Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh myasthenia gravis là gì? Cơ chế hình thành bệnh nhược cơ

Ngày 17/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh myasthenia gravis là gì? Dấu hiệu nhận biết và cơ chế hình thành bệnh ra sao? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh này trong bài viết chia sẻ dưới đây nhé!

Myasthenia gravis là bệnh nhược cơ, một căn bệnh tự miễn thường gặp. Việc nhận biết sớm các biểu hiện của bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc kiểm soát tình trạng bệnh và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế hình thành và triệu chứng của bệnh nhược cơ, cùng tìm hiểu ngay nhé!

Bệnh myasthenia gravis là gì?

Myasthenia gravis hay bệnh nhược cơ, là một căn bệnh tự miễn dịch dẫn đến rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh và cơ bắp. Điều này sẽ làm suy giảm chức năng hoạt động của hệ cơ, khiến sức cơ bị yếu dần, nặng hơn sau khi vận động hoặc vào cuối ngày. Mặc dù cấu trúc cơ và sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể vẫn bình thường nhưng người bệnh lại gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh thậm chí sẽ không thể nhấc tay lên.

Bệnh myasthenia gravis là gì? Cơ chế hình thành bệnh nhược cơ 3
Myasthenia Gravis (MG) là một rối loạn tự miễn dịch

Một số biểu hiện điển hình khi bị nhược cơ như sụp mi, cơ vận nhãn, cơ vùng cổ vai, cơ hô hấp (thở mệt) hoặc cơ hông. Khi bị bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể tự nhiên để chống lại quá trình gắn kết của acetylcholine (AChR) tại màng sau của synapse. Từ đó, làm giảm khả năng truyền tín hiệu thần kinh qua khe synapse với biểu hiện yếu cơ, nhược cơ hoặc liệt vận động.

Mặc dù bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ dưới 40 tuổi và trên 70 tuổi, cũng như ở nam giới trên 50 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh khoảng 5 trên 100.000 người. Bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ thường được nhập viện ở giai đoạn muộn, điều này dẫn đến suy hô hấp và thậm chí là tử vong.

Cơ chế hình thành bệnh myasthenia gravis

Thông thường, sự co cơ và vận động được điều khiển thông qua các xung động thần kinh xuất phát từ não bộ, truyền qua các đầu mút sợi thần kinh đến các điểm nối với màng tế bào (synap) nhờ vào chất dẫn truyền thần kinh là acetylcholin. Nhưng trong trường hợp mắc bệnh nhược cơ, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra một loại kháng thể tự nhiên để phá hủy các thụ thể nhận acetylcholin, làm cho acetylcholin không được vận chuyển đến các đầu phía sau của synapse. Từ đó, các xung động thần kinh sẽ không được dẫn truyền và các cơ không vận động được, gây ra hiện tượng yếu cơ, liệt cơ - đặc trưng của bệnh nhược cơ.

Bệnh myasthenia gravis là gì? Cơ chế hình thành bệnh nhược cơ 1
Các cơ bị ảnh hưởng đến bệnh nhược cơ thường là cơ vân

Các cơ bị ảnh hưởng đến bệnh nhược cơ thường là cơ vân, chi phối các vận động chủ động của cơ thể. Các nhóm cơ dễ bị ảnh hưởng nhất là cơ ở trên khuôn mặt, mắt, tay chân, cơ điều khiển hành động nói chuyện, nhai nuốt,... Ngoài ra, các cơ hô hấp cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Biện pháp chẩn đoán bệnh nhược cơ

Để chẩn đoán bệnh nhược cơ, các chuyên gia thần kinh sẽ đánh giá dựa trên các triệu chứng và toàn bộ tiền căn bệnh lý kết hợp với việc thăm khám lâm sàng. Trong đó, các bác sĩ sẽ tập trung vào việc kiểm tra thần kinh, bao gồm việc kiểm ra phản xạ, sức mạnh của cơ bắp, cảm giác xúc giác và thị giác cũng như khả năng giữ thăng bằng và phối hợp với các động tác toàn thân.

Các phương pháp và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhược cơ bao gồm:

  • Nghiệm pháp edrophonium: Sau khi tiêm clorua edrophonium, nếu sức cơ đột ngột được cải thiện trong thời gian rất ngắn thì đó có thể là biểu hiện của nhược cơ. Clorua edrophonium sẽ làm chặn một loại enzyme phá hủy acetylcholine, chất truyền tín hiệu từ dây thần kinh đến các thụ thể cơ bắp.
  • Nghiệm pháp sử dụng nước đá: Nếu mí mắt bị sụp xuống, các bác sĩ có thể sử dụng một túi nước đá để đặt lên mí mắt trong khoảng 2 phút. Sau đó, lấy túi nước đá ra sẽ thấy triệu chứng sụp mi được cải thiện.
  • Xét nghiệm máu: Các kháng thể bất thường bám vào thụ thể thần kinh cơ thường sẽ xuất hiện trong máu.
  • Kích thích thần kinh lặp lại: Thủ thuật này nhằm nghiên cứu dẫn truyền thần kinh bằng cách gắn điện cực lên da ở các vùng cơ và gửi các xung điện với cường độ nhỏ lặp lại nhiều lần vào vùng cơ bắp được kiểm tra.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như CT hoặc MRI để kiểm tra sự tồn tại của khối u hoặc bất thường khác trong tuyến ức.
Bệnh myasthenia gravis là gì? Cơ chế hình thành bệnh nhược cơ 2
Các bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên các triệu chứng và toàn bộ tiền để chẩn đoán bệnh

Một số lời khuyên của bác sĩ dành cho bệnh nhân nhược cơ

Khi bị myasthenia gravis hay bệnh nhược cơ, người bệnh cần phải chú trọng đến các yếu tố có thể khiến bệnh trở nặng thêm để kiểm soát được quá trình phát triển của bệnh. Theo đó, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, có thể bổ sung kali từ chuối, đu đủ vì sự thiếu hụt kali rất dễ gây liệt cơ nặng.
  • Phòng ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm nha chu,... khi sử dụng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch.
  • Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc có thể làm yếu cơ như thuốc giãn cơ, thuốc an thần hoặc thuốc chống co giật.
  • Không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, bởi hầu hết các trường hợp xuất hiện cơn nhược cơ nặng hoặc biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh phải cấp cứu đều do người bệnh ngưng thuốc do thấy bệnh ổn định nên chủ quan hoặc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Tránh tình trạng căng thẳng thần kinh, ở trong môi trường có nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Không nên vận động hoặc làm việc với cường độ cao và liên tục.
  • Khi thấy các biểu hiện nhược cơ tiến triển nặng, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và có phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh myasthenia gravis (bệnh nhược cơ) có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt khi bệnh tiến triển nặng. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng không bình thường như yếu cơ, sụp mí, khó thở,... người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm