạng dị dạng xương, răng mọc không đều và dễ hư hỏng.

Nguyên nhân bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên

Có nhiều nguyên nhân bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên, tuy nhiên một số lý do phổ biến dẫn đến bệnh lý này như:

Thiếu vitamin D và khoáng chất

Chế độ ăn uống thiếu khoa học có thể gây ra tình trạng thiếu vitamin D và các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của hệ xương, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh còi xương.

Vitamin D là một nhóm các secosteroid tan được trong chất béo, đóng vai trò tăng khả năng hấp thu canxi và phốt pho ở đường ruột. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sự thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ gãy xương lên đến 31%, những bệnh nhân thiếu vitamin D có cấu trúc xương già và giòn hơn. Ngoài ra, xương được cấu tạo từ một phần muối canxi, đặc biệt là muối canxi photphat. Lượng canxi photphat này giúp xương chắc khỏe hơn.

benh-coi-xuong-o-tuoi-thieu-nien-nguyen-nhan-hau-qua-va-cach-phong-chong 1.jpg
Bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên xảy ra do cơ thể không hấp thu đủ hàm lượng vitamin D

Chính vì vậy, trong độ tuổi cơ thể đang phát triển mà cơ thể thiếu vitamin cụ thể là vitamin D và khoáng chất thì xương sẽ trở nên mềm yếu, dẫn đến bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên.

Di truyền

Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân gây bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên. Theo thống kê, nếu gia đình có người thân bị còi xương thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với bình thường.

Mắc một số bệnh lý nguy hiểm

Một số bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ bị còi xương ở tuổi thiếu niên như:

  • Bệnh celiac khiến đường ruột kém hấp thu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng;
  • Bệnh viêm ruột cũng khiến hạn chế hấp thu dinh dưỡng, tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D và canxi;
  • Bệnh xơ nang tăng nguy cơ còi xương khi bước vào độ tuổi thiếu niên;
  • Các vấn đề về thận ảnh hưởng đến việc đào thải độc tố của cơ thể, vì vậy cơ thể kém hấp thu, tăng nguy cơ mắc bệnh còi xương.

Xây dựng chế độ sinh hoạt không hợp lý

Hiện nay, trẻ có xu hướng lười vận động, thường xuyên thức đêm, ngủ không đủ giấc,... khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển thể chất của trẻ, đặc biệt gây ra tình trạng còi xương.

benh-coi-xuong-o-tuoi-thieu-nien-nguyen-nhan-hau-qua-va-cach-phong-chong 2.png
Thường xuyên thức đêm, ngủ không đủ giấc khiến cơ thể mệt mỏi ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển thể chất của trẻ

Bị ảnh hưởng bởi thuốc

Đối với một số loại thuốc như thuốc kháng virus hay thuốc chống động kinh gây ra một số tác dụng phụ khiến cơ thể bị hạn chế hấp thu. Điều này dẫn đến xương không nhận đủ canxi, phốt pho, vitamin D gây ra tình trạng xương chậm phát triển, yếu ớt.

Hậu quả của bệnh còi xương

Bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên không chỉ ảnh hưởng đến hình dáng bên ngoài mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời. Một số hậu quả do bệnh còi xương gây ra như:

  • Động kinh;
  • Dị tật về xương;
  • Khiếm khuyết nha khoa;
  • Cong cột sống bất thường;
  • Chậm phát triển chiều cao;
  • Di truyền cho con cái;
  • Chức năng hô hấp bị hạn chế;
  • Nguy cơ mắc bệnh loãng xương ở tuổi trưởng thành cao.

Một số cách phòng ngừa bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên

Cách phòng chống bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên luôn là mối quan tâm của các bậc cha mẹ. Để chủ động trong việc phòng chống bệnh, cha mẹ cần chú ý các vấn đề sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé: Chế độ dinh dưỡng của bé nên đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, phốt pho, vitamin D, vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm nhằm giúp cơ thể bé không bị thiếu hụt dinh dưỡng, ngăn ngừa bệnh còi xương.
  • Tạo cho bé có thói quen tắm nắng hàng ngày: Ánh nắng chiếu lên da giúp da sản sinh ra vitamin D, hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi và phốt pho của cơ thể. Từ đó giúp xương khỏe mạnh. Bên cạnh đó, ánh nắng chiếu lên da còn giúp các mạch máu dưới da giãn nở, máu huyết lưu thông, tăng cường sức đề kháng cho da.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh: Bạn nên tạo cho trẻ thói quen ngủ sớm, dậy sớm, ngủ đủ giấc. Điều này hỗ trợ tiết ra các hormone tăng trưởng trong cơ thể để phát triển chiều cao tối đa. Ngoài ra, bạn cần thường xuyên cùng trẻ luyện tập thể dục thể thao để cải thiện độ chắc khỏe của xương, tăng sự linh hoạt của trẻ và cải thiện chức năng vận động.
benh-coi-xuong-o-tuoi-thieu-nien-nguyen-nhan-hau-qua-va-cach-phong-chong 3.jpg
Chế độ dinh dưỡng của bé nên đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng để ngăn ngừa bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên

Trên đây là toàn bộ thông về bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên. Hy vọng qua bài viết trên, các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn nguyên nhân, hậu quả và cách phòng chống bệnh cho trẻ. Từ đó, có thể xây dựng kế hoạch để phòng chống bệnh còi xương ở tuổi thiếu niên, giúp con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm